Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va với tấm lòng vững chắc

Tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va với tấm lòng vững chắc

Tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va với tấm lòng vững chắc

“Hỡi Đức Chúa Trời, lòng tôi vững-chắc, lòng tôi vững-chắc”.—THI-THIÊN 57:7.

1. Tại sao chúng ta có được niềm tin quyết giống Đa-vít?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA có thể làm cho chúng ta, những tôi tớ dâng mình của Ngài, vững chắc trong đức tin để rồi chúng ta có thể bám chặt lấy đạo thật của Đấng Christ. (Rô-ma 14:4) Do đó, chúng ta có thể tin quyết như Đa-vít, người viết Thi-thiên, được cảm động để hát: “Hỡi Đức Chúa Trời, lòng tôi vững-chắc”. (Thi-thiên 108:1) Nếu lòng vững chắc, chúng ta sẽ được thúc đẩy để làm tròn sự dâng mình cho Đức Chúa Trời. Và nhờ sự hướng dẫn và sức mạnh Ngài ban cho, chúng ta có thể chứng tỏ là những người giữ sự chính trực không lay chuyển, quyết tâm đứng vững, đầy tin tưởng, và “làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn”.—1 Cô-rinh-tô 15:58.

2, 3. Những lời khuyên của Phao-lô ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 16:13 có tầm quan trọng nào?

2 Trong lời khuyên gửi cho các môn đồ Chúa Giê-su ở Cô-rinh-tô xưa, nhưng chắc chắn cũng áp dụng cho tín đồ Đấng Christ ngày nay nữa, sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy sống cho đáng bậc nam nhi và ăn ở kiên cường”. (1 Cô-rinh-tô 16:13, Tòa Tổng Giám Mục) Trong tiếng Hy Lạp, mỗi mệnh lệnh này đều ở thì hiện tại, do đó khuyến khích hành động liên tục. Lời khuyên này có tầm quan trọng nào?

3 Chúng ta có thể “tỉnh thức” về thiêng liêng bằng cách chống lại Ma-quỉ và ở gần Đức Chúa Trời. (Gia-cơ 4:7, 8) Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va giúp chúng ta giữ được sự hợp nhất và ‘đứng vững trong đức tin của đạo Đấng Christ’. Chúng ta—gồm cả các chị—“hãy sống cho đáng bậc nam nhi” bằng cách can đảm phụng sự Đức Chúa Trời với tư cách những người công bố Nước Trời. (Thi-thiên 68:11) Chúng ta “ăn ở kiên cường” qua việc tiếp tục trông cậy nơi Cha trên trời ban cho sức mạnh để thực thi ý muốn Ngài.—Phi-líp 4:13.

4. Những bước nào dẫn đến báp têm để trở thành tín đồ Đấng Christ?

4 Chúng ta cho thấy mình đã chấp nhận lẽ thật khi dâng mình vô điều kiện cho Đức Giê-hô-va và biểu trưng sự dâng mình ấy qua việc báp têm trong nước. Nhưng những bước nào dẫn đến báp têm? Trước nhất, chúng ta thâu thập sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời. (Giăng 17:3) Điều này sinh ra đức tin và thúc đẩy chúng ta ăn năn, bày tỏ lòng hối cải thật sự về lỗi lầm đã phạm trong quá khứ. (Công-vụ 3:19; Hê-bơ-rơ 11:6) Kế đó là cải hóa, vì đã từ bỏ những thực hành sai lầm để theo đuổi một đời sống phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời. (Rô-ma 12:2; Ê-phê-sô 4:23, 24) Tiếp đến, chúng ta trọn lòng dâng mình cho Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện. (Ma-thi-ơ 16:24; 1 Phi-e-rơ 2:21) Chúng ta xin Đức Chúa Trời ban cho một lương tâm tốt và báp têm biểu trưng sự dâng mình cho Ngài. (1 Phi-e-rơ 3:21) Suy ngẫm về những bước này sẽ giúp chúng ta tiếp tục chú trọng đến việc cần phải cố gắng không ngừng để sống đúng với sự dâng mình và tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va với tấm lòng vững chắc.

Tiếp tục tìm kiếm sự hiểu biết chính xác

5. Tại sao chúng ta phải tiếp tục thâu nhận sự hiểu biết về Kinh Thánh?

5 Để sống đúng với sự dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta phải tiếp tục thâu thập sự hiểu biết về Kinh Thánh giúp xây đắp đức tin. Lúc mới học lẽ thật của Đức Chúa Trời, chúng ta thích thú biết bao khi tiếp thụ thức ăn thiêng liêng! (Ma-thi-ơ 24:45-47) Những “bữa ăn” này thật ngon và bổ dưỡng về thiêng liêng. Bây giờ, điều cần yếu là tiếp tục tiếp thụ thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng để giữ cho lòng được vững vàng với tư cách tôi tớ dâng mình của Đức Giê-hô-va.

6. Bạn có thể đã được giúp đỡ như thế nào để phát triển lòng biết ơn sâu đậm đối với lẽ thật của Kinh Thánh?

6 Chúng ta cần phải cố gắng nếu muốn thâu đạt thêm sự hiểu biết về Kinh Thánh. Điều này giống như tìm kiếm kho tàng giấu kín, đòi hỏi phải vận dụng nỗ lực. Nhưng thật thỏa nguyện biết bao khi tìm được “điều tri-thức của Đức Chúa Trời”! (Châm-ngôn 2:1-6) Có thể lúc đầu một người công bố Nước Trời đã dùng sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời để học Kinh Thánh với bạn. Cần khá nhiều thời giờ, có lẽ vài buổi học, để thảo luận mỗi chương. Bạn nhận được lợi ích khi đọc và thảo luận những câu Kinh Thánh được dẫn chứng. Khi có điểm nào khó hiểu, bạn được giải thích. Người hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh chuẩn bị kỹ, cầu nguyện Đức Chúa Trời ban thánh linh, và giúp bạn phát triển lòng biết ơn sâu đậm đối với lẽ thật.

7. Điều gì khiến một người hội đủ điều kiện để dạy lẽ thật của Đức Chúa Trời cho người khác?

7 Cố gắng như vậy là thích đáng vì Phao-lô viết: “Những ai được người ta dạy đạo cho thì hãy cùng với người dạy mình mà chia sẻ những điều tốt lành mình đã học được”. (Ga-la-ti 6:6, NW) Trong văn bản Hy Lạp, chỗ này cho thấy những dạy dỗ của Lời Đức Chúa Trời đã khắc ghi vào lòng và trí của người được “dạy đạo”. Vì được dạy như thế, bạn hội đủ điều kiện để dạy người khác. (Công-vụ 18:25) Để sống đúng với sự dâng mình, bạn phải duy trì sức khỏe và sự vững vàng về thiêng liêng bằng cách liên tục học Lời Đức Chúa Trời.—1 Ti-mô-thê 4:13; Tít 1:13; 2:2.

Hãy nhớ sự ăn năn và cải hóa

8. Làm sao có thể giữ được hạnh kiểm tin kính?

8 Bạn còn nhớ cảm giác khuây khỏa khi học lẽ thật, ăn năn và rồi cảm nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời dựa trên đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su không? (Thi-thiên 32:1-5; Rô-ma 5:8; 1 Phi-e-rơ 3:18) Chắc chắn bạn không muốn trở lại đời sống tội lỗi. (2 Phi-e-rơ 2:20-22) Ngoài những việc khác, việc đều đặn cầu nguyện với Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn giữ được hạnh kiểm tin kính, sống đúng với sự dâng mình, và tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.—2 Phi-e-rơ 3:11, 12.

9. Sau khi từ bỏ những thực hành tội lỗi, chúng ta nên theo đuổi con đường nào?

9 Sau khi cải hóa bằng cách từ bỏ những thực hành tội lỗi, hãy tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để giữ cho lòng bạn được vững chắc. Giống như bạn đi lạc vào một xa lộ khác, nhưng nhờ tham khảo một bản đồ đáng tin cậy, bạn bắt đầu đi đúng đường. Bây giờ bạn chớ đi trệch đường nữa. Hãy tiếp tục tin cậy nơi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, và nhất quyết ở trên con đường dẫn đến sự sống.—Ê-sai 30:20, 21; Ma-thi-ơ 7:13, 14.

Chớ bao giờ quên sự dâng mình và báp têm

10. Về việc dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta nên nhớ những điểm nào?

10 Hãy nhớ rằng bạn đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, với ý hướng trung thành phụng sự đến muôn đời. (Giu-đe 20, 21) Dâng mình có nghĩa là biệt riêng, hay tách ra, cho một mục đích thánh khiết. (Lê-vi Ký 15:31; 22:2) Sự dâng mình của bạn không phải là một giao kèo tạm thời, cũng không phải là sự cam kết với loài người. Đó là sự dâng mình vĩnh viễn cho Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, và sống đúng với sự dâng mình đòi hỏi trung thành với Đức Chúa Trời suốt đời. Đúng vậy, ‘sống hoặc chết, chúng ta đều thuộc về Đức Giê-hô-va cả’. (Rô-ma 14:7, 8) Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào việc tùng phục ý muốn của Ngài và tiếp tục phụng sự Ngài với tấm lòng vững chắc.

11. Tại sao bạn nên nhớ việc bạn báp têm và ý nghĩa của nó?

11 Luôn luôn nhớ rằng báp têm biểu trưng sự dâng mình trọn vẹn cho Đức Chúa Trời. Đó không phải là báp têm cưỡng bách, bởi vì chính bạn tự quyết định. Giờ đây bạn có quyết tâm rèn luyện ý muốn mình cho phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời trong quãng đời còn lại của bạn không? Bạn đã xin Đức Chúa Trời ban cho một lương tâm tốt và đã báp têm biểu trưng sự dâng mình cho Ngài. Hãy gìn giữ lương tâm tốt ấy bằng cách làm tròn sự dâng mình, và Đức Giê-hô-va sẽ ban cho bạn ân phước dồi dào.—Châm-ngôn 10:22.

Ý chí đóng vai trò quan trọng

12, 13. Ý chí riêng của chúng ta liên quan thế nào đến sự dâng mình và báp têm?

12 Thật vậy, dâng mình và báp têm đem lại những lợi ích lớn lao cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Khi biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời bằng phép báp têm trong nước, chúng ta làm chết đi lối sống cũ, nhưng ý chí riêng vẫn tồn tại. Là những người tin đạo được dạy dỗ đúng đắn, chúng ta thực sự sử dụng ý chí riêng của mình khi dâng mình cho Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện và làm báp têm. Sự dâng mình và làm báp têm đòi hỏi chúng ta xác định ý muốn của Đức Chúa Trời là gì và rồi tự ý làm theo. (Ê-phê-sô 5:17) Do đó, chúng ta noi gương Chúa Giê-su, đấng đã sử dụng ý chí của mình khi từ bỏ nghề thợ mộc, làm báp têm, và dấn thân trọn vẹn để thực thi ý muốn Cha trên trời của ngài.—Thi-thiên 40:7, 8; Giăng 6:38-40.

13 Ý định của Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Con Ngài phải qua “sự đau-đớn mà nên trọn-lành”. Vì vậy, Chúa Giê-su đã phải sử dụng ý chí của mình để trung thành chịu đựng những đau khổ như thế. Nhằm thực hiện mục tiêu đó, ngài đã “kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin..., và vì lòng nhân-đức [“kính-sợ”, Ghi-đê-ôn] Ngài, nên được nhậm lời”. (Hê-bơ-rơ 2:10, 18; 5:7, 8) Nếu bày tỏ lòng kính sợ Đức Chúa Trời sâu xa như thế, chúng ta cũng sẽ chắc chắn được “nhậm lời”, và chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ khiến chúng ta đứng vững với tư cách Nhân Chứng dâng mình của Ngài.—Ê-sai 43:10.

Bạn có thể giữ gìn tấm lòng vững chắc

14. Tại sao chúng ta phải đọc Kinh Thánh hàng ngày?

14 Điều gì sẽ giúp bạn giữ được lòng vững vàng và do đó sống đúng với sự dâng mình cho Đức Chúa Trời? Hãy đọc Kinh Thánh hàng ngày với mục đích thâu thập sự hiểu biết ngày càng nhiều thêm về Lời Đức Chúa Trời. Đây là điều mà lớp “người đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” không ngớt khuyên giục chúng ta làm. Chúng ta được khuyên như thế vì việc sống đúng với sự dâng mình đòi hỏi phải tiếp tục bước đi trong lẽ thật của Đức Chúa Trời. Nếu tổ chức của Đức Giê-hô-va cố ý đồng tình với những dạy dỗ sai lầm thì sẽ chẳng bao giờ khuyên Nhân Chứng Giê-hô-va và những người họ rao giảng đọc Kinh Thánh.

15. (a) Nên xem xét những gì khi quyết định một điều nào đó? (b) Tại sao có thể nói rằng việc làm ngoài đời là công việc thứ yếu đối với tín đồ Đấng Christ?

15 Khi quyết định điều gì, hãy luôn luôn xét xem quyết định ấy có thể ảnh hưởng thế nào đến việc làm tròn sự dâng mình của bạn cho Đức Giê-hô-va. Điều này có thể liên quan đến công ăn việc làm ngoài đời của bạn. Bạn có cố gắng lợi dụng việc làm để đẩy mạnh sự thờ phượng thật không? Mặc dù giới chủ nói chung đều nhận thấy tín đồ Đấng Christ dâng mình đáng tin cậy và làm việc có hiệu quả, họ cũng nhận thấy rằng Nhân Chứng Giê-hô-va không có nhiều tham vọng tiến thân trong thế gian và không tranh giành những địa vị có lợi lộc nhất. Đó là vì mục tiêu của Nhân Chứng không phải là làm giàu, đạt được danh vọng, thanh thế hoặc quyền hành. Đối với những người sống đúng với sự dâng mình cho Đức Chúa Trời, điều quan trọng nhất là thực thi ý muốn của Ngài. Việc làm ngoài đời giúp họ có được những gì cần thiết cho cuộc sống, nhưng là phụ, đứng hàng thứ yếu. Giống như sứ đồ Phao-lô, công việc chính của họ là thánh chức của tín đồ Đấng Christ. (Công-vụ 18:3, 4; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:7, 8; 1 Ti-mô-thê 5:8) Bạn có đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống bạn không?—Ma-thi-ơ 6:25-33.

16. Chúng ta có thể làm gì nếu sự lo lắng thái quá đang gây trở ngại cho việc sống đúng với sự dâng mình cho Đức Chúa Trời?

16 Trước khi học lẽ thật, một số người có thể gần như bị ngụp lặn trong đủ thứ lo âu khác nhau. Nhưng khi nhận được hy vọng về Nước Trời, lòng họ quả tràn ngập niềm vui mừng, lòng biết ơn và tình yêu thương Đức Giê-hô-va! Ngẫm nghĩ về những lợi ích mà họ hưởng được kể từ lúc ấy rất có thể giúp họ sống đúng với sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Mặt khác, nói sao nếu sự lo âu thái quá về những vấn đề thông thường trong cuộc sống nay có nguy cơ làm nghẹt ngòi “đạo Đức Chúa Trời”, giống như gai góc có thể cản cây non lớn lên để sanh hoa quả? (Lu-ca 8:7, 11, 14; Ma-thi-ơ 13:22; Mác 4:18, 19) Nếu cảm thấy điều này bắt đầu xảy đến cho bạn hay gia đình, hãy trao sự lo lắng cho Đức Giê-hô-va và cầu xin Ngài giúp bạn gia tăng tình yêu thương và lòng biết ơn. Nếu trao gánh nặng cho Ngài, bạn sẽ được Ngài nâng đỡ và ban cho sức mạnh để tiếp tục vui mừng phụng sự Ngài với tấm lòng vững chắc.—Thi-thiên 55:22; Phi-líp 4:6, 7; Khải-huyền 2:4.

17. Chúng ta có thể đương đầu với những thử thách nặng nề như thế nào?

17 Hãy tiếp tục cầu nguyện đều đặn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, thiết tha như lúc dâng mình cho Ngài. (Thi-thiên 65:2) Khi bị cám dỗ làm điều quấy hoặc khi đối diện với thử thách nặng nề, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời và xin Ngài giúp chúng ta làm theo. Hãy nhớ là cần phải có đức tin, vì môn đồ Gia-cơ viết: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn-ngoan [để đương đầu với thử thách], hãy cầu-xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng-rãi, không trách-móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho. Nhưng phải lấy đức-tin mà cầu-xin, chớ nghi-ngờ; vì kẻ hay nghi-ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa: ấy là một người phân-tâm, phàm làm việc gì đều không định”. (Gia-cơ 1:5-8) Nếu thử thách dường như quá lớn, chúng ta có thể chắc chắn về điều này: “Những sự cám-dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”.—1 Cô-rinh-tô 10:13.

18. Chúng ta có thể làm gì nếu việc giấu giếm một tội nặng đã phạm làm suy giảm quyết tâm sống đúng với sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va?

18 Còn nếu vì giấu giếm một tội nặng mà bạn bị lương tâm dày vò, làm suy giảm quyết tâm sống đúng với sự dâng mình cho Đức Chúa Trời thì sao? Nếu ăn năn, bạn có thể được an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va ‘sẽ không khinh-dể lòng đau-thương thống-hối’. (Thi-thiên 51:17) Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của các trưởng lão yêu thương trong đạo Đấng Christ, biết rằng họ—noi gương Đức Giê-hô-va—sẽ không xem nhẹ nguyện vọng của bạn được phục hồi mối quan hệ tốt đẹp với Cha trên trời. (Thi-thiên 103:10-14; Gia-cơ 5:13-15) Rồi với sức mạnh thiêng liêng mới và với lòng vững vàng, bạn có thể làm thẳng lại đường lối mình và sẽ thấy có thể sống đúng với sự dâng mình cho Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 12:12, 13.

Tiếp tục phụng sự với tấm lòng vững chắc

19, 20. Tại sao tiếp tục sống đúng với sự dâng mình là điều trọng yếu?

19 Trong những thời kỳ khó khăn này, chúng ta phải phấn đấu để sống đúng với sự dâng mình và tiếp tục phụng sự Đức Chúa Trời với tấm lòng vững chắc. Chúa Giê-su nói: “Kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu”. (Ma-thi-ơ 24:13) Vì nay là “những ngày sau-rốt” nên sự cuối cùng có thể đến bất cứ lúc nào. (2 Ti-mô-thê 3:1) Hơn nữa, không ai trong chúng ta có thể chắc chắn mình còn sống đến ngày mai. (Gia-cơ 4:13, 14) Vì vậy, việc chúng ta tiếp tục sống đúng với sự dâng mình ngày nay thật quan trọng biết bao!

20 Sứ đồ Phi-e-rơ nhấn mạnh điều này trong lá thư thứ hai của ông. Sứ đồ cho thấy rằng như những kẻ không tin kính bị hủy diệt trong trận Nước Lụt thì trái đất theo nghĩa bóng, tức xã hội loài người gian ác, sẽ bị hủy diệt trong “ngày của Đức Giê-hô-va”. Do đó, Phi-e-rơ thốt lên: “Vì mọi vật đó phải tiêu-tán thì anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào”! Ông cũng khuyên giục: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, vì anh em đã được biết trước, vậy hãy giữ cho cẩn-thận, e anh em cũng bị sự mê-hoặc [của thầy giáo giả và những kẻ không tin kính] ấy dẫn-dụ, mất sự vững-vàng của mình chăng”. (2 Phi-e-rơ 3:5-17) Thật đáng buồn biết bao nếu một người đã báp têm bị dẫn dụ và không giữ được lòng vững vàng cho đến cuối cuộc đời!

21, 22. Trong trường hợp của Đa-vít và tín đồ thật của Đấng Christ, những lời nơi Thi-thiên 57:7 chứng tỏ là đúng như thế nào?

21 Lòng quyết tâm sống đúng với sự dâng mình cho Đức Chúa Trời sẽ được củng cố nếu bạn ghi nhớ ngày báp têm đầy vui mừng và tìm sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để các hành động và lời nói của bạn làm vui lòng Ngài. (Châm-ngôn 27:11) Đức Giê-hô-va không bao giờ làm dân Ngài thất vọng, và chắc chắn chúng ta phải trung thành với Ngài. (Thi-thiên 94:14) Ngài đã tỏ lòng thương xót và trắc ẩn khi phá hỏng các kế hoạch của kẻ thù và giải cứu Đa-vít. Biết ơn về điều này, Đa-vít đã tuyên xưng tình yêu thương vững bền, không gì lay chuyển của ông đối với Đấng Giải Cứu mình. Với cảm xúc sâu xa, ông hát: “Hỡi Đức Chúa Trời, lòng tôi vững-chắc, lòng tôi vững-chắc; tôi sẽ hát, phải, tôi sẽ hát ngợi-khen”.—Thi-thiên 57:7.

22 Giống như Đa-vít, tín đồ thật của Đấng Christ bền lòng tận tụy với Đức Chúa Trời. Với tấm lòng vững chắc, họ xem Đức Giê-hô-va là Đấng giải cứu và che chở họ, Đấng mà họ vui mừng ca hát ngợi khen. Nếu lòng bạn vững chắc, bạn sẽ tin cậy nơi Đức Chúa Trời, và với sự giúp đỡ của Ngài, bạn có thể hoàn thành sự dâng mình của bạn. Đúng vậy, bạn có thể giống như “người công-bình” mà Đa-vít hát: “Người không sợ cái tin hung; lòng người vững-bền, tin-cậy nơi Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 112:6, 7) Với đức tin và sự tin cậy trọn vẹn nơi Đức Chúa Trời, bạn có thể sống đúng với sự dâng mình và tiếp tục phụng sự Ngài với tấm lòng vững chắc.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao phải tiếp tục thâu nhận sự hiểu biết chính xác của Kinh Thánh?

• Tại sao phải nhớ việc chúng ta đã ăn năn và cải hóa?

• Chúng ta được lợi ích thế nào khi ghi nhớ sự dâng mình và báp têm của mình?

• Điều gì sẽ giúp chúng ta tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va với tấm lòng vững chắc?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 18]

Xem thánh chức của tín đồ Đấng Christ là công việc chính yếu giúp chúng ta tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va với tấm lòng vững chắc

[Hình nơi trang 18]

Bạn có đang duy trì sức khỏe thiêng liêng bằng cách đọc Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày không?