Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tất cả tín đồ thật của Đấng Christ đều là người rao truyền tin mừng

Tất cả tín đồ thật của Đấng Christ đều là người rao truyền tin mừng

Tất cả tín đồ thật của Đấng Christ đều là người rao truyền tin mừng

“Hãy hát-xướng cho Đức Giê-hô-va, và chúc-tụng danh Ngài; từng ngày hãy truyền ra sự cứu-rỗi của Ngài”.​—⁠THI-THIÊN 96:2.

1. Người ta cần biết tin mừng nào, và Nhân Chứng Giê-hô-va đã làm tốt việc rao truyền tin mừng này như thế nào?

TRONG một thế giới nơi mà thảm họa xảy ra hàng ngày, quả thật chúng ta được an ủi khi biết rằng chẳng bao lâu nữa chiến tranh, tội ác, đói kém và sự áp bức sẽ không còn, như Kinh Thánh đã báo trước. (Thi-thiên 46:9; 72:​3, 7, 8, 12, 16) Chẳng phải đó là tin mừng mà mọi người đều cần được biết sao? Vâng, đó là suy nghĩ của Nhân Chứng Giê-hô-va, và chính vì vậy họ được khắp nơi biết đến như những người rao “tin tốt về phước-lành”. (Ê-sai 52:7) Quyết tâm rao truyền tin mừng quả đã khiến nhiều Nhân Chứng bị ngược đãi, nhưng họ làm thế vì quan tâm đến lợi ích của người khác. Họ đã tạo được một danh tiếng tốt biết bao về lòng sốt sắng và kiên trì!

2. Lý do nào khiến Nhân Chứng Giê-hô-va tỏ lòng sốt sắng?

2 Sự sốt sắng của Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay cũng tương tự như lòng nhiệt thành của các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Tờ L’Osservatore Romano của Công Giáo La Mã đã bình luận chính xác về những tín đồ này như sau: “Ngay sau khi chịu phép rửa, các môn đệ Chúa Giê-su thời ban đầu đã xem việc rao truyền Phúc Âm là nghĩa vụ của họ. Phúc Âm được truyền miệng giữa những người nô lệ”. Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va, cũng như những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, lại sốt sắng đến thế? Trước hết, vì tin mừng họ rao truyền đến từ chính Đức Chúa Trời Giê-hô-va. Còn lý do nào quan trọng hơn để tỏ lòng sốt sắng? Qua công việc rao giảng, họ hưởng ứng lời của người viết Thi-thiên: “Hãy hát-xướng cho Đức Giê-hô-va, và chúc-tụng danh Ngài; từng ngày hãy truyền ra sự cứu-rỗi của Ngài”.​—⁠Thi-thiên 96:2.

3. (a) Lý do thứ hai khiến các Nhân Chứng sốt sắng là gì? (b) “Sự cứu-rỗi của [Đức Chúa Trời]” bao hàm những gì?

3 Lời của người viết Thi-thiên nhắc chúng ta nhớ đến lý do thứ hai khiến họ sốt sắng. Đó là vì thông điệp của họ mang tin cứu rỗi. Một số người hoạt động trong các lãnh vực y tế, xã hội, kinh tế, hay nhiều lãnh vực khác để cải thiện đời sống người đồng loại, và những nỗ lực đó đều thật đáng khen. Nhưng những gì con người có thể làm cho nhau thật hạn chế so với “sự cứu-rỗi của [Đức Chúa Trời]”. Qua Chúa Giê-su Christ, Đức Giê-hô-va sẽ cứu những người nhu mì thoát khỏi tội lỗi, bệnh tật và sự chết. Những người được cứu sẽ sống mãi mãi! (Giăng 3:​16, 36; Khải-huyền 21:​3, 4) Ngày nay, sự cứu rỗi là một trong những “công-việc lạ-lùng” mà tín đồ Đấng Christ thuật lại khi hưởng ứng lời mời này: “Hãy thuật sự vinh-hiển Ngài giữa các nước, truyền các công-việc lạ-lùng Ngài giữa các dân. Vì Đức Giê-hô-va rất lớn, đáng được ngợi-khen lắm lắm; Ngài đáng kính-sợ hơn hết các thần”.​—⁠Thi-thiên 96:​3, 4.

Gương mẫu của Thầy

4-6. (a) Nhân Chứng Giê-hô-va còn sốt sắng vì lý do thứ ba nào? (b) Chúa Giê-su đã tỏ ra sốt sắng như thế nào trong công việc rao truyền tin mừng?

4 Lý do thứ ba khiến Nhân Chứng Giê-hô-va sốt sắng là vì họ noi theo gương mẫu của Chúa Giê-su Christ. (1 Phi-e-rơ 2:​21) Con người hoàn toàn đó đã hết lòng đảm nhận nhiệm vụ “truyền giảng Phúc âm cho người hiền từ”. (Ê-sai 61:​1, Bản Diễn Ý; Lu-ca 4:​17-​21) Vì thế, ngài đã trở thành một người rao truyền tin mừng. Ngài đã đi khắp xứ Ga-li-lê và xứ Giu-đê để “công bố Phúc âm Nước Trời”. (Ma-thi-ơ 4:​23, BDÝ) Và vì biết rằng nhiều người sẽ hưởng ứng tin mừng đó, nên ngài đã nói với môn đồ: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình”.​—⁠Ma-thi-ơ 9:​37, 38.

5 Hòa hợp với lời cầu nguyện của mình, Chúa Giê-su đã huấn luyện người khác trở thành người rao truyền tin mừng. Đến lúc thích hợp, ngài sai các sứ đồ đi với lời căn dặn: “Khi đi đường, hãy rao-giảng rằng: Nước thiên-đàng gần rồi”. Việc lập ra các chương trình giúp giải quyết các vấn đề xã hội thời bấy giờ chẳng phải là thiết thực hơn sao? Hoặc tham gia chính trị để đấu tranh chống nạn tham nhũng đang lan tràn lúc đó? Không. Chúa Giê-su đã đặt một mẫu mực cho mọi người rao truyền tin mừng qua lời dặn dò các môn đồ: “Khi đi đường, hãy rao-giảng”.​—⁠Ma-thi-ơ 10:​5-7.

6 Sau đó, Chúa Giê-su sai một nhóm môn đồ khác đi loan báo: “Nước Đức Chúa Trời đến gần”. Khi họ trở về và báo cáo việc rao giảng thành công, Chúa Giê-su rất đỗi vui mừng và cầu nguyện: “Lạy Cha, là Chúa trời đất, tôi ngợi-khen Cha, vì Cha đã giấu những sự nầy với kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho trẻ nhỏ hay!” (Lu-ca 10:​1, 8, 9, 21) Các môn đồ Chúa Giê-su, vốn chỉ là những ngư dân và nông dân cần cù, hay những người thuộc tầng lớp đó, chẳng khác nào con trẻ khi sánh với các nhà lãnh đạo tôn giáo có trình độ học vấn cao trong nước họ. Nhưng chính những môn đồ đó lại là những người được đào tạo để loan báo tin vui mừng nhất trong tất cả mọi tin mừng.

7. Sau khi Chúa Giê-su lên trời, các môn đồ của ngài đã rao truyền tin mừng cho ai trước hết?

7 Sau khi Chúa Giê-su lên trời, các môn đồ của ngài vẫn tiếp tục rao truyền tin mừng về sự cứu rỗi. (Công-vụ 2:​21, 38-​40) Trước hết họ rao giảng cho những ai? Phải chăng họ đi đến những quốc gia chưa được biết về Đức Chúa Trời? Không, phạm vi hoạt động đầu tiên của họ là nước Y-sơ-ra-ên, một dân tộc đã biết Đức Giê-hô-va hơn 1.500 năm. Họ có quyền rao giảng trong một xứ mà từ lâu người ta đã thờ phượng Đức Giê-hô-va không? Có. Chúa Giê-su đã bảo họ: “Các ngươi sẽ​... làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất”. (Công-vụ 1:8) Dân Y-sơ-ra-ên cũng cần được nghe tin mừng như mọi dân tộc khác.

8. Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay noi theo các môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất như thế nào?

8 Tương tự như thế, ngày nay Nhân Chứng Giê-hô-va cũng rao giảng trên khắp đất. Họ hợp tác với vị thiên sứ mà Giăng nhìn thấy “mang một tin mừng vĩnh cửu để loan báo cho các người ở trên mặt đất, cho mọi dân, mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ và mọi nước”. (Khải-huyền 14:​6, Tòa Tổng Giám Mục) Trong năm 2001, họ đã hoạt động trong 235 xứ, kể cả một số nước thường được xem là theo đạo Đấng Christ. Phải chăng việc Nhân Chứng Giê-hô-va rao giảng tại những nơi đã có nhà thờ của các đạo xưng theo Đấng Christ là sai trái? Một số người đồng ý với quan điểm này, và thậm chí còn xem việc rao truyền tin mừng là “ăn cắp chiên”. Tuy nhiên, Nhân Chứng Giê-hô-va không quên cảm xúc của Chúa Giê-su đối với những người Do Thái khiêm nhường vào thời ngài. Mặc dù họ đã có một hệ thống thầy tế lễ, Chúa Giê-su vẫn không ngần ngại báo tin mừng cho họ. Ngài “động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. (Ma-thi-ơ 9:​36) Khi Nhân Chứng Giê-hô-va gặp những người khiêm nhường chưa biết về Đức Giê-hô-va và Nước Ngài, liệu họ có nên im lặng chỉ vì những người đó đã nằm trong một tôn giáo nào đó không? Theo gương của các sứ đồ Chúa Giê-su, chúng ta trả lời: “Không”. Tin mừng phải được giảng ra “khắp muôn dân”, không trừ ngoại lệ nào.​—⁠Mác 13:10.

Tất cả tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đều rao truyền tin mừng

9. Vào thế kỷ thứ nhất, những ai trong hội thánh tín đồ Đấng Christ đã tham gia vào công việc rao giảng?

9 Vào thế kỷ thứ nhất, những ai đã tham gia công việc rao giảng? Các bằng chứng cho thấy tất cả tín đồ Đấng Christ đều là người rao truyền tin mừng. Nhà văn W. S. Williams nhận xét: “Các bằng chứng nói chung đều cho thấy vào thuở sơ khai của Giáo Hội, mọi tín đồ Đấng Christ​... đều rao truyền phúc âm”. Kinh Thánh đã tường thuật về sự kiện xảy ra vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN như sau: “Hết thảy [đàn ông và đàn bà] đều được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, khởi-sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh-Linh cho mình nói”. Như vậy, những người rao truyền tin mừng gồm cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ, nô lệ lẫn người tự do. (Công-vụ 1:​14; 2:​1, 4, 17, 18; Giô-ên 2:​28, 29; Ga-la-ti 3:28) Khi sự bắt bớ buộc nhiều tín đồ Đấng Christ phải lánh khỏi Giê-ru-sa-lem, “tín đồ di tản khắp nơi, đi đâu cũng truyền bá Phúc âm”. (Công-vụ 8:​4, BDÝ) Tất cả “tín đồ di tản” đều rao truyền tin mừng, chứ không phải chỉ một vài người được bổ nhiệm.

10. Hai nhiệm vụ nào đã được hoàn tất trước khi hệ thống Do Thái bị hủy diệt?

10 Điều đó thật đã xảy ra trong suốt những năm thời ban đầu. Chúa Giê-su tiên tri: “Tin mừng nầy về Nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-​cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:​14, NW) Trong sự ứng nghiệm những lời này vào thế kỷ thứ nhất, tin mừng quả đã được rao giảng rộng rãi trước khi quân đội La Mã đến tiêu hủy hệ thống tôn giáo và chính trị của người Do Thái. (Cô-lô-se 1:​23) Ngoài ra, tất cả môn đồ của Chúa Giê-su còn tuân theo mệnh lệnh này của ngài: “Hãy đi đào tạo người từ các nước thành môn đồ, làm báp têm cho họ nhân danh Cha và Con và thánh linh, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20, NW) Khác với một số nhà truyền giáo hiện đại, các tín đồ thời ban đầu không đi khuyên giục người nhu mì đặt niềm tin nơi Chúa Giê-su rồi để mặc họ tự tìm cách thờ phượng thích hợp. Thay vì thế, họ dạy người khác trở thành môn đồ của Chúa Giê-su, tổ chức họ thành những hội thánh, và hướng dẫn họ cùng tham gia rao truyền tin mừng và đào tạo môn đồ. (Công-vụ 14:​21-23) Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng theo mẫu mực đó.

11. Ngày nay, ai đang công bố tin mừng tốt nhất cho nhân loại?

11 Noi theo gương mẫu của Phao-lô, Ba-na-ba, và những người khác vào thế kỷ thứ nhất, một số Nhân Chứng Giê-hô-va đã đến xứ khác làm giáo sĩ. Công việc của họ mang lại rất nhiều lợi ích, vì họ không tham gia vào việc chính trị, cũng không để bất kỳ điều gì khác khiến họ sao lãng nhiệm vụ rao truyền tin mừng. Họ chỉ vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su: “Khi đi đường, hãy rao-giảng”. Tuy nhiên, phần lớn Nhân Chứng Giê-hô-va không phải là giáo sĩ ở nước ngoài. Đa số họ đều đi làm kiếm sống hay đi học, và một số phải nuôi nấng con cái. Nhưng hết thảy Nhân Chứng đều chia sẻ với người khác về tin mừng mà họ đã được học biết. Cả già lẫn trẻ, nam lẫn nữ, tất cả đều hăng hái hưởng ứng lời thúc giục của Kinh Thánh: “Hãy rao giảng lời ngài, làm việc này một cách cấp bách bất luận gặp thời hay không gặp thời”. (2 Ti-mô-thê 4:2, NW) Như những người đi trước vào thế kỷ thứ nhất, họ tiếp tục “giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Ki-tô Giê-su”. (Công-vụ 5:​42, TTGM) Họ đang công bố tin mừng tốt nhất cho nhân loại.

Kêu gọi cải đạo hay rao truyền tin mừng?

12. Một số người có quan điểm nào về việc kêu gọi cải đạo?

12 Ngày nay, một số người cho rằng kêu gọi cải đạo là hành động nguy hại. Một tài liệu do Hội đồng Giáo hội Thế giới xuất bản thậm chí còn nói đến “tội kêu gọi cải đạo”. Tại sao? Tờ Catholic World Report viết: “Do sự phản đối liên tục của Giáo Hội Chính Thống, ‘việc kêu gọi cải đạo’ đã bị khoác cho ý niệm ép buộc cải đạo”.

13. Hãy nêu một số thí dụ về những hành động kêu gọi cải đạo nguy hại?

13 Việc kêu gọi cải đạo có thật sự nguy hại không? Có thể. Chúa Giê-su từng nói hành động kêu gọi cải đạo của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là có hại cho những người theo họ. (Ma-thi-ơ 23:15) Chắc chắn “ép buộc cải đạo” là sai. Chẳng hạn, theo sử gia Josephus, khi Yoan Hircanus, thuộc gia đình Ma-ca-bê, chinh phục người Y-đu-mê, ông đã “cho phép họ được tiếp tục ở lại xứ mình bao lâu họ còn chịu phép cắt bì và sẵn lòng giữ theo luật Do Thái”. Muốn sống dưới sự cai trị của người Do Thái, người Y-đu-mê phải đổi theo đạo Do Thái. Lịch sử cũng cho biết vào thế kỷ thứ tám CN, khi chinh phục những người Saxon ngoại giáo ở Bắc Âu, Charlemagne đã dùng vũ lực một cách dã man buộc họ cải đạo. * Nhưng sự cải đạo như thế của người Saxon và người Y-đu-mê liệu chân thành đến đâu? Thí dụ, vua Hê-rốt, người Y-đu-mê, đã chân thành đến độ nào với Luật Pháp Môi-se do Đức Chúa Trời soi dẫn khi ông tìm cách giết con trẻ Giê-su?​—⁠Ma-thi-ơ 2:​1-​18.

14. Một số giáo sĩ thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ đã khiến người ta cải đạo bằng cách nào?

14 Việc ép buộc cải đạo còn xảy ra ngày nay không? Theo một nghĩa nào đó, điều này vẫn tồn tại. Theo báo cáo, một số giáo sĩ thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ đã tặng học bổng du học cho những người chịu cải đạo, hoặc phát thực phẩm cho những người tị nạn nghèo đói nếu họ chịu nghe hết buổi lễ. Một hội nghị của các giám mục đạo Chính Thống vào năm 1992 đã đưa ra nhận xét như sau: “Đôi khi người ta dùng vật chất hoặc các hình thức bạo lực để kêu gọi cải đạo”.

15. Nhân Chứng Giê-hô-va có “kêu gọi cải đạo” theo nghĩa hiện đại của từ này không? Hãy giải thích.

15 Gây áp lực để khiến người ta thay đổi tôn giáo là điều sai lầm. Chắc chắn, Nhân Chứng Giê-hô-va không hành động như thế. * Vì vậy, họ không hề “kêu gọi cải đạo” theo nghĩa hiện đại của từ này. Thay vì thế, như các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, họ chỉ rao truyền tin mừng cho mọi người. Những người tình nguyện hưởng ứng được mời thu thập thêm sự hiểu biết bằng cách học Kinh Thánh. Họ vun trồng đức tin nơi Đức Chúa Trời và ý định của Ngài dựa trên căn bản vững chắc là sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh. Kết quả là họ bắt đầu kêu cầu danh Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, để được cứu. (Rô-ma 10:​13, 14, 17) Việc chấp nhận tin mừng hay không hoàn toàn là vấn đề lựa chọn cá nhân. Không hề có sự ép buộc nào. Nếu có, sự cải đạo sẽ trở thành vô nghĩa, vì Đức Chúa Trời chỉ chấp nhận sự thờ phượng xuất phát từ tấm lòng.​—⁠Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:​4, 5; 10:12.

Rao truyền tin mừng trong thời hiện đại

16. Công việc rao truyền tin mừng của Nhân Chứng Giê-hô-va đã gia tăng thế nào trong thời hiện đại?

16 Trong thời hiện đại, Ma-thi-ơ 24:14 còn ứng nghiệm trên qui mô lớn hơn với việc rao giảng tin mừng về Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va. Công cụ quan trọng của họ là tạp chí Tháp Canh. * Vào năm 1879, khi những số Tháp Canh đầu tiên mới được phát hành, tạp chí này chỉ được xuất bản trong một thứ tiếng, với tổng số phát hành khoảng 6.000 cuốn. Nhưng hơn 122 năm sau, vào năm 2001, tổng số phát hành của tạp chí này đã lên đến 23.042.000 cuốn trong 141 thứ tiếng. Song song với sự gia tăng đó là sự phát triển trong hoạt động rao truyền tin mừng của Nhân Chứng Giê-hô-va. Hãy thử so sánh vài ngàn giờ thánh chức mỗi năm vào thế kỷ 19 với 1.169.082.225 giờ trong năm 2001. Trung bình mỗi tháng họ hướng dẫn 4.921.702 nhóm học hỏi Kinh Thánh miễn phí. Quả là một thành tích lớn lao về việc tốt lành! Tất cả đều do 6.117.666 người tích cực rao giảng Nước Trời thực hiện.

17. (a) Những loại thần giả nào đang được tôn thờ ngày nay? (b) Mọi người, bất kể ngôn ngữ, quốc tịch, hay địa vị xã hội đều cần biết điều gì?

17 Người viết Thi-thiên nói: “Những thần của các dân đều là hình-tượng [“hư ảo”, TTGM]; còn Đức Giê-hô-va đã dựng-nên các từng trời”. (Thi-thiên 96:5) Trong thế gian ngày nay, chủ nghĩa quốc gia, các biểu tượng quốc gia, những nhân vật nổi tiếng, vật chất và sự giàu sang đã trở thành những thần tượng. (Ma-thi-ơ 6:​24; Ê-phê-sô 5:5; Cô-lô-se 3:5) Ông Mohandas K. Gandhi từng nói: “Tôi tin chắc rằng​... Châu Âu ngày nay chỉ còn là tín đồ Đấng Christ trên danh nghĩa, thật ra họ đang thờ Ma-môn [của cải]”. Sự thật là mọi nơi đều cần được nghe tin mừng. Tất cả mọi người, bất kể ngôn ngữ, quốc tịch, hay địa vị xã hội đều cần được biết về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài. Chúng ta mong sao mọi người đều sẽ hưởng ứng lời của người viết Thi-thiên: “Đáng tôn vinh-hiển và năng-lực cho Đức Giê-hô-va. Hãy tôn-vinh xứng-đáng cho danh Đức Giê-hô-va”! (Thi-thiên 96:​7, 8) Nhân Chứng Giê-hô-va giúp người khác học biết về Đức Giê-hô-va để họ có thể tôn vinh Ngài một cách xứng đáng. Những ai hưởng ứng được rất nhiều lợi ích. Đó là những lợi ích nào? Những điều này sẽ được thảo luận trong bài tiếp theo.

[Chú thích]

^ đ. 13 Theo The Catholic Encyclopedia (Bách Khoa Tự Điển Công Giáo), trong suốt thời kỳ Phong Trào Cải Cách Tôn Giáo, người ta thường dùng câu tục ngữ La tinh sau để mô tả việc dùng vũ lực áp đặt tôn giáo lên một dân tộc: Cuius regio, illius et religio (có nghĩa là: “Kẻ thống trị quyết định tôn giáo”).

^ đ. 15 Tại một cuộc họp của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ được tổ chức vào ngày 16-11-2000, một thành viên tham dự đã nêu rõ sự khác biệt giữa hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va với những người tìm cách buộc người ta cải đạo. Ông nhận xét rằng khi Nhân Chứng Giê-hô-va rao giảng cho người khác, phương thức của họ cho phép người ta có thể nói “Tôi không muốn nghe” và đóng cửa lại.

^ đ. 16 Tên đầy đủ của tạp chí này là Tháp Canh Thông Báo Nước của Đức Giê-hô-va.

Bạn có thể giải thích không?

• Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va sốt sắng rao truyền tin mừng?

• Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va lại rao giảng cả những nơi đã có nhà thờ của các đạo xưng theo Đấng Christ?

• Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không phải là “người kêu gọi cải đạo” theo nghĩa hiện đại của từ này?

• Công việc rao truyền tin mừng của Nhân Chứng Giê-hô-va đã phát triển thế nào trong thời hiện đại?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 9]

Chúa Giê-su là người sốt sắng rao truyền tin mừng và ngài cũng huấn luyện người khác tham gia công việc đó

[Hình nơi trang 10]

Vào thế kỷ thứ nhất, tất cả mọi người trong hội thánh đều tham gia rao truyền tin mừng

[Hình nơi trang 11]

Buộc người khác thay đổi tôn giáo là điều sai lầm