“Giảng đạo” mang lại sự yên nghỉ
“Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ”
“Giảng đạo” mang lại sự yên nghỉ
LÀ NGƯỜI hoàn hảo, người đó đang thực hiện một sứ mệnh quan trọng. Các phương pháp dạy dỗ của người đó hữu hiệu đến độ “dân chúng ngạc nhiên về điều Người giảng dạy”. (Ma-thi-ơ 7:28, An Sơn Vị) Người đó cũng là một người rao giảng bền bỉ. Người ưu tiên dồn hết thời gian, nỗ lực và công sức vào công việc rao giảng về Nước Đức Chúa Trời. Thật thế, Chúa Giê-su Christ đã đi rao giảng khắp nơi trong xứ sở ngài với tư cách người rao giảng và dạy dỗ vô song.—Ma-thi-ơ 9:35.
Sứ mệnh khẩn cấp của Chúa Giê-su là rao giảng “tin-lành của nước Đức Chúa Trời” cho những người đương thời và đào tạo môn đồ làm cùng công việc đó trên quy mô toàn cầu. (Ma-thi-ơ 4:23; 24:14; 28:19, 20) Trọng trách rao giảng khẩn trương trên quy mô rộng lớn như thế có quá sức các môn đồ của ngài, là những người bất toàn và có những hạn chế không?
Tuyệt nhiên không! Chúa Giê-su sai môn đồ đi dạy dỗ người ta sau khi dặn bảo họ cầu nguyện xin “chủ mùa gặt”, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, phái thêm thợ gặt đến. (Ma-thi-ơ 9:38; 10:1) Kế đến, ngài bảo đảm với họ rằng trách nhiệm làm môn đồ ngài—kể cả sứ mệnh rao giảng—sẽ đem lại sự khuây khỏa và an ủi thật sự. Chúa Giê-su nói: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ”.—Ma-thi-ơ 11:28.
Nguồn vui
Thật là một lời mời đầy yêu thương, trắc ẩn và nhân từ! Nói lên sự quan tâm thông cảm của Chúa Giê-su đối với môn đồ. Các môn đồ ngài quả thật tìm thấy sự yên nghỉ khi chu toàn trách nhiệm rao giảng “tin-lành” về Nước Đức Chúa Trời. Điều này đem lại cho họ niềm vui và sự mãn nguyện thật sự.—Giăng 4:36.
Từ rất lâu trước khi Chúa Giê-su xuống đất, Kinh Thánh đã nhấn mạnh sự vui mừng phải là nét đặc trưng của việc phụng sự Đức Chúa Trời. Điều này thật rõ ràng khi người viết Thi-thiên hát: “Hỡi cả trái đất, hãy cất tiếng reo-mừng cho Đức Giê-hô-va! Khá hầu-việc Đức Giê-hô-va cách vui-mừng, hãy hát-xướng mà đến trước mặt Ngài”. (Thi-thiên 100:1, 2) Ngày nay, dân mọi nước vui mừng trong Đức Giê-hô-va, và sự ngợi khen của họ giống như tiếng reo hò của đạo quân chiến thắng. Những ai thật sự sùng kính Đức Chúa Trời “hát-xướng” đến trước mặt Ngài. Và điều ấy quả thích hợp, vì Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, muốn các tôi tớ Ngài được vui mừng khi làm trọn sự dâng mình cho Ngài.—1 Ti-mô-thê 1:11.
Những người truyền giáo được yên nghỉ
Làm sao công việc rao giảng vất vả lại làm cho chúng ta được yên nghỉ, chứ không gây mệt mỏi? Làm công việc của Đức Giê-hô-va giống như thức ăn bồi bổ đối với Chúa Giê-su. Ngài nói: “Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài”.—Giăng 4:34.
Ngày nay cũng thế, các tín đồ Đấng Christ sốt sắng thấy vui khi “giảng đạo”. (2 Ti-mô-thê 4:2) Connie, một nữ tín đồ trung niên dành hơn 70 giờ mỗi tháng cho công việc rao giảng, nói: “Sau khi tham gia thánh chức, tôi cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc, dù có mệt sau một ngày sinh hoạt”.
Nhưng nếu thông điệp Nước Trời không được hưởng ứng thì sao? Chị Connie nói tiếp: “Bất luận người ta phản ứng thế nào, tôi cũng chưa hề hối tiếc là đã tham gia làm thánh chức. Không những biết mình đang làm điều đẹp lòng Đức Giê-hô-va, mà tôi còn xem việc nói về lẽ thật như một niềm vui vì nhờ đó hy vọng tuyệt diệu của Kinh Thánh nơi lòng tôi được củng cố”.
Đối với những người khác, việc giúp một người thu thập sự hiểu biết về Đức Chúa Trời làm cho đời sống của họ có ý nghĩa. Chị Meloney, một phụ nữ trẻ đều đặn dành ra hơn 50 giờ mỗi tháng cho công việc rao giảng, nhận xét: “Thánh chức tạo sự hăng hái vì giúp tôi định hướng và đặt mục đích cho đời sống. Tôi tạm quên những vấn đề cá nhân và căng thẳng hàng ngày khi tham gia rao giảng”.
Millicent, một Nhân Chứng Giê-hô-va sốt sắng truyền giáo, bình luận: “Thánh chức khiến cho mỗi ngày thêm giá trị khi tôi dành ra để nói với người khác về ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại và giải thích cách Địa Đàng sẽ được khôi phục trên đất. Thánh chức giúp tôi hàng ngày cảm nghiệm được sự hiện hữu của Đức Giê-hô-va và cho tôi sự bình an tâm trí cùng với niềm hạnh phúc nội tâm không có gì sánh bằng”.
Những người nghe tin mừng được yên nghỉ
Những người rao giảng về Nước Trời chắc chắn được yên nghỉ nhờ thánh chức đạo Đấng Christ, và những người chấp nhận thông điệp đem lại sự sống cũng nhờ đó mà được an ủi. Dù được các nữ tu sĩ và linh mục ở Bồ Đào Nha đào tạo, nhưng một giáo viên vẫn cảm thấy rằng giáo hội không đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của cô. Những thắc mắc của cô về Kinh Thánh không được giải đáp. Việc học hỏi Kinh Thánh đều đặn với Nhân Chứng Giê-hô-va đã giúp cô dần dần thông hiểu Kinh Thánh. Nữ giáo viên phấn khởi nói: “Tôi nóng lòng chờ đợi ngày học hỏi Thứ Tư hàng tuần vì các câu hỏi của tôi đều lần lượt được giải đáp với bằng chứng hùng hồn từ Kinh Thánh”. Giờ đây, người phụ nữ này đã trở thành một tôi tớ dâng mình cho Đức Giê-hô-va, cũng dùng lẽ thật của Kinh Thánh giúp người khác được yên nghỉ.
Vậy, tính quan trọng của sứ mệnh hoặc mức rộng toàn cầu về khu vực rao giảng không quá sức của Nhân Chứng Giê-hô-va. Sự lãnh đạm hoặc chống đối không làm họ nản chí. Họ dốc sức làm tròn sứ mệnh rao giảng Nước Trời. Họ chia sẻ tin mừng với những người họ gặp ở bất cứ nơi nào—tại một nơi xe tải ngừng nghỉ ở Hoa Kỳ (1), tại một phi trường ở Hàn Quốc (2), trong rặng núi Andes (3), hoặc ở một chợ Luân Đôn (4). Những môn đồ ngày nay của Chúa Giê-su vui vẻ thi hành công việc rao giảng lợi ích trên khắp thế giới. Đúng như đã hứa, ngài làm họ được yên nghỉ và dùng họ để giúp nhiều người khác cũng được yên nghỉ.—Khải-huyền 22:17.