Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phụng sự với tinh thần hy sinh

Phụng sự với tinh thần hy sinh

Tự Truyện

Phụng sự với tinh thần hy sinh

DO DON RENDELL KỂ LẠI

Mẹ tôi mất năm 1927 khi tôi mới lên năm. Thế nhưng đức tin của mẹ lại gây được ảnh hưởng lớn trên đời tôi. Làm sao có thể được?

MẸ TÔI sùng đạo Anh Giáo khi kết hôn với cha, một người lính chuyên nghiệp. Chuyện đó xảy ra trước Thế Chiến I, bùng nổ năm 1914. Mẹ khiếu nại về việc mục sư giáo hội dùng bục giảng trong nhà thờ để tuyển binh. Mục sư trả lời ra sao? “Về nhà đi, chớ bận tâm về những chuyện ấy mà làm gì!” Mẹ không hài lòng.

Vào năm 1917, khi chiến tranh đến hồi kịch liệt, mẹ đi xem “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo”. Tin chắc đã tìm ra lẽ thật, mẹ lập tức rời bỏ giáo hội để kết hợp với Học Viên Kinh Thánh, tên gọi thời bấy giờ của Nhân Chứng Giê-hô-va. Mẹ đi họp với hội thánh Yeovil, rất gần làng West Coker, thuộc quận Somerset là nơi chúng tôi ở.

Ít lâu sau, mẹ chia sẻ đức tin mới với ba người dì của tôi. Những thành viên kỳ cựu của hội thánh Yeovil tả lại cho tôi biết cách mẹ và dì Millie đã sốt sắng đạp xe đạp quanh khu vực rao giảng rộng lớn ở thôn quê, phân phát bộ sách Khảo cứu Kinh Thánh (Anh ngữ) giúp học hỏi Kinh Thánh. Nhưng buồn thay, mẹ mắc bệnh ho lao không có thuốc chữa vào thời ấy, nên đành phải nằm liệt giường trong suốt 18 tháng cuối cùng của đời mẹ.

Nghĩa cử hy sinh

Dì Millie sống chung với chúng tôi thời ấy, chăm sóc mẹ trong lúc ốm đau và nuôi nấng tôi và chị Joan của tôi lúc đó bảy tuổi. Khi mẹ mất, dì Millie lập tức tình nguyện nuôi nấng chúng tôi. Cha vui mừng vì thoát được trách nhiệm này, sẵn sàng mời dì Millie ở luôn với chúng tôi.

Càng ngày chúng tôi càng yêu mến dì và sung sướng thấy dì ở lại với chúng tôi. Nhưng tại sao dì đã quyết định như thế? Nhiều năm sau, dì Millie nói với chúng tôi rằng dì biết mình có bổn phận xây dựng trên nền mẹ đã đặt sẵn—dạy lẽ thật Kinh Thánh cho chị Joan và tôi—điều mà dì biết cha sẽ không bao giờ làm vì cha chẳng quan tâm gì đến tôn giáo.

Kế tiếp, chúng tôi cũng biết dì Millie đã đi đến một quyết định hoàn toàn cá nhân khác nữa. Để nuôi nấng chúng tôi chu đáo, dì quyết định sẽ không bao giờ lấy chồng. Ôi, dì hy sinh nhiều quá! Chị Joan và tôi có mọi lý do để biết ơn dì sâu đậm. Tất cả những gì mà dì Millie dạy cho chúng tôi và gương mẫu xuất sắc của dì đã ăn sâu vào lòng chúng tôi.

Thời kỳ quyết định

Chị Joan và tôi đi học ở trường làng do Anh Giáo bảo trợ, và dì Millie cho bà hiệu trưởng biết rõ lập trường kiên định của chúng tôi về vấn đề giáo dục tôn giáo. Khi các trẻ khác đi nhà thờ, chúng tôi được về nhà, và khi mục sư nhà thờ đến trường dạy giáo lý, chúng tôi ngồi riêng ra và được đưa cho những câu Kinh Thánh để học thuộc lòng. Điều này đặc biệt có ích cho tôi, vì tôi nhớ rất dai những câu Kinh Thánh ấy một cách không thể quên được.

Tôi nghỉ học lúc 14 tuổi để đi học nghề bốn năm ở một nhà máy làm phó mát. Tôi cũng học chơi dương cầm, và âm nhạc cũng như các điệu khiêu vũ đã trở thành thú tiêu khiển của tôi. Lẽ thật Kinh Thánh dù đã bén rễ sâu trong lòng tôi, vẫn chưa thúc đẩy tôi hành động. Rồi một ngày nọ vào tháng 3 năm 1940, một Nhân Chứng lớn tuổi mời tôi cùng đi dự hội nghị ở Swindon, cách đó khoảng 110 cây số. Anh Albert D. Schroeder, lúc bấy giờ là người điều khiển công việc truyền giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Anh, nói bài diễn văn công cộng. Hội nghị ấy hóa ra là khúc quanh trong đời tôi.

Thế Chiến II đang hồi khốc liệt. Tôi sẽ dùng đời sống tôi thế nào đây? Tôi quyết định trở lại Phòng Nước Trời ở Yeovil. Buổi họp đầu tiên mà tôi dự lại là buổi họp giới thiệu công việc làm chứng ngoài đường phố. Dù hiểu biết hạn hẹp, tôi tình nguyện tham gia hoạt động này, khiến nhiều người mà tôi xem là bạn ngạc nhiên và chế giễu khi gặp tôi ngoài đường!

Vào tháng 6 năm 1940, tôi làm báp têm ở thành phố Bristol. Trong vòng một tháng, tôi đăng ký làm tiên phong đều đều—một người rao giảng trọn thời gian. Tôi thật sung sướng làm sao khi biết chị tôi cũng biểu trưng sự dâng mình bằng báp têm trong nước ít lâu sau đó!

Làm tiên phong trong thời chiến

Một năm sau khi chiến tranh bắt đầu, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ. Vì đã đăng ký là người từ chối quân dịch vì lương tâm ở Yeovil, tôi phải trình diện trước tòa án ở Bristol. Trước đó thì tôi cùng với anh John Wynn làm tiên phong ở Cinderford, quận Gloucestershire, và sau đó ở Haverfordwest và Carmarthen, thuộc xứ Wales. * Sau này, khi hầu tòa ở Carmarthen, tôi bị xử phải ngồi tù ba tháng trong nhà lao Swansea đồng thời phải nộp thêm tiền phạt 25 bảng Anh—một số tiền khá to vào thời ấy. Rồi vì không trả tiền phạt, tôi ở tù thêm ba tháng nữa.

Khi hầu tòa lần thứ ba, người ta hỏi tôi: “Thế anh không biết Kinh Thánh nói: ‘Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa’ ư?” Tôi đáp: “Biết chứ, tôi hiểu điều đó, nhưng tôi muốn nói cho hết câu: ‘và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời’. Chẳng phải là tôi đang làm chính điều ấy hay sao?” (Ma-thi-ơ 22:21) Ít tuần sau, tôi nhận được một lá thư cho biết tôi được miễn dịch.

Đầu năm 1945, tôi được mời gia nhập gia đình Bê-tên ở Luân Đôn. Mùa đông kế tiếp, anh Nathan H. Knorr, người đứng ra tổ chức công việc rao giảng khắp thế giới thời ấy, cùng với thư ký của anh, Milton G. Henschel, đến thăm Luân Đôn. Tám anh trẻ ở Anh được ghi danh vào khóa thứ tám Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh đào tạo giáo sĩ, và tôi là một trong số đó.

Nhiệm sở giáo sĩ

Vào ngày 23-5-1946, chúng tôi đáp tàu thủy Liberty thời chiến ở cảng nhỏ Fowey ở Cornwall. Giám đốc bến cảng là Thuyền Trưởng Collins, một Nhân Chứng Giê-hô-va, cho còi hụ khi chúng tôi rời bến cảng. Dĩ nhiên, tất cả chúng tôi đều có cảm giác buồn vui lẫn lộn khi bờ biển Anh mất hút trong tầm mắt ở chân trời. Chuyến hành trình xuyên Đại Tây Dương thật vất vả, nhưng 13 ngày sau, chúng tôi đến Hoa Kỳ an toàn.

Đối với chúng tôi, việc dự Hội Nghị Thần Quyền Quốc Tế “Các nước hoan hỉ” ở Cleveland, bang Ohio, từ ngày 4 đến 11-8-1946, quả là một kinh nghiệm đáng nhớ. Tám mươi ngàn đại biểu có mặt, gồm cả 302 người từ 32 nước khác đến. Tại đại hội đó tạp chí Tỉnh Thức! * ra đời, và sách giáo khoa Kinh Thánh “Xưng Đức Chúa Trời là thật” (Anh ngữ) được ra mắt trước đám đông người phấn khởi.

Chúng tôi tốt nghiệp Trường Ga-la-át vào năm 1947, tôi cùng với anh Bill Copson được bổ nhiệm đi Ai Cập. Nhưng trước khi lên đường, tôi được anh Richard Abrahamson ở Bê-tên Brooklyn huấn luyện cho chút ít về công việc văn phòng. Chúng tôi cập bến cảng Alexandria, tôi sớm làm quen với lối sống ở Trung Đông. Tuy nhiên, học tiếng Ả-rập là cả một thách thức, tôi đã phải sử dụng những thẻ làm chứng viết bằng bốn thứ tiếng.

Anh Bill Copson ở lại được bảy năm, nhưng tôi thì không thể gia hạn giấy thị thực sau năm đầu; như vậy tôi phải rời nước này. Tôi hồi tưởng lại năm đầu tiên làm giáo sĩ ấy như là năm thành công nhất trong cuộc đời tôi. Mỗi tuần tôi có đặc ân hướng dẫn hơn 20 học hỏi Kinh Thánh tại nhà, và cho đến nay một số người đã từng học lẽ thật vào lúc đó vẫn còn tích cực ca ngợi Đức Giê-hô-va. Từ Ai Cập tôi chuyển công tác sang đảo Cyprus.

Cyprus và Israel

Tôi bắt đầu học một ngôn ngữ mới, tiếng Hy Lạp, và làm quen với thổ ngữ địa phương. Ít lâu sau, khi anh Anthony Sideris được yêu cầu chuyển công tác sang Hy Lạp, tôi được bổ nhiệm làm giám thị công việc ở Cyprus. Thời ấy trụ sở chi nhánh Cyprus cũng chăm sóc cho công việc ở Israel, và tôi cùng với những anh khác có cơ hội thỉnh thoảng đi thăm một ít anh em Nhân Chứng ở đấy.

Trong chuyến thăm Israel lần đầu, chúng tôi tổ chức một hội nghị nhỏ trong một nhà hàng ở Haifa, có khoảng 50 đến 60 người tham dự. Chia cử tọa ra thành từng nhóm quốc gia, chúng tôi trình bày chương trình hội nghị trong sáu ngôn ngữ khác nhau! Vào một dịp khác, tôi có thể trình chiếu ở Jerusalem một cuộn phim do Nhân Chứng Giê-hô-va sản xuất, và tôi thuyết trình một bài diễn văn công cộng sau đó được một nhật báo tiếng Anh bình luận với lời lẽ tích cực.

Dạo ấy có khoảng 100 Nhân Chứng trên đảo Cyprus, và họ đã vì đức tin mà tranh chiến một cách gay go. Các đoàn người dữ tợn do những tu sĩ Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp dẫn đầu làm gián đoạn các cuộc hội nghị của chúng tôi, và tôi trải qua kinh nghiệm mới là bị ném đá khi làm chứng ở thôn quê. Tôi đã phải học cách nhanh chóng rút lui! Trước sự chống đối kịch kiệt ấy, thật vững mạnh đức tin khi những giáo sĩ khác được phái đến đảo. Dennis và Mavis Matthews cùng với Joan Hulley và Beryl Heywood đến với tôi ở Famagusta, trong khi Tom và Mary Goulden cùng với Nina Constanti, một chị gốc Cyprus sinh trưởng ở Luân Đôn, đi Limassol. Đồng thời, anh Bill Copson cũng được thuyên chuyển đến Cyprus, sau đó có Bert và Beryl Vaisey cũng đến giúp.

Thích nghi với những hoàn cảnh thay đổi

Đến cuối năm 1957, tôi ngã bệnh và không thể tiếp tục làm giáo sĩ nữa. Tôi lấy làm buồn phải đành quyết định trở về Anh để chữa trị; và tôi tiếp tục làm tiên phong ở Anh cho đến năm 1960. Chị tôi và anh rể đã tử tế cho tôi ở trọ nhà họ, nhưng hoàn cảnh đã thay đổi. Chị Joan thấy tình thế ngày một khó khăn hơn. Ngoài việc chăm sóc chồng và con gái còn nhỏ, trong suốt 17 năm tôi vắng mặt, chị đã yêu thương chăm sóc cha và dì Millie, lúc đó đã già và không khỏe. Tôi thấy rõ mình cần phải theo gương hy sinh của dì, nên ở lại với chị tôi cho đến khi cả cha lẫn dì đều qua đời.

Đối với tôi thật dễ ổn định cuộc sống ở Anh, nhưng sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi, tôi cảm thấy có bổn phận phải trở lại nhiệm sở. Xét cho cùng, chẳng phải tổ chức Đức Giê-hô-va đã bỏ nhiều tiền ra huấn luyện tôi hay sao? Vậy vào năm 1972, tôi quay lại Cyprus làm tiên phong lần nữa.

Anh Nathan H. Knorr đến nơi để sắp đặt tổ chức một đại hội ở đó vào năm sau. Khi biết tôi đã trở lại, anh đề cử tôi làm giám thị vòng quanh cho toàn đảo. Tôi có đặc ân đó được bốn năm. Tuy nhiên, đó là một nhiệm vụ gay go, vì tôi gần như phải luôn luôn nói tiếng Hy Lạp.

Thời kỳ gian truân

Tôi ở chung nhà với anh Paul Andreou, một Nhân Chứng người đảo Cyprus nói tiếng Hy Lạp, trong ngôi làng Karakoumi, nằm ở phía đông Kyrenia thuộc bờ biển phía bắc. Trụ sở chi nhánh của Cyprus nằm ở Nicosia, phía nam rặng núi Kyrenia. Đầu tháng 7 năm 1974, khi tôi đang ở Nicosia thì có một cuộc đảo chính lật đổ Tổng Thống Makarios, và tôi chứng kiến dinh thự ông ấy bốc cháy. Khi việc đi lại được an toàn, tôi nhanh chóng trở lại Kyrenia chuẩn bị hội nghị vòng quanh. Hai ngày sau, tôi nghe tiếng bom đầu tiên dội xuống hải cảng, và tôi nhìn thấy trên trời có đầy máy bay trực thăng chở quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đến chiếm đảo.

Vì tôi là công dân nước Anh, lính Thổ Nhĩ Kỳ chở tôi đến ngoại ô Nicosia, nơi nhân viên Liên Hiệp Quốc chất vấn tôi và họ bắt liên lạc với trụ sở chi nhánh. Rồi tôi phải đối phó với thử thách khủng khiếp là phải băng qua một nơi có hàng đống dây điện thoại và dây điện nằm ngổn ngang đến một khu nhà bỏ hoang ở bên kia vùng phi quân sự. Tôi thật vui sướng thấy đường dây liên lạc với Giê-hô-va Đức Chúa Trời không thể bị gián đoạn! Những lời cầu nguyện đã nâng đỡ tôi suốt một trong những kinh nghiệm khốn khổ nhất của đời tôi.

Tôi mất hết của cải, nhưng vui sướng có được sự an toàn bên trong trụ sở chi nhánh. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài không lâu. Trong vòng ít ngày, quân xâm lăng kiểm soát được một phần ba đảo về phía bắc. Chúng tôi đã phải bỏ nhà Bê-tên, và di dời về Limassol. Tôi vui sướng có thể làm việc tại đó với một ủy ban được thành lập để chăm sóc cho 300 anh em chạy loạn, nhiều người trong họ mất hết nhà cửa.

Thêm nhiều lần thay đổi nhiệm sở

Vào tháng 1 năm 1981, Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương yêu cầu tôi chuyển đến Hy Lạp để gia nhập gia đình Bê-tên ở Athens, nhưng khoảng cuối năm ấy tôi trở lại Cyprus và được bổ nhiệm làm phối hợp viên Ủy Ban Chi Nhánh. Anh Andreas Kontoyiorgis và vợ anh ấy, chị Maro, hai người gốc Cyprus sống ở Luân Đôn được phái đến, đã chứng tỏ là “sự giúp đỡ trợ lực” cho tôi.—Cô-lô-se 4:11NW.

Vào cuối cuộc viếng thăm vùng của anh Theodore Jaracz vào năm 1984, tôi nhận được một lá thư từ Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương chỉ giản dị nói: “Khi anh Jaracz hoàn tất cuộc viếng thăm, anh hãy đi theo anh ấy qua Hy Lạp”. Thư không nói rõ lý do, nhưng khi chúng tôi đến Hy Lạp, một lá thư khác đến từ Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương được đọc trước Ủy Ban Chi Nhánh, bổ nhiệm tôi làm phối hợp viên Ủy Ban Chi Nhánh tại xứ ấy.

Thời đó, chúng tôi phải đối phó với sự bội đạo lan tràn. Rồi cũng có nhiều lời buộc tội chúng tôi thu nạp môn đồ trái phép. Mỗi ngày, dân sự Đức Giê-hô-va bị bắt giải ra tòa. Thật là một đặc ân đối với tôi được quen biết những anh chị đã giữ vững lòng trung kiên trước thử thách. Một số vụ kiện của họ sau đó được Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu thụ lý, dẫn đến kết quả tuyệt diệu đối với công việc rao giảng tin mừng ở Hy Lạp. *

Khi phụng sự ở Hy Lạp, tôi được tham dự những đại hội đáng nhớ ở Athens, Thessalonica cùng các hải đảo Rhodes và Crete. Đó là bốn năm hạnh phúc, thành công, nhưng một sự thay đổi khác sắp xảy ra—trở lại đảo Cyprus vào năm 1988.

Cyprus và trở lại Hy Lạp

Trong thời gian tôi vắng mặt ở Cyprus, anh em đã mua cơ sở mới cho chi nhánh ở Nissou, cách Nicosia chừng vài cây số, và anh Carey Barber, từ trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, đến nói bài giảng cho lễ hiến dâng. Giờ đây mọi việc trên đảo đã ổn định hơn, và tôi sung sướng được trở về—nhưng ở lại đó không được lâu.

Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương chấp thuận cho xây cất một nhà Bê-tên mới ở Hy Lạp, vài cây số về phía bắc Athens. Vì nói được cả tiếng Anh lẫn tiếng Hy Lạp, nên tôi được mời trở lại làm việc trên công trường xây dựng mới vào năm 1990 với tư cách thông dịch viên cho gia đình Bê-tên và các tôi tớ quốc tế làm việc ở đó. Tôi vẫn còn nhớ niềm vui khi có mặt lúc sáu giờ sáng vào mùa hè để đón tiếp hàng trăm anh chị em người Hy Lạp tình nguyện hợp tác với gia đình công nhân xây dựng! Tôi sẽ còn nhớ mãi niềm hạnh phúc và lòng sốt sắng của họ.

Các tu sĩ Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và tay sai của họ tìm cách len lỏi vào công trường xây dựng và phá rối công việc, nhưng Đức Giê-hô-va nghe những lời cầu nguyện của chúng tôi, và che chở chúng tôi. Tôi ở lại công trường đến lúc nhà Bê-tên mới được dâng hiến vào ngày 13 tháng 4 năm 1991.

Giúp đỡ chị yêu quý của tôi

Năm sau, tôi trở về Anh nghỉ phép, ở lại với chị tôi và anh rể. Buồn thay, khi tôi ở đó, anh rể tôi bị hai cơn đau tim và qua đời. Chị Joan đã rộng rãi ủng hộ tôi trong suốt thời gian tôi làm giáo sĩ. Hầu như tuần nào chị cũng đều viết thư khuyến khích tôi. Đối với bất cứ giáo sĩ nào, sự liên lạc như thế hẳn phải là một ân phước! Nay chị thành góa phụ, sức khỏe kém và cần sự ủng hộ. Tôi phải làm gì đây?

Thelma, con gái chị Joan, và chồng cháu lúc đó đang chăm sóc cho một góa phụ trung thành khác trong hội thánh, là một trong những người bà con của chúng tôi bị bệnh sắp chết. Sau khi cầu nguyện nhiều lần, tôi quyết định ở lại chăm sóc cho chị Joan. Không phải dễ thích nghi với hoàn cảnh mới, nhưng tôi được đặc ân phục vụ với tư cách trưởng lão ở Pen Mill, một trong hai hội thánh ở Yeovil.

Anh em ở nước ngoài, nơi tôi đã từng phục vụ, tiếp tục liên lạc thường xuyên với tôi qua điện thoại và thư từ, tôi rất biết ơn về điều đó. Nếu như tôi bày tỏ nguyện vọng trở lại Hy Lạp hoặc đảo Cyprus, tôi biết là họ sẽ mua vé máy bay cho tôi ngay. Nhưng nay tôi đã 80 tuổi rồi, mắt mờ và sức khỏe sa sút. Thật bực bội khi không còn tích cực hoạt động như trước đây, nhưng những năm tháng ở Bê-tên đã giúp tôi tập nhiều thói quen có ích cho tôi ngày nay. Chẳng hạn, trước khi ăn sáng, tôi luôn tra xem đoạn Kinh Thánh mỗi ngày. Tôi cũng đã tập ăn ở hòa thuận với người khác và yêu thương họ—bí quyết của sự thành công trong công việc giáo sĩ.

Hồi tưởng lại khoảng 60 năm tuyệt diệu dành vào việc ca ngợi Đức Giê-hô-va, tôi biết thánh chức trọn thời gian là sự che chở lớn nhất và cung cấp sự giáo dục tốt nhất. Tôi có thể hết lòng lặp lại những lời của Đa-vít nói với Đức Giê-hô-va: “Chúa là nơi ẩn-náu cao của tôi, một nơi nương-náu mình trong ngày gian-truân”.—Thi-thiên 59:16.

[Chú thích]

^ đ. 18 Tự truyện của anh John Wynn, nhan đề “Lòng tôi tràn đầy sự biết ơn”, được đăng trong Tháp Canh, số ra ngày 1-9-1997, trang 25-28.

^ đ. 23 Tên cũ là An Ủi.

^ đ. 41 Xem Tháp Canh, ngày 1-12-1998, trang 20, 21, và Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 1-9-1993, trang 27-31; Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 8-1-1998, trang 21, 22 và ngày 22-3-1997, trang 14, 15.

[Bản đồ nơi trang 24]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

HY LẠP

Athens

CYPRUS

Nicosia

Kyrenia

Famagusta

Limassol

[Hình nơi trang 21]

Mẹ vào năm 1915

[Hình nơi trang 22]

Trên sân thượng nhà Bê-tên Brooklyn vào năm 1946, tôi (thứ tư từ bên trái) và các anh em khác của khóa thứ tám Trường Ga-la-át

[Hình nơi trang 23]

Với dì Millie sau lần đầu tiên về Anh thăm nhà