Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tục ướp xác có thích hợp với tín đồ Đấng Christ không?

Tục ướp xác có thích hợp với tín đồ Đấng Christ không?

Tục ướp xác có thích hợp với tín đồ Đấng Christ không?

Trước phút lâm chung, tộc trưởng trung thành Gia-cốp trăng trối ước nguyện cuối cùng: “Hãy chôn cha chung cùng tổ-phụ, nơi hang đá tại đồng ruộng Ép-rôn, người Hê-tít, tức là hang đá ở trong đồng Mặc-bê-la, ngang Mam-rê, thuộc về xứ Ca-na-an”.—Sáng-thế Ký 49:29-31.

GIÔ-SÉP thực hiện ý nguyện của cha bằng cách lợi dụng một tập tục phổ biến ở Ai Cập thời bấy giờ. Ông truyền lệnh cho “mấy thầy thuốc hầu việc mình, dùng thuốc thơm xông cho xác cha”. Theo lời tường thuật nơi Sáng-thế Ký chương 50, các thầy thuốc này mất 40 ngày để ướp xác Gia-cốp như thông lệ. Việc ướp xác Gia-cốp cho phép đoàn người đông đảo gồm gia đình ông và các quan chức Ai Cập thực hiện cuộc hành trình khoảng 400 kilômét, trong điều kiện di chuyển chậm chạp, để đưa thi hài ông về chôn tại Hếp-rôn.—Sáng-thế Ký 50:1-14.

Liệu một ngày nào đó người ta sẽ tìm thấy thi thể đã được ướp của Gia-cốp không? Điều đó khó có thể xảy ra, ngay cả trong điều kiện tốt nhất. Xứ Y-sơ-ra-ên là một vùng có nhiều sông hồ, vì thế rất ít đồ thủ công cổ được tìm thấy ở đó. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:8) Nhiều đồ cổ bằng kim loại và đá được tìm thấy, nhưng phần lớn những vật mỏng manh hơn như vải, da và xác ướp đã không chống chọi được với độ ẩm và sức tàn phá của thời gian.

Tục ướp xác là gì? Tại sao có tập tục này? Và nó có thích hợp với tín đồ Đấng Christ không?

Tập tục này xuất phát từ đâu?

Nói cách dễ hiểu nhất, ướp xác là bảo tồn xác người hoặc thú vật. Các sử gia hầu như đều đồng ý rằng tục ướp xác xuất phát từ Ai Cập, nhưng cũng là thực hành của các dân A-si-ri, Phe-rơ-sơ và Sy-the thời xưa. Có lẽ người ta bắt đầu chú ý và thử nghiệm việc ướp xác khi phát hiện ra các thi thể được chôn trong cát sa mạc và được bảo tồn tự nhiên. Khi chôn như thế, xác không bị tác động bởi hơi ẩm và không khí, và nhờ đó sự mục rữa được hạn chế. Có lý thuyết cho rằng tục ướp xác bắt đầu khi người ta tìm thấy các thi thể được bảo tồn trong chất các-bô-nát na-tri, một loại muối có rất nhiều ở Ai Cập và các vùng xung quanh.

Mục đích của người ướp xác là ngăn chặn tác động tự nhiên của vi khuẩn, thường bắt đầu chỉ vài giờ sau khi chết, khiến xác dần dần thối rữa. Nếu ngăn chặn được tác động này, sự thối rữa sẽ dừng lại, hoặc ít nhất cũng chậm lại rất nhiều. Có ba điều cần đạt được: bảo tồn thi thể ở trạng thái giống như lúc còn sống, ngăn chặn sự thối rữa, và tạo cho thi thể điều kiện chống lại sự hủy hoại của côn trùng.

Người Ai Cập cổ đại ướp xác chủ yếu vì lý do tôn giáo. Ý niệm về kiếp sau khiến họ muốn giữ liên lạc với trần thế sau khi chết. Họ tin rằng thân xác sẽ được sử dụng mãi mãi và sẽ được truyền lại sự sống. Mặc dù việc ướp xác rất phổ biến, nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào ở Ai Cập nói về cách ướp xác thời xưa. Tài liệu tốt nhất tìm được là của sử gia Hy Lạp Herodotus vào thế kỷ thứ năm TCN. Tuy nhiên, có báo cáo nói rằng việc thử nghiệm phương pháp do Herodotus ghi lại đã không thành công lắm.

Tập tục này có thích hợp với tín đồ Đấng Christ không?

Những người ướp xác Gia-cốp không có cùng niềm tin với ông. Tuy nhiên, khó có thể nghĩ rằng khi giao thi hài cha cho các thầy thuốc, Giô-sép đã yêu cầu họ làm lễ và cầu nguyện như cách người Ai Cập có lẽ thường làm vào thời đó. Cả Gia-cốp và Giô-sép đều là những người có đức tin mạnh mẽ. (Hê-bơ-rơ 11:21, 22) Mặc dù việc ướp xác Gia-cốp dường như không do lệnh của Đức Giê-hô-va, nhưng Kinh Thánh không hề lên án điều đó. Đó cũng không phải để làm tiền lệ cho dân Y-sơ-ra-ên hay cho hội thánh tín đồ Đấng Christ noi theo. Thực tế, không hề có hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề này trong Lời Đức Chúa Trời. Sau khi chính Giô-sép được ướp xác ở Ai Cập, không có nơi nào khác trong Kinh Thánh nhắc đến thực hành này.—Sáng-thế Ký 50:26.

Tình trạng mục rữa của các thi thể được tìm thấy trong các bia mộ ở Palestine cho thấy người Hê-bơ-rơ không có phong tục ướp xác người chết, ít nhất là không nhằm mục đích bảo tồn lâu dài. Chẳng hạn như La-xa-rơ đã không được ướp xác. Mặc dù ông được quấn trong vải liệm, nhưng có người đã tỏ ra lo ngại khi hòn đá che mộ ông sắp được lăn ra. Em gái ông tin chắc sẽ có mùi xông ra khi cửa mộ mở vì La-xa-rơ chết đã bốn ngày.—Giăng 11:38-44.

Chúa Giê-su có được ướp xác không? Các lời tường thuật trong Phúc Âm không cho thấy điều đó. Vào thời đó, người Do Thái có tục lệ dùng thuốc thơm và dầu thơm để tẩm liệm thi hài trước khi chôn. Thí dụ, Ni-cô-đem đã dùng một số lượng lớn thuốc thơm để tẩm liệm xác Chúa Giê-su. (Giăng 19:38-42) Tại sao nhiều đến thế? Có thể lòng yêu mến và kính trọng sâu xa đối với Chúa Giê-su đã khiến ông rộng rãi như thế. Chúng ta không nhất thiết phải kết luận rằng số thuốc thơm đó đã được dùng để bảo tồn xác Chúa Giê-su.

Tín đồ Đấng Christ có bài bác tục lệ này không? Thực tế mà nói ướp xác chỉ là sự trì hoãn điều không thể tránh được. Chúng ta từ bụi đất ra và khi chết, chúng ta sẽ trở về bụi đất. (Sáng-thế Ký 3:19) Vấn đề là bao lâu sau khi chết thi thể mới được an táng? Nếu người thân hay bạn bè ở xa muốn được thấy mặt người quá cố, chắc chắn khi đó thi thể sẽ phải được ướp phần nào.

Vì thế, nếu luật lệ địa phương đòi hỏi người chết phải được ướp xác hoặc gia đình muốn điều đó, tín đồ Đấng Christ không cần phải lo lắng về nguyên tắc Kinh Thánh. Người chết “chẳng biết chi hết”. (Truyền-đạo 9:5) Nếu ở trong trí nhớ Đức Chúa Trời, họ sẽ được sống lại trong thế giới mới mà Ngài hứa.—Gióp 14:13-15; Công-vụ 24:15; 2 Phi-e-rơ 3:13.

[Khung/​Hình nơi trang 31]

THUẬT ƯỚP XÁC—XƯA VÀ NAY

Ở Ai Cập cổ đại, hình thức ướp xác thường đi đôi với địa vị xã hội. Các gia đình giàu sang thường chọn phương cách sau:

Rút não qua lỗ mũi bằng một dụng cụ kim loại, rồi tẩm thuốc vào hộp sọ. Bước tiếp theo là lấy ra tất cả các cơ quan nội tạng, chỉ trừ tim và thận. Muốn làm được điều này, cần phải mổ tử thi nhưng điều đó lại bị xem là tội lỗi. Để tránh né vấn đề gai góc này, những người hành nghề ướp xác ở Ai Cập chọn một người gọi là người mổ để rạch tử thi. Ngay sau khi làm xong việc, người mổ lập tức bỏ trốn vì hình phạt của tội này là bị nguyền rủa và ném đá.

Sau khi mọi thứ trong bụng đã được lấy ra, ổ bụng được rữa thật kỹ. Sử gia Herodotus viết: “Người ta nhồi vào bụng loại mộc dược giã nhuyễn tinh khiết nhất, với bột ba đậu và đủ thứ loại thuốc thơm, trừ nhũ hương, rồi may vết mổ lại”.

Kế tiếp, thi thể được khử nước bằng cách ủ trong muối các-bô-nát na-tri trong 70 ngày, rồi được rửa sạch và quấn lại một cách khéo léo bằng vải lanh. Lớp vải lanh được phết một lớp nhựa thông hay một loại keo, và sau đó xác ướp được đặt vào một hòm gỗ hình thân người được trang trí lộng lẫy.

Ngày nay, việc ướp xác có thể được thực hiện chỉ trong vòng vài giờ, thường là bằng cách bơm một lượng dung dịch chất ướp vừa đủ vào tĩnh mạch, động mạch, ngực và bụng tử thi. Qua năm tháng, nhiều loại dung dịch khác nhau đã được điều chế và sử dụng. Tuy nhiên, formaldehyde là loại thường được sử dụng nhất vì giá cả và độ an toàn của nó.

[Hình]

Chiếc hòm vàng của Vua Tutankhamen