Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nguyên tắc của Đức Chúa Trời có thể giúp ích cho bạn

Nguyên tắc của Đức Chúa Trời có thể giúp ích cho bạn

Nguyên tắc của Đức Chúa Trời có thể giúp ích cho bạn

HẲN bạn biết rằng thú vật sống theo bản năng. Nhiều máy móc được thiết kế để thi hành mệnh lệnh cài đặt sẵn. Nhưng con người thật ra được sáng tạo để được hướng dẫn bởi các nguyên tắc. Làm sao bạn có thể biết chắc về điều đó? Khi tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên, Đức Giê-hô-va, Đấng Thiết Lập mọi nguyên tắc công bình, thông báo: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta”. Đấng Tạo Hóa là thần linh; Ngài không có cơ thể như chúng ta, nên chúng ta được tạo như “hình” Ngài theo nghĩa là chúng ta có thể phản ánh và biểu lộ các đức tính tốt lành của Ngài ở một mức độ nào đó. Con người có khả năng uốn nắn đời sống mình theo các nguyên tắc, tức là theo những gì họ nghĩ là chỉ đạo để hành động. Đức Giê-hô-va cho ghi trong Lời Ngài nhiều nguyên tắc như thế.—Sáng-thế Ký 1:26; Giăng 4:24; 17:17.

Một người có thể nói: ‘Nhưng Kinh Thánh chứa đựng hàng trăm nguyên tắc. Làm sao tôi biết hết được?’ Đúng như vậy, nhưng hãy xem xét điều này: Dù mọi nguyên tắc của Đức Chúa Trời đều có ích, một số nguyên tắc thì hệ trọng hơn những nguyên tắc khác. Bạn có thể hiểu điều này qua Ma-thi-ơ 22:37-39, nơi Chúa Giê-su cho thấy rằng trong số những điều răn và nguyên tắc tương tự trong Luật Pháp Môi-se, một số điều được xem là quan trọng hơn những điều khác.

Những nguyên tắc hệ trọng hơn là gì? Đó là những nguyên tắc then chốt trong Kinh Thánh ảnh hưởng đến mối liên lạc giữa chúng ta với Đức Giê-hô-va. Nếu chúng ta hết lòng tuân theo những nguyên tắc này, Đấng Tạo Hóa sẽ trở thành một nguồn ảnh hưởng mạnh nhất trên cái la bàn đạo đức của chúng ta. Ngoài ra, cũng có những nguyên tắc chi phối mối giao tiếp giữa chúng ta với người khác. Áp dụng những nguyên tắc này sẽ giúp chúng ta cưỡng lại chủ nghĩa tôi trước hết.

Chúng ta hãy bắt đầu với một trong những lẽ thật quan trọng nhất trong Kinh Thánh. Lẽ thật đó là gì, và nó ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?

“Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”

Kinh Thánh cho thấy rõ rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại của chúng ta, Đức Chúa Trời Toàn Năng. Không bao giờ có ai sánh nổi hoặc thay thế địa vị của Ngài. Đây là lẽ thật then chốt được ghi trong Kinh Thánh.—Sáng-thế Ký 17:1; Truyền-đạo 12:1NW.

Một trong những người viết Thi-thiên nhận xét về Đức Giê-hô-va: “Chỉ một mình Chúa... là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. Vua Đa-vít thuở xưa nói: “Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa-tể của muôn vật”. Và nhà tiên tri nổi tiếng Giê-rê-mi cảm động ghi lại: “Hỡi Đức Giê-hô-va, chẳng ai giống như Ngài! Ngài là lớn, danh Ngài có sức-mạnh lớn lắm”.—Thi-thiên 83:18; 1 Sử-ký 29:11; Giê-rê-mi 10:6.

Chúng ta nên áp dụng thế nào những lẽ thật này về Đức Chúa Trời trong đời sống hàng ngày?

Chúng ta thấy rõ ai phải là quan trọng nhất trong đời sống của chúng ta—đó là Đấng Tạo Hóa và Đấng Ban Sự Sống. Vậy, không phải là điều thích hợp hay sao khi chúng ta cưỡng lại khuynh hướng gây chú ý đến chính mình—một khuynh hướng có sức tác động mạnh hay nhẹ tùy theo mỗi người? Một nguyên tắc chỉ đạo khôn ngoan là ‘làm mọi sự vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời’. (1 Cô-rinh-tô 10:31) Nhà tiên tri Đa-ni-ên nêu gương mẫu tốt về vấn đề này.

Lời tường thuật lịch sử kể lại rằng Vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn có lần nằm mơ thấy một chuyện làm ông bất an khiến ông đòi biết ý nghĩa của nó. Dù mọi người khác đều bối rối, nhưng Đa-ni-ên đã nói chính xác những gì vua muốn biết. Đa-ni-ên có tự qui công trạng đó cho mình không? Không, ông dành sự vinh hiển cho “Đức Chúa Trời ở trên trời [Đấng] tỏ ra những điều kín-nhiệm”. Đa-ni-ên nói tiếp: “Sự kín-nhiệm đó đã tỏ ra cho tôi, không phải vì tôi có sự khôn-ngoan gì hơn người nào sống”. Đa-ni-ên là một người có nguyên tắc. Không lạ gì trong sách mang tên ông, ba lần Đa-ni-ên được gọi là người “rất được yêu-quí” trước mắt Đức Chúa Trời.—Đa-ni-ên 2:28, 30; 9:23; 10:11, 19.

Bạn sẽ được lợi ích khi noi theo gương Đa-ni-ên. Muốn làm như thế, nhân tố then chốt là động lực. Ai sẽ được tôn vinh nhờ hành động của bạn? Bất luận ở trong hoàn cảnh nào, bạn có khả năng hành động phù hợp với nguyên tắc tối quan trọng này: Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng. Làm thế, chính bạn cũng sẽ là người “rất được yêu-quí” trước mắt Ngài.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét hai nguyên tắc cơ bản có thể hướng dẫn chúng ta trong mối giao tiếp giữa người với người. Đứng trước tính ích kỷ đang lan tràn, khía cạnh này của đời sống quả là một điều đặc biệt khó làm.

“Hãy khiêm-nhường”

Những ai tự đặt mình lên trên hết hiếm khi hài lòng. Phần lớn người ta muốn một đời sống ngày càng tốt hơn, và họ muốn điều đó ngay bây giờ. Đối với họ, khiêm tốn là một loại nhược điểm và kiên nhẫn là đức tính dành cho người khác mà thôi. Khi có liên quan đến sự thăng tiến của họ, mọi thủ đoạn đều tốt. Bạn nghĩ bạn có cách ứng xử nào khác với những người này không?

Tôi tớ Đức Chúa Trời chung đụng với thái độ đó hàng ngày, nhưng không nên để mình bị tiêm nhiễm. Tín đồ thành thục của Đấng Christ chấp nhận nguyên tắc là “chẳng phải là kẻ tự phô mình đáng được ưng-chịu, bèn là kẻ mà Chúa gởi-gắm”.—2 Cô-rinh-tô 10:18.

Việc áp dụng nguyên tắc nơi Phi-líp 2:3, 4 sẽ giúp ích. Câu Kinh Thánh này khuyên bạn “chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình”. Vậy bạn sẽ không chỉ “chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”.

Ghê-đê-ôn, một quan xét người Hê-bơ-rơ xưa, là một người có một thái độ lành mạnh về chính mình và tự đánh giá mình đúng mức. Ông không tìm cách đứng lên làm người lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên. Khi được chỉ định đảm nhiệm vai trò đó, Ghê-đê-ôn thấy mình không xứng đáng và giải thích: “Trong chi-phái Ma-na-se, họ tôi vốn nghèo hơn hết; còn tôi là nhỏ hơn hết trong nhà cha tôi”.—Các Quan Xét 6:12-16.

Hơn nữa, sau khi Đức Giê-hô-va cho Ghê-đê-ôn được chiến thắng, người Ép-ra-im gây sự với ông. Ghê-đê-ôn phản ứng ra sao? Có phải sự chiến thắng đã khiến ông tự đắc không? Không. Ông tránh được tai họa bằng cách trả lời êm nhẹ: “Sánh với anh em, tôi há có làm được điều chi?” Ghê-đê-ôn có lòng khiêm nhường.—Các Quan Xét 8:1-3.

Đúng là các biến cố liên quan đến Ghê-đê-ôn đã xảy ra cách đây lâu lắm rồi. Nhưng câu chuyện vẫn còn có giá trị. Bạn thấy rằng Ghê-đê-ôn có thái độ rất khác với thói thường ngày nay, ông đã sống phù hợp với thái độ đó và hưởng được lợi ích.

Thái độ ích kỷ thịnh hành có thể làm lệch lạc quan điểm của chúng ta về phẩm giá của mình. Các nguyên tắc Kinh Thánh chỉnh lại sự lệch lạc ấy, dạy chúng ta về giá trị thật của bản thân mình trước Đấng Tạo Hóa và đối với người khác.

Bằng cách tuân theo các nguyên tắc Kinh Thánh, chúng ta không bị những phong trào nhất thời sai khiến. Chúng ta không còn bị cảm xúc hoặc nhân cách làm lung lạc. Càng học biết về các nguyên tắc công bình, chúng ta càng quen thuộc nhiều hơn với Đấng Thiết Lập những nguyên tắc đó. Đúng vậy, đặc biệt lưu ý đến các nguyên tắc của Đức Chúa Trời khi đọc Kinh Thánh thật là đáng công.—Xin xem khung.

Đức Giê-hô-va tạo ra con người với phẩm chất cao hơn loài vật chủ yếu hành động theo bản năng. Làm theo ý muốn Đức Chúa Trời bao hàm việc áp dụng các nguyên tắc của Ngài. Như vậy chúng ta có thể bảo trì cái la bàn đạo đức và dùng nó để dẫn chúng ta đến hệ thống mới do Đức Chúa Trời thiết lập. Kinh Thánh cho chúng ta lý do để mong đợi hệ thống mới đó rất sớm được thiết lập khắp đất là nơi sẽ có “sự công-bình ăn-ở”.—2 Phi-e-rơ 3:13.

[Khung/​Hình nơi trang 6]

Một số nguyên tắc Kinh Thánh hữu ích

Trong gia đình:

“Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”.—1 Cô-rinh-tô 10:24.

“Tình yêu-thương... chẳng kiếm tư-lợi”.—1 Cô-rinh-tô 13:4, 5.

“Mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình”.—Ê-phê-sô 5:33.

“Hỡi người làm vợ, hãy vâng-phục chồng mình”.—Cô-lô-se 3:18.

“Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh-bỉ mẹ con khi người trở nên già-yếu”.—Châm-ngôn 23:22.

Ở trường, tại nơi làm việc hoặc trong doanh nghiệp:

“Cây cân giả lấy làm gớm-ghiếc... Kẻ dữ ăn được công-giá hư-giả”.—Châm-ngôn 11:1, 18.

“Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa; nhưng thà chịu khó”.—Ê-phê-sô 4:28.

“Nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa”.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10.

“Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa”.—Cô-lô-se 3:23.

“Chúng tôi... muốn ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”.—Hê-bơ-rơ 13:18.

Thái độ đối với sự giàu có:

“Kẻ nào vội làm cho giàu ắt sẽ chẳng khỏi bị phạt”.—Châm-ngôn 28:20.

“Kẻ tham tiền-bạc chẳng hề chán-lắc tiền-bạc”.—Truyền-đạo 5:10.

Tự đánh giá:

“Cầu-kiếm vinh-hiển cho mình, ấy gây sự tổn-hại”.—Châm-ngôn 25:27.

“Hãy để cho kẻ khác khen-ngợi con, miệng con chẳng nên làm”.—Châm-ngôn 27:2.

“Tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ”.—Rô-ma 12:3.

“Nếu có ai, dầu mình không ra chi hết, mà cũng tưởng mình ra chi, ấy là mình dối lấy mình”.—Ga-la-ti 6:3.

[Hình nơi trang 5]

Đa-ni-ên qui công trạng cho Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 7]

Đối xử phù hợp với nguyên tắc Đức Chúa Trời góp phần tạo mối quan hệ tốt với người khác và đem lại hạnh phúc

[Nguồn tư liệu nơi trang 7]

U.S. Fish & Wildlife Service, Washington, D.C./Robert Bridges