Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Cầu nguyện Đức Chúa Trời mà không nói “nhân danh Chúa Giê-su” hoặc câu tương tự có đúng không?

Kinh Thánh dạy rằng tín đồ Đấng Christ nào muốn cầu nguyện Đức Giê-hô-va cần phải dâng lời cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã phán cùng các môn đồ rằng: “Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”. Ngài cũng nói thêm: “Các ngươi nhân danh ta mà cầu-xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho”.—Giăng 14:6, 13, 14.

Đề cập đến vị thế độc nhất của Chúa Giê-su, quyển Cyclopedia of Biblical, Theological, and Ecclesiastical Literature (Bách khoa tự điển văn chương Kinh Thánh, thần học và giáo hội) viết: “Lời cầu nguyện chỉ được dâng cho một mình Đức Chúa Trời, qua trung gian Chúa Giê-su Christ là Đấng Trung Bảo. Vì thế, mọi lời cầu xin dâng lên các thánh hoặc thiên sứ không những vô ích mà còn là phạm thượng nữa. Mọi hình thức thờ phượng các vật thọ tạo, dù là một tạo vật cao cả đến đâu đi nữa, đều bị lên án là thờ hình tượng và bị luật pháp thánh của Đức Chúa Trời nghiêm cấm”.

Vậy nếu một người, sau một kinh nghiệm quý báu, thốt lên “Cám ơn Đức Giê-hô-va” mà không nói “nhân danh Chúa Giê-su” thì sao? Điều này có sai không? Không nhất thiết là sai. Giả dụ một tín đồ Đấng Christ bất thình lình gặp nguy hiểm và bật kêu lên “Đức Giê-hô-va, xin hãy giúp con!” Đức Chúa Trời chắc chắn không từ chối giúp đỡ chỉ vì tôi tớ Ngài đã không nói “nhân danh Chúa Giê-su”.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng việc lớn tiếng kêu hay gọi, dù là cùng Đức Chúa Trời, bản thân nó không phải là một lời cầu nguyện. Chẳng hạn, sau khi đã bị Đức Giê-hô-va phán xét vì tội giết em mình là A-bên, Ca-in nói: “Sự hình-phạt tôi nặng quá mang không nổi. Nầy, ngày nay, Chúa đã đuổi tôi ra khỏi đất nầy, tôi sẽ lánh mặt Chúa, sẽ đi lưu-lạc trốn-tránh trên đất; rồi, xảy có ai gặp tôi, họ sẽ giết đi”. (Sáng-thế Ký 4:13, 14) Tuy Ca-in đang nói cùng Đức Giê-hô-va, nhưng cảm xúc bột phát đó là lời phàn nàn về hậu quả đắng cay của tội lỗi.

Kinh Thánh nói rằng: “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”. Nói chuyện ngang hàng với Đấng Chí Cao, xem Ngài như loài người tầm thường quả là một thái độ thiếu khiêm tốn. (Gia-cơ 4:6; Thi-thiên 47:2; Khải-huyền 14:7) Khi cầu nguyện, cố tình không nhìn biết Chúa Giê-su Christ, mặc dầu đã biết những gì Lời Đức Chúa Trời nói về vai trò của ngài, cũng thể hiện thái độ bất kính.—Lu-ca 1:32, 33.

Điều này không có nghĩa là Đức Giê-hô-va đòi hỏi phải cầu nguyện theo một kiểu đặc biệt hoặc công thức đã định sẵn. Yếu tố quan trọng chính là tấm lòng của chúng ta. (1 Sa-mu-ên 16:7) Vào thế kỷ thứ nhất CN, một đội trưởng La Mã tên Cọt-nây đã “cầu-nguyện Đức Chúa Trời luôn không thôi”. Là một người ngoại không cắt bì, Cọt-nây lúc ấy chưa dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Mặc dù rất có thể ông ta không cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su, nhưng những lời cầu nguyện này “đã lên thấu Đức Chúa Trời, và Ngài đã ghi-nhớ lấy”. Tại sao? Vì “Đấng dò xét lòng” thấy được rằng Cọt-nây là người ‘đạo-đức và kính-sợ Đức Chúa Trời’. (Công-vụ 10:2, 4; Châm-ngôn 17:3, NW) Sau khi học biết về “Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét”, Cọt-nây đã nhận được thánh linh và làm báp têm trở thành môn đồ của Chúa Giê-su.—Công-vụ 10:30-48.

Tóm lại, loài người không có quyền quyết định những lời cầu nguyện nào được Đức Chúa Trời lắng nghe. Nếu một tín đồ Đấng Christ thỉnh thoảng bày tỏ cùng Đức Chúa Trời và quên nói “nhân danh Chúa Giê-su”, họ không nên mặc cảm tội lỗi về điều đó. Đức Giê-hô-va hiểu rất rõ các hạn chế của loài người và luôn muốn giúp đỡ chúng ta. (Thi-thiên 103:12-14) Chúng ta có thể tin cậy rằng nếu chúng ta thực hành đức tin nơi “Con Đức Chúa Trời..., theo ý-muốn Ngài mà cầu-xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta”. (1 Giăng 5:13, 14) Tuy nhiên, đặc biệt khi đại diện những người khác dâng lời cầu nguyện trước công chúng, những tín đồ thật của Đấng Christ nhìn nhận vai trò chính yếu của Chúa Giê-su trong ý định Đức Giê-hô-va đã được Kinh Thánh nói đến. Bởi đó, vâng lời dạy bảo, họ nỗ lực tôn vinh Chúa Giê-su qua việc cầu nguyện Đức Chúa Trời nhân danh Chúa Giê-su.