Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hết lòng và trí tìm kiếm Đức Chúa Trời

Hết lòng và trí tìm kiếm Đức Chúa Trời

Hết lòng và trí tìm kiếm Đức Chúa Trời

Đạo thật của Đấng Christ khuyến khích người ta sử dụng cả lòng và trí để xây dựng một đức tin làm hài lòng Đức Chúa Trời.

THẬT THẾ, Chúa Giê-su Christ, Đấng Sáng Lập đạo Đấng Christ, dạy chúng ta phải yêu mến Đức Chúa Trời “hết ý”, hoặc lý trí, cộng với “hết lòng” và “hết linh-hồn”. (Ma-thi-ơ 22:37) Đúng vậy, khả năng trí tuệ của chúng ta phải đóng vai trò then chốt trong sự thờ phượng.

Khi mời những người nghe suy ngẫm về sự dạy dỗ của ngài, Chúa Giê-su thường nói: “Các ngươi nghĩ thể nào?” (Ma-thi-ơ 17:25; 18:12; 21:28; 22:42) Cũng thế, sứ đồ Phi-e-rơ viết cho anh em cùng đạo để ‘kích thích khả năng suy nghĩ sáng suốt của họ’. (2 Phi-e-rơ 3:1, NW) Sứ đồ Phao-lô, giáo sĩ thời ban đầu đi rao giảng nhiều nơi nhất, khuyên giục tín đồ Đấng Christ sử dụng “khả năng suy luận” của họ và “thử cho [chính họ] biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. (Rô-ma 12:1, NW, 2) Chỉ khi tìm hiểu tín ngưỡng của mình một cách cẩn thận và đầy đủ, tín đồ Đấng Christ mới có thể xây dựng đức tin làm hài lòng Đức Chúa Trời và đủ sức để đối phó với thử thách xảy đến trong đời.—Hê-bơ-rơ 11:1, 6.

Nhằm giúp người khác xây dựng đức tin như thế, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu “biện-luận với họ, lấy Kinh-thánh cắt nghĩa và giải tỏ-tường” những điều họ dạy. (Công-vụ 17:1-3) Một phương pháp hợp lý như thế khiến những người có lòng thành thật tích cực hưởng ứng. Thí dụ, một số người ở thành Bê-rê trong xứ Ma-xê-đoan “sẵn lòng chịu lấy đạo [Đức Chúa Trời], ngày nào cũng tra xem Kinh-thánh, để xét lời giảng [của Phao-lô và đồng bạn của ông] có thật chăng”. (Công-vụ 17:11) Cần lưu ý hai điều quan trọng trong câu Kinh Thánh này. Thứ nhất, người Bê-rê sẵn sàng nghe Lời Đức Chúa Trời; thứ hai, họ không mù quáng cho rằng những gì họ nghe là đúng, nhưng lại mở Kinh Thánh để tra xem. Giáo sĩ đạo Đấng Christ là Lu-ca khiêm nhường khen người Bê-rê về việc này, nói họ “có ý hẳn-hoi”. Bạn có phản ánh tinh thần đáng khen như thế khi tìm hiểu những vấn đề thiêng liêng không?

Sự phối hợp giữa lòng và trí

Như đã nói ở trên, sự thờ phượng thật bao hàm cả lòng và trí. (Mác 12:30) Hãy nhớ lại minh họa của bài trước nói về người thợ sơn làm thuê dùng sai màu khi sơn nhà. Nếu cẩn thận nghe chủ nhà dặn dò, người đó hẳn đã có thể đặt hết tâm trí vào công việc và tin chắc rằng công khó của mình sẽ được chủ nhà tán thưởng. Sự thờ phượng của chúng ta cũng vậy.

Chúa Giê-su nói: “Những kẻ thờ-phượng thật lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-phượng Cha”. (Giăng 4:23, chúng tôi viết nghiêng). Do vậy, sứ đồ Phao-lô viết: “Cho nên, chúng tôi cũng vậy... cứ cầu-nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy-dẫy sự hiểu-biết [“chính xác”, NW] về ý-muốn của Ngài, với mọi thứ khôn-ngoan và hiểu-biết thiêng-liêng nữa, hầu cho anh em ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường”. (Cô-lô-se 1:9, 10) “Sự hiểu-biết chính xác” như thế giúp những người thành thật đặt hết tâm trí vào sự thờ phượng với niềm tin cậy hoàn toàn vì họ “thờ-lạy sự [họ] biết”.—Giăng 4:22.

Vì những lý do này, Nhân Chứng Giê-hô-va không làm báp têm cho trẻ sơ sinh hoặc những người mới chú ý chưa học hỏi Kinh Thánh một cách thấu đáo. Chúa Giê-su giao nhiệm vụ cho môn đồ: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân,... dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Chỉ khi nào đã thu thập sự hiểu biết chính xác về ý muốn Đức Chúa Trời rồi, những người chân thành học Kinh Thánh mới có thể đi đến quyết định sáng suốt về vấn đề thờ phượng. Bạn có đang cố gắng thu thập sự hiểu biết chính xác như thế không?

Hiểu Lời Cầu Nguyện của Chúa

Để thấy sự khác biệt giữa việc có sự hiểu biết chính xác và việc biết sơ sơ về nội dung của Kinh Thánh, chúng ta hãy xem xét điều thường được gọi là Kinh Lạy Cha, hoặc Lời Cầu Nguyện của Chúa, được ghi nơi Ma-thi-ơ 6:9-13.

Hàng triệu người thường xuyên đọc thuộc lòng lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su ở nhà thờ. Nhưng có bao nhiêu người trong số họ được dạy cho biết về ý nghĩa của lời cầu nguyện đó, đặc biệt phần đầu nói về danh Đức Chúa Trời và Nước Trời? Những đề tài này quan trọng đến độ Chúa Giê-su nêu ra ngay phần đầu của lời cầu nguyện.

Lời cầu nguyện bắt đầu như sau: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh”, tức được tôn vinh, hoặc được thánh hóa. Xin lưu ý rằng Chúa Giê-su bảo chúng ta cầu nguyện cho danh Đức Chúa Trời được nên thánh. Đối với nhiều người, điều đó gợi lên ít nhất hai câu hỏi. Trước tiên, danh Đức Chúa Trời là gì? Và thứ hai, tại sao danh ấy cần phải được nên thánh?

Lời giải đáp cho câu hỏi thứ nhất có thể tìm thấy ở hơn 7.000 câu Kinh Thánh khác nhau trong tiếng nguyên thủy. Một câu là Thi-thiên 83:18: “Hầu cho chúng nó biết rằng chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. (Chúng tôi viết nghiêng). Về danh của Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15 nói: “Đó là danh đời đời của ta, ấy sẽ là kỷ-niệm của ta trải qua các đời”. * Nhưng tại sao danh Đức Chúa Trời, một sự tiêu biểu của sự tinh sạch và thánh thiện, cần phải được nên thánh? Vì danh ấy đã bị bôi nhọ và phỉ báng ngay từ buổi đầu của lịch sử nhân loại.

Trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời nói với A-đam và Ê-va rằng họ sẽ chết nếu ăn trái cấm. (Sáng-thế Ký 2:17) Sa-tan trơ tráo bảo Ê-va: “Hai ngươi chẳng chết đâu”. Vậy, Sa-tan vu khống rằng Đức Chúa Trời nói dối. Thế nhưng, hắn đã không dừng lại ở đó. Hắn còn bôi nhọ danh Đức Chúa Trời thêm nữa bằng cách nói với Ê-va rằng Đức Chúa Trời bất công giữ lại không cho bà sự hiểu biết quý báu. “Nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái [cây biết điều thiện và điều ác], mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”. Thật là một lời vu khống bỉ ổi!—Sáng-thế Ký 3:4, 5.

Khi ăn trái cấm, A-đam và Ê-va đứng về phía Sa-tan. Từ đó về sau, phần đông nhân loại, vô tình hay cố ý, đã ủng hộ sự phỉ báng nguyên thủy kia bằng cách từ bỏ các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời. (1 Giăng 5:19) Người ta vẫn còn phỉ báng Đức Chúa Trời bằng cách đổ lỗi cho Ngài về những gì làm họ đau khổ—dù sự đau khổ đó có lẽ là do chính đường lối xấu xa của họ gây ra. Châm-ngôn 19:3 (Tòa Tổng Giám Mục) nói: “Kẻ ngu dại làm hại đời mình, nhưng lòng nó lại căm Đức Chúa”. Bạn có hiểu tại sao Chúa Giê-su, người thật sự yêu thương Cha ngài, đã cầu nguyện xin cho danh Đức Chúa Trời được nên thánh không?

“Nước Cha được đến”

Sau khi cầu cho danh Đức Chúa Trời được nên thánh, Chúa Giê-su nói: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:10) Chúng ta có thể thắc mắc về đoạn này: ‘Nước Đức Chúa Trời là gì? Và việc nước đó đến có liên quan gì đến việc thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời trên đất?’

Trong Kinh Thánh, từ “nước” về cơ bản có nghĩa là một “sự cai trị của một vị vua”. Vậy hợp lý là Nước Đức Chúa Trời ngụ ý nói đến sự cai trị, hoặc chính phủ, của Đức Chúa Trời, với vị vua do Ngài chọn lựa. Vị Vua này không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ được sống lại—“Vua của các vua và Chúa của các chúa”. (Khải-huyền 19:16; Đa-ni-ên 7:13, 14) Nhà tiên tri Đa-ni-ên nói về Nước của Đấng Mê-si trong tay Chúa Giê-su Christ: “Trong đời các vua nầy [các chính phủ loài người hiện nắm quyền], Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời”.—Đa-ni-ên 2:44.

Đúng vậy, Nước Đức Chúa Trời sẽ hoàn toàn nắm quyền trên trái đất, loại bỏ tất cả những kẻ ác và cai trị “đời đời”. Bằng cách này, Nước Đức Chúa Trời là phương tiện để Đức Giê-hô-va làm thánh danh Ngài hầu danh đó không còn dấu vết của những sự phỉ báng gian dối của Sa-tan cùng những kẻ ác.—Ê-xê-chi-ên 36:23.

Giống như mọi chính phủ khác, Nước Đức Chúa Trời có công dân. Họ là ai? Kinh Thánh giải đáp: “Người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”. (Thi-thiên 37:11) Chúa Giê-su nói tương tự: “Phước cho những kẻ nhu-mì, vì sẽ hưởng được đất!” Dĩ nhiên, những người này có sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời, một điều kiện cần yếu để được sống.—Ma-thi-ơ 5:5; Giăng 17:3.

Bạn có thể tưởng tượng cả trái đất được đầy dẫy những người hiền từ, nhu mì thật sự yêu mến Đức Chúa Trời và yêu thương lẫn nhau không? (1 Giăng 4:7, 8) Đó chính là điều Chúa Giê-su cầu xin khi nói: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!” Bạn có hiểu tại sao Chúa Giê-su dạy môn đồ Ngài cầu nguyện cách ấy không? Điều quan trọng hơn, bạn có thấy sự ứng nghiệm của lời cầu nguyện ấy ảnh hưởng thế nào đến cá nhân bạn không?

Hàng triệu người hiện đang lý luận dựa trên Kinh Thánh

Chúa Giê-su báo trước về một đợt giáo dục thiêng liêng toàn cầu thông báo Nước Đức Chúa Trời sắp đến. Ngài nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng [của thế gian, hoặc hệ thống hiện tại] sẽ đến”.—Ma-thi-ơ 24:14.

Trên khắp thế giới có khoảng sáu triệu Nhân Chứng Giê-hô-va đang chia sẻ tin mừng ấy với người lân cận của họ. Họ mời bạn học biết nhiều hơn về Đức Chúa Trời và Nước Trời bằng cách dùng khả năng lý luận cẩn thận “tra xem Kinh-thánh”. Làm thế sẽ củng cố đức tin của bạn và khiến mắt bạn sáng ngời lên với hy vọng được sống trong địa đàng trên đất, lúc đó sẽ “đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”.—Ê-sai 11:6-9.

[Chú thích]

^ đ. 14 Một số học giả thích phiên âm thành “Yavê” hơn là “Giê-hô-va”. Tuy nhiên, hầu hết các dịch giả Kinh Thánh tân thời đã xóa hết danh của Đức Chúa Trời dưới bất cứ dạng nào trong bản dịch của họ và thay thế vào chỗ đó bằng những tước hiệu tổng quát như “Chúa” hoặc “Thiên Chúa”. Muốn thảo luận sâu hơn về danh Đức Chúa Trời, xin xem sách mỏng Danh Đức Chúa Trời sẽ còn đến muôn đời, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung/​Hình nơi trang 8]

NOI GƯƠNG THẦY DẠY LỚN

Chúa Giê-su thường dạy dỗ bằng cách chú mục đến những đề tài Kinh Thánh cụ thể. Chẳng hạn, sau khi sống lại, ngài giải thích vai trò của ngài trong ý định Đức Chúa Trời cho hai môn đồ đang phân vân về sự chết của ngài. Lu-ca 24:27 nói: “Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên-tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh-thánh”.

Hãy lưu ý Chúa Giê-su chọn một đề tài cụ thể—“về Ngài”, Đấng Mê-si—và trích dẫn “cả Kinh-thánh” trong cuộc thảo luận. Trên thực tế, Chúa Giê-su sắp xếp lại những câu Kinh Thánh có liên quan với nhau giống như việc ghép một hình từ những mảnh hình nhỏ, giúp các môn đồ hiểu rõ một mẫu mực của lẽ thật thiêng liêng. (2 Ti-mô-thê 1:13) Kết quả là không những họ được soi sáng, mà còn cảm động một cách sâu xa. Lời tường thuật nói: “Hai người nói cùng nhau rằng: Khi nãy đi đường, Ngài nói cùng chúng ta và cắt nghĩa Kinh-thánh, lòng chúng ta há chẳng nóng-nảy sao?”—Lu-ca 24:32.

Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng noi theo phương pháp dạy dỗ của Chúa Giê-su trong thánh chức rao giảng của họ. Công cụ chính mà họ dùng để dạy Kinh Thánh cho người ta là sách mỏng Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta? và sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. Hai sách này thảo luận hàng chục đề tài Kinh Thánh đáng chú ý, chẳng hạn như: “Đức Chúa Trời là ai?”, “Tại sao Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau?”, “Làm sao bạn có thể tìm được tôn giáo thật?”, “Thời kỳ này là những ngày sau rốt!” và “Xây dựng một gia đình tôn vinh Đức Chúa Trời”. Mỗi bài học chứa đựng nhiều câu Kinh Thánh.

Chúng tôi mời bạn liên lạc với Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương bạn hoặc gửi thư đến địa chỉ nơi trang 2 của tạp chí này để được học hỏi Kinh Thánh miễn phí tại nhà và thảo luận về những đề tài này và một số đề tài khác.

[Hình]

Hãy động lòng người học bằng cách chú mục đến những đề tài Kinh Thánh cụ thể

[Các hình nơi trang 7]

Bạn có nắm được ý nghĩa lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su không?

“Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh...”

“Nước [Đấng Mê-si của] Cha được đến...”

“Ý Cha được nên, ở đất như trời!”