Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy để nguyên tắc Đức Chúa Trời hướng dẫn bạn

Hãy để nguyên tắc Đức Chúa Trời hướng dẫn bạn

Hãy để nguyên tắc Đức Chúa Trời hướng dẫn bạn

“[Đức Giê-hô-va] dạy cho ngươi được ích”.—Ê-SAI 48:17.

1. Đấng Tạo Hóa dẫn dắt loài người bằng cách nào?

KHI các khoa học gia cố hết sức để giải tỏ sự bí mật của vũ trụ, họ rất ngạc nhiên trước năng lượng to tát tiềm tàng trong vũ trụ chung quanh chúng ta. Mặt trời—một ngôi sao cỡ trung bình—sản xuất nhiều năng lượng bằng năng lượng của “100 tỷ bom khinh khí nổ trong mỗi giây”. Đấng Tạo Hóa có thể kiểm soát và hướng dẫn những thiên thể to lớn đó bằng quyền năng vô hạn của Ngài. (Gióp 38:32; Ê-sai 40:26) Còn về phần loài người chúng ta, được ban cho tự do ý chí, khả năng đạo đức, lý trí, và hiểu biết những điều thiêng liêng thì sao? Đấng Tạo Hóa chọn cách nào để hướng dẫn chúng ta? Ngài yêu thương dẫn dắt chúng ta bằng luật pháp trọn vẹn và nguyên tắc cao cả, cùng với lương tâm được uốn nắn kỹ của chúng ta.—2 Sa-mu-ên 22:31; Rô-ma 2:14, 15.

2, 3. Đức Chúa Trời vui lòng khi chúng ta vâng lời Ngài cách nào?

2 Đức Chúa Trời vui lòng khi thấy những tạo vật thông minh vâng lời Ngài cách tự nguyện. (Châm-ngôn 27:11) Thay vì lập trình để chúng ta mù quáng vâng phục như người máy, Đức Giê-hô-va phú cho chúng ta quyền tự do lựa chọn để có thể sáng suốt quyết định làm điều đúng.—Hê-bơ-rơ 5:14.

3 Chúa Giê-su, hoàn toàn phản ánh Cha, đã phán với môn đồ: “Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn-hữu ta. Ta chẳng gọi các ngươi là đầy-tớ nữa”. (Giăng 15:14, 15) Thời xưa, một đầy tớ không có quyền chọn lựa mà chỉ vâng lệnh chủ. Trái lại, tình bạn có được nhờ biểu lộ những đức tính đáng chuộng. Chúng ta có thể trở thành bạn Đức Giê-hô-va. (Gia-cơ 2:23) Tình bạn này được củng cố nhờ chúng ta yêu Ngài và Ngài yêu chúng ta. Chúa Giê-su liên kết sự vâng lời Đức Chúa Trời với tình yêu thương khi nói: “Nếu ai yêu-mến ta, thì vâng-giữ lời ta, Cha ta sẽ thương-yêu người”. (Giăng 14:23) Vì yêu thương và muốn hướng dẫn chúng ta an toàn, Đức Giê-hô-va kêu gọi chúng ta sống theo nguyên tắc Ngài.

Nguyên tắc của Đức Chúa Trời

4. Nguyên tắc được miêu tả như thế nào?

4 Nguyên tắc là gì? Nguyên tắc được định nghĩa là một chân lý chung hoặc cơ bản: một luật pháp, giáo lý, hoặc sự giả định bao quát và cơ bản mà dựa vào đó những luật lệ khác được hình thành. Sự nghiên cứu Kinh Thánh tỉ mỉ cho thấy Cha trên trời ban cho chúng ta những nguyên tắc cơ bản bao hàm nhiều tình huống và khía cạnh khác nhau của đời sống. Ngài cung cấp những nguyên tắc vì lợi ích muôn đời của chúng ta. Điều này phù hợp với những gì Vua Sa-lô-môn khôn ngoan đã viết: “Hỡi con, hãy nghe và tiếp-nhận các lời ta; thì năm tháng của đời con sẽ được thêm nhiều lên. Ta đã dạy-dỗ con đường khôn-ngoan, dẫn con đi trong các lối ngay-thẳng”. (Châm-ngôn 4:10, 11) Những nguyên tắc cơ bản mà Đức Giê-hô-va ban cho ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với Ngài và với người đồng loại, đến sự thờ phượng và lối sống hàng ngày của chúng ta. (Thi-thiên 1:1) Chúng ta hãy xem xét một số nguyên tắc cơ bản đó.

5. Hãy cho thí dụ về một số nguyên tắc cơ bản.

5 Chúa Giê-su nói về mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi”. (Ma-thi-ơ 22:37) Ngoài ra, Đức Chúa Trời còn ban cho những nguyên tắc liên quan đến cách cư xử của chúng ta với người đồng loại, chẳng hạn như Luật Vàng: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. (Ma-thi-ơ 7:12; Ga-la-ti 6:10; Tít 3:2) Về sự thờ phượng, chúng ta được khuyên: “Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành; chớ bỏ sự nhóm lại”. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Về những khía cạnh trong đời sống hàng ngày, sứ đồ Phao-lô nói: “Anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm”. (1 Cô-rinh-tô 10:31) Còn có vô số những nguyên tắc khác trong Lời Đức Chúa Trời.

6. Nguyên tắc khác với luật pháp như thế nào?

6 Nguyên tắc là lẽ thật sống động, thiết yếu, và tín đồ Đấng Christ khôn ngoan tập yêu thích những nguyên tắc ấy. Đức Giê-hô-va soi dẫn Sa-lô-môn để viết: “Hãy chăm-chỉ về các lời ta, khá nghiêng tai nghe những bài giảng-thuyết ta. Các lời ấy chớ để xa khỏi mắt con, hãy giữ lấy nơi lòng con. Vì lời ấy là sự sống cho người nào tìm được nó, và sự khỏe-mạnh cho toàn thân-thể của họ”. (Châm-ngôn 4:20-22) Nguyên tắc khác với luật pháp như thế nào? Nguyên tắc tạo thành nền tảng cho luật pháp. Những quy tắc, thường có tính cách cụ thể, có thể áp dụng một thời gian hoặc trong tình thế đặc biệt nào đó, nhưng nguyên tắc thì vô thời hạn. (Thi-thiên 119:111) Những nguyên tắc của Đức Chúa Trời không trở nên lỗi thời hay qua đi. Lời được soi dẫn của nhà tiên tri Ê-sai chứng tỏ đúng: “Cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!”—Ê-sai 40:8.

Suy nghĩ và hành động dựa trên nguyên tắc

7. Lời Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta suy nghĩ và hành động dựa trên nguyên tắc như thế nào?

7 Nhiều lần “lời của Đức Chúa Trời chúng ta” khuyến khích chúng ta suy nghĩ và hành động dựa trên nguyên tắc. Khi được hỏi tóm tắt lại Luật Pháp, Chúa Giê-su phán hai câu đầy súc tích—một câu nhấn mạnh đến tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va, câu kia nhấn mạnh đến tình yêu thương người đồng loại. (Ma-thi-ơ 22:37-40) Khi phán lời ấy, Chúa Giê-su trích một phần từ lời tóm tắt ngắn gọn trước đó về nguyên lý cơ bản của Luật Môi-se, được ghi nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4, 5: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”. Chắc hẳn là Chúa Giê-su cũng nghĩ đến điều luật nơi Lê-vi Ký 19:18. Trong phần kết luận rõ ràng, súc tích và hùng hồn của sách Truyền-đạo, lời Vua Sa-lô-môn tóm tắt nhiều luật của Đức Chúa Trời: “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết này: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán-xét các công-việc, đến nỗi việc kín-nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy”.—Truyền-đạo 12:13, 14; Mi-chê 6:8.

8. Tại sao có sự hiểu biết vững chắc về những nguyên tắc cơ bản là sự che chở cho chúng ta?

8 Có sự hiểu biết vững chắc về những nguyên tắc cơ bản có thể giúp chúng ta hiểu và áp dụng những quy luật cụ thể hơn. Ngoài ra, nếu không hiểu kỹ và không chấp nhận trọn vẹn những nguyên tắc cơ bản, chúng ta không thể nào quyết định khôn ngoan, và đức tin chúng ta có thể dễ bị lung lay. (Ê-phê-sô 4:14) Nếu ghi nhớ kỹ những nguyên tắc đó trong lòng và trí, chúng ta sẽ sẵn sàng dùng chúng trong lúc phải quyết định. Khi áp dụng những nguyên tắc ấy với sự hiểu biết, chúng ta sẽ thành công.—Giô-suê 1:8; Châm-ngôn 4:1-9.

9. Tại sao không luôn luôn dễ nhận rõ và áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh?

9 Nhận biết và áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh không phải dễ dàng như làm theo một bộ luật. Là người bất toàn, chúng ta có thể muốn tránh nỗ lực nào đòi hỏi phải suy luận dựa trên nguyên tắc. Chúng ta có lẽ thích có một luật lệ rõ ràng khi đứng trước một quyết định hoặc vấn đề nan giải. Đôi khi chúng ta đến với một tín đồ thành thục—có thể một trưởng lão trong hội thánh—để xin sự hướng dẫn, mong nhận được một luật lệ rõ ràng áp dụng cho tình cảnh chúng ta. Nhưng Kinh Thánh hoặc ấn phẩm giải thích Kinh Thánh có lẽ không cho một luật lệ rõ ràng, và dù chúng ta được cho một luật, nó có thể không áp dụng cho mọi khía cạnh và trường hợp. Bạn chắc nhớ một người đã hỏi Chúa Giê-su: “Thưa thầy, xin bảo anh con chia gia tài cho con”. Thay vì nhanh chóng cho một luật để giải quyết vụ tranh chấp giữa anh em, Chúa Giê-su cho người ấy một nguyên tắc tổng quát hơn: “Hãy thận trọng, đề phòng mọi thứ tham lam”. Bằng cách ấy, Chúa Giê-su cho một lời hướng dẫn hữu ích từ thời đó cho đến ngày nay.—Lu-ca 12:13-15, Bản Dịch Mới.

10. Việc chúng ta hành động phù hợp với các nguyên tắc cho thấy động lực trong lòng mình như thế nào?

10 Có lẽ bạn đã thấy những người có khuynh hướng miễn cưỡng vâng theo luật pháp, vì sợ bị trừng phạt. Tôn trọng nguyên tắc giúp loại bỏ thái độ đó. Chính bản chất của các nguyên tắc khiến những người được nguyên tắc chi phối sẵn sàng vâng theo. Thật vậy, đa số các nguyên tắc không bao hàm sự trừng phạt ngay lập tức đối với những người không làm theo. Đây là dịp cho chúng ta biết tại sao mình vâng lời Đức Giê-hô-va, động lực trong lòng chúng ta là gì. Chúng ta thấy gương Giô-sép không nghe theo vợ Phô-ti-pha quyến dụ làm chuyện vô luân. Mặc dù Đức Giê-hô-va lúc ấy chưa ban luật cấm ngoại tình và không ra án phạt cho những người ăn ở với vợ người khác, nhưng Giô-sép nhận biết nguyên tắc về sự chung thủy trong hôn nhân do Đức Chúa Trời quy định. (Sáng-thế Ký 2:24; 12:18-20) Qua câu trả lời của ông, chúng ta có thể thấy những nguyên tắc đó tác động mạnh đến ông: “Thế nào tôi dám làm điều đại-ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?”—Sáng-thế Ký 39:9.

11. Tín đồ Đấng Christ muốn được nguyên tắc Đức Giê-hô-va hướng dẫn trong những khía cạnh nào?

11 Ngày nay, tín đồ Đấng Christ muốn được nguyên tắc Đức Giê-hô-va hướng dẫn trong những vấn đề cá nhân, chẳng hạn về việc chọn bạn, giải trí, âm nhạc và tài liệu sách báo. (1 Cô-rinh-tô 15:33; Phi-líp 4:8) Khi gia tăng kiến thức, sự hiểu biết và lòng yêu mến Đức Giê-hô-va cùng với tiêu chuẩn Ngài, lương tâm hoặc ý thức đạo đức của chúng ta sẽ giúp chúng ta áp dụng nguyên tắc Đức Chúa Trời trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong những vấn đề rất riêng tư. Được các nguyên tắc Kinh Thánh hướng dẫn, chúng ta sẽ không tìm kẽ hở trong luật pháp Đức Chúa Trời; cũng không bắt chước những người tìm cách xem mình có thể đi xa đến mức nào mà không thực sự vi phạm luật pháp nào đó. Chúng ta nhận biết rằng suy nghĩ như thế là thất sách và tai hại.—Gia-cơ 1:22-25.

12. Bí quyết để được nguyên tắc Đức Chúa Trời hướng dẫn là gì?

12 Tín đồ Đấng Christ thành thục nhận biết bí quyết để làm theo nguyên tắc Đức Chúa Trời là phải biết Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về một vấn đề. Người viết Thi-thiên khuyên: “Hỡi những kẻ yêu-mến Đức Giê-hô-va, hãy ghét sự ác”. (Thi-thiên 97:10) Kể ra một số điều Đức Chúa Trời cho là ác, Châm-ngôn 6:16-19 nói: “Có sáu điều Đức Giê-hô-va ghét, và bảy điều Ngài lấy làm gớm-ghiếc: Con mắt kiêu-ngạo, lưỡi dối-trá, tay làm đổ huyết vô-tội; lòng toan những mưu ác, chân vội-vàng chạy đến sự dữ, kẻ làm chứng gian và nói điều dối, cùng kẻ gieo sự tranh-cạnh trong vòng anh em”. Khi biết Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về những điều cơ bản đó và muốn để cảm giác Ngài chi phối đời sống chúng ta thì việc sống phù hợp với nguyên tắc trở thành một thực hành nhất quán.—Giê-rê-mi 22:16.

Cần động lực tốt

13. Chúa Giê-su nhấn mạnh đến lối suy nghĩ nào trong Bài Giảng trên Núi?

13 Biết và áp dụng nguyên tắc cũng che chở chúng ta tránh sự thờ phượng chiếu lệ, theo hình thức bề ngoài. Có sự khác biệt giữa việc theo nguyên tắc và khắt khe tuân thủ luật lệ. Chúa Giê-su cho thấy rõ điều này trong Bài Giảng trên Núi. (Ma-thi-ơ 5:17-48) Hãy nhớ những người nghe Chúa Giê-su là Do Thái, vì vậy Luật Môi-se hẳn đã chi phối cách cư xử của họ. Nhưng trên thực tế họ có quan điểm sai lệch về Luật Pháp. Họ nhấn mạnh đến các chi tiết thay vì tinh thần của Luật Pháp. Và họ nhấn mạnh đến truyền thống, đặt lên trên sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 12:9-12; 15:1-9) Hậu quả là dân chúng nói chung không được dạy để suy nghĩ dựa trên các nguyên tắc.

14. Chúa Giê-su giúp những người nghe ngài suy nghĩ dựa trên nguyên tắc như thế nào?

14 Trái lại, trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su bao hàm những nguyên tắc trong năm khía cạnh về đạo đức: sự tức giận, hôn nhân và ly dị, lời hứa, trả thù, yêu và ghét. Trong mỗi trường hợp, Chúa Giê-su cho biết lợi ích của việc làm theo nguyên tắc. Bằng cách ấy Chúa Giê-su nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của môn đồ ngài. Thí dụ, về vấn đề ngoại tình, ngài cho chúng ta nguyên tắc là phải đề phòng không những về hành động mà còn cả tư tưởng và ước muốn: “Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi”.—Ma-thi-ơ 5:28.

15. Làm sao chúng ta có thể tránh khuynh hướng tuân thủ luật pháp một cách khắt khe?

15 Thí dụ này cho thấy rằng chúng ta không bao giờ nên quên mục đích và tinh thần của các nguyên tắc Đức Giê-hô-va. Chắc chắn chúng ta không nên cố chiếm được ân huệ Đức Chúa Trời bằng vẻ đạo đức bề ngoài. Chúa Giê-su vạch trần tính chất dối trá của thái độ đó bằng cách nói đến lòng thương xót và yêu thương của Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 12:7; Lu-ca 6:1-11) Làm theo nguyên tắc Kinh Thánh, chúng ta sẽ tránh việc cố gắng sống (hoặc đòi hỏi người khác sống) theo một dọc những luật lệ khắt khe nên và không nên làm, đi quá những dạy dỗ của Kinh Thánh. Chúng ta sẽ quan tâm về các nguyên tắc yêu thương và vâng lời Đức Chúa Trời hơn là về sự thờ phượng bề ngoài.—Lu-ca 11:42.

Kết quả vui mừng

16. Hãy cho thí dụ về những nguyên tắc nằm trong một số luật lệ của Kinh Thánh.

16 Khi cố gắng vâng lời Đức Giê-hô-va, điều quan trọng là nhận biết luật pháp Ngài được căn cứ trên các nguyên tắc cơ bản. Thí dụ, tín đồ Đấng Christ phải tránh thờ hình tượng, vô luân và dùng huyết. (Công-vụ 15:28, 29) Lập trường của tín đồ Đấng Christ về những vấn đề đó căn cứ trên điều gì? Đức Chúa Trời đáng cho chúng ta thờ phượng chuyên độc; chúng ta phải chung thủy với người hôn phối; và Đức Giê-hô-va là Đấng Ban Sự Sống. (Sáng-thế Ký 2:24; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5; Thi-thiên 36:9) Hiểu những nguyên tắc bên trong giúp chúng ta dễ chấp nhận và làm theo những luật liên hệ.

17. Kết quả tốt nào có thể đến từ việc hiểu được và áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh?

17 Khi nhận ra những nguyên tắc bên trong và đem ra áp dụng, chúng ta nhận thấy những nguyên tắc đó có lợi cho chúng ta. Những ân phước thiêng liêng mà dân Đức Chúa Trời được hưởng thường đi kèm với những lợi ích rõ rệt. Thí dụ, những người kiêng thuốc lá, sống đạo đức và tôn trọng sự thánh khiết của huyết tránh khỏi bệnh tật. Tương tự, sống phù hợp với lẽ thật Kinh Thánh có thể mang lại lợi ích về mặt kinh tế, xã hội, hoặc gia đình. Bất cứ lợi ích cụ thể nào chứng tỏ là tiêu chuẩn Đức Giê-hô-va có giá trị và thực sự thực tiễn. Nhưng có được lợi ích thực tiễn như thế tự nó không phải là lý do chính để áp dụng nguyên tắc Đức Chúa Trời. Tín đồ thật của Đấng Christ vâng lời Đức Giê-hô-va vì họ yêu thương Ngài, vì Ngài đáng cho họ thờ phượng và vì làm thế là đúng.—Khải-huyền 4:11.

18. Nếu muốn trở nên những tín đồ Đấng Christ thành công, chúng ta nên để điều gì hướng dẫn đời sống mình?

18 Để nguyên tắc Kinh Thánh hướng dẫn đời sống chúng ta sẽ đưa đến một lối sống cao hơn, điều này có thể thu hút người khác đến với đường lối của Đức Chúa Trời. Quan trọng hơn hết, lối sống chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va. Chúng ta nhận biết Đức Giê-hô-va thật là một Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Khi quyết định điều gì phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh và thấy cách Đức Giê-hô-va ban phước, chúng ta cảm thấy gần gũi Ngài hơn. Đúng vậy, mối quan hệ yêu thương của chúng ta với Cha trên trời càng thêm sâu đậm.

Bạn nhớ không?

• Nguyên tắc là gì?

• Nguyên tắc khác với luật pháp ra sao?

• Tại sao suy nghĩ và hành động dựa trên nguyên tắc có lợi cho chúng ta?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 20]

Wilson, một tín đồ Đấng Christ ở Ghana, được cho biết là trong vài ngày nữa, anh sẽ bị đuổi việc. Vào ngày chót, anh được chỉ định rửa xe riêng của ông giám đốc quản lý hãng. Khi Wilson tìm thấy một số tiền trong xe, sếp anh nói Đức Chúa Trời đã gửi món tiền đó vì anh sắp bị cho nghỉ việc ngày đó. Tuy nhiên, áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh về tính lương thiện, Wilson đưa lại món tiền cho giám đốc. Ngạc nhiên và cảm kích, ông giám đốc không những mướn Wilson lại ngay mà còn thăng chức cho anh lên làm nhân viên cấp cao trong hãng.—Ê-phê-sô 4:28.

[Khung nơi trang 21]

Rukia là một phụ nữ ngoài 60 tuổi người Albania. Vì có sự bất hòa trong gia đình, Rukia không nói chuyện với người anh hơn 17 năm. Khi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và biết được tín đồ thật của Đấng Christ phải hòa thuận với người khác, không oán giận ai. Sau khi cầu nguyện cả đêm, và với lòng hồi hộp, tim đập mạnh, Rukia đi đến nhà anh. Đứa cháu ra mở cửa, đầy ngạc nhiên, nó hỏi: “Ai chết? Cô đến đây làm gì?” Rukia nói muốn gặp anh, và rồi điềm tĩnh giải thích cho anh biết rằng nhờ học về các nguyên tắc Kinh Thánh và về Đức Giê-hô-va nên chị phải làm hòa với anh. Sau khi khóc và ôm chầm nhau, họ ăn mừng cuộc sum họp đặc biệt này.—Rô-ma 12:17, 18.

[Hình nơi trang 23]

Ma-thi-ơ 5:27, 28

[Hình nơi trang 23]

Ma-thi-ơ 5:3

[Hình nơi trang 23]

Ma-thi-ơ 5:24

[Hình nơi trang 23]

“Đức Chúa Jêsus xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia; khi Ngài đã ngồi, thì các môn-đồ đến gần. Ngài bèn mở miệng mà truyền-dạy”.—MA-THI-Ơ 5:1, 2