Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao phải báp têm?

Tại sao phải báp têm?

Tại sao phải báp têm?

“Hãy đi đào tạo người từ các nước thành môn đồ, làm báp têm cho họ”.​—Ma-thi-ơ 28:19, NW.

1, 2. (a) Một số báp têm diễn ra trong hoàn cảnh nào? (b) Những câu hỏi nào về báp têm được nêu lên?

VUA Charlemagne của vương quốc Frank ép dân Saxon thua trận phải làm báp têm tập thể vào năm 775-777 CN. Sử gia John Lord viết: “Ông cưỡng bách họ cải sang đạo Đấng Christ trên danh nghĩa”. Tương tự như vậy, sau khi kết hôn với công chúa Chính Thống Giáo Hy Lạp vào năm 987 CN, Nga Hoàng Vladimir I quyết định là thần dân của ông phải trở thành “tín đồ Đấng Christ”. Ông ra lệnh báp têm tập thể cho dân nước ông—trước mũi gươm, nếu cần!

2 Báp têm như thế có thích hợp không? Có ý nghĩa thật sự không? Có phải bất cứ người nào cũng nên báp têm không?

Báp têm—Như thế nào?

3, 4. Tại sao vẩy nước hoặc đổ nước trên đầu không phải là phép báp têm đúng đắn của đạo Đấng Christ?

3 Khi cưỡng bách dân chúng báp têm, Charlemagne và Vladimir I đã hành động không phù hợp với Lời Đức Chúa Trời. Thật vậy, báp têm bằng cách vẩy nước, đổ nước trên đầu, hoặc ngay cả nhận chìm xuống nước chẳng có lợi ích gì khi một người chưa được dạy về lẽ thật của Kinh Thánh.

4 Hãy xem xét điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su, người Na-xa-rét, đến với Giăng Báp-tít vào năm 29 CN. Giăng đang báp têm cho dân chúng ở Sông Giô-đanh. Họ tự ý đến với ông để được báp têm. Có phải ông chỉ để họ đứng ở Sông Giô-đanh rồi đổ ít nước sông trên đầu họ hoặc chỉ vẩy vài giọt trên họ không? Giăng báp têm cho Chúa Giê-su như thế nào? Ma-thi-ơ thuật lại là sau khi báp têm, “Chúa Jêsus ra khỏi nước”. (Ma-thi-ơ 3:16) Ngài xuống Sông Giô-đanh và trầm người dưới nước. Tương tự như thế, hoạn quan sốt sắng người Ê-thi-ô-bi được báp têm trong “chỗ có nước”. Những chỗ có nước là cần thiết vì phép báp têm của Chúa Giê-su và của môn đồ ngài liên quan đến việc trầm người hoàn toàn trong nước.—Công-vụ 8:36.

5. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu báp têm như thế nào?

5 Từ Hy Lạp được dịch là “báp têm”, “phép báp têm”, v.v... ám chỉ việc trầm, nhận chìm, hoặc nhúng sâu xuống dưới nước. Cuốn tự điển về Kinh Thánh Smith’s Bible Dictionary nói: “Báp têm đúng đắn và đúng nghĩa là trầm người trong nước”. Bởi thế, một số bản dịch Kinh Thánh dùng từ “Giăng, người nhận chìm” và “Giăng, người nhúng sâu dưới nước”. (Ma-thi-ơ 3:1, Rotherham; Diaglott interlinear) Sách History of the Christian Religion and Church, During the Three First Centuries (Lịch sử đạo Ki-tô và giáo hội trong ba thế kỷ đầu) của Augustus Neander nhận định: “Báp têm khởi thủy được thực hiện bằng sự trầm người trong nước”. Tác phẩm bằng tiếng Pháp nổi tiếng Larousse du XXe Siècle (Paris, 1928) bình luận: “Các tín đồ Đấng Christ đầu tiên được báp têm bằng cách trầm người trong nước tại bất cứ nơi nào có nước”. Sách New Catholic Encyclopedia (Tân bách khoa tự điển Công Giáo) nói: “Rõ ràng phép báp têm của Giáo Hội thời ban đầu là trầm người trong nước”. (1967, Tập II, trang 56) Do đó, ngày nay báp têm để trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va là một bước tình nguyện liên quan đến việc trầm người hoàn toàn trong nước.

Một lý do mới để làm báp têm

6, 7. (a) Mục đích phép báp têm của Giăng là gì? (b) Phép báp têm của môn đồ Chúa Giê-su có điều gì mới?

6 Về mục tiêu, phép báp têm của Giăng khác với phép báp têm do các môn đồ Chúa Giê-su thực hiện. (Giăng 4:1, 2) Phép báp têm của Giăng tượng trưng cho sự ăn năn một cách công khai về những tội phạm đến Luật Pháp. * (Lu-ca 3:3) Còn phép báp têm của môn đồ Chúa Giê-su liên quan đến một điều gì đó mới. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên giục người nghe: “Hãy hối-cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình”. (Công-vụ 2:37-41) Mặc dù giảng cho người Do Thái và những người cải sang đạo Do Thái, nhưng Phi-e-rơ không nói về phép báp têm tượng trưng sự ăn năn những tội phạm đến Luật Pháp; ông cũng không có ý nói rằng báp têm nhân danh Chúa Giê-su tượng trưng cho việc xóa tội.—Công-vụ 2:10, 11.

7 Vào dịp đó, Phi-e-rơ sử dụng “chìa-khóa nước thiên-đàng” đầu tiên. Với mục đích gì? Để cho người nghe biết họ có cơ hội để vào Nước Trời. (Ma-thi-ơ 16:19) Vì dân Do Thái đã chối bỏ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si nên việc ăn năn và thực hành đức tin nơi ngài là yếu tố mới và cần yếu để được Đức Chúa Trời tha tội. Họ có thể công khai bày tỏ đức tin ấy qua việc báp têm trong nước nhân danh Chúa Giê-su Christ. Bằng cách này, họ có thể biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời qua Đấng Christ. Ngày nay, tất cả những ai muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận đều phải thực hành đức tin như vậy, dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và làm báp têm của đạo Đấng Christ để biểu trưng sự dâng mình vô điều kiện cho Đức Chúa Trời Tối Cao.

Sự hiểu biết chính xác là thiết yếu

8. Tại sao phép báp têm của đạo Đấng Christ không phải là cho mọi người?

8 Báp têm của đạo Đấng Christ không phải là cho mọi người. Chúa Giê-su ra lệnh cho môn đồ: “Hãy đi đào tạo người từ các nước thành môn đồ, làm báp têm cho họ nhân danh Cha và Con và thánh linh, dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20, NW) Trước khi báp têm, người ta phải được dạy ‘giữ hết cả mọi điều mà Chúa Giê-su đã truyền cho môn đồ’. Bởi thế khi chưa có đức tin dựa trên sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời, thì báp têm do bị cưỡng bách sẽ vô giá trị và đi ngược lại sứ mệnh Chúa Giê-su ban cho môn đồ thật của ngài.—Hê-bơ-rơ 11:6.

9. Báp têm “nhân danh Cha” nghĩa là gì?

9 Báp têm “nhân danh Cha” nghĩa là gì? Nghĩa là ứng viên báp têm công nhận địa vị và thẩm quyền của Cha trên trời, do đó, công nhận Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, “Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”, và là Đấng Chủ Tể Hoàn Vũ.—Thi-thiên 83:18; Ê-sai 40:28; Công-vụ 4:24.

10. Báp têm ‘nhân danh Con’ nghĩa là gì?

10 Báp têm ‘nhân danh Con’ nghĩa là công nhận địa vị và quyền hạn của Chúa Giê-su với tư cách là Con độc sanh của Đức Chúa Trời. (1 Giăng 4:9) Những ai hội đủ điều kiện báp têm chấp nhận Chúa Giê-su là đấng Đức Chúa Trời đã dùng để làm “giá chuộc nhiều người”. (Ma-thi-ơ 20:28; 1 Ti-mô-thê 2:5, 6) Ứng viên báp têm cũng phải công nhận địa vị “rất cao” mà Đức Chúa Trời đã tôn Con ngài lên.—Phi-líp 2:8-11; Khải-huyền 19:16.

11. Báp têm ‘nhân danh thánh linh’ nghĩa là gì?

11 Báp têm ‘nhân danh thánh linh’ nghĩa là gì? Điều này hàm ý ứng viên báp têm công nhận thánh linh là sinh hoạt lực của Đức Giê-hô-va, được dùng trong nhiều cách hòa hợp với ý định của Ngài. (Sáng-thế Ký 1:2; 2 Sa-mu-ên 23:1, 2; 2 Phi-e-rơ 1:21) Những người hội đủ điều kiện để báp têm công nhận rằng thánh linh giúp họ hiểu những “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”, thi hành công việc rao giảng Nước Trời, và thể hiện bông trái thánh linh như “lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”.—1 Cô-rinh-tô 2:10; Ga-la-ti 5:22, 23; Giô-ên 2:28, 29.

Tầm quan trọng của việc ăn năn và cải hóa

12. Phép báp têm của đạo Đấng Christ gắn liền với sự ăn năn như thế nào?

12 Ngoại trừ trường hợp Chúa Giê-su vô tội, báp têm là một biểu trưng được Đức Chúa Trời chấp nhận gắn liền với sự ăn năn. Khi ăn năn, chúng ta cảm thấy hối hận sâu xa về điều đã làm hay chểnh mảng không làm. Những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời phải ăn năn về những tội phạm đến Đấng Christ. (Công-vụ 3:11-20) Một số người thuộc Dân Ngoại tin đạo ở Cô-rinh-tô đã ăn năn về tội tà dâm, thờ hình tượng, ăn cắp và những tội trọng khác. Vì ăn năn, họ được “rửa sạch” trong huyết của Chúa Giê-su, được “nên thánh”, hay được biệt riêng, để phụng sự Đức Chúa Trời, và được “xưng công-bình” nhân danh Đấng Christ và thánh linh của Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 6:9-11) Ăn năn là một bước quan trọng để có được lương tâm tốt và được Đức Chúa Trời ban cho sự khuây khỏa không còn bị mặc cảm tội lỗi dày vò.—1 Phi-e-rơ 3:21.

13. Sự cải hóa và phép báp têm có quan hệ gì?

13 Phải cải hóa trước khi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Cải hóa là một hành động tự nguyện từ phía người đã quyết định hết lòng theo Chúa Giê-su Christ. Những người như thế từ bỏ lối sống sai trái trước đây và cương quyết làm điều đúng trước mắt Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh, động từ Hê-bơ-rơ và Hy Lạp chỉ về sự cải hóa có nghĩa là quay trở lại hay xoay khỏi. Hành động này hàm ý một sự trở về với Đức Chúa Trời từ con đường sai quấy. (1 Các Vua 8:33, 34) Sự cải hóa đòi hỏi phải có “công-việc xứng-đáng với sự ăn-năn”. (Công-vụ 26:20) Nó đòi hỏi phải từ bỏ sự thờ phượng giả, hành động phù hợp với điều răn của Đức Chúa Trời và dành cho Ngài sự thờ phượng chuyên độc. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:2, 8-10; 1 Sa-mu-ên 7:3) Sự cải hóa phải đưa đến việc thay đổi lối suy nghĩ, mục tiêu, và nhân cách. (Ê-xê-chi-ên 18:31) Chúng ta “trở lại” khi các tính nết không tin kính được thay thế bằng nhân cách mới.—Công-vụ 3:19; Ê-phê-sô 4:20-24; Cô-lô-se 3:5-14.

Dâng mình hết lòng là tối quan trọng

14. Sự dâng mình của môn đồ Chúa Giê-su có ý nghĩa gì?

14 Trước khi báp têm, môn đồ Chúa Giê-su phải hết lòng dâng mình cho Đức Chúa Trời. Dâng mình nghĩa là biệt riêng ra cho một mục tiêu thánh khiết. Bước này quan trọng đến độ chúng ta phải bày tỏ với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, nói lên quyết định của chúng ta là muốn thờ phượng một mình Ngài đến muôn đời. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:9) Dĩ nhiên, chúng ta không dâng mình cho một công việc đặc biệt nào hoặc cho một người nào, nhưng cho chính Đức Chúa Trời.

15. Tại sao các ứng viên báp têm trầm người trong nước?

15 Khi dâng mình cho Đức Chúa Trời qua Đấng Christ, chúng ta bày tỏ quyết tâm dùng đời sống mình để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời như được nêu ra trong Kinh Thánh. Sự dâng mình đó được biểu hiện qua việc trầm người trong nước, như Chúa Giê-su đã làm ở Sông Giô-đanh để biểu trưng việc ngài trình diện với Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 3:13) Điều đáng chú ý là Chúa Giê-su cầu nguyện trong dịp trọng đại đó.—Lu-ca 3:21, 22.

16. Khi chứng kiến một người báp têm, chúng ta có thể biểu lộ niềm vui mừng một cách thích hợp như thế nào?

16 Báp têm của Chúa Giê-su là một biến cố nghiêm túc nhưng đầy vui mừng. Báp têm của đạo Đấng Christ ngày nay cũng vậy. Khi chứng kiến một người báp têm biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta có thể biểu lộ sự vui mừng bằng cách kính cẩn vỗ tay và nồng nhiệt khen ngợi. Nhưng để tỏ ra kính trọng tính cách thiêng liêng của sự tuyên xưng đức tin này, chúng ta nên tránh việc vừa vỗ tay vừa la hét, huýt sáo hoặc các hành động tương tự. Chúng ta biểu lộ niềm vui mừng trong sự trang nghiêm.

17, 18. Điều gì giúp xác định một người có hội đủ điều kiện để báp têm hay không?

17 Không giống những người vẩy nước trên trẻ sơ sinh hoặc cưỡng bách hàng loạt người không có sự hiểu biết Kinh Thánh làm báp têm, Nhân Chứng Giê-hô-va không bao giờ ép buộc bất cứ người nào báp têm. Thật ra, họ không báp têm cho những người không hội đủ điều kiện Kinh Thánh đòi hỏi. Một người ngay cả trước khi có thể trở thành người rao giảng tin mừng chưa báp têm, thì các trưởng lão đạo Đấng Christ phải chắc chắn rằng người ấy có sự hiểu biết, sống phù hợp với những sự dạy dỗ căn bản của Kinh Thánh, và phải trả lời khẳng định cho câu hỏi: “Bạn có thật sự muốn là một Nhân Chứng Giê-hô-va không?”

18 Trừ vài ngoại lệ, khi một người tham gia đáng kể vào công việc rao giảng Nước Trời và bày tỏ ước muốn làm báp têm, thì các trưởng lão sẽ thảo luận với người ấy để biết chắc họ đã tin đạo, đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và hội đủ điều kiện của Ngài để báp têm. (Công-vụ 4:4; 18:8) Việc người ấy trả lời hơn 100 câu hỏi về những sự dạy dỗ của Kinh Thánh giúp các trưởng lão xác định xem họ có thỏa mãn các đòi hỏi của Kinh Thánh để được báp têm hay không. Một số người không hội đủ điều kiện và do đó không được chấp nhận báp têm theo đạo Đấng Christ.

Có điều gì ngăn trở bạn không?

19. Theo Giăng 6:44, ai sẽ kế tự với Chúa Giê-su?

19 Nhiều người bị cưỡng bách trong các cuộc báp têm tập thể có thể được cho biết rằng khi chết họ sẽ được lên thiên đàng. Nhưng Chúa Giê-su nói với môn đồ ngài: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta”. (Giăng 6:44) Đức Giê-hô-va đã kéo 144.000 người đến với Đấng Christ. Họ là những người sẽ cùng kế tự Nước Trời với Chúa Giê-su. Việc cưỡng bách báp têm chẳng bao giờ biệt riêng người nào cho địa vị vinh hiển trong sự sắp đặt của Đức Chúa Trời.—Rô-ma 8:14-17; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; Khải-huyền 14:1.

20. Điều gì có thể giúp một số người nào đó chưa chịu báp têm?

20 Đặc biệt kể từ giữa thập niên 1930, đám đông người có hy vọng sống sót qua “cơn đại-nạn” và sống đời đời trên đất đã gia nhập vào hàng ngũ “chiên khác” của Chúa Giê-su. (Khải-huyền 7:9, 14; Giăng 10:16) Họ hội đủ điều kiện báp têm vì đã sống phù hợp với Lời Đức Chúa Trời, yêu thương Ngài “hết lòng, hết linh-hồn, hết sức, hết trí”. (Lu-ca 10:25-28) Mặc dù một số người biết rõ Nhân Chứng Giê-hô-va ‘thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm-thần và lẽ thật’, họ vẫn chưa noi gương Chúa Giê-su và chưa công khai biểu hiện sự yêu thương chân thật và sự thờ phượng chuyên độc đối với Đức Giê-hô-va bằng cách làm báp têm. (Giăng 4:23, 24; Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:24; Mác 1:9-11) Họ cần cầu nguyện tha thiết và rõ rệt về bước tối quan trọng này hầu có động lực và can đảm để sống phù hợp trọn vẹn với Lời Đức Chúa Trời, dâng mình vô điều kiện cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và báp têm.

21, 22. Một số người ngần ngại dâng mình và báp têm vì những lý do gì?

21 Một số người ngần ngại dâng mình và báp têm vì quá mải miết vào việc đời này hoặc theo đuổi sự giàu có đến độ chỉ còn chút ít thời giờ cho những điều thiêng liêng. (Ma-thi-ơ 13:22; 1 Giăng 2:15-17) Nếu thay đổi quan điểm và mục đích, họ sẽ hạnh phúc biết bao! Đến gần Đức Giê-hô-va sẽ làm cho họ giàu có về thiêng liêng, giúp họ bớt lo âu, được bình an và thỏa lòng vì nhờ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 16:11; 40:8; Châm-ngôn 10:22; Phi-líp 4:6, 7.

22 Những người khác nói rằng họ yêu Đức Giê-hô-va nhưng không dâng mình và báp têm vì nghĩ rằng như thế sẽ tránh được trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời. Nhưng mỗi người chúng ta đều phải khai trình với Ngài. Trách nhiệm đặt trên chúng ta khi nghe được lời của Đức Giê-hô-va. (Ê-xê-chi-ên 33:7-9; Rô-ma 14:12) Là ‘dân được Đức Chúa Trời chọn’, người Y-sơ-ra-ên xưa được sinh ra trong một nước đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và do đó có nghĩa vụ trung thành phụng sự Ngài phù hợp với luật pháp của Ngài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:6, 11) Ngày nay không có ai sinh ra trong một dân tộc như thế, nhưng nếu đã nhận được sự dạy dỗ chính xác của Kinh Thánh, chúng ta cần hành động theo bằng đức tin.

23, 24. Một số người ngần ngại không báp têm vì những e ngại nào?

23 Sợ chưa hiểu biết đủ cũng khiến một số người ngần ngại báp têm. Thế nhưng tất cả chúng ta còn nhiều điều phải học bởi vì ‘loài người sẽ không thể hiểu được công-việc Đức Chúa Trời làm từ ban-đầu đến cuối-cùng’. (Truyền-đạo 3:11) Hãy xem trường hợp hoạn quan người Ê-thi-ô-bi. Là một người cải sang đạo Do Thái, ông có hiểu biết chút ít về Kinh Thánh, nhưng không thể trả lời mọi câu hỏi về ý định của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sau khi học biết về sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va đem lại sự cứu rỗi qua sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, hoạn quan đã mau mắn làm báp têm trong nước.—Công-vụ 8:26-38.

24 Một số người do dự dâng mình cho Đức Chúa Trời vì sợ không thể làm tròn. Em Monique 17 tuổi nói: “Em ngần ngại không muốn báp têm vì sợ không thể sống đúng với sự dâng mình”. Tuy nhiên, nếu hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, ‘Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của chúng ta’. Ngài sẽ giúp chúng ta “làm theo lẽ thật” với tư cách những tôi tớ trung thành đã dâng mình của Ngài.—Châm-ngôn 3:5, 6; 3 Giăng 4.

25. Bây giờ chúng ta cần xem xét câu hỏi nào?

25 Vì tuyệt đối tin cậy Đức Giê-hô-va và yêu mến Ngài hết lòng, mỗi năm hàng ngàn người đã được thúc đẩy để dâng mình và báp têm. Và tất nhiên mọi tôi tớ dâng mình của Đức Chúa Trời đều muốn trung thành với Ngài. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn và phải đương đầu với nhiều thử thách khác nhau về đức tin. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Chúng ta có thể làm gì để sống đúng với sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va? Câu hỏi này sẽ được xem xét trong bài kế tiếp.

[Chú thích]

^ đ. 6 Vì Chúa Giê-su vô tội, ngài không báp têm để biểu trưng sự ăn năn. Báp têm của ngài biểu trưng việc ngài trình diện với Đức Chúa Trời để thực thi ý muốn của Cha ngài.—Hê-bơ-rơ 7:26; 10:5-10.

Bạn còn nhớ không?

• Phép báp têm theo đạo Đấng Christ được thực hiện như thế nào?

• Để báp têm, một người cần có sự hiểu biết nào?

• Những bước nào dẫn tới phép báp têm của một tín đồ thật Đấng Christ?

• Tại sao một số người ngần ngại báp têm, nhưng họ có thể được giúp đỡ như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 14]

Bạn có biết báp têm ‘nhân danh Cha, Con và thánh linh’ nghĩa là gì không?