Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cảm thấy an ổn bây giờ—Được an ổn mãi mãi

Cảm thấy an ổn bây giờ—Được an ổn mãi mãi

Cảm thấy an ổn bây giờ​—⁠Được an ổn mãi mãi

TẠI SAO sự an ổn thường vuột khỏi tầm tay chúng ta và nếu tìm ra được nó, thì chỉ là tạm thời mà thôi? Phải chăng cảm giác an ổn chỉ dựa vào trí tưởng tượng, vào điều chúng ta mong đạt được chứ không dựa vào điều có thể đạt được? Nuôi ảo tưởng như vậy khác nào sống trong mơ.

Sức tưởng tượng cho phép trí óc thoát ly thực tế đầy sự bất an và bước vào một thế giới đẹp đẽ, yên ổn, đồng thời xua đuổi bất cứ sự gì có thể phá rối trật tự. Nhưng thường thì các vấn đề thình lình xen vào thế giới mộng mơ này và phũ phàng phá tan cảm giác hạnh phúc, làm người mơ mộng trở về với thực tế.

Chúng ta hãy xem xét một lĩnh vực mà người ta tìm kiếm sự an ổn: nơi sinh sống. Thí dụ, đô thị trông có vẻ đầy hứa hẹn, gợi ra hình ảnh cuộc sống hưởng thụ, lương hậu và nhà ở sang trọng. Đúng, những thứ đó dường như có thể đem lại sự an ổn người ta hằng mong đợi. Nhưng hình ảnh này có thực tế không?

Đô thị—Nơi ở an ổn hay ảo mộng?

Tại những nước đang phát triển, đô thị lôi cuốn người ta qua sự quảng cáo có thể thu hút sức tưởng tượng của nhiều người. Những tổ chức bảo trợ việc quảng cáo không hẳn là quan tâm đến sự an ổn của bạn, nhưng đúng hơn, họ lo cho doanh thu của họ. Họ che đậy các vấn đề trong thực tại bằng những hình ảnh về sự thành công biểu hiện sự an ổn. Bởi vậy, sự an ổn được liên kết với sản phẩm họ quảng cáo và đô thị.

Hãy xem xét thí dụ sau đây. Nhân viên chính phủ ở một thành phố thuộc Tây Phi dựng lên những biển minh họa một cách sống động rằng hút thuốc chẳng khác nào đốt tiền đã vất vả kiếm được. Đó là một phần của chiến dịch cảnh giác người dân chớ nên hút thuốc. Những nhà sản xuất và kinh doanh thuốc lá phản công bằng cách dựng lên những biển quảng cáo khéo trưng hình những người hút thuốc trong những cảnh hấp dẫn về hạnh phúc và thành công. Ngoài ra, một công ty thuốc lá cho nhân viên mặc đồng phục kiểu cọ và đội mũ chơi bóng chày màu sặc sỡ để phân phát thuốc lá cho người trẻ trên đường phố, khuyến khích mỗi người “thử một điếu”. Nhiều người trẻ từ dưới quê lên thành thị, ngây thơ tin vào thủ đoạn quảng cáo tài tình, đã bị lừa và cuối cùng nghiện thuốc lá. Những người trẻ ở dưới quê lên đô thị tìm việc làm ổn định để nuôi sống gia đình hoặc để làm giàu, nay lại đốt nhiều tiền kiếm được mà lẽ ra họ có thể sử dụng cho những mục đích tốt hơn.

Các lời quảng cáo miêu tả một cuộc sống thành đạt ở đô thị không luôn luôn xuất phát từ giới thương mại. Chúng có thể được truyền miệng từ những người đã dọn đến đô thị và ngượng, không dám trở về quê. Không muốn bị coi là thất bại, họ khoác lác về sự giàu sang và thành đạt của họ ở đô thị. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, sẽ thấy nếp sống của họ bây giờ không khá hơn đời sống trước kia ở dưới quê; họ vẫn phải vật lộn về tài chính giống như phần đông những người dân thành thị.

Những người mới lên thành phố để tìm sự an ổn thường rơi vào tay những kẻ bất nhân, đặc biệt ở những đô thị lớn. Tại sao? Thường là vì họ chưa có cơ hội kết bạn và sống xa gia đình. Bởi vậy không có ai khuyên bảo, giúp họ tránh những cạm bẫy của lối sống duy vật ở thành thị.

Josué không sa vào bẫy của thuốc lá. Ngoài ra, cậu hiểu ra rằng đời sống thành thị đòi hỏi quá nhiều điều và cậu lo không xuể. Trong trường hợp của cậu, thành thị chỉ có thể đem lại những ước mộng lớn, không thành. Cậu nhận ra mình không thấy an ổn thật sự ở thành thị; cậu không phải là dân thành thị. Cảm giác trống trải, tư tưởng tự ti và thất bại đã xâm chiếm cậu. Cuối cùng cậu dẹp bỏ tự ái và trở về làng.

Cậu sợ sẽ bị chế giễu. Trái lại, gia đình và những người bạn thật đã nhiệt thành đón cậu quay về làng. Nhờ cảnh gia đình ấm cúng, những cảnh vật quen thuộc trong làng, tình thương của những người bạn trong hội thánh Đấng Christ, chẳng mấy chốc cậu cảm thấy an ổn hơn ở đô thị rất nhiều, nơi mà mơ ước của nhiều người biến thành ác mộng. Cậu ngạc nhiên khi thấy nhờ siêng năng làm lụng với cha ngoài đồng áng mà cậu và gia đình cậu kiếm được nhiều tiền hơn mức thu nhập của cậu ở thành thị.

Tiền bạc—Vấn đề thật sự là gì?

Phải chăng tiền bạc sẽ đem lại cho bạn cảm giác an ổn? Chị Liz ở Canada nói: “Lúc trước khi còn trẻ, tôi tưởng tiền bạc giải thoát được mọi lo lắng”. Chị đã yêu một người đàn ông giàu có. Chẳng bao lâu họ kết hôn. Chị có thấy an ổn không? Chị Liz nói tiếp: “Khi tôi lấy chồng, chúng tôi có nhà cửa khang trang cùng hai chiếc xe hơi, và tình trạng tài chính của chúng tôi cho phép chúng tôi mặc tình hưởng thụ hầu như bất cứ điều gì về vật chất, du lịch và giải trí. Thật kỳ lạ, tôi vẫn lo lắng về tiền bạc”. Chị giải thích tại sao: “Chúng tôi có quá nhiều điều có thể mất được. Dường như là càng có nhiều, càng ít thấy an ổn hơn. Tiền bạc không giải thoát được mọi lo lâu hoặc phiền muộn”.

Nếu bạn cảm thấy không có đủ tiền để bảo đảm an ổn, hãy tự hỏi: ‘Vấn đề thật sự là gì? Có phải là thiếu tiền, hay là thiếu sự khôn ngoan trong việc quản lý tiền bạc?’ Ngẫm nghĩ về quá khứ, chị Liz nói: “Bây giờ tôi hiểu ra rằng nguồn gốc vấn đề của gia đình tôi hồi tôi còn trẻ là việc quản lý tiền bạc không khéo léo. Chúng tôi mua trả góp và do đó luôn luôn bị nợ nần chồng chất. Điều này dẫn đến lo lắng”.

Tuy nhiên, ngày nay chị Liz và chồng chị cảm thấy an ổn hơn, dù có ít tiền hơn. Khi học hỏi lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời, họ ngưng lắng nghe những lời cám dỗ về tiền bạc và bắt đầu nghe sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, kể cả những lời sau: “Ai khứng nghe ta ắt sẽ ở an-nhiên vô-sự, được bình-tịnh, không sợ tai-họa nào”. (Châm-ngôn 1:33) Họ muốn đời họ có nhiều ý nghĩa hơn là điều mà một tài khoản lớn trong ngân hàng có thể mang lại. Bây giờ, làm giáo sĩ ở một nước xa xôi, chị Liz và chồng chị dạy dỗ những người giàu cũng như nghèo rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời sắp đem lại sự an ổn thật sự trên khắp đất. Hoạt động này đem lại sự thỏa lòng và ổn định đến từ một mục đích cao thượng và những giá trị cao quý, chứ không phải từ lợi lộc tài chính.

Hãy nhớ lẽ thật cơ bản này: Giàu có nơi Đức Chúa Trời quý hơn là của cải vật chất. Từ đầu chí cuối Kinh Thánh, điều được nhấn mạnh không phải là việc sở hữu của cải vật chất, nhưng là một vị thế tốt trước mặt Đức Giê-hô-va, vị thế này có thể duy trì bằng cách tiếp tục trung thành làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su Christ khuyến khích chúng ta “giàu-có nơi Đức Chúa Trời” và thâu trữ ‘của báu ở trên trời’.—Lu-ca 12:21, 33.

Địa vị—Bạn đang đi về đâu?

Nếu bạn có khuynh hướng nghĩ rằng việc leo lên nấc thang xã hội đem lại sự an ổn, hãy tự hỏi: ‘Ai ở trên nấc thang xã hội đang thật sự an ổn? Tôi phải trèo cao đến đâu mới đạt được sự an ổn?’ Một sự nghiệp thành công có thể tạo cho bạn một cảm giác an ổn giả tạo, dẫn đến thất vọng, hoặc tệ hơn nữa, một thất bại thê thảm.

Những kinh nghiệm đời có thật cho thấy một danh tiếng trước mắt Đức Chúa Trời đem lại nhiều an ổn hơn danh giá trước mắt loài người. Chỉ có Đức Giê-hô-va mới có thể ban sự sống đời đời cho loài người được. Điều này đòi hỏi tên tuổi chúng ta phải được ghi chép trong sách sự sống của Đức Chúa Trời, chứ không phải trong niên giám danh nhân nào đó của loài người.—Xuất Ê-díp-tô Ký 32:32; Khải-huyền 3:5.

Khi gạt qua một bên những mơ tưởng hão huyền, bạn đánh giá thế nào tình thế hiện tại của mình, và bạn có thể thực sự mong ước gì nơi tương lai? Không ai có thể có tất cả. Một tín đồ khôn ngoan phát biểu như sau: “Tôi đã phải nhận biết rằng đời không bao giờ là cái này VÀ cái kia, mà là cái này HOẶC cái kia”. Hãy tạm dừng lại và đọc khung “Giai thoại ở Benin”.

Bây giờ bạn hãy trả lời những câu hỏi này: Mục tiêu quan trọng trong đời tôi là gì? Đâu là con đường ngắn nhất để đạt đến đích đó? Phải chăng tôi đang đi trên một con đường lòng vòng, bất an, và điều thực tế mà tôi thật sự muốn có thể được thực hiện bằng một con đường ít phức tạp hơn?

Sau khi cho lời khuyên về giá trị tương đối của vật chất so với những điều thiêng liêng, Chúa Giê-su nói nên giữ cho mắt “đơn thuần”, tức là “nhìn thấy rõ”. (Ma-thi-ơ 6:22, Nguyễn Thế Thuấn) Ngài cho thấy rõ rằng những điều chính yếu trong đời là những giá trị và mục tiêu thiêng liêng tập trung vào danh Đức Chúa Trời và Nước Trời. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Những điều khác kém quan trọng hơn, hoặc có thể nói là không rõ nét.

Nhiều máy chụp ảnh ngày nay tự động điều chỉnh tiêu điểm để chụp hết các vật gần như xa. Bạn có khuynh hướng giống như thế không? Có phải hầu hết vật gì bạn cũng thấy “rõ nét”—tức là quan trọng, đáng chuộng và ao ước là có thể đạt tới không? Nếu sự mô tả này có phần nào đúng với bạn, mục tiêu quan trọng của tín đồ Đấng Christ, Nước Trời, có thể dễ dàng bị nhòa đi vì những hình ảnh lộn xộn khác, cái nào cũng thu hút sự chú ý của bạn. Chúa Giê-su khuyên bảo mạnh mẽ: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”.—Ma-thi-ơ 6:33.

Sự an ổn bây giờ và mãi mãi

Tất cả chúng ta có lẽ đều mơ ước những điều tốt lành hơn cho chính mình và những người thân yêu. Tuy nhiên, sự kiện chúng ta bất toàn, sống trong một thế giới bất toàn và có quãng đời ngắn ngủi buộc chúng ta phải hạn chế những điều chúng ta hy vọng có thể đạt được trên thực tế. Một người viết Kinh Thánh giải thích cách đây hàng ngàn năm: “Ta xây lại thấy dưới mặt trời có kẻ lẹ làng chẳng được cuộc chạy đua, người mạnh sức chẳng được thắng trận, kẻ khôn-ngoan không đặng bánh, kẻ thông-sáng chẳng hưởng của-cải, và người khôn-khéo chẳng được ơn; vì thời-thế và cơ-hội xảy đến cho mọi người”.—Truyền-đạo 9:11.

Đôi khi chúng ta quá mải miết trong các việc hàng ngày của đời sống khiến chúng ta quên đi sự kiện quan trọng hơn: mình là ai và thật sự cần gì để cảm thấy an toàn. Hãy xem xét những lời khôn ngoan cổ xưa này: “Kẻ tham tiền-bạc chẳng hề chán-lắc tiền-bạc; kẻ ham của-cải chẳng hề chán về huê-lợi. Điều đó cũng là sự hư-không. Giấc ngủ của người làm việc là ngon, mặc dầu người ăn ít hay nhiều; nhưng sự chán-lắc [“sự sung túc”, NW] làm cho người giàu không ngủ được”. (Truyền-đạo 5:10, 12) Vậy, sự an ổn của bạn đến từ đâu?

Nếu tình trạng của bạn cũng từa tựa như điều ước mơ không thành của Josué, bạn có thể nào thay đổi kế hoạch không? Những người thật sự yêu mến bạn sẽ ủng hộ bạn, giống như gia đình và bạn bè của Josué trong hội thánh Đấng Christ. Bạn có thể tìm thấy sự an ổn lớn hơn trong môi trường khiêm tốn, bên cạnh những người yêu thương bạn thay vì ở đô thị với những người có thể tìm cách lợi dụng bạn.

Nếu bạn sống dư dật, như chị Liz và chồng chị trước đây, có thể nào bạn điều chỉnh lối sống của bạn hầu dành nhiều thì giờ và năng lực hơn vào việc giúp đỡ người khác, cả giàu lẫn nghèo, học biết về Nước Trời, phương tiện để đạt đến sự an ổn thật không?

Nếu bạn đã từng leo lên nấc thang xã hội hoặc thăng tiến trong công ty, có lẽ bạn nên thành thật suy ngẫm về động lực của mình. Đành rằng một số tiện nghi riêng của bạn có thể làm cho đời thêm thú vị, nhưng bạn có thể tiếp tục đặt Nước Trời—phương tiện thật sự để đạt được sự an ổn vĩnh cửu—làm trọng tâm không? Hãy nhớ lời Chúa Giê-su: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Nếu bạn tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, bạn sẽ cảm nghiệm được sự an ổn làm thỏa nguyện.

Những ai đặt tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va và Nước Trời tăng tiến trong sự an ổn làm phấn khởi bây giờ và trông mong sự an ổn trọn vẹn trong tương lai. Người viết Thi-thiên nói: “Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; tôi chẳng hề bị rúng-động, vì Ngài ở bên hữu tôi. Bởi cớ ấy lòng tôi vui-vẻ, linh-hồn tôi nức mừng-rỡ; xác tôi cũng sẽ nghỉ yên-ổn”.—Thi-thiên 16:8, 9.

[Khung/​Hình nơi trang 6]

Giai thoại ở Benin

Câu chuyện này đã được kể đi kể lại hàng ngàn lần dưới nhiều hình thức khác nhau. Gần đây, một bô lão làng quê ở Benin, Tây Phi, kể lại chuyện này cho một số người trẻ theo cách như sau:

Người đánh cá trở về nhà trên chiếc thuyền độc mộc và gặp một chuyên gia ngoại quốc phục vụ ở nước đang phát triển này. Chuyên gia hỏi người đánh cá tại sao ông về sớm như vậy. Ông trả lời rằng ông có thể đánh cá lâu hơn, nhưng ông đã kiếm được đủ cá để nuôi gia đình ông rồi.

Chuyên gia hỏi: “Vậy thì ông sẽ làm gì vào những lúc rảnh?”

Người đánh cá đáp: “Tôi đi câu cá lai rai, chơi đùa với con cái tôi. Tất cả chúng tôi đều đi ngủ trưa khi trời nóng. Và đến chiều tối thì chúng tôi lại ăn chung với nhau. Sau đó, tôi họp mặt với bạn bè và nghe nhạc, v.v...”.

Chuyên gia ngắt lời: “Này, tôi đã tốt nghiệp đại học và đã nghiên cứu những vấn đề này. Tôi muốn giúp ông. Ông nên đánh cá lâu hơn. Ông sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và chẳng bao lâu ông sẽ đủ sức mua một tàu đánh cá to hơn chiếc thuyền độc mộc này. Với tàu đánh cá, ông sẽ càng kiếm nhiều tiền hơn nữa và chẳng bao lâu ông sẽ lập được một đội tàu dùng lưới rà”.

Ông đánh cá hỏi: “Rồi sao nữa?”

“Sau đó, thay vì bán cá qua một người môi giới, ông có thể thương lượng trực tiếp với xí nghiệp, thậm chí làm chủ một nhà máy chế biến cá. Ông có thể rời làng mạc và dọn đến ở Cotonou, hoặc Paris, hay New York và cai quản mọi việc ngay tại đó. Ông có thể ngay cả xem xét việc đưa doanh nghiệp của ông vào thị trường chứng khoán và kiếm được hàng triệu bạc”.

Người đánh cá hỏi: “Tất cả những chuyện đó phải mất bao lâu?”

Chuyên gia đáp: “Khoảng 15 đến 20 năm”.

Người đánh cá hỏi tiếp: “Sau đó thì sao?”

Chuyên gia giải thích: “Đấy là lúc cuộc đời bắt đầu thú vị. Lúc ấy ông có thể về hưu. Ông có thể rời tất cả cái hối hả ngược xuôi ấy và đi đến một ngôi làng xa xôi nào đó”.

Người đánh cá lại hỏi: “Và rồi sao nữa?”

“Và rồi ông sẽ có thì giờ đi câu cá lai rai, chơi đùa với con cái ông, ngủ trưa khi trời nóng, ăn tối cùng với gia đình, họp mặt với bạn bè và nghe nhạc”.

[Các hình nơi trang 7]

Việc thăng chức có mang lại sự an ổn không?

[Các hình nơi trang 8]

Anh em tín đồ Đấng Christ thật sự quan tâm đến sự an ổn của bạn