Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự lãnh đạo của Đấng Christ có thật đối với bạn không?

Sự lãnh đạo của Đấng Christ có thật đối với bạn không?

Sự lãnh đạo của Đấng Christ có thật đối với bạn không?

“Đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo; vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô”.—MA-THI-Ơ 23:10, TÒA TỔNG GIÁM MỤC.

1. Chỉ có ai mới là Thủ Lãnh của tín đồ thật Đấng Christ?

ĐÓ LÀ Thứ Ba, ngày 11 tháng Ni-san. Ba ngày sau, Chúa Giê-su Christ bị tử hình. Đây là lần cuối cùng ngài viếng thăm đền thờ. Hôm ấy, ngài dạy những điều quan trọng cho môn đồ và đám đông nhóm lại tại đó. Ngài nói: “Đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo; vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô”. (Ma-thi-ơ 23:8-10, TTGM) Rõ ràng Chúa Giê-su Christ là Vị Thủ Lãnh của tín đồ thật Đấng Christ.

2, 3. Đời sống chúng ta đạt kết quả ra sao khi lắng nghe Đức Giê-hô-va và chấp nhận Vị Thủ Lãnh mà Ngài đã bổ nhiệm?

2 Khi chấp nhận sự lãnh đạo của Chúa Giê-su, đời sống chúng ta được lợi ích biết bao! Báo trước về sự xuất hiện của Vị Thủ Lãnh này, Giê-hô-va Đức Chúa Trời tuyên bố qua nhà tiên tri Ê-sai: “Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến suối nước! Và người nào không có tiền-bạc, hãy đến, mua mà ăn! Hãy đến, mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá... Hãy chăm-chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon, và cho linh-hồn các ngươi vui-thích trong của béo... Nầy, ta đã lập người lên làm chứng-kiến cho các nước, làm quan-trưởng [“thủ lãnh”, TTGM] và quan-tướng cho muôn dân”.—Ê-sai 55:1-4.

3 Ê-sai dùng những chất lỏng thông thường—nước, sữa và rượu—như những ẩn dụ cho thấy đời sống riêng của chúng ta sẽ đạt kết quả ra sao khi lắng nghe Đức Giê-hô-va và đi theo Vị Thủ Lãnh và Quan Tướng Ngài ban cho. Kết quả là sự tươi mát, giống như được một ly nước lạnh vào một ngày nóng bức. Cơn khát của chúng ta về lẽ thật và sự công bình được thỏa mãn. Như sữa làm cho em bé được mạnh mẽ và lớn lên thì ‘sữa của đạo’ củng cố và giúp chúng ta lớn lên về thiêng liêng trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 2:1-3) Và ai có thể phủ nhận việc rượu đem lại vui mừng trong các dịp lễ hội? Cùng một cách ấy, việc thờ phượng Đức Chúa Trời thật và bước theo dấu chân của Vị Thủ Lãnh được bổ nhiệm sẽ làm cho đời sống “vui-mừng trọn-vẹn”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:15) Vậy, thật là quan trọng để tất cả chúng ta—già lẫn trẻ, nam lẫn nữ—cho thấy sự lãnh đạo của Đấng Christ là thật đối với mình. Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể biểu lộ trong đời sống hàng ngày rằng Đấng Mê-si là Thủ Lãnh của chúng ta?

Các bạn trẻ—Tiếp tục “khôn-ngoan càng thêm”

4. (a) Điều gì đã xảy ra khi Chúa Giê-su thăm viếng Giê-ru-sa-lem vào dịp Lễ Vượt Qua, lúc ngài 12 tuổi? (b) Chúa Giê-su hiểu biết nhiều thế nào lúc ngài chỉ mới 12 tuổi?

4 Hãy xem xét gương mẫu mà Vị Thủ Lãnh của chúng ta đã nêu cho những người trẻ. Mặc dù Kinh Thánh không nói nhiều đến thời thơ ấu của Chúa Giê-su, nhưng có một chuyện xảy ra rất đáng kể. Khi Chúa Giê-su 12 tuổi, cha mẹ đem ngài lên Giê-ru-sa-lem dự Lễ Vượt Qua hàng năm. Vào dịp này, ngài mải mê thảo luận về Kinh Thánh, và gia đình vô tình bỏ ngài lại. Sau ba ngày lo lắng tìm kiếm, cha mẹ ngài là Giô-sép và Ma-ri tìm thấy ngài trong đền thờ, “đang ngồi giữa mấy thầy thông-thái, vừa nghe vừa hỏi”. Hơn nữa, “ai nấy nghe, đều lạ-khen về sự khôn-ngoan và lời đối-đáp của Ngài”. Hãy thử tưởng tượng, chỉ mới 12 tuổi, Chúa Giê-su không những nêu nhiều câu hỏi sâu sắc về thiêng liêng mà còn đưa ra những câu trả lời thông minh! Chắc chắn việc cha mẹ dạy dỗ đã giúp ngài được như vậy.—Lu-ca 2:41-50.

5. Những người trẻ có thể tự xét thái độ của họ đối với việc học hỏi Kinh Thánh gia đình như thế nào?

5 Có lẽ bạn là một người trẻ. Nếu cha mẹ bạn là những tôi tớ tận tụy của Đức Chúa Trời, hẳn gia đình bạn có chương trình học Kinh Thánh đều đặn. Bạn có thái độ nào đối với việc học hỏi Kinh Thánh gia đình? Tại sao không suy ngẫm về những câu hỏi như: ‘Tôi có hết lòng ủng hộ sự sắp đặt về việc học hỏi Kinh Thánh gia đình không? Tôi có hợp tác, không làm bất cứ điều gì gây xáo trộn thời biểu mỗi tuần không?’ (Phi-líp 3:16) ‘Tôi có tham dự tích cực vào buổi học không? Khi thích hợp, tôi có nêu những câu hỏi về tài liệu học hỏi và bình luận về cách áp dụng không? Khi tiến bộ dần về thiêng liêng, tôi có vun trồng một sự khao khát ‘đồ-ăn đặc dành cho kẻ thành-nhân’ không?—Hê-bơ-rơ 5:13, 14.

6, 7. Chương trình đọc Kinh Thánh mỗi ngày có thể lợi ích thế nào cho những người trẻ?

6 Có một chương trình đọc Kinh Thánh mỗi ngày cũng rất lợi ích. Người viết Thi-thiên hát: “Phước cho người nào chẳng theo mưu-kế của kẻ dữ,... song lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm”. (Thi-thiên 1:1, 2) Giô-suê, người kế vị Môi-se, ‘đọc sách luật-pháp và suy-gẫm ngày và đêm’. Điều này giúp ông hành động khôn ngoan và thành công trong việc thực thi công việc Đức Chúa Trời giao phó. (Giô-suê 1:8) Chúa Giê-su Christ, Thủ Lãnh của chúng ta, nói: “Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 4:4) Nếu hàng ngày chúng ta cần ăn thức ăn vật chất thì chúng ta càng cần đều đặn ăn thức ăn thiêng liêng hơn biết bao!

7 Ý thức nhu cầu thiêng liêng của mình, em Nicole 13 tuổi bắt đầu đọc Kinh Thánh mỗi ngày. * Bây giờ ở tuổi 16, em đã đọc hết cuốn Kinh Thánh một lần và được gần phân nửa lần thứ hai. Phương pháp của em thật giản dị. Em nói: “Tôi quyết tâm đọc ít nhất mỗi ngày một chương”. Việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày đã giúp em như thế nào? Em cho biết: “Ngày nay đầy dẫy ảnh hưởng xấu. Hàng ngày tôi gặp phải nhiều áp lực tại trường học và những nơi khác khiến đức tin tôi bị thử thách. Việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày giúp tôi mau chóng nhớ lại những mạng lệnh và nguyên tắc của Kinh Thánh khuyến khích tôi chống lại những áp lực đó. Nhờ thế tôi cảm thấy gần với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su hơn”.

8. Chúa Giê-su có thói quen nào trong nhà hội và những người trẻ có thể noi gương ngài như thế nào?

8 Chúa Giê-su có thói quen nghe và tham dự việc đọc Kinh Thánh tại nhà hội. (Lu-ca 4:16; Công-vụ 15:21) Những người trẻ được lợi ích biết mấy khi noi theo gương đó bằng cách đều đặn tham dự các buổi họp của đạo Đấng Christ, nơi họ được nghe và học Kinh Thánh! Em Richard, 14 tuổi, bày tỏ lòng biết ơn về các buổi họp như sau: “Đối với em, các buổi họp rất quan trọng. Em được nhắc nhở không ngừng về điều gì tốt, điều gì xấu, điều gì đạo đức, điều gì vô luân, điều gì giống Đấng Christ và điều gì không. Em không cần phải học qua những kinh nghiệm cay đắng”. Đúng vậy, “sự nhắc nhở của Đức Giê-hô-va là đáng tin cậy, khiến người thiếu kinh nghiệm trở nên khôn ngoan”. (Thi-thiên 19:7, NW) Cũng thế, em Nicole cương quyết dự năm buổi họp của hội thánh mỗi tuần. Em cũng dành ra từ hai đến ba giờ để chuẩn bị cho các buổi họp.—Ê-phê-sô 5:15, 16.

9. Những người trẻ có thể tiếp tục “khôn-ngoan càng thêm” như thế nào?

9 Tuổi trẻ là thời kỳ thuận lợi để thâu thập ‘sự hiểu biết về Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến’. (Giăng 17:3) Có lẽ bạn biết những người trẻ dành rất nhiều thời giờ để đọc truyện tranh, xem truyền hình, chơi trò chơi điện tử, hoặc lướt trên mạng Internet. Tại sao lại bắt chước họ trong khi bạn có thể noi theo gương tuyệt hảo của Vị Thủ Lãnh chúng ta? Khi còn là một cậu bé, ngài đã vui thích học hỏi về Đức Giê-hô-va. Kết quả là gì? Vì yêu thích những điều thiêng liêng, “Chúa Giê-su khôn-ngoan càng thêm”. (Lu-ca 2:52) Bạn cũng có thể được như vậy.

“Vâng-phục nhau”

10. Điều gì sẽ giúp đời sống gia đình là nguồn bình an và hạnh phúc?

10 Căn nhà có thể là một nơi an toàn, thỏa lòng hoặc cũng có thể là một bãi chiến trường đầy cãi cọ và tranh chấp. (Châm-ngôn 21:19; 26:21) Việc chấp nhận sự lãnh đạo của Chúa Giê-su giúp tăng cường sự bình an và hạnh phúc trong gia đình. Thật vậy, gương của Chúa Giê-su là mẫu mực cho mọi người trong gia đình. Kinh Thánh nói: “Hãy kính-sợ Đấng Christ mà vâng-phục nhau. Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng-phục chồng mình như vâng-phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội-thánh, Hội-thánh là thân-thể Ngài, và Ngài là Cứu-Chúa của Hội-thánh... Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh”. (Ê-phê-sô 5:21-25) Sứ đồ Phao-lô viết cho hội thánh Cô-lô-se: “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng-phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa”.—Cô-lô-se 3:18-20.

11. Làm thế nào người chồng có thể cho thấy sự lãnh đạo của Đấng Christ là thật đối với mình?

11 Làm theo lời khuyên này có nghĩa là người chồng dẫn đầu trong gia đình, người vợ trung thành ủng hộ chồng, và con cái vâng lời cha mẹ. Tuy nhiên, quyền làm đầu chỉ đem lại hạnh phúc khi được thi hành đúng đắn. Một người chồng khôn ngoan phải học cách thi hành quyền làm đầu qua việc noi gương Chúa Giê-su Christ là Đầu và Thủ Lãnh của mình. (1 Cô-rinh-tô 11:3) Mặc dù sau này trở thành “đầu Hội-thánh”, Chúa Giê-su đã xuống trái đất “không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta”. (Ê-phê-sô 1:22; Ma-thi-ơ 20:28) Cũng vậy, một người chồng tín đồ Đấng Christ thi hành quyền làm đầu không vì quyền lợi riêng mình, nhưng vì quyền lợi của vợ con—đúng vậy, của cả gia đình. (1 Cô-rinh-tô 13:4, 5) Anh cố gắng bắt chước những đức tính tin kính của Chúa Giê-su Christ là đầu của mình. Giống như Chúa Giê-su, anh nhu mì và khiêm nhường trong lòng. (Ma-thi-ơ 11:28-30) Những lời như “anh xin lỗi” hay “em nói đúng” không có gì khó đối với anh khi anh sai lầm. Gương tốt của anh làm cho vợ thấy dễ dàng hơn trong việc làm người “giúp-đỡ”, bổ túc cho anh và là người “bạn” cộng tác, học hỏi nơi anh và sát cánh làm việc với anh.—Sáng-thế Ký 2:20; Ma-la-chi 2:14.

12. Điều gì sẽ giúp người vợ sẵn sàng chấp nhận nguyên tắc về quyền làm đầu?

12 Về phần người vợ, phải phục tùng chồng. Tuy nhiên, nếu nhiễm phải tinh thần của thế gian, thì quan điểm của chị về nguyên tắc quyền làm đầu có thể sẽ suy yếu dần dần, và ý tưởng phục tùng người đàn ông sẽ không còn hấp dẫn đối với chị nữa. Kinh Thánh không hề ngụ ý người đàn ông phải độc đoán, nhưng đòi hỏi vợ phục tùng chồng. (Ê-phê-sô 5:24) Kinh Thánh cũng đòi hỏi người chồng hay người cha phải chịu trách nhiệm đối với gia đình, và khi áp dụng các lời khuyên này, gia đình được bình an và có trật tự.—Phi-líp 2:5.

13. Đối với những người làm con, Chúa Giê-su đã nêu gương mẫu nào về sự phục tùng?

13 Con cái phải vâng lời cha mẹ. Về điều này, Chúa Giê-su nêu gương mẫu xuất sắc. Tiếp theo sự việc bị bỏ lại ba ngày ở đền thờ lúc 12 tuổi, “ngài theo cha mẹ trở về Na-gia-rét và phục tùng cha mẹ”. (Lu-ca 2:51, Trần Đức Huân) Việc con cái vâng phục cha mẹ sẽ giúp cho gia đình được bình an và hòa hợp hơn. Khi mọi người trong gia đình phục tùng sự lãnh đạo của Đấng Christ, kết quả là gia đình được hạnh phúc.

14, 15. Điều gì sẽ giúp chúng ta thành công khi đối diện với một tình huống khó khăn trong gia đình? Cho thí dụ.

14 Ngay cả khi trong gia đình xảy ra những tình cảnh khó khăn, bí quyết để thành công vẫn là noi gương Chúa Giê-su và chấp nhận sự hướng dẫn của ngài. Chẳng hạn, anh Jerry, 35 tuổi, kết hôn với chị Lana; chị đã có một con gái tuổi vị thành niên. Hôn nhân của họ tạo ra một sự khó khăn mà cả hai không ngờ tới. Anh Jerry giải thích: “Tôi biết rằng để thành công trong việc làm đầu, tôi cần áp dụng cùng những nguyên tắc Kinh Thánh đã giúp các gia đình khác thành công. Nhưng chẳng bao lâu tôi khám phá ra rằng tôi phải khôn ngoan và sáng suốt hơn nhiều khi áp dụng các nguyên tắc đó”. Con gái riêng của vợ coi anh như người gây ra sự cách biệt giữa cô và mẹ, và cô rất bực bội với anh. Anh Jerry cần sáng suốt mới thấy thái độ này đã ảnh hưởng đến lời nói và hành động của cô con gái ấy. Trước tình trạng này anh xử lý như thế nào? Anh trả lời: “Lana và tôi đồng ý là ít nhất vào lúc này, Lana phụ trách việc răn dạy, còn tôi chú tâm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với con gái riêng của vợ tôi. Với thời gian, phương pháp này mang lại kết quả tốt đẹp”.

15 Khi phải đối diện với tình huống khó khăn trong nhà, chúng ta cần sáng suốt để tìm hiểu xem tại sao những người trong gia đình đã nói năng và hành động như thế. Chúng ta cũng cần khôn ngoan áp dụng đúng đắn các nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Chúa Giê-su nhận thức rõ tại sao người đàn bà bị bệnh ra huyết đã rờ đến ngài, và ngài đã đối xử với bà một cách khôn ngoan và đầy lòng thương xót. (Lê-vi Ký 15:25-27; Mác 5:30-34) Sự khôn ngoan và sự sáng suốt là những đặc tính của Vị Thủ Lãnh chúng ta. (Châm-ngôn 8:12) Chúng ta sẽ được hạnh phúc nếu rập theo cách ngài hành động.

“Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời”

16. Điều gì phải là trọng tâm trong đời sống của chúng ta, và Chúa Giê-su đã cho thấy điều này như thế nào qua gương mẫu của ngài?

16 Chúa Giê-su cho biết rõ điều gì phải là trọng tâm trong đời sống những người chấp nhận sự lãnh đạo của ngài. Ngài nói: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”. (Ma-thi-ơ 6:33) Bằng gương mẫu, ngài cho thấy cách làm điều này như thế nào. Sau khi làm báp têm, ngài kiêng ăn, suy ngẫm và cầu nguyện 40 ngày. Khi thời hạn này mãn, ngài chạm trán với một sự cám dỗ. Sa-tan Ma-quỉ đề nghị cho ngài cai trị “các nước thế-gian”. Hãy tưởng tượng cuộc đời Chúa Giê-su sẽ như thế nào nếu chấp nhận đề nghị của Ma-quỉ! Tuy nhiên, Đấng Christ chú tâm vào việc thực thi ý muốn của Cha ngài. Ngài cũng ý thức rằng một đời sống như thế trong thế gian của Sa-tan thật ngắn ngủi. Ngài từ chối ngay tức khắc lời đề nghị của Ma-quỉ; ngài nói: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ-phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”. Rồi chẳng bao lâu sau đó, Chúa Giê-su “khởi giảng-dạy rằng: Các ngươi hãy ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần”. (Ma-thi-ơ 4:2, 8-10, 17) Trong suốt quãng đời còn lại trên đất, Đấng Christ là người rao giảng Nước Trời trọn thời gian.

17. Chúng ta có thể cho thấy quyền lợi Nước Trời đứng hàng đầu trong đời sống của mình như thế nào?

17 Chúng ta nên noi gương Vị Thủ Lãnh và đừng để cho thế gian của Sa-tan nhử chúng ta vào bẫy coi việc làm lương bổng cao và nghề nghiệp là mục tiêu chính trong đời sống. (Mác 1:17-21) Thật là dại dột khi vướng mắc vào những cạm bẫy đeo đuổi theo thế gian để rồi quyền lợi Nước Trời trở thành thứ yếu! Chúa Giê-su đã giao phó cho chúng ta công việc rao giảng Nước Trời và đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Đúng vậy, có thể chúng ta phải chăm lo cho gia đình hay những trách nhiệm khác, nhưng chẳng phải chúng ta sẵn sàng dùng những buổi chiều hay những ngày cuối tuần để thi hành trách nhiệm rao giảng và dạy dỗ của tín đồ Đấng Christ hay sao? Thật khích lệ khi thấy trong năm công tác 2001, khoảng 780.000 người đã có thể làm tiên phong, tức rao giảng trọn thời gian!

18. Điều gì giúp chúng ta tìm được niềm vui trong thánh chức rao giảng?

18 Lời tường thuật trong Phúc Âm miêu tả Chúa Giê-su là một người hăng hái hoạt động cũng như một người nhiều tình cảm dịu dàng. Khi thấy nhu cầu về thiêng liêng của những người chung quanh, Chúa Giê-su động lòng thương xót và sốt sắng giúp đỡ họ. (Mác 6:31-34) Thánh chức trở thành niềm vui khi chúng ta rao giảng vì lòng yêu thương và thành thật muốn giúp đỡ người khác. Nhưng làm sao chúng ta có được ước muốn như thế? Một thanh niên tên là Jayson nói: “Lúc còn niên thiếu, tôi không thích đi rao giảng mấy”. Điều gì đã giúp anh vun trồng lòng yêu thích công việc này? Jayson trả lời: “Gia đình tôi luôn luôn dành sáng Thứ Bảy cho công việc rao giảng. Điều này tốt cho tôi bởi vì càng rao giảng nhiều, tôi càng thấy có kết quả và tôi càng thích rao giảng hơn”. Chúng ta cũng nên đều đặn và siêng năng tham dự vào công việc rao giảng.

19. Chúng ta phải có quyết tâm nào về sự lãnh đạo của Đấng Christ?

19 Chấp nhận sự lãnh đạo của Đấng Christ thật sự đem lại sự khoan khoái và bổ ích. Khi chấp nhận, thời tuổi trẻ trở thành thời kỳ tiến bộ trong sự hiểu biết và khôn ngoan. Đời sống gia đình trở thành nguồn bình an và hạnh phúc, và thánh chức rao giảng trở thành một hoạt động đem lại vui mừng và thỏa lòng. Vậy bằng mọi cách, chúng ta hãy nhất quyết cho thấy sự lãnh đạo của Đấng Christ là thật đối với mình trong đời sống hàng ngày và trong các quyết định của chúng ta. (Cô-lô-se 3:23, 24) Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn cung cấp sự lãnh đạo qua một phương tiện khác—đó là qua hội thánh tín đồ Đấng Christ. Bài kế tiếp sẽ thảo luận làm thế nào chúng ta có thể được lợi ích từ sự sắp đặt này.

[Chú thích]

^ đ. 7 Một số tên đã được đổi

Bạn còn nhớ không?

• Khi theo Vị Thủ Lãnh do Đức Chúa Trời bổ nhiệm, chúng ta được lợi ích như thế nào?

• Làm sao người trẻ có thể cho thấy họ muốn theo sự lãnh đạo của Chúa Giê-su?

• Khi vâng phục sự lãnh đạo của Chúa Giê-su, đời sống gia đình sẽ đạt kết quả ra sao?

• Làm thế nào thánh chức của chúng ta có thể cho thấy rằng sự lãnh đạo của Đấng Christ là thật đối với mình?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 9]

Tuổi trẻ là thời gian thuận lợi để thâu thập sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và Vị Thủ Lãnh được Ngài bổ nhiệm

[Hình nơi trang 10]

Phục tùng sự lãnh đạo của Đấng Christ đẩy mạnh hạnh phúc gia đình

[Các hình nơi trang 12]

Chúa Giê-su tìm kiếm Nước Trời trước hết. Còn bạn thì sao?