Độc giả thắc mắc
Độc giả thắc mắc
Lời ghi nơi Hê-bơ-rơ 12:4: “Anh em chống-trả... còn chưa đến nỗi đổ huyết” có ý nghĩa gì?
Cụm từ “chống-trả... đến nỗi đổ huyết” bao hàm chiến đấu đến độ phải chết.
Sứ đồ Phao-lô biết rằng vì đức tin họ, một số tín đồ gốc Hê-bơ-rơ đã “chịu cơn chiến-trận lớn về những sự đau-đớn”. (Hê-bơ-rơ 10:32, 33) Khi đề cập đến điều này, dường như Phao-lô đang dùng phép ẩn dụ về cuộc đọ sức của các vận động viên Hy Lạp trong các cuộc thi tài có thể bao gồm chạy đua, đấu vật, quyền anh, ném dĩa và ném lao. Vì vậy, thể theo Hê-bơ-rơ 12:1, Phao lô khuyên giục anh em tín đồ: “Chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội-lỗi dễ vấn-vương ta, lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta”. (Chúng tôi viết nghiêng).
Ba câu sau đó, ở Hê-bơ-rơ 12:4, Phao-lô có lẽ chuyển hình ảnh từ một cuộc chạy đua sang cuộc thi đấu quyền anh. (Cả hai hình ảnh này xuất hiện ở 1 Cô-rinh-tô 9:26). Những võ sĩ quyền anh xưa có dây da buộc vào cổ tay và bàn tay họ. Những dây da này có thể còn được buộc thêm “chì, sắt, đinh tán kim loại có thể gây thương tích nặng cho đối phương”. Những trận đấu tàn bạo như thế gây đổ máu, đôi khi dẫn đến cái chết.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tín đồ Đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ có đầy đủ gương trung thành của các tôi tớ Đức Chúa Trời đã chịu sự ngược đãi và sự hành hạ tàn bạo ngay cả đến sự chết, “đến nỗi đổ huyết”. Xin chú ý mạch văn trong đó Phao-lô đề cập đến điều mà những người trung thành thời xưa đã từng trải qua:
“Họ đã bị ném đá, tra-tấn, cưa-xẻ; bị giết bằng lưỡi gươm; lưu-lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu-thốn mọi đường, bị hà-hiếp, ngược-đãi”. Sau đó Phao lô nêu bật gương mẫu của Đấng làm đức tin của chúng ta được trọn vẹn, tức Chúa Giê-su: “[Ngài] chịu lấy thập-tự-giá, khinh điều sỉ-nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”.—Hê-bơ-rơ 11:37; 12:2.
Vâng, có nhiều người “chống-trả... đến nỗi đổ huyết”, tức chịu chết. Cuộc chiến đấu của họ không chỉ dừng lại ở nội tâm, chống lại tội thiếu đức tin. Họ trung thành khi bị hành hạ tàn bạo, giữ vẹn sự trung kiên cho đến chết.
Những người mới ở hội thánh Giê-ru-sa-lem, có lẽ đã trở thành tín đồ Đấng Christ sau khi cuộc bắt bớ dữ dội trong quá khứ đã lắng dịu, họ chưa bao giờ đối phó với những cuộc thử thách cực kỳ gay gắt như thế. (Công-vụ 7:54-60; 12:1, 2; Hê-bơ-rơ 13:7) Thế nhưng, ngay cả những thử thách dù ít gay gắt hơn cũng làm cho một số người chán nản, không muốn tiếp tục cuộc thi đấu nữa vì họ “mỏi-mệt sờn lòng”. (Hê-bơ-rơ 12:3) Họ cần tiến bộ để đạt sự thành thục. Điều đó giúp họ có khả năng chịu đựng bất cứ điều gì có thể xảy ra, ngay dù điều ấy gồm cả việc bị hành hạ đến độ phải đổ máu ra.—Hê-bơ-rơ 6:1; 12:7-11.
Nhiều tín đồ Đấng Christ thời nay đã “chống-trả... đến nỗi đổ huyết”, bị hành hình bởi vì họ không chịu từ bỏ đạo thật Đấng Christ. Thay vì để cho những lời của Phao-lô nơi Hê-bơ-rơ 12:4 làm cho lo sợ, chúng ta có thể xem đó cho thấy mức độ chúng ta kiên quyết chịu đựng để giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Sau đó, trong cùng một lá thư gửi cho người Hê-bơ-rơ, Phao-lô viết: “Chúng ta... hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài”.—Hê-bơ-rơ 12:28.