Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ đương đầu với cái giằm xóc vào thịt

Họ đương đầu với cái giằm xóc vào thịt

Họ đương đầu với cái giằm xóc vào thịt

“Đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ-sứ của Sa-tan, để [“tiếp tục”, “NW”] vả tôi”.—2 CÔ-RINH-TÔ 12:7.

1. Ngày nay người ta phải đương đầu với một số vấn đề nào?

BẠN có đang phải tranh chiến với một thử thách dai dẳng không? Nếu có, bạn không phải là người duy nhất đâu. Trong “những thời-kỳ khó-khăn” này, tín đồ Đấng Christ trung thành phải đương đầu với sự chống đối gay gắt, các vấn đề về gia đình, bệnh hoạn, lo âu về tài chánh, phiền muộn, người thân yêu chết và những khó khăn khác. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Tại một số quốc gia, đời sống của nhiều người bị đe dọa vì nạn thiếu thực phẩm và chiến tranh.

2, 3. Những vấn đề như cái giằm mà chúng ta gặp phải có thể gây ra thái độ chán nản nào, và thái độ này có thể nguy hiểm ra sao?

2 Những vấn đề như thế có thể làm cho một người cảm thấy bị chới với, đặc biệt khi một số khó khăn xảy ra cùng một lúc. Hãy lưu ý điều Châm-ngôn 24:10 nói: “Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn-nạn, thì sức-lực con nhỏ-mọn thay”. Đúng vậy, ngã lòng trước khó khăn có thể cướp đi sức mạnh mà chúng ta cần và làm yếu đi lòng quyết tâm chịu đựng đến cuối cùng. Tại sao vậy?

3 Sự ngã lòng có thể khiến chúng ta không còn khách quan nữa. Chẳng hạn, chúng ta dễ khuếch đại các khó khăn và bắt đầu cảm thấy tự thương hại mình. Một số thậm chí kêu than với Đức Chúa Trời: “Tại sao Ngài lại để điều này xảy đến cho con?” Thái độ bi quan như thế một khi đã bén rễ vào lòng, sẽ làm cho một người dần dần mất đi niềm vui và sự tự tin. Một tôi tớ của Đức Chúa Trời có thể nản lòng đến độ không còn muốn “vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành” nữa.—1 Ti-mô-thê 6:12.

4, 5. Trong một số trường hợp, Sa-tan liên quan thế nào đến các khó khăn của chúng ta, thế nhưng chúng ta có sự tin tưởng nào?

4 Những thử thách chúng ta gặp chắc chắn không phải do Giê-hô-va Đức Chúa Trời gây ra. (Gia-cơ 1:13) Một số xảy đến chỉ vì chúng ta cố gắng giữ lòng trung thành với Ngài. Thật ra, tất cả những người phụng sự Đức Giê-hô-va đều trở thành mục tiêu của Sa-tan Ma-quỉ, kẻ thù chính của Ngài. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của “chúa đời này”, hắn đang cố làm cho những người yêu mến Đức Giê-hô-va bỏ cuộc trong việc thực thi ý muốn của Ngài. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Hắn tìm mọi cách gây đau khổ cho toàn thể hiệp hội anh em trên khắp thế giới. (1 Phi-e-rơ 5:9) Đành rằng không phải mọi vấn đề đều do Sa-tan trực tiếp gây ra, nhưng hắn có thể lợi dụng những khó khăn của chúng ta, hòng tìm cách làm chúng ta suy yếu.

5 Tuy nhiên, bất kể sức mạnh của Sa-tan và vũ khí hắn sử dụng, chúng ta vẫn có thể đánh bại hắn! Làm sao chúng ta có thể chắc chắn như thế? Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời tranh chiến cho chúng ta. Ngài đã lo liệu để các tôi tớ Ngài biết được mưu kế của Sa-tan. (2 Cô-rinh-tô 2:11) Thật vậy, Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta biết rõ về những thử thách mà tín đồ thật của Đấng Christ phải chịu. Trong trường hợp sứ đồ Phao-lô, Kinh Thánh dùng nhóm từ “một cái giằm xóc vào thịt”. Tại sao vậy? Chúng ta hãy xem Lời Đức Chúa Trời giải thích nhóm từ này thế nào, và sẽ thấy rằng không phải chỉ có một mình chúng ta cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để thắng được các thử thách.

Tại sao thử thách được ví như cái giằm?

6. Phao-lô ám chỉ gì khi nói “một cái giằm xóc vào thịt”, và cái giằm đó có thể là gì?

6 Phao-lô, người đã trải qua nhiều thử thách cùng cực, được soi dẫn viết: “Đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ-sứ của Sa-tan, để [“tiếp tục”, NW] vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu-ngạo”. (2 Cô-rinh-tô 12:7) Cái giằm xóc vào thịt của Phao-lô là gì? Một cái giằm xóc sâu vào thịt chắc chắn gây đau đớn. Vì thế, ẩn dụ này ám chỉ một cái gì đó đã gây cho Phao-lô đau đớn—về thể xác, tình cảm, hoặc cả hai. Có thể là Phao-lô đau mắt hoặc bị chứng bệnh nào đó. Hoặc cái giằm đó cũng có thể liên quan đến những người nghi ngờ tư cách sứ đồ, và giá trị công việc rao giảng và dạy dỗ của ông. (2 Cô-rinh-tô 10:10-12; 11:5, 6, 13) Dù là trường hợp nào, cái giằm vẫn còn đó và không thể lấy ra được.

7, 8. (a) Nhóm từ “tiếp tục vả” cho thấy điều gì? (b) Tại sao điều quan trọng là phải biết cách đương đầu với bất cứ cái giằm nào đang làm khổ chúng ta?

7 Hãy để ý là cái giằm tiếp tục vả Phao-lô. Điều đáng chú ý là động từ Hy Lạp Phao-lô dùng ở đây ra từ chữ gốc có nghĩa là “khớp ngón tay”. Từ này được dùng theo nghĩa đen nơi Ma-thi-ơ 26:67 và theo nghĩa bóng nơi 1 Cô-rinh-tô 4:11. Trong những câu Kinh Thánh này, nó truyền đạt ý tưởng bị đánh bằng những cú đấm. Vì Sa-tan hết sức thù ghét Đức Giê-hô-va và các tôi tớ Ngài nên chúng ta có thể chắc chắn là Ma-quỉ thích thú thấy cái giằm tiếp tục vả Phao-lô. Ngày nay Sa-tan thích thú y như vậy khi thấy chúng ta cũng bị khổ sở vì cái giằm xóc vào thịt.

8 Do đó, giống như Phao-lô, chúng ta cần biết cách đương đầu với những cái giằm như thế. Việc này liên hệ đến chính mạng sống của chúng ta! Hãy nhớ là Đức Giê-hô-va muốn chúng ta sống đời đời trong thế giới mới của Ngài, nơi chúng ta không còn phải chịu những vấn đề giống như cái giằm nữa. Để giúp chúng ta đạt được giải thưởng tuyệt diệu này, Đức Chúa Trời đã cung cấp nhiều tấm gương trong Lời thánh của Ngài là Kinh Thánh, cho thấy các tôi tớ trung thành của Ngài đã thành công trong việc đương đầu với những cái giằm xóc vào thịt. Họ là những người bình thường, bất toàn giống như chúng ta. Xem xét một vài gương của “đám mây nhân chứng” rất lớn có thể giúp chúng ta “kiên nhẫn chạy trong cuộc đua đã tổ chức sẵn cho mình”. (Hê-bơ-rơ 12:1, Bản Dịch Mới) Suy ngẫm về những điều họ đã chịu đựng có thể giúp chúng ta tự tin hơn để có thể đương đầu với bất cứ cái giằm nào mà Sa-tan sử dụng nhằm nghịch lại chúng ta.

Những cái giằm Mê-phi-bô-sết chịu

9, 10. (a) Mê-phi-bô-sết bị một cái giằm xóc vào thịt như thế nào? (b) Vua Đa-vít bày tỏ sự nhân từ nào với Mê-phi-bô-sết, và chúng ta có thể noi gương Đa-vít ra sao?

9 Hãy xem trường hợp Mê-phi-bô-sết, con trai Giô-na-than, bạn của Đa-vít. Khi Mê-phi-bô-sết năm tuổi thì được tin cha là Giô-na-than và ông nội là Sau-lơ tử thương. Người vú của cậu bé hoảng sợ. Bà “đem nó chạy trốn; trong cơn lật-đật trốn, nó té, nên nỗi nó trở nên què”. (2 Sa-mu-ên 4:4) Sự tàn tật này hẳn là một cái giằm mà Mê-phi-bô-sết phải chịu đựng khi lớn lên.

10 Sau đó một ít năm, vì tình yêu mến sâu đậm đối với Giô-na-than, Vua Đa-vít bày tỏ sự yêu thương nhân từ với Mê-phi-bô-sết. Đa-vít trả lại cho ông tất cả tài sản thuộc về Sau-lơ và giao cho Xíp-ba, tôi tớ của Sau-lơ, trông coi đất ruộng này. Đa-vít cũng bảo Mê-phi-bô-sết: “Ngươi sẽ ăn chung bàn ta luôn luôn”. (2 Sa-mu-ên 9:6-10) Chắc chắn là sự nhân từ của Đa-vít đã an ủi Mê-phi-bô-sết và giúp ông đỡ buồn tủi vì sự tật nguyền của mình. Thật là một gương tốt thay! Chúng ta cũng nên tỏ lòng nhân từ với những người đang phải tranh chiến với cái giằm xóc vào thịt.

11. Xíp-ba quả quyết gì về Mê-phi-bô-sết, nhưng làm sao chúng ta biết đó là lời dối trá? (Xem cước chú).

11 Sau này Mê-phi-bô-sết còn phải tranh chiến với một cái giằm khác. Tôi tớ ông là Xíp-ba đã vu khống ông với Vua Đa-vít lúc vua chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem vì cuộc nổi loạn của Áp-sa-lôm, con trai vua. Xíp-ba tâu rằng Mê-phi-bô-sết đã bất trung ở lại Giê-ru-sa-lem với hy vọng là được lại ngôi vua. * Đa-vít tin lời vu khống của Xíp-ba và giao toàn thể tài sản của Mê-phi-bô-sết cho tên dối trá đó!—2 Sa-mu-ên 16:1-4.

12. Mê-phi-bô-sết phản ứng ra sao trước hoàn cảnh của ông, và ông nêu gương tốt cho chúng ta như thế nào?

12 Tuy nhiên, cuối cùng khi gặp Vua Đa-vít, Mê-phi-bô-sết cho vua biết chuyện gì đã thực sự xảy ra. Ông đã sửa soạn đi theo Đa-vít nhưng Xíp-ba đánh lừa ông bằng cách tình nguyện đi thế. Đa-vít có giải quyết lại vấn đề cho đúng không? Chỉ một phần. Vua chia tài sản cho hai người và đây có thể là một cái giằm khác cho Mê-phi-bô-sết. Ông có thất vọng cay đắng không? Ông có phản đối quyết định của Đa-vít, có than van là bất công không? Không, ông khiêm nhường chấp nhận ý muốn của vua. Ông chú mục đến khía cạnh tốt của sự việc, vui mừng thấy vua đích thực của Y-sơ-ra-ên đã trở về bình yên. Mê-phi-bô-sết quả đã nêu gương thật tốt khi chịu đựng sự tật nguyền, vu khống và thất vọng.—2 Sa-mu-ên 19:24-30.

Nê-hê-mi đương đầu với thử thách

13, 14. Nê-hê-mi phải chịu đựng những cái giằm nào khi trở về tái thiết tường thành Giê-ru-sa-lem?

13 Hãy nghĩ đến những cái giằm theo nghĩa bóng mà Nê-hê-mi phải chịu đựng khi trở về Giê-ru-sa-lem lúc tường thành còn trong tình trạng đổ nát vào thế kỷ thứ năm TCN. Ông thấy thành này thật sự trống trải, còn người Do Thái hồi hương thì vô tổ chức, chán nản và không thanh sạch trước mắt Đức Giê-hô-va. Mặc dù được Vua Ạt-ta-xét-xe cho phép tái thiết tường thành Giê-ru-sa-lem, Nê-hê-mi sớm hay rằng các quan tổng đốc những xứ lân cận tức giận về sứ mệnh của ông. Họ “lấy làm bất-bình vì có người đến đặng tìm-kiếm sự hưng-thịnh của dân Y-sơ-ra-ên”.—Nê-hê-mi 2:10.

14 Những kẻ thù ngoại bang này đã dùng mọi quyền hành có trong tay để chặn đứng công việc của Nê-hê-mi. Chúng hăm dọa, nói dối, phao vu, ngăm đe—kể cả sai gián điệp đến làm ông nhụt chí—tất cả những điều này chắc hẳn là những cái giằm không ngừng xóc vào thịt ông. Ông có đầu hàng trước những mưu mô của kẻ thù không? Không! Ông hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời và không sờn lòng. Nhờ vậy, khi tường thành Giê-ru-sa-lem cuối cùng được xây xong, chúng trở thành bằng chứng lâu dài cho thấy Nê-hê-mi được Đức Giê-hô-va yêu thương hỗ trợ.—Nê-hê-mi 4:1-12; 6:1-19.

15. Những vấn đề nào trong vòng dân Do Thái đã gây nhiều phiền muộn cho Nê-hê-mi?

15 Với tư cách tổng đốc, Nê-hê-mi cũng phải đối phó với nhiều vấn đề xảy ra giữa dân sự Đức Chúa Trời. Những khó khăn này giống như những cái giằm gây cho ông nhiều phiền muộn, vì chúng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa dân sự với Đức Giê-hô-va. Người giàu thì đòi lãi suất nặng, trong khi anh em nghèo túng của họ thì phải bán ruộng đất, thậm chí bán cả con cái làm nô lệ để có thể trả nợ, cũng như trả thuế cho người Phe-rơ-sơ. (Nê-hê-mi 5:1-10) Nhiều người Do Thái vi phạm luật ngày Sa-bát và không còn đóng góp để tài trợ người Lê-vi và đền thờ. Ngoài ra một số còn lấy “đàn-bà Ách-đốt, Am-môn, và Mô-áp, làm vợ”. Điều này làm cho Nê-hê-mi đau lòng biết bao! Nhưng trong số những giằm này, không cái nào khiến ông bỏ cuộc. Nhiều lần ông đã đứng lên tranh chiến với tư cách người sốt sắng ủng hộ luật pháp công bình của Đức Chúa Trời. Giống như Nê-hê-mi, mong sao chúng ta đừng để cho hạnh kiểm bất trung của người khác làm chúng ta sờn lòng trong việc trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.—Nê-hê-mi 13:10-13, 23-27.

Nhiều người trung thành khác cũng phải đương đầu

16-18. Sự xung đột trong gia đình đã gây khổ sở như thế nào cho Y-sác, Rê-bê-ca, An-ne, Đa-vít và Ô-sê?

16 Kinh Thánh chứa đựng nhiều gương khác về những người đã đương đầu với các tình huống nhức nhối giống như cái giằm. Một cái giằm rất thông thường là vấn đề gia đình. Hai người vợ của Ê-sau “là một sự cay-đắng lòng cho Y-sác và Rê-bê-ca”, cha mẹ ông. Rê-bê-ca thậm chí nói bà chán sống vì các người con dâu ấy. (Sáng-thế Ký 26:34, 35; 27:46) Cũng hãy nghĩ đến An-ne, vì son sẻ đã bị Phê-ni-na, vợ lẽ của chồng, “khôn xiết trêu-ghẹo”. Có lẽ An-ne thường xuyên phải chịu đựng sự chế giễu này ở nhà. Khi gia đình đi dự lễ hội tại Si-lô, Phê-ni-na cũng trêu ghẹo An-ne trước mặt người khác—chắc chắn có mặt cả họ hàng và bạn bè. Điều này chẳng khác gì cái giằm đâm sâu hơn vào da thịt An-ne.—1 Sa-mu-ên 1:4-7.

17 Hãy suy nghĩ đến những điều mà Đa-vít phải chịu đựng vì sự ghen tị điên cuồng của nhạc phụ là Vua Sau-lơ. Để sống còn, Đa-vít buộc phải sống trong các hang động ở đồng vắng Ên-ghê-đi, nơi ông phải vượt qua những dốc núi cheo leo, hiểm trở. Sự bất công này hẳn khiến ông rất phiền lòng vì ông không hề làm điều chi sai trái với Sau-lơ. Thế mà Đa-vít đã phải sống chui nhủi trong nhiều năm—tất cả chỉ vì sự ghen tị của Sau-lơ.—1 Sa-mu-ên 24:15, 16; Châm-ngôn 27:4.

18 Hãy tưởng tượng bầu không khí xung đột trong gia đình tiên tri Ô-sê. Vợ ông ngoại tình và sự vô luân của bà hẳn như cái giằm xóc vào tim ông. Và còn sự đau khổ nào hơn cho ông khi bà sanh ra hai đứa con ngoại hôn!—Ô-sê 1:2-9.

19. Nhà tiên tri Mi-chê phải chịu sự bắt bớ nào?

19 Một cái giằm khác xóc vào thịt là sự bắt bớ. Hãy xem xét kinh nghiệm của nhà tiên tri Mi-chê. Lòng công bình của ông chắc hẳn đau đớn lắm khi thấy Vua A-háp độc ác quy tụ quanh mình những tiên tri giả và tin những lời dối trá trắng trợn của họ. Rồi khi ông cho A-háp biết tất cả các tiên tri giả kia nói bởi “một thần nói dối”, kẻ đứng đầu bọn lừa gạt này đã làm gì? Hắn “vả vào má người”! Tệ hơn nữa là phản ứng của A-háp trước lời cảnh cáo của Đức Giê-hô-va cho biết chiến dịch nhằm chiếm lại Ra-mốt-Ga-la-át sẽ thất bại. A-háp đã ra lệnh bỏ tù và cắt giảm khẩu phần của Mi-chê. (1 Các Vua 22:6, 9, 15-17, 23-28) Cũng hãy nhớ đến Giê-rê-mi và cách đối xử thâm độc của những kẻ bắt bớ ông.—Giê-rê-mi 20:1-9.

20. Na-ô-mi phải chịu đựng cái giằm nào, và bà được thưởng ra sao?

20 Việc mất người thân yêu là một tình huống đau buồn khác có thể ví như cái giằm xóc vào thịt. Na-ô-mi đã phải chịu sự mất mát đau đớn khi chồng và hai con trai qua đời. Lòng tan nát, bà trở về Giê-ru-sa-lem và xin bạn hữu đừng gọi bà là Na-ô-mi, nhưng là Ma-ra, để nói lên những đắng cay mà bà phải chịu. Tuy nhiên, cuối cùng Đức Giê-hô-va đã thưởng cho lòng chịu đựng của bà một đứa cháu trai mà sau này trở thành tổ phụ của Đấng Mê-si.—Ru-tơ 1:3-5, 19-21; 4:13-17; Ma-thi-ơ 1:1, 5.

21, 22. Gióp đã bị mất mát nhiều như thế nào, và ông phản ứng ra sao?

21 Hãy thử nghĩ Gióp hẳn phải sửng sốt biết bao khi hay tin mười người con yêu dấu bị tai họa chết bất thình lình, cũng như tôi tớ và tất cả bầy gia súc của ông đều bị mất. Bỗng chốc cuộc đời ông như sụp đổ! Đang sững sờ về các tai vạ này, Sa-tan lại giáng thêm bệnh tật cho Gióp. Rất có thể Gióp nghĩ rằng mình sẽ chết vì căn bệnh hiểm nghèo này. Ông đau đớn đến độ không còn chịu đựng được nữa và cảm thấy chết là sự giải thoát.—Gióp 1:13-20; 2:7, 8.

22 Tất cả những điều này như thể chưa đủ, vợ ông, trong cơn buồn bực và sầu khổ, còn la lên: “Hãy phỉ-báng Đức Chúa Trời, và chết đi!” Đây quả là một cái giằm xóc vào thịt ông vốn đang rất đau đớn! Kế đó, ba người bạn của Gióp, thay vì an ủi, lại tấn công ông bằng những lập luận nghe có vẻ hợp lý, buộc tội ông về những tội giấu kín và cho rằng đó là nguyên nhân đưa đến sự bất hạnh của ông. Những lập luận sai lầm của họ như đẩy cái giằm càng lúc càng sâu hơn vào thịt ông. Cũng nên nhớ là Gióp không hề biết tại sao những điều khủng khiếp này xảy đến cho mình; cũng như không biết mạng sống mình sẽ được bảo toàn. Tuy nhiên, “trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm-thượng cùng Đức Chúa Trời”. (Gióp 1:22; 2:9, 10; 3:3; 14:13; 30:17) Mặc dầu nhiều giằm tứ phía xóc vào cùng một lúc, lòng trung kiên của ông không hề suy suyển. Thật khích lệ thay!

23. Tại sao những người trung thành chúng ta vừa thảo luận có thể chịu đựng những cái giằm khác nhau xóc vào thịt?

23 Ngoài những gương mẫu kể trên, Kinh Thánh còn nêu lên nhiều gương khác nữa. Tất cả các tôi tớ trung thành này đều đã phải tranh chiến với những cái giằm của riêng mình theo nghĩa bóng. Những vấn đề mà họ đã phải đương đầu thật nhiều và đa dạng biết mấy! Tuy nhiên, họ đều có một điểm chung là không một người nào từ bỏ phụng sự Đức Giê-hô-va. Bất chấp mọi thử thách đau buồn, họ đã thắng được Sa-tan với sức mạnh do Đức Giê-hô-va cung cấp. Bằng cách nào? Bài kế tiếp sẽ trả lời câu hỏi này và cho thấy chúng ta cũng có thể đương đầu với bất cứ điều gì giống như cái giằm xóc vào thịt.

[Chú thích]

^ đ. 11 Loại thủ đoạn đầy tham vọng này khó mà phù hợp với bản chất của một người khiêm nhường và có lòng biết ơn như Mê-phi-bô-sết. Chắc chắn ông biết rõ quá trình trung thành của cha ông là Giô-na-than. Tuy là con của Vua Sau-lơ, Giô-na-than đã khiêm nhường nhận biết Đa-vít được Đức Giê-hô-va chọn làm vua nước Y-sơ-ra-ên. (1 Sa-mu-ên 20:12-17) Là người kính sợ Đức Chúa Trời và là bạn trung thành của Đa-vít, Giô-na-than hẳn không dạy Mê-phi-bô-sết, con mình, khao khát vương quyền.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao những vấn đề chúng ta phải đương đầu có thể được ví như những cái giằm xóc vào thịt?

• Một số cái giằm mà Mê-phi-bô-sết và Nê-hê-mi phải chịu đựng là gì?

• Trong số những gương trong Kinh Thánh về nhiều người đàn ông và đàn bà đã chịu đựng những cái giằm khác nhau, gương nào làm bạn xúc động nhất, và tại sao?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 15]

Mê-phi-bô-sết đã phải đương đầu với sự tật nguyền, vu khống, và thất vọng

[Hình nơi trang 16]

Nê-hê-mi kiên trì trước sự chống đối