Những người dạy lời Đức Chúa Trời được khuyến khích hoàn thành sứ mệnh
Những người dạy lời Đức Chúa Trời được khuyến khích hoàn thành sứ mệnh
HÀNG trăm ngàn người dạy Lời Đức Chúa Trời đã họp lại để được dạy dỗ trong những tháng gần đây. Bắt đầu từ tháng 5 năm ngoái, họ đã họp lại tại hàng trăm Đại Hội Địa Hạt “Những người dạy Lời Đức Chúa Trời” của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Những người dự đại hội được khuyến khích tự rèn luyện để trở nên có khả năng hơn, và để hoàn thành sứ mệnh người dạy dỗ.
Bạn có dự một trong những đại hội ấy không? Nếu có, hẳn bạn đã biết ơn về thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng được dọn ra ở các buổi họp mặt ấy nhằm thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời thật. Giờ đây chúng ta cùng nhau ôn lại chương trình bổ ích của đại hội.
Ngày thứ nhất—Kinh Thánh được soi dẫn có ích cho sự dạy dỗ
Anh chủ tọa đại hội đã nồng nhiệt chào mừng các đại biểu qua bài giảng “Hỡi các bạn là những người dạy Lời Đức Chúa Trời, hãy để Ngài dạy dỗ”. Nhờ học hỏi từ Đức Giê-hô-va, “Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại” nên Chúa Giê-su Christ đã trở thành Thầy Dạy Lớn. (Ê-sai 30:20, NW; Ma-thi-ơ 19:16) Nếu muốn tiến bộ với tư cách những người dạy Lời Đức Chúa Trời, chúng ta cũng cần được Đức Giê-hô-va dạy dỗ.
Kế đến là bài giảng “Dạy về Nước Trời sinh ra kết quả tốt”. Qua các màn phỏng vấn những anh chị giàu kinh nghiệm trong việc dạy Lời Đức Chúa Trời, diễn giả đã nhấn mạnh niềm vui và ân phước của việc đào tạo môn đồ.
Tiếp đến là bài giảng đầy khích lệ với nhan đề “Được thúc đẩy bởi ‘những điều tuyệt diệu của Đức Chúa Trời’ ”. Trong thế kỷ thứ nhất, “những điều tuyệt diệu” liên quan đến Nước Trời thúc đẩy người ta hành động. (Công-vụ 2:11, NW) Chúng ta cũng có thể thúc đẩy người khác hành động bằng cách rao truyền “những điều tuyệt diệu” chẳng hạn như những điều dạy dỗ của Kinh Thánh về giá chuộc, sự sống lại và giao ước mới.
Bài giảng kế khuyến khích mọi người “Tìm được niềm vui trong sự công bình của Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 35:27) Chúng ta được giúp đỡ để theo đuổi sự công bình bằng cách học yêu chuộng điều công bình và ghét điều ác, học hỏi Kinh Thánh, tích cực cưỡng lại những ảnh hưởng độc hại về thiêng liêng, và vun trồng tính khiêm nhường. Những bước ấy giúp che chở chúng ta khỏi bạn bè xấu, khỏi khuynh hướng coi trọng vật chất của thế gian và những thú tiêu khiển vô luân và hung bạo.
Bài diễn văn chính với đề tài “Những người dạy Lời Đức Chúa Trời được trang bị đầy đủ”, nhắc nhở chúng ta rằng Đức Giê-hô-va giúp chúng ta có đủ tư cách làm người truyền giáo qua trung gian Lời Ngài, thánh linh và tổ chức trên đất của Ngài. Về việc sử dụng Lời Đức Chúa Trời, diễn giả khuyên chúng ta: “Mục tiêu là làm cho thông điệp của Kinh Thánh in trên giấy thấm sâu vào lòng người nghe”.
Bài thuyết trình phối hợp đầu tiên của đại hội có nhan đề “Dạy dỗ chính mình trong khi dạy dỗ người khác”. Phần đầu nhấn mạnh rằng chúng ta nên tuân thủ chính tiêu chuẩn đạo đức cao của đạo Đấng Christ mà chúng ta dạy cho người khác. Phần kế tiếp khuyên chúng ta “giảng dạy lời của lẽ thật một cách đúng đắn”. (2 Ti-mô-thê 2:15, NW) Để dạy dỗ chính mình, điều cần yếu là đều đặn và siêng năng học hỏi Kinh Thánh cá nhân, bất luận chúng ta đã phụng sự Đức Chúa Trời được bao lâu rồi. Phần cuối của bài thuyết trình phối hợp cho thấy rằng Ma-quỉ rình rập chúng ta để tìm kiếm sơ hở chẳng hạn như thái độ kiêu ngạo, tinh thần độc lập, tự cao tự đại, ghen tuông, ganh tị, cay đắng, hờn giận và vạch lá tìm sâu. Tuy nhiên, nếu chúng ta mãnh liệt chống lại Ma-quỉ, hắn sẽ lánh xa chúng ta. Để chống lại hắn, chúng ta cần phải đến gần Đức Chúa Trời.—Gia-cơ 4:7, 8.
Bài giảng hợp thời “Hãy gớm ghiếc dịch khiêu dâm của thế gian” cho chúng ta thấy cách đối phó hữu hiệu với mối đe dọa đồi bại ấy đối với tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Nhà tiên tri Ha-ba-cúc nói về Đức Giê-hô-va: “Mắt Chúa thánh-sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái-ngược”. (Ha-ba-cúc 1:13) Chúng ta phải “gớm sự dữ”. (Rô-ma 12:9) Các bậc cha mẹ được khuyên phải giám sát con cái trong việc chúng sử dụng Internet và xem truyền hình. Diễn giả nói rằng những ai bị tài liệu khiêu dâm thu hút nên tìm sự giúp đỡ của một người bạn thành thục về thiêng liêng. Việc suy ngẫm và cố học thuộc lòng những câu Kinh Thánh như Thi-thiên 97:10; Ma-thi-ơ 5:28; 1 Cô-rinh-tô 9:27; Ê-phê-sô 5:3, 12; Cô-lô-se 3:5; và 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:4, 5 cũng có ích.
Bài giảng kế tiếp, “Hãy để sự bình an của Đức Chúa Trời gìn giữ anh em”, an ủi chúng ta với lời cam kết rằng khi lòng nặng trĩu lo âu, chúng ta có thể trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 55:22) Nếu chúng ta trút hết nỗi lòng mình qua lời cầu nguyện, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta “sự bình-an của Đức Chúa Trời”, tức sự thanh thản và bình tịnh nội tâm đến từ một mối liên lạc quý báu với Ngài.—Phi-líp 4:6, 7.
Ngày đầu tiên chấm dứt với bài giảng đặc biệt khích lệ, “Đức Giê-hô-va làm vinh hiển dân Ngài bằng ánh sáng”, giải thích sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Ê-sai chương 60. Giữa sự tối tăm hiện tại của thế gian, “các người dân ngoại”—tức đám đông các chiên khác ngày càng gia tăng—cùng tín đồ Đấng Christ được xức dầu hưởng được ánh sáng của Đức Giê-hô-va. Diễn giả giải thích câu 19 và câu 20: “Đức Giê-hô-va sẽ không ‘lặn’ như mặt trời hoặc ‘khuyết’ như mặt trăng. Ngài sẽ tiếp tục làm vinh hiển dân sự Ngài bằng cách chiếu ánh sáng trên họ. Thật là một lời trấn an tốt thay cho chúng ta khi đang sống trong những ngày sau rốt của thế gian âm u này!” Kết thúc bài giảng, diễn giả thông báo ra mắt sách Lời tiên tri của Ê-sai—Ánh sáng cho toàn thể nhân loại, Tập Hai. Bạn đã đọc xong ấn phẩm mới này chưa?
Ngày thứ hai—Có tài dạy dỗ kẻ khác
Vào ngày thứ hai, sau phần thảo luận đoạn Kinh Thánh, chúng ta đã chú ý lắng nghe bài thuyết trình phối hợp thứ hai của đại hội, “Những người rao giảng giúp người khác tin đạo”. Các diễn giả của bài thuyết trình phối hợp gồm ba phần này nêu bật ba giai đoạn trong việc giúp người khác tin đạo—phổ biến thông điệp Nước Trời, vun trồng sự chú ý và dạy dỗ những người chú ý vâng theo những lời Đấng Christ truyền. Qua những màn phỏng vấn và trình diễn các kinh nghiệm, chúng ta đã có thể thấy rõ cách dạy người khác trở thành môn đồ.
Bài giảng kế tiếp có đề tài “Thêm cho nhịn nhục sự tin kính”. Diễn giả cho thấy suy cho Ma-thi-ơ 24:13) Chúng ta nên tận dụng mọi sự cung cấp của Đức Chúa Trời—cầu nguyện, học hỏi cá nhân, nhóm họp và rao giảng—để xây đắp lòng tin kính. Chúng ta cần phải ngăn ngừa những ham muốn và các hoạt động thuộc thế gian lấn át hoặc hủy hoại lòng tin kính của chúng ta.
cùng chính việc “bền chí cho đến cuối-cùng” của chúng ta mới quan trọng. (Làm thế nào ngày nay những người mệt mỏi và nặng gánh có thể tìm thấy sự yên nghỉ? Bài giảng “Yên nghỉ dưới ách của Đấng Christ” trả lời câu hỏi này. Chúa Giê-su ân cần mời môn đồ mang lấy ách ngài và học nơi ngài. (Ma-thi-ơ 11:28-30) Chúng ta có thể mang ách Chúa Giê-su bằng cách theo sát gương mẫu ngài và sống một đời sống giản dị, thăng bằng. Điểm chính của bài thuyết trình này được nhấn mạnh qua các màn phỏng vấn những người đã giản dị hóa đời sống.
Một trong những cao điểm của các cuộc hội họp lớn của Nhân Chứng Giê-hô-va là lễ báp têm cho các tôi tớ mới dâng mình cho Đức Chúa Trời. Anh diễn giả nói bài giảng “Báp têm dẫn đến những đặc ân dạy dỗ lớn hơn” nồng nhiệt chào mừng các ứng viên báp têm và mời họ đón nhận những đặc ân phụng sự lớn hơn. Những người dạy Lời Đức Chúa Trời mới làm báp têm, nếu hội đủ điều kiện Kinh Thánh đòi hỏi, có thể vươn tới nhiều trách nhiệm khác nhau trong hội thánh.
“Noi gương Thầy Dạy Lớn” là nhan đề bài giảng đầu tiên vào buổi chiều cùng ngày. Trong hằng hà sa số năm trên trời, Chúa Giê-su đã quan sát cẩn thận và noi gương Cha ngài để rồi trở thành Thầy Dạy Lớn. Khi sống trên đất, ngài đã sử dụng những kỹ thuật dạy dỗ hữu hiệu, như những câu hỏi sâu sắc và những minh họa giản dị nhưng sống động. Chúa Giê-su dạy dỗ dựa trên Lời Đức Chúa Trời và nói với giọng nhiệt tình, nồng hậu và uy quyền. Chẳng lẽ chúng ta không được thúc đẩy để noi gương Thầy Dạy Lớn hay sao?
Một bài giảng khích lệ khác, “Bạn có sẵn lòng phục vụ người khác không?”, khuyến khích chúng ta noi gương Chúa Giê-su trong việc phục vụ người khác. (Giăng 13:12-15) Diễn giả kêu gọi riêng những anh có khả năng nên giống như Ti-mô-thê, nắm lấy cơ hội giúp đỡ người khác. (Phi-líp 2:20, 21) Các bậc cha mẹ được khuyến khích noi gương Ên-ca-na và An-ne trong việc giúp con cái theo đuổi thánh chức trọn thời gian. Và những người trẻ được khuyên nên noi gương Chúa Giê-su và người trẻ Ti-mô-thê mà sẵn sàng phục vụ. (1 Phi-e-rơ 2:21) Chúng ta cũng cảm động khi nghe những lời phát biểu của những người đã tận dụng cơ hội phục vụ người khác.
Chủ đề bài thuyết trình phối hợp thứ ba là “Được lợi ích trọn vẹn hơn từ sự giáo dục thần quyền”. Diễn giả thứ nhất nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chúng ta tập trung tư tưởng được lâu hơn. Muốn vậy, chúng ta có thể học hỏi cá nhân lúc đầu ngắn thôi rồi thử học lâu hơn sau này. Anh cũng khuyến khích cử tọa lật Kinh Thánh và ghi chép trong các buổi họp. Diễn giả thứ hai giúp chúng ta ý thức nhu cầu theo sát “mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích”. (2 Ti-mô-thê 1:13, 14) Để tự che chở khỏi những trò vô luân của các phương tiện truyền thông đại chúng, triết lý loài người, chỉ trích Kinh Thánh và giáo lý bội đạo, chúng ta phải ưu tiên dành thời gian cho việc học hỏi cá nhân và dự các buổi họp. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Diễn giả cuối cùng của bài thuyết trình phối hợp nhấn mạnh nhu cầu thực hành những điều đã học để có được lợi ích nhiều nhất qua sự giáo dục thần quyền.—Phi-líp 4:9.
Chúng ta thật phấn khởi làm sao khi nghe bài giảng “Những sắp đặt mới để giúp chúng ta tiến bộ về thiêng liêng”! Chúng ta vui mừng khi biết chẳng bao lâu nữa một sách mới nhan đề là Được lợi ích nhờ sự giáo dục của Trường Thánh
Chức Thần Quyền sẽ được xuất bản. Niềm náo nức của chúng ta dâng lên cao khi diễn giả miêu tả nội dung cuốn sách. Về phần cuốn sách chứa đựng một số lời khuyên bảo về thuật ăn nói, diễn giả cho biết: “Sách học mới này không dùng phương pháp ngoài đời để trình bày 53 khía cạnh của việc đọc, nói, và dạy dỗ tốt. Phương pháp được dựa theo nguyên tắc Kinh Thánh”. Qua sách này, chúng ta thấy được kỹ năng dạy dỗ khéo léo của các nhà tiên tri, Chúa Giê-su và các môn đồ của ngài. Đúng vậy, sách giáo khoa này và những điểm đặc trưng mới của Trường Thánh Chức Thần Quyền chắc chắn sẽ giúp chúng ta trở thành những người dạy Lời Đức Chúa Trời hữu hiệu hơn.Ngày thứ ba—Với thời gian anh em phải là những bậc thầy
Sau khi thảo luận đoạn Kinh Thánh cho ngày cuối, mọi người chú ý lắng nghe bài thuyết trình phối hợp cuối cùng của đại hội, “Lời tiên tri của Ma-la-chi chuẩn bị cho chúng ta về ngày của Đức Giê-hô-va”. Ma-la-chi nói tiên tri vào khoảng một trăm năm sau khi dân Do Thái hồi hương từ Ba-by-lôn. Một lần nữa, họ lại bị trôi dạt và rơi vào sự bội đạo và gian ác, gây sỉ nhục danh Đức Giê-hô-va bằng cách lờ đi các luật pháp công bình của Ngài và dâng những con thú mù, què và bệnh hoạn làm lễ vật. Hơn nữa, họ ly dị với vợ cưới hồi còn trẻ có lẽ để lấy đàn bà ngoại.
Chương đầu tiên của sách Ma-la-chi cam kết với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va yêu thương dân Ngài, đồng thời làm nổi bật nhu cầu kính sợ Đức Chúa Trời cũng như quý trọng những điều thánh. Đức Giê-hô-va mong chờ chúng ta dâng cho Ngài những gì tốt nhất, thờ phượng Ngài vì lòng yêu thương bất vị kỷ. Chúng ta không được làm thánh chức một cách chiếu lệ, và chúng ta phải thưa trình với Đức Chúa Trời.
Áp dụng chương hai của sách tiên tri Ma-la-chi cho thời chúng ta, diễn giả thứ hai của bài thuyết trình phối hợp hỏi: “Cá nhân chúng ta có cẩn thận sao cho ‘trong môi-miếng chúng ta chẳng có một sự không công-bình nào’ hay không?” (Ma-la-chi 2:6) Những người dẫn đầu trong việc dạy dỗ nên thận trọng để những gì họ nói đều có cơ sở vững chắc dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta phải ghét cách đối xử tệ bạc chẳng hạn như ly dị bất chính.—Ma-la-chi 2:14-16.
Nói về đề tài “Ai sẽ sống sót qua ngày của Đức Giê-hô-va?”, diễn giả cuối của bài thuyết trình phối hợp giúp chúng ta chuẩn bị cho ngày Đức Giê-hô-va. Diễn giả hùng hồn nói: “Thật an ủi xiết bao khi được biết rằng Ma-la-chi chương 3, câu 17, ứng nghiệm chủ yếu cho tôi tớ của Đức Giê-hô-va: ‘Đức Giê-hô-va vạn-quân phán: Những kẻ ấy sẽ thuộc về ta, làm cơ-nghiệp riêng của ta trong ngày ta làm; và ta sẽ tiếc [“thương xót”, Nguyễn Thế Thuấn] chúng nó như một người tiếc [“thương xót”, NTT] con trai mình hầu-việc mình’ ”.
Một cao điểm khác của đại hội là vở kịch trong trang phục cổ “Tôn trọng uy quyền của Đức Giê-hô-va”, diễn lại câu chuyện các con trai Cô-rê. Dù cha họ có thái độ phản nghịch chống lại Môi-se và A-rôn, họ vẫn giữ sự trung thành với Đức Giê-hô-va và những người đại diện cho Ngài. Dù Cô-rê và đồng bọn bị hủy diệt, các con trai ông ấy sống sót. Bài giảng tiếp theo, “Trung thành vâng phục uy quyền Đức Chúa Trời”, ứng dụng nội dung vở kịch cho mỗi người chúng ta. Diễn giả cảnh báo về sáu điểm thất bại của Cô-rê và đồng bọn: không trung thành ủng hộ uy quyền của Đức Giê-hô-va; để cho lòng kiêu ngạo, tham vọng và tính ghen tị chế ngự họ; chú trọng vào những sự bất toàn của những người được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm; giữ thái độ phàn nàn; đâm ra bất mãn với các đặc ân phụng sự của họ; và để cho tình bạn hoặc tình ruột thịt lấn át lòng trung thành với Đức Giê-hô-va.
“Ai đang dạy dỗ muôn dân về lẽ thật?” là đề tài bài diễn văn công cộng. Lẽ thật được bàn đến không phải là lẽ thật nói chung chung, nhưng là lẽ thật về ý định Đức Giê-hô-va mà Chúa Giê-su Christ đã làm chứng. Diễn giả khảo sát lẽ thật liên quan đến niềm tin của chúng ta, lẽ thật về cách thờ phượng và lẽ thật về hạnh kiểm cá nhân. Bằng cách so sánh tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất với Nhân Chứng Giê-hô-va thời nay, niềm tin tưởng của chúng ta rằng ‘Đức Chúa Trời ở giữa chúng ta’ càng vững mạnh thêm lên.—1 Cô-rinh-tô 14:25.
Sau phần tóm lược bài học Tháp Canh cho tuần lễ đại hội, toàn thể những người dạy Lời Đức Chúa Trời trong cử tọa được thúc đẩy hành động qua bài giảng bế mạc “Cấp bách hoàn thành sứ mệnh dạy dỗ của chúng ta”. Qua việc ôn vắn tắt chương trình đại hội, diễn giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng Kinh Thánh khi dạy dỗ, những cách chúng ta có thể trở nên người dạy dỗ hữu hiệu, và sự cần thiết phải tin tưởng nơi lẽ thật chúng ta dạy cho người khác. Diễn giả khuyên chúng ta để ‘cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của chúng ta’ và ‘giữ chính mình chúng ta và sự dạy-dỗ của chúng ta’.—1 Ti-mô-thê 4:15, 16.
Đại Hội Địa Hạt “Những người dạy Lời Đức Chúa Trời” quả thật là một bữa tiệc thiêng liêng thịnh soạn mà chúng ta được hưởng! Mong sao chúng ta noi gương Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại là Đức Giê-hô-va và Thầy Dạy Lớn là Chúa Giê-su Christ khi dạy người khác về lời Đức Chúa Trời.
[Khung/Các hình nơi trang 28]
Những ấn phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu đặc biệt
Các đại biểu Đại Hội Địa Hạt “Những người dạy Lời Đức Chúa Trời” phấn khởi đón nhận hai ấn phẩm hẳn rất hữu ích trong việc dạy lẽ thật Kinh Thánh cho dân cư một số nơi trên thế giới. Giấy nhỏ với nhan đề Bạn có một linh hồn bất tử không? sẽ là một công cụ hữu ích trong việc bắt chuyện với những người sống tại những nước mà ngôn ngữ địa phương không cho thấy sự khác biệt giữa “linh hồn” và “thần linh”. Giấy nhỏ mới này cho thấy rõ sinh lực khác với tạo vật thần linh và khi chết người ta không trở thành tạo vật thần linh.
Sách mỏng Một đời sống thỏa nguyện—Làm sao đạt được? đã ra mắt vào cuối ngày thứ hai của đại hội. Sách mỏng này được soạn ra nhằm bắt đầu các cuộc học hỏi Kinh Thánh với những ai chưa có khái niệm về một Đấng Tạo Hóa có cá tính và về một cuốn sách được Đức Chúa Trời soi dẫn. Bạn đã có dịp sử dụng các ấn phẩm mới này trong thánh chức chưa?
[Các hình nơi trang 26]
Ở Milan, Ý, và tại các đại hội trên khắp thế giới, hàng trăm người đã làm báp têm
[Hình nơi trang 29]
Vở kịch “Tôn trọng uy quyền của Đức Giê-hô-va” khiến cử tọa cảm động