Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trưởng lão—Hãy huấn luyện người khác gánh vác trách nhiệm

Trưởng lão—Hãy huấn luyện người khác gánh vác trách nhiệm

Trưởng lão​—⁠Hãy huấn luyện người khác gánh vác trách nhiệm

TRONG hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới, chúng ta rất cần những người nam có khả năng phục vụ trong cương vị giám thị. Có ba lý do chính cho sự kiện này.

Thứ nhất, Đức Giê-hô-va đang làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài là làm cho “kẻ rất hèn-yếu sẽ trở nên một dân mạnh”. (Ê-sai 60:22) Nhờ ân điển của Ngài, trong ba năm qua, gần một triệu môn đồ mới đã làm báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Cần những người có tinh thần trách nhiệm để giúp những người mới báp têm này tiến tới sự thành thục của tín đồ Đấng Christ.—⁠Hê-bơ-rơ 6:⁠1.

Thứ hai, một số người đã làm trưởng lão trong nhiều thập niên nay buộc lòng phải giảm bớt một số trách nhiệm trong hội thánh vì lý do tuổi cao hoặc sức khỏe kém.

Thứ ba, một số trưởng lão sốt sắng hiện là thành viên của các Ủy Ban Liên Lạc Bệnh Viện, Ủy Ban Xây Cất Vùng, hoặc Ủy Ban Phòng Hội Nghị. Trong một số trường hợp, họ đã phải giữ thăng bằng nên buộc lòng từ bỏ một số trách nhiệm của họ trong hội thánh địa phương.

Làm sao có thể đáp ứng nhu cầu cấp bách để có thêm người có đủ khả năng? Yếu tố chính là huấn luyện. Kinh Thánh khuyến khích các giám thị tín đồ Đấng Christ huấn luyện “mấy người trung-thành, cũng có tài dạy-dỗ kẻ khác”. (2 Ti-mô-thê 2:2) Theo một từ điển, động từ “huấn luyện” có nghĩa là dạy một người trở thành có năng lực, đủ điều kiện hoặc thành thạo. Chúng ta hãy xem xét làm sao trưởng lão có thể huấn luyện người khác trở thành người có đủ khả năng.

Hãy noi gương Đức Giê-hô-va

Chúa Giê-su Christ chắc chắn có năng lực, đủ điều kiện và thành thạo trong công việc của ngài​—⁠và không có gì đáng ngạc nhiên! Ngài được chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời huấn luyện. Những yếu tố nào đã làm cho chương trình huấn luyện này có hiệu quả đến thế? Chúa Giê-su đề cập đến ba yếu tố, như được ghi nơi Giăng 5:20: “Cha [1] yêu Con và [2] tỏ cho mọi điều Cha làm; Cha sẽ tỏ cho Con [3] công-việc lớn-lao hơn những việc nầy nữa”. (Chúng tôi viết nghiêng). Xem xét từng yếu tố này sẽ giúp thông hiểu đề tài huấn luyện.

Hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su trước hết nói: “Cha yêu Con”. Từ đầu buổi sáng thế, đã có sự gắn bó nồng ấm giữa Đức Giê-hô-va và Con Ngài. Châm-ngôn 8:30 làm sáng tỏ mối liên hệ đó: “Thì ta [Chúa Giê-su] ở bên Ngài [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] làm thợ cái, hằng ngày ta là sự khoái-lạc Ngài, và thường thường vui-vẻ trước mặt Ngài”. (Chúng tôi viết nghiêng). Chúa Giê-su tin chắc ngài là “sự khoái-lạc” của Đức Giê-hô-va. Và Chúa Giê-su đã không giấu niềm vui ngài cảm nhận trong khi làm việc bên cạnh Cha. Thật tốt đẹp biết bao khi có được mối liên hệ nồng ấm, cởi mở giữa các trưởng lão đạo Đấng Christ và những người họ đang huấn luyện!

Yếu tố thứ hai Chúa Giê-su đề cập là Cha “tỏ cho [ngài] mọi điều Cha làm”. Những lời này xác nhận điều được nói nơi Châm-ngôn 8:​30, đó là Chúa Giê-su “ở bên” Đức Giê-hô-va trong lúc vũ trụ đang được sáng tạo. (Sáng-thế Ký 1:​26) Các trưởng lão có thể theo gương tuyệt vời đó bằng cách làm việc gần gũi với các tôi tớ thánh chức, chỉ cho họ biết cách thi hành tốt bổn phận. Tuy nhiên, những tôi tớ thánh chức mới được bổ nhiệm không phải là những người duy nhất cần huấn luyện từ từ. Còn những anh trung thành vươn tới trách nhiệm giám thị trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ được bổ nhiệm thì sao? (1 Ti-mô-thê 3:1) Các trưởng lão nên cho những anh đó lời khuyên rõ rệt để họ sẽ biết cách hướng những nỗ lực của mình về phía nào.

Chẳng hạn, một tôi tớ thánh chức có thể tỏ ra đáng tin cậy, đúng giờ, và tận tâm chu toàn bổn phận của mình. Anh cũng có thể là một người dạy dỗ tốt. Về nhiều phương diện anh có thể đang làm công việc tốt lành trong hội thánh. Tuy nhiên, anh không thể nhận thấy rằng anh có khuynh hướng đối xử gay gắt với anh em tín đồ. Các trưởng lão cần bày tỏ “khôn-ngoan nhu-mì”. (Gia-cơ 3:13) Chẳng phải là nhân từ hay sao khi một trưởng lão thảo luận với anh tôi tớ thánh chức, nêu rõ vấn đề, cho thí dụ cụ thể, và đưa ra những lời đề nghị thực tế để trau dồi? Nếu anh trưởng lão cẩn thận “nêm thêm muối”, rất có thể lời khuyên của anh sẽ dễ được tiếp nhận. (Cô-lô-se 4:6) Dĩ nhiên, anh tôi tớ thánh chức sẽ làm cho trách nhiệm của trưởng lão thú vị hơn nhiều bằng cách cởi mở tiếp thu bất cứ lời khuyên nào mà anh nhận.—⁠Thi-thiên 141:⁠5.

Trong một số hội thánh, các trưởng lão không ngừng huấn luyện cách thực tế các tôi tớ thánh chức. Chẳng hạn, họ mời các tôi tớ thánh chức có khả năng cùng đi theo thăm người bệnh hoặc người lớn tuổi. Nhờ vậy các tôi tớ thánh chức thu thập kinh nghiệm trong công việc chăn chiên. Dĩ nhiên, có nhiều điều một tôi tớ thánh chức có thể làm để tiến bộ thêm lên về thiêng liêng.​—⁠Xem khung ở dưới với tựa đề “Những điều tôi tớ thánh chức có thể làm”.

Yếu tố thứ ba khiến cho sự huấn luyện của Chúa Giê-su có hiệu quả đến thế là vì Đức Giê-hô-va đã nghĩ đến sự tiến bộ tương lai khi huấn luyện Con Ngài. Chúa Giê-su nói rằng Cha sẽ tỏ cho Con “công-việc lớn-lao hơn những việc nầy nữa”. Kinh nghiệm Chúa Giê-su có được khi ở trên đất giúp ngài vun trồng những đức tính cần thiết để thi hành những nhiệm vụ trong tương lai. (Hê-bơ-rơ 4:15; 5:8, 9) Chẳng hạn, chẳng bao lâu nữa Chúa Giê-su sẽ nhận lãnh một trách nhiệm hệ trọng thay​—⁠làm sống lại và phán xét hàng tỷ người đã chết!​—⁠Giăng 5:21, 22.

Khi huấn luyện tôi tớ thánh chức, trưởng lão ngày nay nên nghĩ đến nhu cầu tương lai. Dù số trưởng lão và tôi tớ thánh chức để chăm sóc nhu cầu hiện tại dường như không thiếu, nhưng nếu thành lập một hội thánh mới thì có đủ không? Nếu thành lập nhiều hội thánh thì sao? Trong ba năm qua, có hơn 6.000 hội thánh mới trên khắp thế giới. Số trưởng lão và tôi tớ thánh chức cần thiết để chăm sóc các hội thánh mới thật rất lớn!

Hỡi các trưởng lão, các anh có noi theo gương Đức Giê-hô-va bằng cách vun trồng mối liên hệ cá nhân nồng ấm với những người các anh đang huấn luyện không? Các anh có chỉ cho họ biết cách làm việc không? Các anh có lưu tâm đến những nhu cầu tương lai không? Noi gương Đức Giê-hô-va trong việc Ngài huấn luyện Chúa Giê-su sẽ đem lại những ân phước dồi dào cho nhiều người.

Đừng sợ ủy quyền

Những trưởng lão có khả năng quen gánh vác một số nhiệm vụ hệ trọng có thể hơi miễn cưỡng ủy quyền cho người khác. Có thể trong quá khứ các anh đã thử ủy quyền nhưng kết quả không khả quan. Vì vậy các anh có thể có thái độ: ‘Nếu muốn làm được việc, ta phải tự làm lấy’. Nhưng thái độ đó có phù hợp với ý muốn Đức Giê-hô-va, như được nêu ra trong Kinh Thánh, rằng những người thiếu kinh nghiệm nhận sự huấn luyện từ những người có kinh nghiệm hơn không?—⁠2 Ti-mô-thê 2:⁠2.

Sứ đồ Phao-lô thất vọng khi một bạn đồng hành, Giăng Mác, đã bỏ nhiệm sở tại xứ Bam-phi-ly và trở về nhà. (Công-vụ 15:38, 39) Tuy nhiên, Phao-lô không để cho việc thối lui đó làm nản chí không huấn luyện những người khác. Ông đã chọn một anh trẻ khác, Ti-mô-thê, và huấn luyện anh trong công việc giáo sĩ. * (Công-vụ 16:1-3) Tại Bê-rê các giáo sĩ gặp sự chống đối dữ dội đến nỗi Phao-lô thấy không tiện ở lại đó. Vì vậy ông đã giao hội thánh mới lại cho Si-la, một anh thành thục lớn tuổi hơn, và Ti-mô-thê cùng chăm sóc. (Công-vụ 17:13-15) Chắc chắn Ti-mô-thê học được rất nhiều từ Si-la. Sau đó, khi Ti-mô-thê sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm, Phao-lô sai ông đến Tê-sa-lô-ni-ca để khuyến khích hội thánh ở đó.—⁠1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-⁠3.

Mối liên hệ giữa Phao-lô và Ti-mô-thê không theo lối hờ hững, lãnh đạm hoặc khách sáo. Có sự gắn bó nồng ấm giữa hai người. Khi viết cho hội thánh tại Cô-rinh-tô, Phao-lô nhắc đến Ti-mô-thê, người ông định sai đến đó, là ‘con yêu-dấu, cùng là trung-thành trong Chúa’. Ông thêm: “[Ti-mô-thê] sẽ nhắc lại cho anh em biết đường-lối tôi trong Đấng Christ”. (1 Cô-rinh-tô 4:​17, chúng tôi viết nghiêng). Ti-mô-thê hưởng ứng sự huấn luyện của Phao-lô, hội đủ điều kiện thi hành nhiệm vụ. Nhiều anh trẻ đã trở nên một tôi tớ thánh chức có khả năng, một trưởng lão, hoặc ngay cả một giám thị lưu động nhờ nhận được lợi ích từ sự huấn luyện do những anh lớn tuổi hơn thực sự quan tâm, như Phao-lô đã làm cho Ti-mô-thê.

Hỡi các trưởng lão, hãy huấn luyện những người khác!

Không thể nhầm lẫn được, lời tiên tri nơi Ê-sai 60:22 đang được ứng nghiệm ngày nay. Đức Giê-hô-va đang làm cho “kẻ rất hèn-yếu sẽ trở nên một dân mạnh”. Để tiếp tục “mạnh”, dân đó phải được khéo tổ chức. Hỡi các trưởng lão, tại sao không xem xét những cách để huấn luyện thêm cho những anh tận tụy hội đủ điều kiện được huấn luyện? Hãy lo sao cho mỗi tôi tớ thánh chức ý thức rõ là mình cần cải thiện ở điểm nào để tiến bộ. Còn các anh đã làm báp têm rồi, hãy tận dụng bất cứ sự quan tâm riêng nào anh nhận được. Hãy tận dụng những cơ hội để gia tăng khả năng, sự hiểu biết và kinh nghiệm của anh. Chắc chắn Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho chương trình trợ giúp đầy yêu thương như thế.—⁠Ê-sai 61:⁠5.

[Chú thích]

^ đ. 18 Sau đó, một lần nữa Phao-lô lại làm việc với Giăng Mác.—⁠Cô-lô-se 4:⁠10.

[Khung nơi trang 30]

Những điều tôi tớ thánh chức có thể làm

Dù các trưởng lão phải huấn luyện tôi tớ thánh chức, có nhiều điều mà chính các tôi tớ thánh chức có thể làm để tiến bộ thêm lên về thiêng liêng.

—Các tôi tớ thánh chức nên siêng năng và đáng tin cậy trong việc chu toàn những nhiệm vụ của họ. Họ cũng nên vun trồng những thói quen học hỏi tốt. Theo một mức độ đáng kể, sự tiến bộ tùy thuộc vào sự học hỏi và áp dụng những điều đã học.

—Khi một tôi tớ thánh chức chuẩn bị thuyết trình một bài giảng tại buổi họp đạo Đấng Christ, anh chớ nên ngần ngại tham khảo với một trưởng lão có khả năng để nghe những lời đề nghị về cách trình bày tài liệu.

—Tôi tớ thánh chức cũng có thể yêu cầu một trưởng lão quan sát cách anh thuyết trình bài giảng theo Kinh Thánh và cho lời khuyên để anh trau dồi.

Tôi tớ thánh chức nên tìm kiếm, chấp nhận và áp dụng lời khuyên của trưởng lão. Theo cách đó, sự tấn tới của họ sẽ được “thiên-hạ thấy”.—⁠1 Ti-mô-thê 4:⁠15.