Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được trang bị đầy đủ để làm người dạy Lời Đức Chúa Trời

Được trang bị đầy đủ để làm người dạy Lời Đức Chúa Trời

Được trang bị đầy đủ để làm người dạy Lời Đức Chúa Trời

“Đức Chúa Trời... đã ban cho chúng ta đủ khả năng giúp việc”.—2 CÔ-RINH-TÔ 3:5, 6, NW.

1, 2. Đôi khi có những nỗ lực nào trong việc rao giảng, nhưng tại sao những nỗ lực đó thường thất bại?

BẠN cảm thấy thế nào nếu được giao cho một công việc mà mình không đủ khả năng làm? Thử tưởng tượng: Tư liệu và dụng cụ cần thiết bày sẵn trước mặt, nhưng bạn chẳng biết phải làm gì. Tệ hơn nữa, công việc đặc biệt này lại rất khẩn cấp. Mọi người đều trông cậy vào bạn. Thật bực bội phải không?

2 Tình huống lúng túng đó không hoàn toàn là chuyện tưởng tượng. Chẳng hạn, đôi khi một nhà thờ thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ đã thử tổ chức việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Nhưng những nỗ lực của họ thường thất bại, chỉ kéo dài được vài tuần hoặc vài tháng. Tại sao vậy? Vì các đạo xưng theo Đấng Christ không giúp cho tín hữu của họ có đủ khả năng để thực hiện công việc. Ngay cả hàng giáo phẩm, thường đã được đào tạo nhiều năm ở các trường và chủng viện, cũng không hẳn đủ khả năng. Vì sao chúng ta có thể nói như thế?

3. Cụm từ nào được dùng đến ba lần trong 2 Cô-rinh-tô 3:5, 6, và cụm từ đó có nghĩa gì?

3 Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta biết điều gì khiến một người thật sự có đủ khả năng rao truyền tin mừng. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn viết: “Không phải tự mình chúng ta đủ khả năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng ta, nhưng khả năng của chúng ta đến từ Đức Chúa Trời; và ấy là Ngài đã ban cho chúng ta đủ khả năng giúp việc”. (2 Cô-rinh-tô 3:5, 6, NW) Bạn hãy lưu ý cụm từ được dùng đến ba lần ở đây: ‘đủ khả năng’. Cụm từ này có nghĩa gì? Cuốn Vine’s Expository Dictionary of Biblical Words (Tự điển Kinh Thánh của Vine) nói: “Khi nói về vật, [từ Hy Lạp gốc] có nghĩa là ‘đủ’...; còn khi nói về người, nó có nghĩa là ‘đủ năng lực’, ‘xứng đáng’ ”. Như vậy, người “đủ khả năng” là người có đủ năng lực và xứng đáng để đảm nhiệm một công việc. Thật vậy, người rao truyền tin mừng chân chính phải là người đủ khả năng làm công việc này, tức có đủ năng lực, phù hợp hoặc xứng đáng với công việc rao giảng.

4. (a) Gương của Phao-lô cho thấy thánh chức của tín đồ Đấng Christ không chỉ giới hạn cho một số người như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va giúp chúng ta có đủ khả năng làm người truyền giáo qua ba công cụ nào?

4 Nhưng nhờ đâu một người có được khả năng đó? Do năng khiếu chăng? Sự thông minh chăng? Hay nhờ được đào tạo chuyên nghiệp ở các trường uy tín? Có thể sứ đồ Phao-lô hội đủ mọi tiêu chuẩn đó. (Công-vụ 22:3; Phi-líp 3:4, 5) Tuy nhiên, ông khiêm nhường nhìn nhận khả năng truyền giáo của mình không phải bởi học cao, mà là sự ban cho của Đức Chúa Trời Giê-hô-va. Phải chăng chỉ một số người ưu tú mới có khả năng đó? Phao-lô nói với hội thánh Cô-rinh-tô về “khả năng của chúng ta”. Điều đó chắc chắn cho thấy Đức Giê-hô-va bảo đảm mọi tôi tớ trung thành của Ngài đều có đủ năng lực thực hiện công việc Ngài giao phó. Làm thế nào Đức Giê-hô-va giúp các tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay có đủ khả năng? Chúng ta hãy cùng xem xét ba công cụ mà Ngài dùng: (1) Lời Ngài, (2) thánh linh, và (3) tổ chức trên đất của Ngài.

Lời Đức Giê-hô-va giúp chúng ta đủ khả năng

5, 6. Kinh Thánh có tác động nào trên các tín đồ thật của Đấng Christ?

5 Trước hết, làm thế nào Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta có đủ khả năng làm người truyền giáo? Phao-lô viết: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn [“được trang bị đầy đủ”, Tòa Tổng Giám Mục] để làm mọi việc lành”. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Vậy, Kinh Thánh giúp chúng ta trở nên “trọn-vẹn” và “được trang bị đầy đủ” để thi hành “việc lành” là giảng dạy người ta về Lời Đức Chúa Trời. Thế còn tín hữu của các đạo xưng theo Đấng Christ thì sao? Họ cũng có Kinh Thánh. Vì sao cũng dùng một cuốn sách, mà người này thì có đủ khả năng còn những người khác thì không? Đó là do thái độ của chúng ta đối với Kinh Thánh.

6 Điều đáng buồn là nhiều người đi lễ nhà thờ nhưng không chấp nhận thông điệp của Kinh Thánh “thật là lời Đức Chúa Trời”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13) Khối đạo xưng theo Đấng Christ có một thành tích đáng hổ thẹn về phương diện này. Sau nhiều năm thụ huấn ở các trường thần học, phải chăng hàng giáo phẩm được trang bị đầy đủ để giảng dạy Lời Đức Chúa Trời? Không hẳn vậy. Một số học viên lúc nhập chủng viện còn tin nơi Kinh Thánh, nhưng đến khi tốt nghiệp thì trở nên hoài nghi! Sau đó thay vì giảng Lời Đức Chúa Trời—mà nhiều người trong họ không còn tin nữa—họ thực thi thánh chức theo chiều hướng khác, ủng hộ các phe phái trong các cuộc tranh luận chính trị, cổ võ việc dùng phúc âm để cải cách xã hội, hoặc chủ yếu giảng về các triết lý loài người. (2 Ti-mô-thê 4:3) Trái lại, các tín đồ thật của Đấng Christ noi theo gương Chúa Giê-su.

7, 8. Thái độ của Chúa Giê-su đối với Lời Đức Chúa Trời khác với các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời ra sao?

7 Chúa Giê-su đã không để các nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời ngài ảnh hưởng lối suy nghĩ của ngài. Dù dạy dỗ một nhóm nhỏ, như các sứ đồ, hay những đoàn dân đông, Chúa Giê-su đều thường dùng Kinh Thánh. (Ma-thi-ơ 13:10-17; 15:1-11) Thói quen này khiến ngài khác hẳn các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời. Họ quyết liệt ngăn cản thường dân tìm hiểu những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời. Thật thế, vào thời đó các thầy dạy đạo thường cho rằng một số câu Kinh Thánh quá sâu sắc nên không thể thảo luận với ai khác ngoài đồ đệ thân cận nhất—và khi làm thế, chỉ nên nói khẽ và phải trùm đầu lại. Vì mê tín, các nhà lãnh đạo tôn giáo đó sợ thảo luận một số đoạn Kinh Thánh cũng giống như sợ phát âm danh Đức Chúa Trời vậy!

8 Đấng Christ có thái độ hoàn toàn khác. Ngài tin rằng không chỉ một số ít người chọn lọc, mà tất cả mọi người đều cần xem xét “mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. Chúa Giê-su không nghĩ đến việc trao chìa khóa sự hiểu biết cho một nhóm học giả ưu tú. Ngài nói với các môn đồ: “Lời ta phán cùng các ngươi trong nơi tối-tăm, hãy nói ra nơi sáng-láng; và lời các ngươi nghe kề lỗ tai, hãy giảng ra trên mái nhà”. (Ma-thi-ơ 4:4, chúng tôi viết nghiêng; 10:27). Chúa Giê-su nhiệt thành mong muốn chia sẻ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời với càng nhiều người càng tốt.

9. Các tín đồ thật của Đấng Christ dùng Kinh Thánh như thế nào?

9 Lời Đức Chúa Trời phải là trọng tâm trong sự dạy dỗ của chúng ta. Chẳng hạn, khi nói một bài giảng ở Phòng Nước Trời, chỉ đọc qua vài câu Kinh Thánh chọn lọc thường không đủ. Có khi chúng ta cần giải thích, minh họa, và cho thấy cách áp dụng câu Kinh Thánh trong bài. Mục tiêu của chúng ta là làm cho thông điệp Kinh Thánh trên các trang giấy thấm sâu vào lòng người nghe. (Nê-hê-mi 8:8, 12) Cũng nên dùng Kinh Thánh khi cần cho lời khuyên hoặc thi hành kỷ luật. Dù dân sự Đức Giê-hô-va nói nhiều ngôn ngữ khác nhau và có nguồn gốc xuất thân khác nhau, nhưng tất cả họ đều kính trọng Kinh Thánh, cuốn sách quan trọng hơn hết mọi cuốn sách.

10. Thông điệp được soi dẫn trong Kinh Thánh có thể tác động thế nào đến chúng ta?

10 Khi được sử dụng một cách kính cẩn như thế, Lời Đức Chúa Trời sẽ thể hiện quyền lực. (Hê-bơ-rơ 4:12) Lời Ngài khiến người ta thay đổi đời sống, từ bỏ những thực hành trái với Kinh Thánh như tà dâm, ngoại tình, thờ hình tượng, say sưa và trộm cắp. Kinh Thánh đã giúp rất nhiều người lột bỏ nhân cách cũ và mặc lấy nhân cách mới. (Ê-phê-sô 4:20-24) Thật vậy, nếu chúng ta tôn trọng Kinh Thánh trên hết mọi ý kiến hoặc truyền thống của loài người và luôn dùng Kinh Thánh, cuốn sách này có thể giúp chúng ta trở nên trọn vẹn và được trang bị đầy đủ để làm người dạy Lời Đức Chúa Trời.

Thánh linh Đức Giê-hô-va giúp chúng ta đủ khả năng

11. Tại sao gọi thánh linh Đức Giê-hô-va là “Đấng Yên-ủi” là điều thích hợp?

11 Thứ hai, hãy thảo luận vai trò của thánh linh, tức sinh hoạt lực của Đức Giê-hô-va, trong việc giúp chúng ta được trang bị đầy đủ. Chúng ta chớ bao giờ quên rằng thánh linh Đức Giê-hô-va là lực mạnh nhất. Đức Giê-hô-va đã ban cho Con yêu dấu Ngài quyền được sử dụng lực đáng sợ này vì lợi ích của tất cả tín đồ thật Đấng Christ. Vì vậy, thật thích hợp khi Chúa Giê-su gọi thánh linh là “Đấng Yên-ủi”. (Giăng 16:7) Ngài khuyến khích môn đồ cầu xin Đức Giê-hô-va ban thánh linh bằng cách bảo đảm với họ rằng Đức Chúa Trời sẽ rộng rãi ban cho.—Lu-ca 11:10-13; Gia-cơ 1:17.

12, 13 (a) Tại sao cầu xin thánh linh giúp chúng ta trong thánh chức rao giảng là điều quan trọng? (b) Người Pha-ri-si cho thấy họ không được thánh linh tác động như thế nào?

12 Chúng ta cần cầu xin thánh linh hàng ngày, đặc biệt để được giúp đỡ trong thánh chức rao giảng. Sinh hoạt lực này có ảnh hưởng nào trên chúng ta? Lực này có thể tác động đến lòng và trí, giúp chúng ta thay đổi, lớn lên về thiêng liêng, và mặc lấy nhân cách mới. (Cô-lô-se 3:9, 10) Thánh linh còn giúp chúng ta vun trồng những đức tính quý báu giống như Đấng Christ. Nhiều người trong chúng ta có thể đọc thuộc lòng Ga-la-ti 5:22, 23, liệt kê các bông trái của thánh linh Đức Chúa Trời. Bông trái đầu tiên là tình yêu thương. Đức tính này rất thiết yếu cho thánh chức của chúng ta. Tại sao?

13 Tình yêu thương là một động lực mạnh. Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và người đồng loại thúc đẩy các tín đồ thật của Đấng Christ chia sẻ tin mừng. (Mác 12:28-31) Nếu không có tình yêu thương đó, chúng ta không thể nào thật sự có đủ khả năng giảng dạy Lời Đức Chúa Trời. Hãy lưu ý sự tương phản giữa Chúa Giê-su và người Pha-ri-si. Ma-thi-ơ 9:36 nói về ngài như sau: “Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. Còn người Pha-ri-si nghĩ thế nào về dân chúng? Họ nói: “Lũ dân nầy không biết luật chi cả, thật là dân đáng rủa!” (Giăng 7:49, chúng tôi viết nghiêng). Họ hoàn toàn không có chút tình thương nào đối với người dân, mà chỉ toàn là sự miệt thị. Rõ ràng, thánh linh Đức Giê-hô-va không tác động trên họ.

14. Gương mẫu của Chúa Giê-su trong việc biểu lộ tình yêu thương trong thánh chức nên thúc đẩy chúng ta làm gì?

14 Chúa Giê-su thương xót dân chúng. Ngài cảm nhận được nỗi khổ của họ. Ngài biết họ bị ngược đãi, cùng khốn, và tan lạc đây đó giống như chiên không có người chăn. Giăng 2:25 nói Chúa Giê-su “hiểu thấu mọi điều trong lòng người ta”. Là Thợ Cái của Đức Giê-hô-va trong thời kỳ sáng tạo, ngài hiểu rất rõ bản chất của con người. (Châm-ngôn 8:30, 31) Sự hiểu biết đó khiến ngài càng yêu thương họ thắm thiết hơn. Mong sao tình yêu thương đó luôn luôn là động lực thúc đẩy chúng ta trong công việc rao giảng! Nếu cảm thấy mình cần trau dồi thêm về điều này, hãy cầu xin thánh linh Đức Giê-hô-va và hành động phù hợp với lời cầu xin đó. Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời chúng ta. Ngài sẽ ban quyền lực mạnh mẽ này để giúp chúng ta trở nên giống Đấng Christ hơn, Đấng hoàn toàn đủ khả năng rao truyền tin mừng.

15. Làm thế nào những lời nơi Ê-sai 61:1-3 áp dụng cho Chúa Giê-su, đồng thời lột mặt nạ các thầy thông giáo và người Pha-ri-si?

15 Bởi đâu Chúa Giê-su có khả năng đó? Ngài nói: “Thần của Chúa [Đức Giê-hô-va] ngự trên ta”. (Lu-ca 4:17-21) Vâng, chính Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm ngài bằng thánh linh. Ngài không cần trưng thêm bằng cấp hay giấy chứng nhận nào khác. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó có được thánh linh bổ nhiệm không? Không. Họ cũng không được trang bị để làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Ê-sai 61:1-3, mà Chúa Giê-su đã đọc lớn và áp dụng cho chính ngài. Xin hãy đọc những câu Kinh Thánh đó để bạn thấy rằng các thầy thông giáo và người Pha-ri-si giả hình hoàn toàn không xứng đáng. Họ không có tin mừng gì để rao báo cho người nghèo. Làm sao họ có thể rao giảng cho người bị cầm tù được tha và cho người mù được sáng, trong khi theo nghĩa thiêng liêng, chính họ đang bị mù quáng và cầm tù trong truyền thống loài người? Khác với những người đó, chúng ta có đủ khả năng làm người giảng dạy không?

16. Dân của Đức Giê-hô-va ngày nay có thể tự tin điều gì về khả năng truyền giáo của họ?

16 Đúng là chúng ta không hề học ở các trường đại học của khối đạo xưng theo Đấng Christ, cũng không được chủng viện thần học nào bổ nhiệm làm giảng sư. Nhưng có phải vì thế mà chúng ta không đủ khả năng làm người truyền giáo không? Chắc chắn không! Đức Giê-hô-va bổ nhiệm chúng ta làm nhân chứng của Ngài. (Ê-sai 43:10-12) Khi cầu xin Ngài ban thánh linh và hành động phù hợp với lời nguyện xin đó, chúng ta đã hội đủ những điều kiện cao nhất. Dĩ nhiên, chúng ta bất toàn và không thể nào sánh được với gương mẫu của Thầy Dạy Lớn, Chúa Giê-su. Tuy nhiên, chẳng phải chúng ta biết ơn vì Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để trang bị và giúp chúng ta có đủ khả năng làm người giảng dạy Lời Ngài sao?

Tổ chức Đức Giê-hô-va giúp chúng ta đủ khả năng

17-19. Làm thế nào năm buổi họp hàng tuần mà tổ chức Đức Giê-hô-va cung cấp giúp chúng ta có đủ khả năng làm người truyền giáo?

17 Bây giờ hãy thảo luận công cụ thứ ba mà Đức Giê-hô-va dùng để trang bị chúng ta thành người giảng dạy Lời Ngài—đó là hội thánh, hay tổ chức của Ngài trên đất, huấn luyện chúng ta thành người truyền giáo. Bằng cách nào? Hãy nghĩ đến chương trình dạy dỗ mà chúng ta đang được hưởng! Thường mỗi tuần, chúng ta được dự năm buổi họp của tín đồ Đấng Christ. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Chúng ta họp nhau thành từng nhóm nhỏ tại các Buổi Học Cuốn Sách Hội Thánh để cùng xem xét kỹ Kinh Thánh qua một cuốn sách do tổ chức Đức Giê-hô-va cung cấp. Khi lắng nghe và góp lời bình luận, chúng ta học và khuyến khích lẫn nhau. Chúng ta cũng được anh giám thị phụ trách nhóm quan tâm và hướng dẫn riêng cho từng cá nhân. Tại Buổi Họp Công Cộng và Buổi Học Tháp Canh, chúng ta được nhận thêm thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng.

18 Chương trình Trường Thánh Chức Thần Quyền được soạn thảo nhằm huấn luyện chúng ta cách dạy dỗ. Khi sửa soạn bài giảng, chúng ta học được cách dùng Lời Đức Chúa Trời để giảng giải nhiều đề tài khác nhau. (1 Phi-e-rơ 3:15) Bạn đã bao giờ được giao cho một bài giảng về một đề tài có vẻ rất quen thuộc, nhưng sau khi soạn lại thấy rằng mình vẫn học được nhiều điều mới về đề tài đó không? Việc đó thường xảy ra. Không có gì giúp chúng ta hiểu sâu hơn về một đề tài cho bằng giảng giải nó cho người khác. Ngay cả khi không có phần trong chương trình, chúng ta vẫn học được cách giảng dạy tốt hơn bằng cách chú ý đến những điểm hay của từng học viên, và suy nghĩ xem làm thế nào noi theo những ưu điểm đó.

19 Mục đích của Buổi Họp Công Tác cũng nhằm trang bị chúng ta làm người giảng dạy Lời Đức Chúa Trời. Hàng tuần, chúng ta được thưởng thức những bài giảng, những cuộc thảo luận và trình diễn sinh động xoay quanh thánh chức rao giảng. Chúng ta sẽ dùng lời trình bày nào? Làm thế nào đối phó với những khó khăn đặc biệt trong thánh chức? Có những cách rao giảng nào khác có thể cần được khai thác thêm? Điều gì sẽ giúp chúng ta dạy dỗ hữu hiệu hơn khi đi thăm lại và điều khiển học hỏi Kinh Thánh? (1 Cô-rinh-tô 9:19-22) Những câu hỏi đó được xem xét và thảo luận cặn kẽ tại Buổi Họp Công Tác. Nhiều bài giảng trong buổi họp này dựa trên tờ Thánh Chức Nước Trời, một công cụ khác nhằm giúp chúng ta được trang bị để làm công việc trọng yếu này.

20. Làm sao chúng ta có thể được lợi ích trọn vẹn từ các buổi họp và hội nghị?

20 Khi sửa soạn và tham dự các buổi họp, rồi áp dụng những điều học được vào việc giảng dạy, chúng ta được huấn luyện đầy đủ. Nhưng chưa hết. Chúng ta còn có những buổi họp lớn hơn—hội nghị và đại hội—được tổ chức với mục đích giúp chúng ta được trang bị để làm người dạy Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta thật trông mong được lắng nghe và áp dụng những lời khuyên đó!—Lu-ca 8:18.

21. Bằng chứng nào cho thấy chương trình huấn luyện chúng ta có hiệu quả, và thành quả đó thuộc về ai?

21 Sự huấn luyện mà Đức Giê-hô-va cung cấp có hữu hiệu không? Hãy để thực tế trả lời. Mỗi năm có đến hàng trăm ngàn người được giúp đỡ để học biết các giáo lý căn bản của Kinh Thánh, và sống phù hợp với những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi. Nhân số chúng ta ngày một gia tăng, nhưng không ai trong chúng ta có thể cho đó là công trạng của mình. Cần phải có cái nhìn thực tế giống như Chúa Giê-su. Ngài nói: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta”. Giống như các sứ đồ thuở xưa, phần lớn chúng ta đều ít học và tầm thường. (Giăng 6:44; Công-vụ 4:13) Sở dĩ chúng ta thành công là nhờ Đức Giê-hô-va kéo những người có lòng thành thật đến với lẽ thật. Sứ đồ Phao-lô nói thật chí lý: “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên”.—1 Cô-rinh-tô 3:6.

22. Tại sao chúng ta chớ bao giờ quá nản lòng mà không tham gia tích cực trong thánh chức?

22 Thật vậy, Đức Chúa Trời Giê-hô-va đóng vai trò tích cực trong công việc dạy dỗ mà chúng ta thực hiện. Có thể có những lúc chúng ta cảm thấy mình không đủ khả năng làm người giảng dạy. Nhưng hãy nhớ rằng chính Đức Giê-hô-va kéo người ta đến với Ngài và Con Ngài. Chính Đức Giê-hô-va dùng Lời Ngài, thánh linh và tổ chức trên đất của Ngài để giúp chúng ta đủ khả năng dạy dỗ những người mới. Vậy, chúng ta hãy hưởng ứng sự huấn luyện của Ngài bằng cách áp dụng những điều tốt lành Ngài đang cung cấp hầu được trang bị đầy đủ làm người dạy Lời Đức Chúa Trời!

Bạn trả lời thế nào?

• Kinh Thánh trang bị cho chúng ta thế nào trong công việc rao giảng?

• Thánh linh đóng vai trò nào trong việc giúp chúng ta đủ khả năng làm người truyền giáo?

• Tổ chức trên đất của Đức Giê-hô-va đã giúp bạn về những phương diện nào để đủ khả năng làm người rao truyền tin mừng?

• Tại sao chúng ta có thể tự tin khi tham gia thánh chức rao giảng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 25]

Là người dạy Lời Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su luôn biểu lộ tình yêu thương với người khác