Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va dạy chúng tôi bền bỉ chịu đựng

Đức Giê-hô-va dạy chúng tôi bền bỉ chịu đựng

Tự truyện

Đức Giê-hô-va dạy chúng tôi bền bỉ chịu đựng

DO ARISTOTELIS APOSTOLIDIS KỂ LẠI

Trong vùng nhiều đồi núi dưới chân dãy Caucasus ở phía bắc, có thành phố Pyatigorsk của nước Nga, nổi tiếng về những suối nước khoáng và khí hậu ôn hòa. Chính ở đây, vào năm 1929, cha mẹ tôi người Hy Lạp đã sanh tôi khi đang tị nạn. Mười năm sau, sau cơn ác mộng của sự thanh trừng, chính sách diệt chủng gieo kinh hoàng của chủ nghĩa Stalin, chúng tôi lại phải đi tị nạn lần nữa vì bị buộc trở về Hy Lạp.

SAU KHI dọn đến Piraiévs, Hy Lạp, từ “người tị nạn” mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ đối với chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như mình là những người hoàn toàn xa lạ. Mặc dù tôi và anh tôi mang tên của hai nhà triết học nổi tiếng của Hy Lạp, Socrates và Aristotle, nhưng chúng tôi không mấy khi được gọi bằng các tên ấy, mà chỉ bị mọi người gọi là mấy thằng bé Nga.

Không lâu sau khi Thế Chiến II bùng nổ, mẹ yêu quý của chúng tôi qua đời. Vì mẹ quán xuyến mọi việc trong gia đình, nên khi mẹ mất, chúng tôi đau khổ vô cùng. Vì mắc bệnh trước đó, nên mẹ đã dạy tôi làm nhiều công việc nhà. Sự rèn dạy này thật lợi ích cho cuộc sống của tôi sau này.

Chiến tranh và giải phóng

Chiến tranh, cuộc chiếm đóng của quân Quốc Xã, và những trận bom liên tục của phe Đồng Minh khiến mỗi ngày cứ như ngày tận cùng rồi. Cảnh nghèo đói, chết chóc lan tràn. Mới 11 tuổi, tôi đã phải cùng cha làm việc rất vất vả để nuôi sống gia đình ba người chúng tôi. Việc học của tôi bị trở ngại bởi không biết nhiều tiếng Hy Lạp, bởi chiến tranh và hoàn cảnh khó khăn thời hậu chiến.

Quân Đức rút khỏi Hy Lạp vào tháng 10 năm 1944. Không lâu sau đó, tôi gặp Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong tình trạng tuyệt vọng và khổ sở của thời ấy, tôi đã rất xúc động khi biết Kinh Thánh đưa ra hy vọng về một tương lai huy hoàng dưới sự cai trị của Nước Trời. (Thi-thiên 37:29) Lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống vĩnh cửu trong điều kiện thanh bình ngay trên đất quả đúng là dầu xoa dịu vết thương tôi. (Ê-sai 9:6) Năm 1946, tôi và cha tôi đã làm báp têm, biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va.

Năm sau đó, tôi vui mừng nhận được nhiệm vụ đầu tiên là làm tôi tớ quảng cáo tạp chí (sau này gọi là tôi tớ phụ trách tạp chí) ở hội thánh thứ hai được tổ chức tại Piraiévs. Khu vực của chúng tôi trải rộng từ Piraiévs xuống tận Eleusis, cách đó khoảng 50 kilômét. Thời ấy có rất nhiều tín đồ Đấng Christ được xức dầu phục vụ tại hội thánh đó. Tôi được đặc ân cùng làm việc và học hỏi nơi họ. Tôi rất vui được kết hợp với họ vì được nghe kể vô vàn kinh nghiệm về việc phải cố gắng hết sức trong công tác rao giảng. Cuộc sống họ cho thấy rõ ràng cần có sự kiên nhẫn và bền chí để phụng sự Đức Giê-hô-va cách trung thành. (Công-vụ 14:22) Thật vui mừng biết bao khi thấy vùng này hiện nay có hơn 50 hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va!

Một thách thức bất ngờ

Ít lâu sau, tôi quen với Eleni, một nữ tín đồ Đấng Christ sốt sắng, trẻ và dễ thương, sống ở thành phố Patras. Chúng tôi đính hôn với nhau vào cuối năm 1952. Thế nhưng, vài tháng sau, Eleni ngã bệnh nặng. Các bác sĩ phát hiện cô bị khối u ở não, và đang trong tình trạng nguy cấp, cần được giải phẫu ngay. Sau bao cố gắng, chúng tôi tìm được một bác sĩ ở Athens sẵn lòng tôn trọng niềm tin tôn giáo của chúng tôi và sẽ giải phẫu mà không tiếp máu—mặc dù vào thời ấy các phương tiện rất hạn chế. (Lê-vi Ký 17:10-14; Công-vụ 15:28, 29) Sau cuộc giải phẫu, các bác sĩ dù lạc quan về triển vọng hồi phục của vị hôn thê tôi, nhưng vẫn dè dặt vì không loại trừ khả năng bệnh sẽ tái phát.

Tôi phải làm gì trong tình huống này? Do hoàn cảnh thay đổi, tôi có nên hủy sự đính ước để khỏi bị ràng buộc không? Không! Khi đính ước là tôi đã hứa, nên tôi muốn giữ lời. (Ma-thi-ơ 5:37) Tôi không hề cho phép mình suy nghĩ theo chiều hướng khác. Nhờ được người chị săn sóc, nên Eleni cũng hồi phục phần nào, và chúng tôi đã kết hôn vào tháng 12 năm 1954.

Ba năm sau, bệnh của Eleni lại tái phát, và chính vị bác sĩ lần trước đã phải giải phẫu cho cô ấy một lần nữa. Lần này, bác sĩ phải mổ sâu hơn vào não để cắt bỏ hoàn toàn khối u. Hậu quả là vợ tôi bị liệt một phần, và trung khu thần kinh nói bị ảnh hưởng nặng. Giờ đây một loạt vấn đề phức tạp khác đã nẩy sinh cho cả hai chúng tôi. Ngay đến một việc đơn giản nhất cũng đã trở thành một trở ngại lớn cho người vợ yêu dấu của tôi. Tình trạng ngày càng suy yếu của Eleni buộc chúng tôi phải có những thay đổi rất lớn trong nếp sống hàng ngày, đòi hỏi phải hết sức chịu đựng và bền chí.

Giờ thì sự rèn tập mà tôi đã nhận từ mẹ trở thành vô giá. Mỗi sáng sớm, tôi chuẩn bị các thứ cần dùng cho các bữa ăn, còn Eleni thì nấu. Chúng tôi rất thường mời khách đến dùng bữa, trong số đó có các anh chị làm thánh chức trọn thời gian, các người học Kinh Thánh với chúng tôi, và những anh em tín đồ Đấng Christ thiếu thốn trong hội thánh. Họ đều khen các bữa ăn này rất ngon! Eleni và tôi cũng cùng nhau làm một số việc nhà, nên nhà cửa chúng tôi sạch sẽ, ngăn nắp. Tình trạng cực kỳ khó khăn này đã kéo dài 30 năm.

Sốt sắng dù bệnh tật

Tôi và các anh chị khác đều rất cảm động nhận thấy là không điều gì có thể làm giảm tình yêu thương của vợ tôi dành cho Đức Giê-hô-va và sự sốt sắng của cô ấy trong thánh chức. Dần dà, bằng sự nỗ lực kiên trì, Eleni đã diễn đạt được ý mình bằng số từ vựng rất hạn chế. Cô thích tiếp cận những người trên đường phố để nói tin mừng của Kinh Thánh. Khi đi công tác, tôi thường đưa cô đi cùng và đậu xe gần vỉa hè đông người qua lại. Cô mở kiếng xe và mời những người đi ngang nhận tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! Bằng cách này, có lần Eleni đã phát hành được 80 tạp chí trong hai giờ, nhiều lần cô đã phát hành sạch các tạp chí cũ trong hội thánh. Eleni cũng rất đều đặn trong các hình thức rao giảng khác.

Trong bao năm bệnh tật, vợ tôi luôn ở bên cạnh tôi trong các buổi họp. Cô chưa bao giờ bỏ lỡ một đại hội hay hội nghị nào, cho dù chúng tôi phải đi sang nước khác để dự vì ở Hy Lạp Nhân Chứng Giê-hô-va bị bắt bớ. Dù bị nhiều hạn chế, cô vẫn vui mừng tham dự các đại hội ở Áo, Đức, Cyprus và các nước khác. Eleni không bao giờ than phiền hay tỏ ra đòi hỏi, ngay dù mọi sự không thuận lợi vì tôi phải nhận thêm trách nhiệm trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.

Hoàn cảnh này đã cho tôi cơ hội rèn luyện tính bền bỉ chịu đựng trong một thời gian dài. Tôi đã nhiều lần cảm nghiệm được sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Các anh chị đã thực sự hy sinh để giúp chúng tôi bằng mọi cách, và các bác sĩ cũng đã hết lòng nâng đỡ chúng tôi. Trong bao năm khó khăn ấy, chúng tôi vẫn có được đầy đủ các nhu cầu thiết yếu của đời sống, mặc dù hoàn cảnh nghiệt ngã khiến tôi không thể làm việc trọn thời gian. Chúng tôi đã luôn đặt quyền lợi và việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu.—Ma-thi-ơ 6:33.

Nhiều người hỏi điều gì đã giúp chúng tôi đứng vững trong thời gian khó khăn ấy. Nhìn lại, tôi hiểu ra là việc học Kinh Thánh cá nhân, thành tâm cầu nguyện Đức Chúa Trời, đều đặn tham dự các buổi họp của hội thánh, và sốt sắng tham gia vào công việc rao giảng, đã giúp chúng tôi càng thêm bền bỉ chịu đựng. Chúng tôi luôn được nhắc nhở về những lời khích lệ trong Thi-thiên 37:3-5: “Hãy tin-cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành;... Hãy khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va... Hãy phó-thác đường-lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ-cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy”. Câu Thi-thiên 55:22: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi” cũng thật quý báu đối với chúng tôi. Như người con hoàn toàn tin cậy cha mình, chúng tôi không những đã trao gánh nặng mình cho Đức Giê-hô-va, mà còn hoàn toàn giao phó cho Ngài.—Gia-cơ 1:6.

Vào ngày 12-4-1987, khi vợ tôi đang rao giảng trước nhà chúng tôi, thì cánh cửa sắt nặng đóng sầm phía sau khiến cô ấy ngã trên lề đường và bị thương nặng. Hậu quả là cô ấy hôn mê trong suốt ba năm, và qua đời vào đầu năm 1990.

Dốc hết khả năng phụng sự Đức Giê-hô-va

Trở lại năm 1960, tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ hội thánh tại Nikaia, Piraiévs. Từ đó trở đi, tôi được đặc ân phục vụ ở một số hội thánh khác nhau tại Piraiévs. Mặc dù chưa bao giờ có con, nhưng tôi đã có niềm vui được giúp nhiều người con thiêng liêng đứng vững trong lẽ thật. Bây giờ một số người này hiện đang phục vụ hội thánh với tư cách là trưởng lão, tôi tớ thánh chức, tiên phong, và thành viên gia đình Bê-tên.

Sau khi chế độ dân chủ được tái lập ở Hy Lạp vào năm 1975, Nhân Chứng Giê-hô-va đã có thể tự do tổ chức các đại hội, không còn phải trốn tránh trong rừng nữa. Kinh nghiệm mà một số anh em chúng tôi đã thu được khi tổ chức các đại hội ở nước ngoài nay thật hữu ích. Do vậy, trong nhiều năm tôi được niềm vui và đặc ân phục vụ trong nhiều ủy ban khác nhau phụ trách về đại hội.

Đến năm 1979, có kế hoạch xây dựng Phòng Hội Nghị đầu tiên ở ngoại ô Athens, Hy Lạp. Tôi được bổ nhiệm giúp công tác tổ chức và thực hiện dự án xây dựng lớn này. Công việc này cũng đòi hỏi rất nhiều sự bền bỉ chịu đựng. Sau ba năm liền làm việc với hàng trăm anh chị em có tinh thần hy sinh, sợi dây thân ái, đoàn kết giữa chúng tôi đã được thắt chặt. Những kỷ niệm về dự án này mãi mãi khắc ghi trong tâm trí tôi.

Thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của các tù nhân

Vài năm sau đó, một cơ hội mới đã đến. Gần khu vực của hội thánh tôi, ở Korydallos, là một trong những nhà tù lớn nhất Hy Lạp. Từ tháng 4 năm 1991, mỗi tuần tôi được chỉ định đến nhà tù ấy với tư cách người truyền giáo Nhân Chứng Giê-hô-va. Ở đó tôi được phép hướng dẫn các cuộc học hỏi Kinh Thánh và các buổi họp đạo Đấng Christ cho những tù nhân chú ý đến Kinh Thánh. Nhiều người trong số họ đã thay đổi rất nhiều, cho thấy sức mạnh vô hạn của Lời Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 4:12) Điều này đã cảm kích cả những nhân viên nhà tù và những tù nhân khác. Một số tù nhân học hỏi Kinh Thánh với tôi đã được thả, và nay là những người công bố tin mừng.

Tôi đã hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh trong một thời gian cho ba người buôn ma túy khét tiếng. Họ tiến bộ về thiêng liêng nên đã cạo râu, chải đầu tươm tất và mặc áo sơ-mi, thắt cà-vạt đến học hỏi Kinh Thánh vào giữa tháng 8, một trong những tháng nóng nhất ở Hy Lạp! Giám đốc nhà tù, trưởng cai tù, và một số nhân viên từ văn phòng đã chạy ra xem hiện tượng này. Đối với họ, quả là điều khó tin nhưng có thật!

Có một kinh nghiệm khích lệ khác trong trại giam nữ. Một phụ nữ bị án chung thân vì tội giết người đã bắt đầu chịu học Kinh Thánh. Bà ta nổi tiếng là bất trị. Thế nhưng, không lâu sau, lẽ thật Kinh Thánh bà học được đưa đến những thay đổi đáng chú ý đến độ nhiều người nhận xét bà giống như sư tử biến thành cừu non vậy! (Ê-sai 11:6, 7) Bà mau chóng được giám đốc nhà tù tôn trọng và tin tưởng. Tôi vui mừng thấy bà tiến bộ nhiều về thiêng liêng và đạt đến mức dâng mình cho Đức Giê-hô-va.

Giúp người bệnh tật và già cả

Vì đã nhìn thấy vợ tôi chiến đấu dai dẳng với bệnh tật, nên tôi rất nhạy với những nhu cầu của người đau bệnh và lớn tuổi trong hội thánh. Tôi rất chú ý những bài trong các sách báo của Hội khuyến khích chúng ta để ý đến và yêu thương giúp đỡ những anh chị đó. Tôi trân trọng lưu giữ những bài báo ấy, nên sau vài năm, đã tích lũy được cả một tập hơn một trăm trang—bắt đầu với bài “Quan tâm đến người lớn tuổi và buồn khổ” của Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 15-7-1962. Nhiều bài cho thấy việc mỗi hội thánh sắp đặt để giúp đỡ những người bệnh tật, già yếu là rất lợi ích.—1 Giăng 3:17, 18.

Trong hội thánh chúng tôi, các trưởng lão đã thành lập một nhóm các anh chị tình nguyện chăm nom đến nhu cầu của những người đau bệnh và già yếu. Chúng tôi đã chia những người tình nguyện thành những đội khác nhau—chẳng hạn như những người có thể giúp vào ban ngày, những người khác thì giúp vào ban đêm, người khác nữa thì lo việc chuyên chở, và những người có thể giúp bất cứ lúc nào, như đội máy bay hỏa tốc.

Kết quả của những nỗ lực ấy thật khích lệ. Chẳng hạn, một lần nọ, như thường ngày anh em đến thăm một chị bị bệnh, sống một mình, và họ phát hiện chị đang nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Chúng tôi đã báo cho một chị có xe hơi sống gần đấy. Chị đã cấp kỳ đưa người bệnh vào nhà thương gần nhất—chỉ trong 10 phút! Các bác sĩ cho biết nhờ thế mà người bệnh đã được cứu.

Các anh chị trong nhóm rất vui sướng khi những người ốm yếu và lớn tuổi này bày tỏ lòng biết ơn. Thật ấm lòng khi có được hy vọng cùng sống với các anh chị này trong hệ thống mới của Đức Chúa Trời dưới những điều kiện khác hơn. Một phần thưởng nữa là biết rằng họ đã chịu đựng được trong những lúc khốn khổ là nhờ sự giúp đỡ.

Được thưởng nhờ bền bỉ

Bây giờ tôi phục vụ với tư cách trưởng lão ở một trong các hội thánh tại Piraiévs. Mặc dù lớn tuổi và có nhiều vấn đề về sức khỏe, nhưng tôi vẫn hạnh phúc vì còn có thể tham gia tích cực vào các hoạt động của hội thánh.

Qua nhiều năm, những hoàn cảnh căng thẳng, những thử thách khó khăn, và những việc bất ngờ xảy đến, đã buộc tôi phải kiên trì và bền bỉ hơn mức bình thường. Nhưng Đức Giê-hô-va luôn ban cho tôi sức mạnh cần thiết để vượt qua những vấn đề này. Tôi thường nghiệm thấy lời của người viết Thi-thiên là rất đúng: “Hỡi Đức Giê-hô-va, khi tôi nói: Chân tôi trượt, thì sự nhân-từ Ngài nâng-đỡ tôi. Khi tư-tưởng bộn-bề trong lòng tôi, thì sự an-ủi Ngài làm vui-vẻ linh-hồn tôi”.—Thi-thiên 94:18, 19.

[Hình nơi trang 25]

Với Eleni, vợ tôi, sau lần giải phẫu thứ hai, vào năm 1957

[Hình nơi trang 26]

Tại một đại hội ở Nuremberg, Đức, vào năm 1969

[Hình nơi trang 28]

Nhóm các anh chị chuyên giúp những người bệnh tật và lớn tuổi