Vấn đề phân biệt giai cấp
Vấn đề phân biệt giai cấp
“SỰ BÌNH ĐẲNG CÓ LẼ LÀ MỘT QUYỀN CỦA CON NGƯỜI, NHƯNG KHÔNG MỘT QUYỀN LỰC NÀO TRÊN ĐẤT LẠI THIẾT LẬP ĐƯỢC SỰ BÌNH ĐẲNG”.
Honoré de Balzac, một tiểu thuyết gia người Pháp thuộc thế kỷ 19, đã nói như thế. Bạn có đồng ý với ông không? Theo bản năng, nhiều người cảm thấy rằng phân biệt giai cấp là sai. Thế nhưng, ngay trong thế kỷ 21 này, xã hội loài người vẫn còn bị phân chia thành nhiều giai cấp.
CALVIN COOLIDGE, tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1923 đến năm 1929, quan tâm đến vấn đề phân biệt giai cấp và nói đến “việc xóa bỏ mọi giai cấp có đặc quyền”. Tuy nhiên, khoảng 40 năm sau nhiệm kỳ tổng thống của ông Coolidge, Ủy Ban Kerner, được bổ nhiệm để nghiên cứu mối quan hệ giữa các chủng tộc, đã bày tỏ mối lo ngại rằng Hoa Kỳ không tránh khỏi bị chia thành hai xã hội: “một của người da trắng, một của người da đen—tách biệt và bất bình đẳng”. Một số cho rằng lời tiên liệu ấy nay đã trở thành hiện thực, và tại nước ấy “hố sâu ngăn cách về kinh tế và chủng tộc đang gia tăng”.
Tại sao khái niệm bình đẳng giữa mọi người lại khó thực hiện đến thế? Một nhân tố quan trọng đó là bản chất của con người. Cựu Nghị Sĩ Quốc Hội Hoa Kỳ William Randolph Hearst có lần nói: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng ít ra về một khía cạnh: đó là họ đều muốn bất bình đẳng”. Ông ấy muốn nói gì? Có lẽ Henry Becque, nhà soạn kịch người Pháp thuộc thế kỷ 19, nói rõ hơn: “Điều khiến cho sự bình đẳng khó thực hiện như thế là vì chúng ta chỉ muốn bình đẳng với những người hơn mình mà thôi”. Nói khác đi, người ta muốn bình đẳng với những người thuộc giai cấp xã hội cao hơn họ; nhưng không mấy ai sẵn lòng hạn chế các đặc quyền và lợi thế của mình bằng cách tạo sự bình đẳng với những người bị họ xem là thấp kém hơn mình.
Trong quá khứ, người ta sinh ra là dân thường, là thành phần quý tộc, hoặc ngay cả hoàng tộc. Điều này vẫn còn xảy ra ở một vài nơi. Tuy nhiên, ở hầu hết các nước ngày nay, tiền bạc—hoặc thiếu tiền bạc—chính là yếu tố quyết định một người thuộc giai cấp nào: hạ lưu, trung lưu hoặc thượng lưu. Tuy nhiên, có những yếu tố khác để xác định giai cấp, chẳng hạn như chủng tộc, học vấn và khả năng biết đọc biết viết. Và ở một số nơi, giới tính là một lý do chính để kỳ thị, và phụ nữ bị xem thuộc giai cấp thấp kém hơn.
Có tia hy vọng nào không?
Những luật nhân quyền đã giúp phá tan một số hàng rào giai cấp. Những luật chống phân chia thành nhóm riêng đã được thông qua ở Hoa Kỳ. Nạn phân biệt chủng tộc bị tuyên bố là phi pháp ở Nam Phi. Dù vẫn còn tồn tại, chế độ nô lệ bị xem là bất hợp pháp hầu như trên khắp thế giới. Các phán quyết của tòa án đã buộc người ta công nhận quyền của thổ dân được sở hữu đất đai, và các đạo luật chống kỳ thị đã cứu giúp một số giai cấp bị thiệt thòi.
Phải chăng điều này có nghĩa là sự phân biệt giai cấp sẽ chấm dứt? Không thật sự như vậy. Dù một số sự phân biệt giai cấp xã hội có lẽ nay không còn rõ rệt nữa, nhưng những sự chia rẽ mới bắt đầu hình thành. Sách Class Warfare in the Information Age (Xung đột giữa giai cấp trong thời đại thông tin) nói: “Ngày nay, dường như không còn thích hợp để phân chia người ta thành hai giai cấp chung là tư bản và công nhân, chỉ bởi vì hai giai cấp lớn này đã phân chia thành các nhóm nhỏ hơn gồm những người phẫn nộ”.
Phải chăng các giai cấp xã hội sẽ vĩnh viễn chia rẽ người ta? Như bài tới cho thấy, tình thế không phải là vô vọng.