Đức Chúa Trời tiếp đón muôn dân
Đức Chúa Trời tiếp đón muôn dân
TRONG chuyến đi đầu tiên sang Mali, John rất cảm động trước lòng hiếu khách nồng hậu của Mamadou và gia đình. Khi John ngồi xuống đất và vụng về ăn chung một đĩa cùng với mọi người, anh tự hỏi cách nào hay nhất để chia sẻ với chủ nhà món quà quý giá nhất—tin mừng về Nước Trời trong Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh. Mặc dù biết tiếng Pháp, một ngôn ngữ được sử dụng tại Mali, nhưng John thắc mắc không biết phải nói thế nào với một gia đình có tín ngưỡng và lối suy nghĩ hoàn toàn khác biệt.
Chẳng ngạc nhiên gì khi John nghĩ đến câu chuyện về thành Ba-bên trong Kinh Thánh. Tại đấy Đức Chúa Trời đã làm lộn xộn ngôn ngữ của đám dân phản nghịch. (Sáng-thế Ký 11:1-9) Đó là lý do tại sao ngày nay trên khắp thế giới có nhiều dân tộc với ngôn ngữ, tôn giáo và lối suy nghĩ khác nhau. Hiện nay, việc đi lại và di trú là thông thường, nên nhiều người cũng gặp phải vấn đề tương tự như John đã gặp, ngay cả trong khu vực họ sống: Làm thế nào để chia sẻ hy vọng dựa trên Kinh Thánh với những người có văn hóa khác biệt như thế?
Gương mẫu thời xưa
Như những nhà tiên tri khác tại Y-sơ-ra-ên, Giô-na đã nói tiên tri chủ yếu cho dân Do Thái. Ông nói tiên tri trong thời kỳ vương quốc mười chi phái bội đạo công khai thực hành những điều làm ô danh Đức Chúa Trời. (2 Các Vua 14:23-25) Hãy tưởng tượng phản ứng của Giô-na khi nhận được sứ mệnh đặc biệt là phải rời quê hương để sang A-si-ri rao giảng cho cư dân thành Ni-ni-ve, một dân tộc có tín ngưỡng và văn hóa khác biệt. Có lẽ Giô-na đã không biết ngôn ngữ của dân thành Ni-ni-ve, hoặc nếu biết, cũng không nói được trôi chảy. Dù thế nào đi nữa, Giô-na hẳn đã thấy đây quả là một sứ mạng khó khăn, nên ông đã bỏ trốn.—Giô-na 1:1-3.
Rõ ràng, Giô-na cần phải hiểu rằng Đức Chúa Trời Giê-hô-va không xem bề ngoài, nhưng nhìn thấy trong lòng. (1 Sa-mu-ên 16:7) Sau khi làm phép lạ cứu Giô-na khỏi chết chìm, Đức Giê-hô-va một lần nữa đã ra lệnh cho ông rao truyền cho dân thành Ni-ni-ve. Giô-na tuân lệnh và kết quả là hết thảy dân thành Ni-ni-ve đã ăn năn. Thế nhưng Giô-na vẫn chưa có quan điểm đúng. Qua một bài học thực tế, hữu hiệu, Đức Giê-hô-va đã dạy ông hiểu phải thay đổi thái độ. Ngài hỏi Giô-na: “Còn ta, há không đoái-tiếc thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn mười hai vạn người không biết phân-biệt tay hữu và tay tả... sao?” (Giô-na 4:5-11) Còn chúng ta ngày nay thì sao? Làm thế nào chúng ta có thể giúp những người khác văn hóa?
Tiếp đón người Sa-ma-ri và những người không phải là dân Do Thái
Trong thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su ra lệnh cho những người theo ngài phải đào tạo môn đồ từ muôn dân. (Ma-thi-ơ 28:19) Đây không phải là một điều dễ dàng. Các môn đồ của Chúa Giê-su là người Do Thái, và giống như Giô-na, họ chỉ có thói quen nói với người cùng gốc gác và văn hóa. Dĩ nhiên, họ cũng chịu ảnh hưởng của thành kiến thời ấy. Thế nhưng, Đức Giê-hô-va đã sắp đặt để các tôi tớ Ngài dần dần hiểu rõ ý định của Ngài đối với họ.
Bước đầu tiên là vượt qua thành kiến giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri. Dân Do Thái thời ấy không giao tiếp với dân Sa-ma-ri. Tuy thế, đã nhiều lần Chúa Giê-su dọn đường cho người Sa-ma-ri đón nhận tin mừng sau này. Ngài đã bày tỏ thái độ không thiên vị qua việc nói chuyện với một người đàn bà Sa-ma-ri. (Giăng 4:7-26) Vào một dịp khác, bằng minh họa về người Sa-ma-ri nhân lành, Chúa Giê-su đã giải thích cho một người Do Thái sùng đạo hiểu rằng những người không phải Do Thái cũng có thể bày tỏ tình yêu thương đối với người lân cận. (Lu-ca 10:25-37) Khi đã đến lúc Đức Giê-hô-va cho phép người Sa-ma-ri được kết hợp với hội thánh Đấng Christ, Phi-líp, Phi-e-rơ và Giăng—thảy đều là người gốc Do Thái—đã rao giảng cho dân Sa-ma-ri. Thông điệp của họ đã đem lại niềm vui khôn xiết cho thành này.—Công-vụ 8:4-8, 14-17.
Đối với tín đồ Đấng Christ gốc Do Thái, việc yêu thương dân Sa-ma-ri, vốn là những người bà con xa với họ, thật là một điều khó khăn. Lại càng khó khăn hơn nữa khi phải yêu mến những người lân cận không phải Do Thái, hay Dân Ngoại, tức những người thường bị dân Do Thái khinh miệt và ghét bỏ. Tuy nhiên, sau khi Chúa Giê-su chết, bức tường ngăn cách giữa tín đồ Đấng Christ gốc Do Thái và Dân Ngoại không còn nữa. (Ê-phê-sô 2:13, 14) Để giúp Phi-e-rơ chấp nhận sự sắp đặt mới này, Đức Giê-hô-va đã cho ông một sự hiện thấy, trong đó Phi-e-rơ được dạy rằng “phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ-dáy”. Kế đó, thánh linh của Đức Giê-hô-va đã đưa ông đến gặp một người ngoại tên là Cọt-nây. Khi đã hiểu quan điểm của Đức Chúa Trời—tức là Phi-e-rơ không nên xem người ngoại này là ô uế vì ông ta đã được Đức Chúa Trời tẩy sạch—Phi-e-rơ được thánh linh soi dẫn nói rằng: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. (Công-vụ 10:9-35) Phi-e-rơ ngạc nhiên biết bao khi Đức Chúa Trời cho thấy Ngài chấp nhận Cọt-nây và gia đình ông bằng cách ban thánh linh cho họ!
Phao-lô—“Đồ-dùng” được chọn cho các dân ngoại
Thánh chức của Phao-lô là một tiền lệ nổi bật cho thấy Đức Giê-hô-va chuẩn bị dần cho các tôi tớ Ngài yêu thương và giúp đỡ mọi loại người. Khi Phao-lô cải đạo, Chúa Giê-su phán rằng Phao-lô sẽ là một “đồ-dùng” được chọn để đem danh ngài đồn ra trước mặt các dân ngoại. (Công-vụ 9:15) Sau đó, Phao-lô đã đến xứ A-ra-bi, có lẽ để suy ngẫm về việc ông được Đức Chúa Trời dùng để rao giảng tin mừng cho các dân.—Ga-la-ti 1:15-17.
Trong chuyến hành trình đầu tiên, Phao-lô đã sốt sắng rao giảng cho những người không phải là dân Do Thái. (Công-vụ 13:46-48) Việc Đức Giê-hô-va ban phước cho hoạt động của Phao-lô chứng tỏ ông đã hành động phù hợp với sự sắp đặt của Ngài. Phao-lô cho thấy ông đã hoàn toàn hiểu rõ quan điểm của Đức Giê-hô-va khi dạn dĩ chỉnh Phi-e-rơ lúc sứ đồ này có thái độ thiên vị, tránh né kết hợp với các anh em không phải gốc Do Thái.—Ga-la-ti 2:11-14.
Một bằng chứng nữa cho thấy việc Đức Chúa Trời hướng dẫn các nỗ lực của Phao-lô đã được thấy rõ qua chuyến hành trình thứ nhì của ông khi thánh linh ngăn không cho ông đến rao giảng tại tỉnh Bi-thi-ni thuộc La Mã, có lẽ vì chưa phải là thời điểm thích hợp. (Công-vụ 16:7) Tuy nhiên, sau đó, cũng có một số người Bi-thi-ni trở thành tín đồ Đấng Christ. (1 Phi-e-rơ 1:1) Trong một sự hiện thấy, một người Ma-xê-đoan đã khẩn nài Phao-lô: “Hãy qua xứ Ma-xê-đoan mà cứu-giúp chúng tôi”. Qua đó Phao-lô hiểu ra rằng ông cần phải đổi lộ trình để rao giảng tin mừng ở tỉnh La Mã này.—Công-vụ 16:9, 10.
Khả năng thích ứng của Phao-lô đã bị thử thách nặng nề khi ông rao giảng cho người A-thên. Luật pháp Hy Lạp và La Mã cấm du nhập các thần ngoại và tập tục tôn giáo lạ. Tình yêu thương của Phao-lô đối với người khác đã khiến ông cẩn trọng xem xét các thực hành tôn giáo của họ. Tại A-thên, ông đã thấy một bàn thờ có ghi chữ “Thờ Chúa Không Biết”. Ông nêu lên chi tiết này khi làm chứng tại đó. (Công-vụ 17:22, 23) Quả là một cách nhập đề tài tình thể hiện sự ân cần và tôn trọng!
Phao-lô hẳn phải vô cùng sung sướng khi nghĩ đến thành quả của chức việc sứ đồ cho dân ngoại! Ông đã giúp thành lập nhiều hội thánh gồm những tín đồ Đấng Christ không phải gốc Do Thái tại Cô-rinh-tô, Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca và các tỉnh xứ Ga-la-ti. Ông giúp đỡ những người nam, nữ có đức tin, như Đa-ma-ri, Đê-ni, Sê-giút Phau-lút và Tít. Quả là một đặc ân khi được thấy những người xưa kia vốn không biết Đức Giê-hô-va và Kinh Thánh nay chấp nhận lẽ thật của đạo Đấng Christ! Rô-ma 15:20, 21) Chúng ta có thể góp phần vào công việc rao giảng tin mừng này cho những người không cùng văn hóa với chúng ta không?
Nói về vai trò của ông trong việc giúp đỡ những người không phải Do Thái có được sự hiểu biết lẽ thật, Phao-lô tuyên bố: “Nhưng tôi lấy làm vinh mà rao Tin-lành ở nơi nào danh Đấng Christ chưa được truyền ra,... như có chép rằng: Những kẻ chưa được tin báo về Ngài thì sẽ thấy Ngài, những kẻ chưa nghe nói về Ngài thì sẽ biết Ngài”. (Giúp muôn dân của thế gian
Sa-lô-môn cầu xin Đức Giê-hô-va cho những người không phải gốc Y-sơ-ra-ên sẽ đến thờ phượng tại đền Giê-ru-sa-lem: “Xin Chúa ở trên trời, là nơi Chúa ngự, dủ nghe và làm theo mọi điều người khách lạ sẽ cầu-xin Chúa; để cho muôn dân của thế-gian nhận-biết danh Chúa”. (1 Các Vua 8:41-43, chúng tôi viết nghiêng). Ngày nay, hàng ngàn người công bố về Nước Trời tại nhiều nước cũng có cùng cảm nghĩ trên. Họ gặp những người như dân thành Ni-ni-ve “không biết phân-biệt tay hữu và tay tả” về mặt thiêng liêng. Những người rao giảng về Nước Trời sốt sắng góp phần làm ứng nghiệm các lời tiên tri về việc thâu nhóm những người thờ phượng thật từ nhiều nước.—Ê-sai 2:2, 3; Mi-chê 4:1-3.
Như những người thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ, những người thuộc các tôn giáo khác cũng chấp nhận thông điệp đem lại hy vọng của Kinh Thánh. Điều này nên có tác động gì trên cá nhân bạn? Hãy thành thật tự xét mình. Nếu cảm thấy mình mang nặng thành kiến, bạn hãy vun trồng tình yêu thương để loại bỏ nó. * Đừng từ chối những người mà Đức Chúa Trời vui lòng chấp nhận.—Giăng 3:16.
Hãy chuẩn bị tinh thần trước khi nói với những người khác văn hóa. Hãy làm quen với niềm tin, mối quan tâm và cách suy nghĩ của họ, rồi tìm một quan điểm chung. Hãy bày tỏ lòng tử tế và trắc ẩn đối với người khác. Tránh tranh cãi, hãy linh động và xây dựng. (Lu-ca 9:52-56) Như thế bạn sẽ làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va là Đấng “muốn cho mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”.—1 Ti-mô-thê 2:4.
Chúng ta hẳn vui mừng biết mấy khi có người thuộc mọi nền văn hóa trong các hội thánh của chúng ta! (Ê-sai 56:6, 7) Ngày nay, thật ấm lòng khi nghe không chỉ những tên như Hùng, Minh, Vân, và Thảo nhưng cả những tên như Mamadou, Jegan, Reza, và Chan! Quả đúng là có “một cái cửa lớn mở toang ra cho công-việc” của chúng ta. (1 Cô-rinh-tô 16:9) Mong sao chúng ta có thể tiếp đón muôn dân bằng cách nắm lấy cơ hội bày ra trước mắt là chuyển đến họ lời mời của Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời không thiên vị!
[Chú thích]
^ đ. 19 Xin xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 8-7-1996, trang 5-7, “Walls That Block Communication” (Những bức tường cản trở sự giao tiếp).
[Các hình nơi trang 23]
Phao-lô chia sẻ tin mừng với mọi người bằng cách thích ứng với hoàn cảnh
. . . tại A-thên
. . . tại Phi-líp
. . . khi đi đường