Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Anh em ruột phát triển những thái độ khác nhau

Anh em ruột phát triển những thái độ khác nhau

Anh em ruột phát triển những thái độ khác nhau

NHỮNG quyết định của cha mẹ không khỏi ảnh hưởng tới con cái. Điều đó đúng với ngày nay cũng như đã từng đúng ở trong vườn Ê-đen. Đường lối phản nghịch của A-đam và Ê-va có tác động sâu xa trên toàn thể nhân loại. (Sáng-thế Ký 2:15, 16; 3:1-6; Rô-ma 5:12) Tuy nhiên, nếu muốn, mỗi người chúng ta đều có cơ hội xây đắp mối liên hệ tốt với Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Điều này được minh họa bởi sự tường thuật về Ca-in và A-bên, hai anh em ruột đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

Kinh Thánh không ghi rằng Đức Chúa Trời nói chuyện với A-đam và Ê-va sau khi họ bị đuổi khỏi vườn Ê-đen. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không ngoảnh mặt với con cái họ. Qua cha mẹ, chắc chắn Ca-in và A-bên biết những điều đã xảy ra. Họ có thể thấy “các thần chê-ru-bim với gươm lưỡi chói-lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống”. (Sáng-thế Ký 3:24) Những người này cũng chứng kiến sự xác thật qua lời tuyên bố của Đức Chúa Trời rằng mồ hôi, điều đau đớn, và cực khổ sẽ trở thành những hiện thực của đời sống.—Sáng-thế Ký 3:16, 19.

Ca-in và A-bên hẳn đã biết được lời Đức Giê-hô-va nói với con rắn: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”. (Sáng-thế Ký 3:15) Điều Ca-in và A-bên biết về Đức Giê-hô-va có thể sẽ giúp họ phát triển mối quan hệ tốt với Ngài.

Suy ngẫm về lời tiên tri của Đức Giê-hô-va và những đức tính của Ngài là Đấng Làm Ơn đầy yêu thương hẳn tạo cho Ca-in và A-bên một ước muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận. Nhưng họ vun trồng ước muốn đó tới mức độ nào? Họ có đáp ứng ước muốn bẩm sinh của họ để thờ phượng Đức Chúa Trời và phát triển tính thiêng liêng tới mức thực hành đức tin nơi Ngài không?—Ma-thi-ơ 5:3.

Anh em ruột dâng lễ vật

Vào một ngày kia, Ca-in và A-bên dâng của-lễ cho Đức Chúa Trời. Ca-in dâng thổ sản và A-bên dâng thú đầu lòng trong bầy của ông. (Sáng-thế Ký 4:3, 4) Khi ấy hai người có thể khoảng 100 tuổi, vì khi A-đam được 130 tuổi mới sinh người con trai là Sết.—Sáng-thế Ký 4:25; 5:3.

Lễ vật của Ca-in và A-bên cho thấy họ công nhận tình trạng tội lỗi của họ và muốn nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời. Ít nhất, họ hẳn đã suy nghĩ về lời hứa của Đức Giê-hô-va liên hệ tới con rắn và Dòng Dõi người nữ. Kinh Thánh không nói Ca-in và A-bên đã dành bao nhiêu thời gian và nỗ lực để phát triển mối quan hệ được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Nhưng phản ứng của Đức Chúa Trời đối với lễ vật của họ cho chúng ta thông hiểu những ý nghĩ sâu thẳm nhất của mỗi người trong họ.

Một số học giả cho rằng Ê-va xem Ca-in là “dòng-dõi” sẽ hủy diệt con rắn, vì lúc sinh Ca-in bà nói: “Nhờ Đức Giê-hô-va giúp-đỡ, tôi mới sanh được một người”. (Sáng-thế Ký 4:1) Nếu Ca-in cũng tin như vậy, ông hoàn toàn sai lầm. Mặt khác, A-bên cậy đức tin để dâng lễ vật. Do đó, “bởi đức-tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế-lễ tốt hơn của Ca-in”.—Hê-bơ-rơ 11:4.

Sự thông hiểu thiêng liêng của A-bên và sự thiếu thông hiểu của Ca-in không phải là sự khác biệt duy nhất giữa hai anh em. Cũng có sự khác biệt về thái độ. Do đó, “Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ-vật của người; nhưng chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ-vật của người”. Rất có thể, Ca-in chỉ suy nghĩ nông cạn về lễ vật của mình và chỉ đem dâng lễ vật một cách máy móc. Nhưng Đức Chúa Trời không chấp nhận sự thờ phượng chiếu lệ. Ca-in đã phát triển một tấm lòng ác, và Đức Giê-hô-va thấy rằng ông đã có những động lực sai. Phản ứng của Ca-in trước sự việc lễ vật mình không được chấp nhận phản ảnh tinh thần thực sự của ông. Thay vì tìm cách sửa sai vấn đề, “Ca-in giận lắm mà gằm nét mặt”. (Sáng-thế Ký 4:5) Thái độ của ông tỏ lộ những tư tưởng và ý định gian ác của mình.

Cảnh cáo và phản ứng

Biết thái độ của Ca-in, Đức Chúa Trời khuyên ông: “Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội-lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản-trị nó”.—Sáng-thế Ký 4:6, 7.

Câu chuyện này cho chúng ta một bài học. Thật vậy, tội lỗi rình rập chúng ta nơi cửa và sẵn sàng nuốt chúng ta. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta tự do ý chí, và chúng ta có thể chọn làm điều đúng. Đức Giê-hô-va kêu gọi Ca-in “làm lành”, nhưng Ngài không ép buộc ông thay đổi. Ca-in chọn đi theo con đường riêng.

Lời tường thuật được soi dẫn tiếp tục: “Ông Ca-in bảo em là ông A-bên rằng: ‘Chúng ta ra ngoài đồng đi’. Ra tới đồng, ông Ca-in liền xông vào giết em”. (Sáng-thế Ký 4:8, Trịnh Văn Căn) Do đó, Ca-in đã trở nên kẻ không vâng lời, giết người không gớm tay. Thậm chí ông không tỏ ra ăn năn chút nào khi Đức Giê-hô-va hỏi: “A-bên, em ngươi, ở đâu?” Thay vì ăn năn, Ca-in trả lời một cách chai lì, láo xược: “Tôi không biết; tôi là người giữ em tôi sao?” (Sáng-thế Ký 4:9) Lời nói dối trắng trợn và phủ nhận trách nhiệm đó phơi bày tâm địa của Ca-in.

Đức Giê-hô-va rủa sả Ca-in và đày ông đi ra ngoài vùng Ê-đen. Sự rủa sả thấy rõ trên đất hẳn còn thấy rõ hơn trong trường hợp của Ca-in, và đất sẽ không sinh hoa lợi khi ông trồng trọt. Ông phải đi lang thang và trốn tránh trên mặt đất. Việc Ca-in kêu nài về bản án nghiêm khắc dành cho ông biểu lộ sự lo lắng là việc ông giết em sẽ bị báo thù, nhưng ông không thành thật ăn năn. Đức Giê-hô-va bèn ghi “dấu” trên mình Ca-in—rất có thể là một mệnh lệnh nghiêm túc để những người khác biết đến và tuân thủ nhằm ngăn cản người khác giết ông để trả thù.—Sáng-thế Ký 4:10-15.

Sau đó Ca-in “bèn lui ra khỏi mặt Đức Giê-hô-va, và ở tại xứ Nốt, về phía đông của Ê-đen”. (Sáng-thế Ký 4:16) Lấy một trong những người em gái hoặc cháu gái làm vợ, ông xây một thành và đặt tên theo con trai đầu lòng của ông là Hê-nóc. Con cháu Ca-in là Lê-méc trở nên hung bạo cũng như tổ tiên không tin kính của mình. Nhưng dòng họ của Ca-in đã bị tiêu diệt trong trận Nước Lụt thời Nô-ê.—Sáng-thế Ký 4:17-24.

Bài học cho chúng ta

Chúng ta có thể rút tỉa những bài học từ lời tường thuật về Ca-in và A-bên. Sứ đồ Giăng thúc giục tín đồ Đấng Christ yêu thương nhau, “chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma-quỉ, đã giết em mình”. Ca-in có “việc làm... dữ, còn việc làm của em người là công-bình”. Giăng cũng nói: “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình”. Đúng vậy, cách chúng ta đối xử với anh em cùng đạo có ảnh hưởng tới mối quan hệ với Đức Chúa Trời và triển vọng sống của chúng ta. Chúng ta không thể ghét anh em đồng đức tin đồng thời hưởng được sự chấp nhận của Đức Chúa Trời.—1 Giăng 3:11-15; 4:20.

Ca-in và A-bên hẳn đã được dưỡng dục như nhau, nhưng Ca-in thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời. Thực vậy, ông đã biểu lộ tinh thần của Ma-quỉ, ‘kẻ giết người và cha sự nói dối’ từ lúc ban đầu. (Giăng 8:44) Đường lối của Ca-in cho thấy rằng tất cả chúng ta có quyền lựa chọn, những ai chọn phạm tội tự xa lìa Đức Chúa Trời, thì Đức Giê-hô-va đoán phạt những kẻ không ăn năn.

Trái lại, A-bên thực hành đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Thực vậy, “bởi đức-tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế-lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công-bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ-vật ấy”. Mặc dù Kinh Thánh không có ghi một lời nào do A-bên nói ra, nhưng nhờ đức tin gương mẫu của ông, ông “hãy còn nói”.—Hê-bơ-rơ 11:4.

A-bên là người đầu tiên trong chuỗi dài những người giữ sự trung thành. Máu của ông ‘từ dưới đất kêu thấu đến Đức Giê-hô-va’, vẫn chưa bị quên. (Sáng-thế Ký 4:10; Lu-ca 11:48-51) Nếu thực hành đức tin như A-bên đã làm, chúng ta cũng có thể vui hưởng mối quan hệ quý giá và lâu bền với Đức Giê-hô-va.

[Khung nơi trang 22]

NHÀ NÔNG VÀ NGƯỜI CHĂN CHIÊN

Cày cấy đất và săn sóc các thú vật là một số trách nhiệm đầu tiên mà Đức Chúa Trời ban cho A-đam. (Sáng-thế Ký 1:28; 2:15; 3:23) Con trai ông, Ca-in, chọn nghề làm ruộng, còn A-bên làm nghề chăn chiên. (Sáng-thế Ký 4:2) Tuy nhiên, loài người chỉ ăn trái cây và rau củ cho đến hết trận Nước Lụt, tại sao lại nuôi chiên?—Sáng-thế Ký 1:29; 9:3, 4.

Để được chóng lớn, chiên cần có sự chăm sóc của loài người. Nghề nghiệp của A-bên chứng thực rằng từ lúc đầu của lịch sử nhân loại, con người đã nuôi gia súc. Kinh Thánh không nói loài người từ lúc đầu có dùng sữa thú vật làm một nguồn thức ăn hay không, nhưng ngay cả những người ăn chay cũng dùng len lấy từ lông chiên. Khi chiên chết, da của chúng dùng vào những mục đích có ích. Chẳng hạn, để che thân A-đam và Ê-va, Đức Giê-hô-va đã “lấy da thú kết thành áo dài” cho họ.—Sáng-thế Ký 3:21.

Dù sao chăng nữa, dường như hợp lý khi cho rằng lúc ban đầu Ca-in và A-bên đã hợp tác với nhau. Họ sản xuất những thứ mà những người khác trong gia đình cần đến để che thân và ăn no.

[Hình nơi trang 23]

‘Việc làm của Ca-in là dữ, còn việc làm của em người là công-bình’