Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giáo Phái Waldenses—Từ dị giáo chuyển sang Tin Lành

Giáo Phái Waldenses—Từ dị giáo chuyển sang Tin Lành

Giáo Phái Waldenses​—⁠Từ dị giáo chuyển sang Tin Lành

Đó là vào năm 1545, trong vùng Lubéron tươi đẹp thuộc tỉnh Provence, ở miền nam nước Pháp. Do sự cố chấp tôn giáo, quân đội được tập hợp để thi hành một nhiệm vụ khủng khiếp—một tuần lễ tàn sát đẫm máu.

LÀNG MẠC bị san bằng thành bình địa, dân cư kẻ bị bắt người bị giết. Hành động dã man tàn bạo của bọn lính hung ác trong cuộc thảm sát đã khiến cả Âu Châu phải rùng mình. Khoảng 2.700 người đàn ông bị giết, 600 người bị bắt đưa xuống các tàu chiến phục dịch, chưa kể đến nỗi đau khổ của phụ nữ và trẻ em. Người chỉ huy chiến dịch đẫm máu này đã được nhà vua Pháp và giáo hoàng khen ngợi.

Phong trào Cải Cách đã phân rẽ nước Đức khi Vua François I của Pháp, một người Công Giáo vốn lo sợ về sự bành trướng của đạo Tin Lành, bắt đầu thẩm tra về những người bị gọi là dị giáo trong nước ông. Thay vì chỉ tìm thấy vài trường hợp riêng lẻ, các quan chức Provence phát hiện đến mấy làng toàn những người có quan điểm bất đồng về tôn giáo. Thế là sắc lệnh dẹp sạch phong trào dị giáo này được thông qua và cuối cùng được thi hành bằng cuộc thảm sát năm 1545.

Những người theo dị giáo này là ai? Và tại sao họ trở thành nạn nhân của sự cố chấp dữ dội về tôn giáo?

Từ giàu có trở nên hàn vi

Những nạn nhân của cuộc thảm sát nói trên thuộc một phong trào tôn giáo bắt đầu từ thế kỷ 12 và bao trùm cả một vùng rộng lớn ở Châu Âu. Sự phát triển và tồn tại của phong trào này trong nhiều thế kỷ liền khiến nó trở nên nổi bật trong lịch sử về sự bất đồng quan điểm tôn giáo. Phần lớn các sử gia đều đồng ý rằng phong trào này bắt đầu khoảng năm 1170. Tại thành phố Lyons của Pháp, một thương gia giàu có tên là Vaudès rất quan tâm đến việc học hỏi cách làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Dường như lời Chúa Giê-su Christ khuyên một người nhà giàu bán hết sản nghiệp mình và bố thí cho người nghèo đã động đến lòng ông, Vaudès thu xếp tài chánh cho gia đình, rồi từ bỏ sự giàu sang để rao truyền Phúc Âm. (Ma-thi-ơ 19:16-22) Chẳng bao lâu ông bắt đầu có môn đồ, và sau này họ được gọi là người Waldenses. *

Sự nghèo khó, công việc rao giảng và Thánh Kinh là trọng tâm trong đời sống Vaudès. Lúc bấy giờ, việc phản đối sự xa hoa của hàng giáo phẩm không phải là điều mới mẻ. Từ lâu, một số tu sĩ bất mãn đã lên án tệ tham nhũng và lạm dụng quyền hành của giáo hội. Thế nhưng Vaudès cũng như phần lớn những người theo ông đều là thường dân. Hiển nhiên, điều đó cho thấy tại sao ông cảm thấy cần phải có Kinh Thánh bằng tiếng địa phương, tức ngôn ngữ của thường dân. Vì chỉ có các tu sĩ mới đọc được Kinh Thánh tiếng La Tinh của nhà thờ, Vaudès đã cho dịch Phúc Âm và các sách khác trong Kinh Thánh sang tiếng Franco-Provençal, ngôn ngữ phổ thông của người dân miền trung đông nước Pháp. * Thực thi mệnh lệnh rao giảng của Chúa Giê-su, Người Nghèo ở Lyons đã rao truyền thông điệp Kinh Thánh cho công chúng ngoài đường phố. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Sử gia Gabriel Audisio giải thích rằng việc họ nhất quyết rao giảng cho công chúng là yếu tố chính khiến giáo hội có thái độ dứt khoát với người Waldenses.

Từ Công Giáo thành dị giáo

Vào thời đó, công việc truyền giáo chỉ dành riêng cho hàng giáo phẩm, và giáo hội nắm quyền quyết định ai được phép làm việc này. Giới tăng lữ xem người Waldenses là dân dốt nát vô học, thế nhưng vào năm 1179, Vaudès vẫn chính thức xin Giáo Hoàng Alexander III cho ông được phép rao giảng. Lời thỉnh cầu được chấp thuận—nhưng với điều kiện phải có sự chuẩn chấp của các linh mục địa phương. Sử gia Malcolm Lambert nhận xét rằng điều đó “hầu như đồng nghĩa với việc hoàn toàn từ chối”. Trên thực tế, Tổng Giám Mục Jean Bellesmains của Lyons đã chính thức cấm thường dân rao giảng. Vaudès đáp lại bằng cách trích lời Công-vụ 5:29: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”. Vì không chấp hành lệnh cấm, Vaudès bị rút phép thông công vào năm 1184.

Mặc dù người Waldenses bị trục xuất khỏi địa phận Lyons và buộc phải rời khỏi thành phố, nhưng dường như sự lên án lúc đầu, ở mức độ nào đó, chỉ mang tính lý thuyết. Nhiều thường dân thán phục lòng chân thành và lối sống của người Waldenses, và cả các giám mục vẫn tiếp tục nói chuyện với họ.

Theo sử gia Euan Cameron, dường như những nhà truyền giáo Waldenses không “chống đối Giáo Hội La Mã chỉ vì thích chống đối”. Họ chỉ đơn giản “muốn rao giảng và dạy dỗ”. Các sử gia nói rằng trên thực tế phong trào này đã bị biến thành dị giáo bởi hàng loạt những sắc lệnh dần dần đẩy họ hẳn ra ngoài lề xã hội. Sự lên án của giáo hội cuối cùng dẫn đến việc Công Đồng Lateran Thứ Tư ban hành lệnh cấm và rút phép thông công người Waldenses vào năm 1215. Điều này đã ảnh hưởng thế nào đến công việc rao giảng của họ?

Hoạt động bí mật

Năm 1217, Vaudès qua đời. Sự bắt bớ khiến các môn đồ của ông phải phân tán sang Đức, Bắc Ý, vùng thung lũng Alps của Pháp, và tới Trung và Đông Âu. Cũng vì sự bắt bớ, người Waldenses phải sống ở miền nông thôn và điều đó khiến hoạt động rao giảng của họ bị giới hạn ở nhiều nơi.

Năm 1229, Giáo Hội Công Giáo hoàn tất cuộc Thập Tự Chinh dẹp trừ phái Cathari, tức người Albigenses, ở miền nam nước Pháp. * Người Waldenses trở thành mục tiêu tiếp theo. Chẳng bao lâu sau, Tòa Án Dị Giáo trở thành công cụ tàn bạo nhằm loại trừ những kẻ chống đối giáo hội. Sự sợ hãi khiến người Waldenses phải rút vào hoạt động bí mật. Đến năm 1230, họ ngưng rao giảng nơi công cộng. Sử gia Audisio giải thích: “Thay vì tìm kiếm chiên mới..., họ dành thời gian và nỗ lực chăm sóc những người cải đạo, giúp tín đồ giữ niềm tin trước những áp lực và sự bắt bớ bên ngoài”. Ông nói thêm: “Công việc rao giảng vẫn được xem là trọng yếu, nhưng cách thực hành đã hoàn toàn thay đổi”.

Niềm tin và thực hành của họ

Đến thế kỷ 14, thay vì cả đàn ông, đàn bà đều tham gia rao giảng, người Waldenses bắt đầu phân biệt giữa người truyền giáo với tín đồ. Chỉ những người nam đã được đào tạo kỹ mới tham gia công việc chăn chiên. Những nhà truyền giáo lưu động này về sau được gọi là barbes (có nghĩa là chú / bác).

Các barbes đến thăm các gia đình Waldenses với nỗ lực duy trì phong trào, hơn là truyền bá nó. Tất cả các barbes đều biết đọc, viết và được đào tạo đến sáu năm về Kinh Thánh. Dùng Kinh Thánh bằng tiếng địa phương giúp họ dễ giải thích Kinh Thánh cho bầy chiên. Ngay cả những kẻ chống đối họ cũng phải thừa nhận rằng người Waldenses, kể cả trẻ em, có trình độ hiểu biết vững chắc về Kinh Thánh và có thể trích dẫn nhiều phần trong Kinh Thánh.

Người Waldenses thời ban đầu không chấp nhận những điều như sự nói dối, nơi luyện tội, lễ cầu hồn, quyền xá tội và ân xá của giáo hoàng, việc thờ Ma-ri và các “thánh”. Họ cũng cử hành hằng năm Bữa Tiệc Thánh của Chúa, hay Bữa Tiệc Ly. Theo Lambert, cách thờ phượng của họ “trên thực tế là tín ngưỡng của thường dân”.

“Nếp sống hai mặt”

Các cộng đồng người Waldenses rất khắng khít với nhau. Họ kết hôn với người theo cùng phong trào và qua nhiều thế kỷ, việc này tạo nên những họ riêng của người Waldenses. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh để sinh tồn, họ lại cố che giấu quan điểm của mình. Việc giữ kín niềm tin và các thực hành tôn giáo khiến họ dễ bị kẻ thù vu khống trắng trợn, chẳng hạn như nói họ thờ Ma-quỉ. *

Một cách để họ đối phó với những lời buộc tội như thế là thỏa hiệp và thực hành điều mà sử gia Cameron gọi là “sự phục tùng tối thiểu” đối với đạo Công Giáo. Nhiều người Waldenses xưng tội với linh mục Công Giáo, dự lễ Mi-sa, dùng nước thánh, thậm chí đi hành hương. Sử gia Lambert nhận xét: “Họ làm nhiều điều giống những người láng giềng Công Giáo”. Còn sử gia Audisio bình luận thẳng thừng rằng dần dần người Waldenses có “nếp sống hai mặt”. Ông nói thêm: “Bề ngoài họ cư xử như người Công Giáo để được yên ổn, nhưng mặt khác, họ vẫn giữ một số nghi lễ và tập tục riêng nhằm duy trì cộng đồng người Waldenses”.

Từ dị giáo chuyển sang Tin Lành

Vào thế kỷ 16, Phong Trào Cải Cách khiến cục diện tôn giáo Châu Âu hoàn toàn thay đổi. Nạn nhân của tệ cố chấp tôn giáo có thể xin được công nhận hợp pháp trong nước họ, hoặc di cư đến nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Ý niệm dị giáo cũng bớt phần quan trọng vì quá nhiều người bắt đầu đặt nghi vấn về tính chính thống tôn giáo.

Ngay từ năm 1523, nhà Cải Cách nổi tiếng Martin Luther đã nhắc đến người Waldenses. Đến năm 1526, một barbes Waldenses đem về vùng Alps tin tức về các diễn biến tôn giáo ở Âu Châu, mở ra thời kỳ trao đổi quan điểm giữa các nhóm Tin Lành và người Waldenses. Phái Tin Lành khuyến khích người Waldenses bảo trợ cho bản dịch Kinh Thánh đầu tiên từ ngôn ngữ gốc sang tiếng Pháp. Bản dịch này được in vào năm 1535, và sau này được gọi là Bản Kinh Thánh Olivétan. Nhưng trớ trêu thay, phần đông người Waldenses đều không hiểu tiếng Pháp.

Vì Giáo Hội Công Giáo không ngừng bắt bớ nên nhiều người Waldenses đến sống ở vùng Provence, thuộc miền nam nước Pháp, để được an toàn hơn; người Tin Lành cũng di cư đến đó. Chẳng bao lâu, nhà cầm quyền được báo động về làn sóng nhập cư này. Mặc dù có rất nhiều báo cáo tốt về lối sống và hạnh kiểm của người Waldenses, một số người vẫn hồ nghi lòng trung thành của họ, và cáo buộc họ về tội đe dọa trật tự an ninh. Cuối cùng sắc lệnh Mérindol được ban hành, dẫn đến cuộc đổ máu khủng khiếp được nói đến ở đầu bài.

Mối quan hệ giữa người Công Giáo và người Waldenses ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Để đối phó với các cuộc tấn công, người Waldenses thậm chí dùng cả lực lượng vũ trang để tự vệ. Cuộc xung đột đẩy họ đến chỗ gia nhập đạo Tin Lành. Như vậy, người Waldenses đã kết hợp với Tin Lành chính thống.

Trải qua các thế kỷ, nhà thờ của người Waldenses đã được thiết lập ở những nước cách xa nước Pháp, như Uruguay và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, phần đông các sử gia đều đồng ý với Audisio rằng “phong trào Waldenses chấm dứt vào thời kỳ Cải Cách”, khi “bị đồng hóa” với đạo Tin Lành. Thực tế, phong trào Waldenses đã mất đi nhiều sự nhiệt huyết ban đầu từ những thế kỷ trước, khi các thành viên của họ sợ hãi từ bỏ việc rao giảng và dạy dỗ theo Kinh Thánh.

[Chú thích]

^ đ. 7 Vaudès còn được gọi là Valdès, Valdesius hay Waldo. Tên sau cùng là nguồn gốc của từ “Waldenses”. Người Waldenses cũng được gọi là Người Nghèo ở Lyons.

^ đ. 8 Ngay từ năm 1199, giám mục địa phận Metz, ở miền đông bắc nước Pháp, đã than phiền với Giáo Hoàng Innocent III rằng một số người đang đọc và thảo luận Kinh Thánh bằng tiếng địa phương. Rất có thể vị giám mục đó nói về người Waldenses.

^ đ. 15 Xem bài “Người Cathari—Có phải là những người tử vì đạo Đấng Christ không?” trong Tháp Canh, ngày 1-9-1995, trang 27-30.

^ đ. 21 Sự vu khống dai dẳng đối với người Waldenses làm xuất hiện chữ vauderie (ra từ chữ vaudois trong tiếng Pháp), chỉ những người bị nghi là theo dị giáo hoặc thờ Ma-quỉ.

[Bản đồ/​Hình nơi trang 23]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Những vùng chịu ảnh hưởng của người Waldenses

PHÁP

Lyons

PROVENCE

Lubéron

Strasbourg

Milan

Rome

Berlin

Prague

Vienna

[Hình]

Người Waldenses bảo trợ việc dịch Bản Kinh Thánh Olivétan, được in vào năm 1535

[Nguồn tư liệu]

Kinh Thánh: © Cliché Bibliothèque nationale de France, Paris

[Các hình nơi trang 20, 21]

VAUDÈS

Hai phụ nữ Waldenses lớn tuổi bị hỏa thiêu

[Nguồn tư liệu]

Trang 20 và 21: © Landesbildstelle Baden, Karlsruhe