Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy tiếp tục biểu lộ lòng tốt

Hãy tiếp tục biểu lộ lòng tốt

Hãy tiếp tục biểu lộ lòng tốt

“Trái của sự sáng-láng ở tại mọi điều nhân-từ [“tốt lành”, “NW”], công-bình và thành-thật”.—Ê-PHÊ-SÔ 5:9.

1. Hàng triệu người đang bày tỏ sự đồng tình với Thi-thiên 31:19 bằng cách nào?

ĐIỀU tốt lành nhất mà con người có thể làm được là tôn vinh Đức Giê-hô-va. Ngày nay, hàng triệu người đang làm thế bằng cách ngợi khen lòng nhân từ hay lòng tốt của Ngài. Là những Nhân Chứng trung thành của Đức Giê-hô-va, chúng ta hoàn toàn đồng tình với lời ca của người viết Thi-thiên: “Sự nhân-từ [“tốt lành”, NW] Chúa, mà Chúa đã dành cho người kính-sợ Chúa... thật lớn-lao thay!”—Thi-thiên 31:19.

2, 3. Điều gì có thể xảy ra nếu việc đào tạo môn đồ không đi đôi với hạnh kiểm tốt?

2 Vì kính sợ Đức Giê-hô-va, chúng ta muốn ngợi khen lòng tốt của Ngài. Chúng ta cũng muốn ‘ngợi-khen Đức Giê-hô-va, chúc-tụng Ngài, và nói về sự vinh-hiển nước Ngài’. (Thi-thiên 145:10-13) Đó là lý do tại sao chúng ta sốt sắng tham gia công việc rao báo Nước Trời và đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Tất nhiên, song song với hoạt động rao giảng, chúng ta cũng cần phải có hạnh kiểm tốt. Nếu không, chúng ta có thể làm ô danh thánh của Đức Giê-hô-va.

3 Nhiều người xưng mình là thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng lại có lối sống không phù hợp với những tiêu chuẩn trong Lời Ngài soi dẫn. Về những kẻ nói mà không làm, sứ đồ Phao-lô viết: “Ngươi dạy-dỗ kẻ khác mà không dạy-dỗ chính mình ngươi sao! Ngươi giảng rằng chớ nên ăn-cắp, mà ngươi ăn-cắp! Ngươi nói rằng chớ nên phạm tội tà-dâm, mà ngươi phạm tội tà-dâm!.. Vì bởi cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng người ngoại, như lời đã chép”.—Rô-ma 2:21, 22, 24.

4. Hạnh kiểm tốt có ảnh hưởng nào?

4 Thay vì làm ô danh Đức Giê-hô-va, chúng ta cố gắng tôn vinh danh Ngài bằng hạnh kiểm tốt. Điều đó có ảnh hưởng tích cực trên những người ngoài hội thánh. Trước hết, những người chống đối không có cớ để chỉ trích. (1 Phi-e-rơ 2:15) Và quan trọng hơn nữa là hạnh kiểm của chúng ta có thể thu hút người ta đến với tổ chức của Đức Giê-hô-va, tạo cơ hội để họ tôn vinh Ngài và được nhận lãnh sự sống vĩnh cửu.—Công-vụ 13:48.

5. Bây giờ chúng ta nên xem xét những câu hỏi nào?

5 Vì là người bất toàn, làm sao chúng ta có thể tránh những hạnh kiểm làm ô danh Đức Giê-hô-va, hoặc gây vấp phạm cho người tìm kiếm lẽ thật? Thật thế, làm sao chúng ta có thể biểu lộ lòng tốt?

Trái của sự sáng láng

6. Một số “công-việc vô-ích của sự tối-tăm” là gì, nhưng tín đồ Đấng Christ phải thể hiện bông trái nào?

6 Là tín đồ Đấng Christ đã dâng mình, chúng ta được giúp đỡ để tránh các “công-việc vô-ích của sự tối-tăm”. Đó là những việc làm ô danh Đức Chúa Trời như nói dối, trộm cắp, chửi rủa, nói chuyện bậy, cư xử thiếu đứng đắn, giễu cợt tục tĩu và say sưa. (Ê-phê-sô 4:25, 28, 31; 5:3, 4, 11, 12, 18) Thay vì làm những điều thể ấy, chúng ta “hãy bước đi như các con sáng-láng”. Sứ đồ Phao-lô nói: “Trái của sự sáng-láng ở tại mọi điều nhân-từ [“tốt lành”, NW], công-bình và thành-thật”. (Ê-phê-sô 5:8, 9) Như vậy, nhờ bước đi trong ánh sáng mà chúng ta có thể tiếp tục biểu lộ lòng tốt. Nhưng đó là ánh sáng nào?

7. Chúng ta phải làm gì nếu muốn tiếp tục biểu lộ lòng tốt?

7 Mặc dù bất toàn, chúng ta vẫn có thể biểu lộ lòng tốt nếu bước đi trong ánh sáng thiêng liêng. Người viết Thi-thiên đã hát: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường-lối tôi”. (Thi-thiên 119:105) Muốn tiếp tục thể hiện “trái của sự sáng-láng” qua “mọi điều tốt lành”, chúng ta phải luôn tận dụng ánh sáng thiêng liêng được tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời, được phân tích kỹ trong các ấn phẩm đạo Đấng Christ, và thường được thảo luận tại các buổi nhóm họp thờ phượng. (Lu-ca 12:42; Rô-ma 15:4; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Chúng ta cũng cần đặc biệt chú ý đến gương mẫu và những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su Christ—“sự sáng của thế-gian” và “sự chói-sáng của sự vinh-hiển Đức Chúa Trời”.—Giăng 8:12; Hê-bơ-rơ 1:1-3.

Trái của thánh linh

8. Vì sao chúng ta có thể biểu lộ lòng tốt?

8 Ánh sáng thiêng liêng chắc chắn giúp chúng ta thể hiện lòng tốt. Ngoài ra, chúng ta còn có thể biểu lộ đức tính này nhờ được thánh linh, hay sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời dẫn dắt. Lòng tốt hay hiền lành là một trong các “trái của Thánh-Linh”. (Ga-la-ti 5:22, 23) Nếu để thánh linh Đức Giê-hô-va dẫn dắt, thánh linh sẽ sanh ra trong lòng chúng ta bông trái tuyệt diệu là lòng tốt.

9. Làm thế nào chúng ta có thể làm theo lời Chúa Giê-su nơi Lu-ca 11:9-13?

9 Nếu thiết tha muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va bằng cách thể hiện trái của thánh linh là lòng tốt, chúng ta sẽ được thúc đẩy làm theo lời Chúa Giê-su: “Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ. Trong các ngươi có ai làm cha, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là xin cá, mà cho rắn thay vì cá chăng? Hay là xin trứng, mà cho bò-cạp chăng? Vậy nếu các ngươi là người [bất toàn và vì thế có phần nào] xấu, còn biết cho con-cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh-Linh cho người xin Ngài!” (Lu-ca 11:9-13) Chúng ta hãy làm theo lời khuyên Chúa Giê-su, cầu xin Đức Giê-hô-va ban thánh linh hầu có thể tiếp tục biểu lộ trái thánh linh là lòng tốt.

‘Hãy tiếp tục làm điều lành’

10. Những khía cạnh nào về lòng tốt của Đức Giê-hô-va được nêu nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7?

10 Với ánh sáng thiêng liêng từ Lời Đức Chúa Trời và sự giúp đỡ của thánh linh Ngài, chúng ta sẽ có thể “[“tiếp tục”, NW] làm điều lành”. (Rô-ma 13:3) Khi học Kinh Thánh đều đặn, chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn cách noi theo lòng tốt của Đức Giê-hô-va. Bài trước đã phân tích những khía cạnh khác nhau về lòng tốt của Đức Chúa Trời, như được nêu trong lời tuyên bố với Môi-se nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7, (NW): “Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời thương xót và nhân hậu, chậm giận, đầy lòng yêu thương nhân từ và chân thật, giữ lòng yêu thương nhân từ đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội”. Xem xét kỹ hơn những khía cạnh này sẽ giúp chúng ta “tiếp tục làm điều lành”.

11. Việc biết Đức Giê-hô-va là Đấng thương xót và nhân hậu nên có tác động nào trên chúng ta?

11 Lời tuyên bố này của Đức Chúa Trời nhắc chúng ta nhớ mình cần noi theo lòng thương xót nhân hậu của Ngài. Chúa Giê-su nói: “Phước cho những kẻ hay thương-xót, vì sẽ được thương-xót!” (Ma-thi-ơ 5:7; Lu-ca 6:36) Khi biết Đức Giê-hô-va là Đấng nhân hậu, chúng ta cũng muốn tỏ ra nhân hậu và thân thiện trong cách cư xử với người khác, kể cả những người mình rao giảng. Điều này hòa hợp với lời khuyên của Phao-lô: “Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào”.—Cô-lô-se 4:6.

12. (a) Vì Đức Giê-hô-va chậm giận, chúng ta nên đối xử thế nào với người khác? (b) Lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va thúc đẩy chúng ta làm gì?

12 Vì Đức Chúa Trời chậm giận, nên lòng mong muốn “tiếp tục làm điều lành” sẽ giúp chúng ta bỏ qua những lỗi lầm nhỏ nhặt của anh em đồng đức tin, và nghĩ đến những ưu điểm của họ. (Ma-thi-ơ 7:5; Gia-cơ 1:19) Lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va thúc đẩy chúng ta bày tỏ tình yêu thương trung tín, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Điều đó chắc chắn rất đáng quý.—Châm-ngôn 19:22.

13. Chúng ta nên cư xử thế nào để cho thấy Đức Giê-hô-va ‘đầy lòng chân thật’?

13 Vì Cha trên trời ‘đầy lòng chân thật’, chúng ta cố gắng ‘làm cho mình đáng trượng như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời bởi lời chân thật’. (2 Cô-rinh-tô 6:3-7) Trong số bảy điều Đức Giê-hô-va gớm ghiếc có “lưỡi dối-trá” và “kẻ làm chứng gian và nói điều dối”. (Châm-ngôn 6:16-19) Do đó, vì muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, chúng ta luôn ‘nói thật và chừa sự nói dối’. (Ê-phê-sô 4:25) Mong sao chúng ta luôn bày tỏ lòng tốt trong phương diện quan trọng này.

14. Tại sao chúng ta nên có lòng vị tha?

14 Lời tuyên bố của Đức Chúa Trời với Môi-se cũng nên thúc đẩy chúng ta có lòng vị tha, vì Đức Giê-hô-va luôn sẵn sàng tha thứ. (Ma-thi-ơ 6:14, 15) Dĩ nhiên, Ngài cũng trừng phạt những kẻ có tội không ăn năn. Vì thế, chúng ta phải theo sát tiêu chuẩn của Ngài về điều tốt, đặc biệt khi vấn đề có liên quan đến việc duy trì sự trong sạch về thiêng liêng của hội thánh.—Lê-vi Ký 5:1; 1 Cô-rinh-tô 5:11, 12; 1 Ti-mô-thê 5:22.

“Hãy giữ cho khéo”

15, 16. Lời khuyên của Phao-lô nơi Ê-phê-sô 5:15-19 giúp chúng ta ra sao trong việc tiếp tục làm điều thiện?

15 Muốn tiếp tục làm điều thiện trong một môi trường đầy sự gian ác, chúng ta cần có thánh linh Đức Chúa Trời và phải giữ gìn cách ăn ở mình. Vì thế, Phao-lô khuyên giục anh em thành Ê-phê-sô: “Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan. Hãy lợi-dụng thì-giờ, vì những ngày là xấu. Vậy chớ nên như kẻ dại-dột, nhưng phải hiểu rõ ý-muốn của Chúa là thế nào. Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông-tuồng; nhưng phải đầy-dẫy Đức Thánh-Linh. Hãy lấy ca-vịnh, thơ-thánh, và bài hát thiêng-liêng mà đối-đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi-khen Chúa”. (Ê-phê-sô 5:15-19) Lời khuyên này chắc chắn thích hợp cho chúng ta trong những ngày sau rốt đầy khó khăn này.—2 Ti-mô-thê 3:1.

16 Nếu muốn tiếp tục làm điều lành, chúng ta phải giữ gìn cách ăn ở của mình sao cho theo đúng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. (Gia-cơ 3:17) Chúng ta phải tránh những tội trọng và phải đầy dẫy thánh linh, để thánh linh dẫn dắt. (Ga-la-ti 5:19-25) Làm theo những hướng dẫn về thiêng liêng được nêu ở các buổi nhóm họp, hội nghị và đại hội của tín đồ Đấng Christ cũng giúp chúng ta tiếp tục làm lành. Ngoài ra, lời Phao-lô nói với anh em Ê-phê-sô có lẽ cũng nhắc chúng ta nhớ rằng tại phần lớn các buổi nhóm họp, chúng ta còn được lợi ích khi hết lòng hát những “bài hát thiêng-liêng”, trong đó có nhiều bài nói về các đức tính thiêng liêng, như lòng tốt.

17. Các tín đồ Đấng Christ bị bệnh nặng có thể tin chắc điều gì nếu hoàn cảnh không cho phép họ nhóm họp đều đặn?

17 Còn những anh em đồng đức tin không thể tham gia nhóm họp đều đặn vì một chứng bệnh kinh niên nào đó thì sao? Họ có thể bị nản lòng vì không thể thường xuyên kết hợp với anh chị em thiêng liêng để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Nhưng các anh chị ấy có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va hiểu hoàn cảnh của họ, và Ngài sẽ gìn giữ họ trong ánh sáng lẽ thật, ban thánh linh, cùng giúp họ tiếp tục làm điều thiện.—Ê-sai 57:15.

18. Điều gì sẽ giúp chúng ta tiếp tục làm lành?

18 Muốn tiếp tục làm lành, chúng ta cũng phải cảnh giác các mối quan hệ của mình và tránh xa những người “ghét điều thiện”. (2 Ti-mô-thê 3:2-5, Tòa Tổng Giám Mục; 1 Cô-rinh-tô 15:33) Áp dụng lời khuyên này sẽ giúp chúng ta tránh ‘làm buồn Thánh-Linh của Đức Chúa Trời’ bằng những hành động đi ngược lại sự hướng dẫn của thánh linh. (Ê-phê-sô 4:30) Hơn nữa, kết thân với những người có nếp sống cho thấy họ ưa điều lành và được thánh linh dẫn dắt sẽ giúp chúng ta dễ làm điều thiện hơn.—A-mốt 5:15; Rô-ma 8:14; Ga-la-ti 5:18.

Việc lành mang lại kết quả tốt

19-21. Hãy kể lại những kinh nghiệm cho thấy kết quả của việc biểu lộ lòng tốt.

19 Bước đi trong ánh sáng thiêng liêng, vâng theo sự hướng dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời, và giữ gìn cách ăn ở sẽ giúp chúng ta tránh điều xấu và “tiếp tục làm điều lành”. Đời sống như thế có thể mang lại kết quả tốt. Hãy xem kinh nghiệm của anh Zongezile, một Nhân Chứng Giê-hô-va ở Nam Phi. Một buổi sáng trên đường đến trường, anh ghé ngân hàng để kiểm tra lại số tiền tiết kiệm nhỏ của mình. Máy rút tiền tự động nhầm lẫn báo dư 42.000 rands (tương đương với 6.000 Mỹ Kim) trong tài khoản của anh. Một người bảo vệ của ngân hàng và những người khác giục anh rút số tiền đó ra, rồi gửi vào ngân hàng khác. Chỉ có vợ chồng anh Nhân Chứng sống chung nhà khen anh đã không rút tiền đó ra.

20 Ngày hôm sau, Zongezile báo cho ngân hàng biết vấn đề. Họ phát hiện ra rằng số tài khoản của anh tương tự với số của một thương gia giàu có, và ông này đã bỏ tiền vào nhầm tài khoản. Ngạc nhiên vì anh Zongezile đã không sài mất đồng nào trong số tiền đó, người thương gia hỏi: “Anh theo đạo gì?” Zongezile giải thích anh là Nhân Chứng Giê-hô-va, và anh đã được các viên chức ngân hàng nồng nhiệt khen ngợi: “Chúng tôi ước gì mọi người đều lương thiện như Nhân Chứng Giê-hô-va”. Thật vậy, những hành động tốt và lương thiện có thể khiến người khác ngợi khen Đức Giê-hô-va.—Hê-bơ-rơ 13:18.

21 Không nhất thiết phải có nghĩa cử lớn lao mới tạo được ảnh hưởng tốt. Chẳng hạn, một Nhân Chứng trẻ là tiên phong trọn thời gian tại một đảo ở Samoa phải đến bệnh viện khám bệnh. Ở đó có nhiều người đang chờ được khám, và anh để ý thấy bà cụ ngồi kế bên có vẻ bệnh rất nặng. Thế là anh để bà vào khám trước. Sau đó, anh có dịp gặp lại bà ngoài chợ. Bà vẫn còn nhớ anh và nghĩa cử đẹp của anh tại bệnh viện. Bà nói: “Bây giờ, thì tôi biết Nhân Chứng Giê-hô-va thật sự yêu thương người lân cận”. Trước đó, bà không bao giờ hưởng ứng thông điệp Nước Trời, nhưng nghĩa cử của anh Nhân Chứng đã có tác động tốt, bà chấp nhận học Kinh Thánh tại nhà và bắt đầu thu thập sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời.

22. Một cách đặc biệt có ý nghĩa để “tiếp tục làm điều lành” là gì?

22 Chắc bạn biết nhiều kinh nghiệm về giá trị của việc biểu lộ lòng tốt. Một cách đặc biệt có ý nghĩa để “tiếp tục làm điều lành” là thường xuyên rao báo tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 24:14) Mong sao chúng ta tiếp tục sốt sắng tham gia đặc ân này vì đây là một điều thiện, đặc biệt đối với những người hưởng ứng tin mừng. Quan trọng hơn hết, thánh chức và hạnh kiểm tốt của chúng ta có thể làm vinh hiển Đức Giê-hô-va, nguồn của sự thánh thiện.—Ma-thi-ơ 19:16, 17.

Hãy tiếp tục “làm điều thiện”

23. Tại sao thánh chức là một việc lành?

23 Thánh chức chắc chắn là một việc lành vì nó có thể mang lại sự cứu rỗi cho chúng ta và những người chịu lắng nghe thông điệp Kinh Thánh, để từ đó họ bước theo con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu. (Ma-thi-ơ 7:13, 14; 1 Ti-mô-thê 4:16) Vì thế, khi phải quyết định bất cứ việc gì, lòng mong muốn làm điều lành có lẽ khiến chúng ta tự hỏi: ‘Quyết định này sẽ ảnh hưởng thế nào đến công việc rao giảng tin mừng của tôi? Việc tôi đang cân nhắc có thật sự khôn ngoan không? Nó có tạo thuận lợi cho tôi giúp người khác tiếp nhận ‘tin mừng đời đời’ và có được mối quan hệ gần gũi với Đức Chúa Trời Giê-hô-va không?’ (Khải-huyền 14:6) Một quyết định vì quyền lợi Nước Trời sẽ mang lại nhiều hạnh phúc.—Ma-thi-ơ 6:33; Công-vụ 20:35.

24, 25. Chúng ta có thể làm những việc lành nào trong hội thánh, và nếu tiếp tục biểu lộ lòng tốt, chúng ta có thể tin chắc điều gì?

24 Chúng ta chớ bao giờ nên xem nhẹ ảnh hưởng tích cực của lòng tốt. Một cách để tiếp tục thể hiện đức tính này là ủng hộ hội thánh và làm những gì mình có thể để chăm nom lợi ích và sự an lạc của hội thánh. Chắc chắn chúng ta làm điều lành khi đều đặn tham dự và góp phần vào các buổi họp. Chỉ riêng sự hiện diện của chúng ta cũng đã là một sự khích lệ đối với anh em đồng đức tin, và những lời bình luận được chuẩn bị kỹ giúp xây dựng anh em về thiêng liêng. Đóng góp để bảo trì và chăm sóc Phòng Nước Trời cũng là việc lành. (2 Các Vua 22:3-7; 2 Cô-rinh-tô 9:6, 7) Thật vậy, “đương lúc có dịp-tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”.—Ga-la-ti 6:10.

25 Chúng ta không thể đoán trước mọi tình huống cần biểu lộ lòng tốt. Vì vậy, khi gặp những thử thách mới, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Kinh Thánh, cầu xin Đức Giê-hô-va ban thánh linh, và gắng hết sức làm theo ý muốn tốt lành và trọn vẹn của Ngài. (Rô-ma 2:9, 10; 12:2) Chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước dồi dào khi chúng ta tiếp tục biểu lộ lòng tốt.

Bạn trả lời thế nào?

• Làm sao chúng ta làm được điều tốt lành nhất?

• Tại sao lòng tốt được gọi là “trái của sự sáng-láng”?

• Tại sao lòng tốt được gọi là “trái của Thánh-Linh”?

• Hạnh kiểm tốt của chúng ta có tác động nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 17]

Lời và thánh linh của Đức Chúa Trời giúp chúng ta biểu lộ lòng tốt

[Các hình nơi trang 18]

Việc lành mang lại kết quả tốt