Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sạch sẽ—Thật sự có nghĩa gì?

Sạch sẽ—Thật sự có nghĩa gì?

Sạch sẽ​—⁠Thật sự có nghĩa gì?

VÌ CỚ sự thiếu vệ sinh trầm trọng ở Âu Châu và Hoa Kỳ trong thế kỷ 18 và 19, các giáo sĩ thời đó giảng điều được gọi là “giáo lý sạch sẽ”. Giáo lý đó xem việc ở dơ ngang hàng với phạm tội, trong khi sự sạch sẽ được cho là đưa một người đến gần Đức Chúa Trời hơn. Có lẽ điều này đã khiến cho câu nói này trở nên phổ thông: “Sự sạch sẽ đi liền với sự thánh thiện”.

Đội Quân Cứu Tế do William và Catherine Booth sáng lập đã có quan niệm này. Theo sách Health and Medicine in the Evangelical Tradition, một trong những khẩu hiệu tiên khởi của họ là: “Xà phòng, xúp và xóa tội”. Sau đó, khi Louis Pasteur và những người khác chứng tỏ một cách khẳng định là vi khuẩn mang lại bệnh tật, điều này khiến cho người ta có bằng chứng khoa học để đẩy mạnh kế hoạch y tế công cộng.

Một số biện pháp tức thời là không đòi hỏi người làm chứng phải hôn cuốn Kinh Thánh trong các phiên tòa và hủy đi việc dùng chung ly ở trường học và các nhà ga xe lửa. Người ta còn cố gắng thay các ly tập thể trong các buổi lễ tôn giáo bằng các ly riêng. Đúng vậy, những người tiên phong thời ấy dường như thành công một cách đáng kể trong việc thay đổi thái độ của người ta đối với sự sạch sẽ. Bởi vậy một nhà văn gọi thành quả đó là “say mê sự sạch sẽ”.

Tuy nhiên, “say mê sự sạch sẽ” chỉ là vẻ bề ngoài chóng phai. Chẳng bao lâu sau những nhà buôn tháo vát biến cục xà phòng tầm thường thành một sản phẩm của sắc đẹp. Những màn quảng cáo tài tình khiến người tiêu dùng tin rằng nếu sử dụng một số sản phẩm vệ sinh cá nhân nào đó, họ sẽ thuộc giai cấp xã hội sang trọng khiến người khác thèm thuồng. Truyền hình tiếp tay cho sự tưởng tượng này. Những nhân vật nổi tiếng đóng phim quảng cáo hay tình tứ lãng mạn trên truyền hình ít khi thấy đích thân làm công việc dọn dẹp nhà cửa, quét sân, nhặt rác, hoặc hốt phân mèo chó họ nuôi trong nhà.

Cũng có những người khác nữa lý luận rằng việc đi làm ở ngoài giúp họ trang trải chi phí, trong khi công việc nội trợ hoặc dọn dẹp nhà cửa thì không đem lại tiền bạc gì cả. Và tại sao họ phải quan tâm đến môi trường trong khi việc này không đem lại lợi lộc tiền bạc cho họ? Một hậu quả của lối suy nghĩ này là ngày nay một số người nghĩ rằng sạch sẽ chỉ là vấn đề vệ sinh cá nhân.

Quan điểm của Đức Chúa Trời về sự sạch sẽ

Chắc chắn những nỗ lực thuở ban đầu nhằm dạy người ta ăn ở sạch sẽ quả đã giúp người ta sống khả quan hơn. Và đúng là như vậy, vì sự sạch sẽ là một đức tính thuộc về và bắt nguồn từ Đức Chúa Trời thánh sạch, Đức Giê-hô-va. Ngài dạy chúng ta hưởng lợi ích bằng cách trở thành những người thánh thiện và sạch sẽ trong mọi đường lối.—Ê-sai 48:17; 1 Phi-e-rơ 1:15.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm gương về phương diện này. Sự sạch sẽ, cũng như những đức tính vô hình khác, thể hiện rõ trong sự sáng tạo hữu hình của Đức Chúa Trời. (Rô-ma 1:20) Chúng ta quan sát thấy sự sáng tạo tự nó không gây ra sự ô nhiễm nào lâu dài. Trái đất với nhiều chu kỳ sinh thái là một kỳ quan biết tự thanh lọc, và nó được thiết kế để người ta sống sạch sẽ, khỏe mạnh. Một công trình sạch sẽ như thế chỉ có thể đến từ một Đấng Thiết Kế có tinh thần sạch sẽ. Do đó, chúng ta có thể đi đến kết luận là những người thờ phượng Đức Chúa Trời phải sạch sẽ về mọi phương diện trong đời sống.

Bốn khía cạnh của sự thanh sạch

Kinh Thánh nói đến bốn khía cạnh của sự thanh sạch mà những người thờ phượng Đức Chúa Trời phải cố gắng đạt được. Chúng ta hãy xem từng khía cạnh một.

Thiêng liêng. Đây có thể được xem là sự thanh sạch quan trọng nhất, vì liên quan đến triển vọng sống đời đời của một người. Tuy nhiên, đây thường là khía cạnh bị xao lãng nhiều nhất. Nói giản dị, thanh sạch về thiêng liêng có nghĩa là không bao giờ vượt qua ranh giới do Đức Chúa Trời đặt ra giữa sự thờ phượng thật và sự thờ phượng sai lầm, vì Đức Chúa Trời xem mọi hình thức thờ phượng sai lầm là ô uế. Sứ đồ Phao-lô viết: “Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân-rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá-động đến đồ ô-uế, thì ta sẽ tiếp-nhận các ngươi”. (2 Cô-rinh-tô 6:17) Môn đồ Gia-cơ cũng nói rất rõ về phương diện này: “Sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là:... giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian”.—Gia-cơ 1:27.

Đức Chúa Trời đã rõ ràng cho thấy Ngài không tán thành việc pha trộn sự thờ phượng sai lầm với sự thờ phượng thật. Sự thờ phượng sai lầm thường bao gồm những thực hành ô uế và thần tượng ghê tởm. (Giê-rê-mi 32:35) Vì vậy, tín đồ thật của Đấng Christ được khuyên giục phải tránh xa và không dính líu đến sự thờ phượng ô uế.—1 Cô-rinh-tô 10:20, 21; Khải-huyền 18:4.

Đạo đức. Ở đây, Đức Chúa Trời cũng vạch ra ranh giới giữa sự thanh sạch và ô uế. Thế gian nói chung giống như được miêu tả nơi Ê-phê-sô 4:17-19: “Lòng họ cứng-cỏi nên trí-khôn tối-tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời. Họ đã mất cả sự cảm-biết, đành bỏ mình trong một đời buông-lung, đem lòng mê-đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô-uế”. Tư tưởng vô luân ấy thể hiện dưới nhiều cách công khai và tinh tế, bởi vậy, tín đồ Đấng Christ cần phải cảnh giác đề phòng.

Những người yêu mến Đức Chúa Trời biết rằng sự mãi dâm, đồng tính luyến ái, tình dục trước hôn nhân và tài liệu khiêu dâm đều vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức thanh sạch của Đức Giê-hô-va. Thế nhưng, thế giới giải trí và thời trang thường phô bày những thực hành này. Vì vậy, tín đồ Đấng Christ cần phải cảnh giác đề phòng những khuynh hướng ấy. Mặc quần áo hở hang, khêu gợi đi đến các buổi họp đạo Đấng Christ hoặc các buổi họp mặt vui chơi gây chú ý không cần thiết đến thân thể của mình và biểu lộ một sự thiếu thanh sạch. Ngoài việc du nhập tư tưởng ô uế của thế gian vào tập thể anh em, ăn mặc như thế có nguy cơ khơi dậy ý nghĩ ô uế trong tâm trí người khác. Đây là một lĩnh vực mà tín đồ Đấng Christ cần phải năng trau dồi để thể hiện “sự khôn-ngoan từ trên mà xuống”.—Gia-cơ 3:17.

Tinh thần. Ta không nên để cho nơi thầm kín nhất của tâm hồn là chỗ chất chứa những tư tưởng ô uế. Chúa Giê-su cảnh giác chúng ta đề phòng tư tưởng ô uế khi ngài nói: “Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi”. (Ma-thi-ơ 5:28; Mác 7:20-23) Những lời này cũng được áp dụng cho việc xem hình ảnh và phim ảnh khiêu dâm, đọc những câu chuyện về các hoạt động dâm dục và nghe những lời ca tiếng hát khêu gợi thú nhục dục. Vậy tín đồ Đấng Christ cần phải tránh tự dấy bẩn qua việc nuôi giữ những tư tưởng ô uế có thể dẫn đến lời nói và hành động không thanh sạch, thánh thiện.—Ma-thi-ơ 12:34; 15:18.

Thể chất. Sự thánh khiết và sạch sẽ về thể chất có liên hệ chặt chẽ trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, Phao-lô viết: “Hỡi những kẻ rất yêu-dấu..., hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh, lại lấy sự kính-sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta”. (2 Cô-rinh-tô 7:1) Do đó, tín đồ thật của Đấng Christ nên cố gắng giữ cho thân thể, nhà cửa và môi trường chung quanh được sạch sẽ và ngăn nắp, càng nhiều càng tốt tùy theo hoàn cảnh cho phép. Ngay cả ở những nơi thiếu nước để tắm rửa hoặc giặt giũ, tín đồ Đấng Christ nên cố gắng hết sức để có thể giữ sạch sẽ và dễ coi.

Sự sạch sẽ thể chất cũng gạt bỏ việc sử dụng thuốc lá dưới bất cứ hình thức nào, uống rượu say sưa và bất cứ hình thức lạm dụng ma túy nào cũng làm hại và dấy bẩn thân thể. Chàng chăn chiên được miêu tả trong sách Nhã-ca thưởng thức mùi thơm của quần áo nàng Su-la-mít. (Nhã-ca 4:11) Chăm sóc đến vệ sinh cá nhân là một điều đầy yêu thương, vì chúng ta muốn tránh tỏa ra mùi hôi khó chịu cho những người xung quanh chúng ta. Nước hoa và dầu thơm có thể làm dễ chịu, nhưng chúng không thể thay thế việc thường xuyên tắm rửa và mặc quần áo sạch sẽ.

Giữ quan điểm thăng bằng

Người ta có thể đi đến những cực đoan trong vấn đề sạch sẽ thể chất. Một đàng là sự sạch sẽ quá đáng có thể khiến chúng ta mất niềm vui của cuộc sống. Điều này cũng cướp đi nhiều thì giờ quý báu. Mặt khác, nhà cửa dơ bẩn và bừa bãi có thể gây tốn hao cho việc sửa chữa. Giữa hai thái cực này, biện pháp thăng bằng và thực tiễn là giữ cho nhà cửa của chúng ta được sạch sẽ và dễ coi.

Giữ cho giản dị. Nhà cửa hoặc phòng hỗn độn khiến khó dọn dẹp, và khó thấy bụi bậm ở những môi trường bề bộn như thế. Những nhà nhỏ, ngăn nắp đỡ tốn thời gian dọn dẹp. Kinh Thánh nhiệt liệt khuyến khích một nếp sống giản dị: “Miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng”.—1 Ti-mô-thê 6:8.

Giữ cho ngăn nắp. Mỗi người có trách nhiệm giữ sạch sẽ nhà mình. Nhà cửa thường bừa bãi khi các phòng riêng bừa bãi. Sự ngăn nắp có nghĩa là mỗi vật đều ở đúng vị trí. Chẳng hạn, ta không nên vất quần áo dơ bẩn tứ tung trong phòng ngủ. Điều còn nghiêm trọng hơn nữa, các đồ chơi và dụng cụ làm việc bày la liệt khắp nhà là nguy cơ gây tai nạn. Nhiều tai nạn xảy ra trong nhà là do những thói quen bừa bãi của những người sống trong nhà ấy.

Rõ ràng là sự sạch sẽ và lối sống của tín đồ Đấng Christ đi đôi với nhau. Nhà tiên tri Ê-sai gọi lối sống tin kính là “đường thánh”. Và ông nói thêm rằng “kẻ nào ô-uế sẽ không được đi qua”, điều này khiến ta phải suy nghĩ. (Ê-sai 35:8) Đúng vậy, vun trồng thói quen tốt sạch sẽ bây giờ là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy chúng ta có đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ sớm thiết lập một địa đàng sạch sẽ. Chừng ấy, khắp nơi trên trái đất đẹp đẽ này, mọi người sẽ tôn vinh Giê-hô-va Đức Chúa Trời bằng cách tuân thủ triệt để các tiêu chuẩn sạch sẽ hoàn hảo của Ngài.—Khải-huyền 7:9.

[Hình nơi trang 6]

Mỗi người có trách nhiệm giữ sạch sẽ nhà mình

[Hình nơi trang 7]

Trái đất là một kỳ quan tự thanh lọc