Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tìm lãnh đạo giỏi—Một thách đố cho toàn thế giới

Tìm lãnh đạo giỏi—Một thách đố cho toàn thế giới

Tìm lãnh đạo giỏi​—⁠Một thách đố cho toàn thế giới

Ông là một nhà văn và một nhà thơ. Ông hy vọng tràn trề về tương lai. Cách đây khoảng 90 năm, ông tưởng tượng một nơi, “ở đó không còn sợ hãi, ai nấy đều lạc quan; ở đó học hỏi miễn phí; ở đó thế giới không bị phân cách thành nhiều mảnh bởi những hàng rào quốc gia chủ nghĩa đầy thành kiến; ở đó ai nấy đều nói sự thật; [và] ở đó, qua nỗ lực không ngừng, người ta càng ngày càng tiến dần đến sự hoàn toàn”.

RỒI nhà văn này bày tỏ hy vọng là một ngày nào đó, dân nước ông cũng như mọi dân trên khắp thế giới sẽ được sống tại một nơi như thế. Nếu được sống đến ngày nay, nhà thơ đoạt giải Nobel này chắc hẳn phải thất vọng lắm. Bất kể mọi tiến bộ và phát minh, thế giới ngày càng bị phân chia hơn bao giờ hết. Và viễn tượng nói chung về tương lai của con người vẫn ảm đạm.

Khi được hỏi tại sao bạo động bỗng bùng phát giữa các phe phái trong nước, một nhà nông nêu lên điều mà ông nghĩ là một lý do. Ông nói: “Đó là vì các nhà lãnh đạo bất tài”. Trong sách Humanity—A Moral History of the Twentieth Century (Nhân đạo—Một lịch sử về đạo đức trong thế kỷ hai mươi), tác giả là sử gia Jonathan Glover phát biểu một quan điểm tương tự: “Sự diệt chủng [trong cùng quốc gia] không phải là sự thù hằn tự nhiên bột phát giữa các bộ lạc, mà nó đã được những người tham muốn quyền hành mưu tính trước”.

Khi chiến tranh bùng nổ giữa hai nước cộng hòa thuộc cựu Nam Tư vào đầu thập niên 1990, một nhà báo viết: “Chúng ta đã từng chung sống hạnh phúc trong nhiều năm và mối quan hệ này giờ đây đã trở nên tồi tệ đến mức chúng ta giết hại con cái của nhau. Tại sao chúng ta lại cư xử như vậy?”

Cách xa Châu Âu hàng ngàn cây số là nước Ấn Độ, nơi sinh trưởng của nhà thơ nói trên. Trong một bài diễn thuyết với đề tài “Ấn Độ có thể tồn tại như một nước thống nhất không?”, tác giả Pranay Gupte ghi nhận: ‘Khoảng 70 phần trăm dân số khổng lồ của Ấn Độ dưới 30 tuổi, nhưng không một vị lãnh tụ nào đáng để họ ngưỡng mộ’.

Tại một số quốc gia, các lãnh tụ thường phải từ chức vì tội tham nhũng. Vậy vì những lý do khác nhau, thế giới dường như đang trải qua một cuộc khủng hoảng về lãnh đạo. Tình trạng này chứng thực lời của một nhà tiên tri sống cách đây gần 2.600 năm. Ông nói: “Đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”.—Giê-rê-mi 10:23.

Có giải pháp nào cho tình trạng khốn khổ của thế giới hiện nay không? Ai có thể lãnh đạo nhân loại để đi vào một thế giới, nơi xã hội loài người không còn hỗn loạn, không còn sợ hãi, nơi mà sự hiểu biết thật dư dật được cung cấp miễn phí và nơi mà nhân loại tiến đến sự hoàn toàn?

[Nguồn tư liệu nơi trang 3]

Fatmir Boshnjaku