Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Báp têm của Clovis—1.500 năm lịch sử Công Giáo ở Pháp

Báp têm của Clovis—1.500 năm lịch sử Công Giáo ở Pháp

Báp têm của Clovis​—⁠1.500 năm lịch sử Công Giáo ở Pháp

“NHÂN DANH Giáo Hoàng, bùm”, đó là thông điệp kèm theo quả bom tự chế được phát hiện trong một nhà thờ tại Pháp mà Giáo Hoàng Gioan Phao-lồ II dự kiến viếng thăm vào tháng 9 năm 1996. Đó là một ví dụ về hành động cực đoan nhằm chống đối chuyến viếng thăm nước Pháp lần thứ năm của giáo hoàng. Tuy nhiên, vào năm đó, khoảng 200.000 người đã đến thành phố Reims của Pháp để cùng giáo hoàng kỷ niệm 1.500 năm ngày Vua Clovis của dân Frank vào đạo Công Giáo. Vua ấy là ai mà báp têm của ông lại được gọi là báp têm của nước Pháp? Và tại sao lễ kỷ niệm biến cố này lại gây tranh cãi đến thế?

Đế quốc đang suy tàn

Clovis sinh vào khoảng năm 466 CN, là con trai của Childeric I, vua nhóm Salian của dân Frank (Francs). Sau khi bị quân La Mã chinh phục vào năm 358 CN, bộ lạc thuộc gốc Đức này đã được phép định cư ở vùng đất nay là nước Bỉ, với điều kiện họ phải bảo vệ biên giới và cung cấp lính cho quân đội La Mã. Sự tiếp xúc gần gũi với dân Gô-loa La Mã ở địa phương sau đó đã dẫn đến việc La Mã hóa dần dần nhóm dân Frank này. Childeric I là đồng minh của La Mã, cùng chiến đấu chống lại sự xâm chiếm của các bộ lạc khác của Đức, chẳng hạn như người Visigoth và người Saxon. Vì thế ông được dân Gô-loa La Mã mang ơn.

Tỉnh Gaul của La Mã trải dài từ Sông Rhine, phía bắc, đến dãy núi Pyrenees, phía nam. Thế nhưng, sau khi Tướng Aetius của La Mã mất vào năm 454 CN, xứ này đã rơi vào tình trạng vô chính phủ. Ngoài ra, vào năm 476, khi hoàng đế cuối cùng ở La Mã là Romulus Augustulus bị mất ngôi và vùng phía tây của Đế Quốc La Mã sụp đổ, xứ này đã rơi vào tình trạng vô cùng bất ổn về chính trị. Rốt cuộc Gaul chẳng khác nào một trái vả chín sẵn sàng rơi vào tay một trong các bộ lạc nằm ngay trong vùng đó. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi vừa kế vị vua cha, Clovis đã bắt tay ngay vào việc mở rộng bờ cõi xứ sở. Vào năm 486 CN, ông đánh bại người đại diện cuối cùng của La Mã ở Gaul trong một trận chiến gần thành phố Soissons. Qua chiến thắng này, ông đã kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ nằm giữa Sông Somme, miền bắc, và Sông Loire, miền trung và tây Gaul.

Vị vua tương lai

Khác với các bộ lạc Đức khác, dân Frank vẫn còn là ngoại giáo. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân với công chúa Burgundy là Clotilda đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của Clovis. Là người Công Giáo sùng đạo, Clotilda đã không ngừng ra sức cải đạo chồng. Theo sách sử do giám mục Gregory của thành Tours ghi lại vào thế kỷ thứ sáu CN, vào năm 496 CN, trong trận đánh ở Tolbiac (Zülpich, Đức) chống bộ lạc Alemanni, Clovis đã hứa bỏ ngoại giáo nếu Chúa của Clotilda giúp ông chiến thắng. Mặc dù quân của Clovis sắp thua trận, nhưng vua Alemanni bị giết và quân đội của ông đầu hàng. Clovis nghĩ là Chúa của Clotilda đã giúp ông chiến thắng. Theo truyền thuyết, Clovis đã được “Thánh” Remigius báp têm tại thánh đường Reims vào ngày 25 tháng 12 năm 496 CN. Tuy nhiên, một số người nghĩ rất có thể vào năm 498 hoặc 499 CN.

Ý đồ chiếm vương quốc Burgundy về phía đông nam của Clovis đã thất bại. Nhưng chiến dịch chống dân Visigoth của ông đã thành công khi ông đánh thắng họ vào năm 507 CN tại Vouillé, gần Poitiers, nhờ đó ông đã kiểm soát được gần hết vùng tây nam Gaul. Để công nhận chiến thắng này của Clovis, hoàng đế của Đế Quốc La Mã ở phía Đông là Anastasius ban chức lãnh sự danh dự cho ông. Nhờ vậy, Clovis có được vị thế trổi hơn mọi vua phương tây khác, và quyền cai trị của ông được hợp pháp hóa dưới mắt dân Gô-loa La Mã.

Sau khi Clovis cai trị lãnh thổ của dân Frank dọc theo Sông Rhine về phía đông, ông chọn Paris làm thủ đô. Vào những năm cuối đời, ông đã củng cố vương quốc mình bằng cách ban hành một bộ luật thành văn, gọi là Lex Salica, và bằng cách triệu tập hội nghị giáo hội ở Orléans để phân định những mối quan hệ giữa Giáo Hội và Chính Quyền. Khi từ trần, rất có thể vào ngày 27 tháng 11 năm 511 CN, ông là người duy nhất cai trị trên ba phần tư xứ Gaul.

Cuốn The New Encyclopædia Britannica (Tân bách khoa tự điển Anh Quốc) gọi việc Clovis cải đạo theo Công Giáo là “giây phút trọng đại trong lịch sử Tây Âu”. Tại sao việc cải đạo của một vị vua ngoại giáo lại quan trọng đến thế? Quan trọng ở điểm là Clovis đã chọn đạo Công Giáo thay vì học thuyết Arius.

Cuộc tranh luận về học thuyết Arius

Khoảng năm 320 CN, Arius, một tu sĩ ở Alexandria, Ai Cập, đã bắt đầu truyền bá những ý tưởng cực đoan về Thuyết Chúa Ba Ngôi. Arius không chấp nhận Con và Cha có cùng bản thể. Vì có sự bắt đầu, nên Con không thể là Đức Chúa Trời hoặc cùng đẳng vị với Cha. (Cô-lô-se 1:15) Còn về thánh linh, Arius tin rằng đấy là một đấng có ngôi vị thấp hơn Cha và Con. Sự dạy dỗ này được phổ biến rộng rãi, và gây nên sự chống đối dữ dội ngay bên trong giáo hội. Vào năm 325 CN, tại Giáo Hội Nghị Nicea, Arius đã bị lưu đày và những sự dạy dỗ của ông bị kết án. *

Tuy nhiên, điều này cũng không chấm dứt được cuộc tranh luận. Sự tranh cãi về giáo lý này đã kéo dài khoảng 60 năm, qua nhiều triều đại với nhiều ý kiến bênh vực và phản đối khác nhau. Cuối cùng, vào năm 392 CN, Hoàng Đế Theodosius I đã chọn Công Giáo chính thống và giáo lý Chúa Ba Ngôi làm quốc giáo của Đế Quốc La Mã. Trong thời gian này, dân Goth được một giám mục người Đức tên là Ulfilas thuyết phục theo học thuyết Arius. Những bộ lạc Đức khác đã mau chóng theo hình thức này của “đạo Đấng Christ”. *

Đến thời Clovis, Giáo Hội Công Giáo ở Gaul lâm vào tình trạng khủng hoảng. Dân Visigoth theo học thuyết Arius cố đàn áp đạo Công Giáo bằng cách không cho người thay thế các giám mục đã qua đời. Ngoài ra, giáo hội còn điêu đứng vì sự chia rẽ sâu sắc giữa hai giáo hoàng, khiến tu sĩ của các phe phái đối lập giết hại lẫn nhau ở Rô-ma. Sự việc càng rối ren thêm khi một số nhà văn Công Giáo cho rằng năm 500 CN sẽ tận thế. Do đó, việc một nhà chinh phục người Frank cải đạo theo Công Giáo được xem như một điềm tốt, tức “thiên niên kỷ mới của các thánh đồ”.

Nhưng động lực của Clovis là gì? Mặc dù không thể loại trừ những động lực tôn giáo, nhưng chắc chắn vị vua này đã toan tính sẵn những mục tiêu chính trị. Bằng cách chọn đạo Công Giáo, Clovis đã được lòng dân Gô-loa La Mã, mà đa số là Công Giáo. Đồng thời ông cũng được sự ủng hộ của giới chức sắc quyền thế của giáo hội. So với các địch thủ chính trị, đây chính là lợi thế mang tính chất quyết định. Cuốn The New Encyclopædia Britannica ghi rằng “cuộc chinh phục xứ Gaul của ông đã trở thành cuộc chiến giải phóng khỏi ách của những kẻ dị giáo theo học thuyết Arius thường bị người ta ghét”.

Clovis thật sự là ai?

Trong phần mở đầu cho lễ kỷ niệm năm 1996, Tổng Giám Mục Gérard Defois của giáo xứ Reims đã mô tả Clovis là “biểu tượng của sự cải đạo có suy tính rõ ràng và có suy xét cẩn thận”. Tuy nhiên, sử gia người Pháp Ernest Lavisse bình luận: “Việc Clovis cải đạo không hề thay đổi tính nết của ông; đạo đức hiền lành và ôn hòa của Phúc Âm không cải hóa được ông”. Một sử gia khác nói: “Thay vì kêu cầu thần Odin [thần xứ Scandinavia], ông đã kêu cầu Đấng Christ mà không hề thay đổi tính tình”. Để củng cố quyền cai trị, Clovis tìm cách diệt sạch mọi địch thủ muốn giành ngôi, điều này hẳn khiến chúng ta liên tưởng đến hạnh kiểm của Constantine sau cái gọi là cải đạo theo Đấng Christ. Ông đã tiêu diệt “tất cả thân quyến xa gần”.

Sau khi Clovis chết, cả một huyền thoại đã được xây dựng để biến ông từ một chiến binh tàn bạo thành một vị thánh nổi tiếng. Sự tường thuật của Gregory của thành Tours, viết gần một thế kỷ sau đó, được xem như một ý đồ nhằm đặt Clovis ngang hàng với Constantine, vị hoàng đế thứ nhất của La Mã đã chấp nhận “đạo Đấng Christ”. Và khi cho rằng Clovis đã chịu báp têm lúc 30 tuổi, Gregory dường như tìm cách khoác cho vị hoàng đế này một nét tương đồng với Đấng Christ.—Lu-ca 3:23.

Trong thế kỷ thứ chín, Hincmar, giám mục thành Reims, tiếp tục duy trì ý tưởng này. Vào thời điểm các thánh đường tranh giành nhau những người hành hương, cuốn tiểu sử mà giám mục Hincmar viết về người tiền nhiệm của ông là “Thánh” Remigius rất có thể nhắm vào mục đích làm cho nhà thờ được nổi tiếng và giàu có thêm. Theo lời ông tường thuật, Clovis đã được một con chim bồ câu trắng đem lọ dầu đến để xức dầu cho ông vào lúc báp têm—rõ ràng nhằm liên kết với hình ảnh Chúa Giê-su được xức dầu bằng thánh linh. (Ma-thi-ơ 3:16) Do vậy, Hincmar đã liên kết Clovis, thành Reims, với chế độ quân chủ, và khiến người ta tin rằng Clovis quả là vị vua được Chúa xức dầu. *

Một buổi lễ kỷ niệm gây nhiều tranh cãi

Cựu tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã có lần tuyên bố: “Đối với tôi, lịch sử nước Pháp bắt đầu từ Clovis, được bộ lạc Frank chọn làm vua nước Pháp, và đặt tên nước là France, theo tên bộ lạc này”. Tuy nhiên, không phải ai cũng quan niệm như thế. Buổi lễ kỷ niệm 1.500 năm ngày báp têm của Clovis đã gây nên nhiều tranh cãi. Trong một quốc gia mà Giáo Hội và Chính Quyền đã chính thức tách rời kể từ năm 1905, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích việc chính quyền can dự vào buổi lễ kỷ niệm mà họ cho là mang tính cách tôn giáo. Khi hội đồng thành phố Reims thông báo kế hoạch đài thọ việc xây dựng lễ đài dùng cho chuyến viếng thăm của giáo hoàng, một hiệp hội đã cho hành động này là bất hợp hiến, nên đã kiện cáo và tòa án chấp thuận hủy bỏ quyết định trên. Một số người khác cho rằng giáo hội cố tình áp đặt các tiêu chuẩn đạo đức và uy quyền thế tục trên nước Pháp. Việc xem Clovis là biểu tượng của phe chính trị thuộc cánh hữu và của các nhóm Công Giáo chính thống, đã càng gây phức tạp thêm cho buổi lễ kỷ niệm.

Về quan điểm lịch sử, buổi lễ này cũng đã bị một số người khác chỉ trích. Theo họ, lễ báp têm của Clovis không cải đạo nước Pháp thành nước Công Giáo, vì trước đó tôn giáo này đã ăn rễ sâu trong dân Gô-loa La Mã rồi. Và đồng thời họ cũng phủ nhận rằng lễ báp têm của Clovis đánh dấu ngày thành lập nước Pháp. Họ cho rằng ngày này đúng ra phải là ngày phân chia vương quốc của Charlemagne vào năm 843 CN, và Charles the Bald, chứ không phải Clovis, mới chính là vị vua đầu tiên của nước Pháp.

Lịch sử 1.500 năm của Công Giáo

Sau 1.500 năm làm “trưởng nữ của Giáo Hội”, đạo Công Giáo ở nước Pháp hiện nay đang trong tình trạng nào? Cho đến năm 1938, nước Pháp được xem là nước có nhiều tín đồ Công Giáo nhất thế giới. Hiện nay nước Pháp đứng hàng thứ sáu sau những nước như Phi-líp-pin và Hoa Kỳ. Và trong số 45 triệu người Công Giáo tại Pháp, chỉ có 6 triệu thường xuyên đi lễ nhà thờ. Theo cuộc nghiên cứu gần đây, trong số các tín đồ Công Giáo người Pháp, có tới 65 phần trăm “không hề quan tâm đến sự dạy dỗ của Giáo Hội về các vấn đề tính dục”, và 5 phần trăm trong số đó cho rằng Chúa Giê-su “chẳng ảnh hưởng gì đến họ”. Những khuynh hướng tiêu cực này đã khiến giáo hoàng phải đặt câu hỏi sau đây trong chuyến viếng thăm Pháp vào năm 1980: “Hỡi nước Pháp, lời khấn nguyện của ngươi khi chịu phép rửa tội ở đâu?”

[Chú thích]

^ đ. 12 Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 1-8-1984, trang 24.

^ đ. 13 Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 15-5-1994, trang 8, 9.

^ đ. 19 Tên Louis bắt nguồn từ tên Clovis, và đã có 19 vị vua của Pháp mang tên Louis (bao gồm Louis XVII và Louis-Philippe).

[Bản đồ nơi trang 27]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

DÂN SAXON

Sông Rhine

Sông  Somme

Soissons

Reims

Paris

GAUL

Sông Loire

Vouillé

Poitiers

PYRENEES

DÂN VISIGOTH

La Mã

[Hình nơi trang 26]

Báp têm của Clovis được mô tả trong một bản thảo vào thế kỷ 14

[Nguồn tư liệu]

© Cliché Bibliothèque nationale de France, Paris

[Hình nơi trang 28]

Tượng điêu khắc lễ báp têm của Clovis (ở giữa) bên ngoài Thánh Đường Reims, Pháp

[Hình nơi trang 29]

Chuyến viếng thăm Pháp của Giáo Hoàng Gioan Phao-lồ II để kỷ niệm lễ báp têm của Clovis đã gây nên tranh cãi