Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Luật pháp Đức Chúa Trời nhằm đem lợi ích cho chúng ta

Luật pháp Đức Chúa Trời nhằm đem lợi ích cho chúng ta

Luật pháp Đức Chúa Trời nhằm đem lợi ích cho chúng ta

“Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao!”—THI-THIÊN 119:97.

1. Thái độ phổ thông đối với việc vâng phục luật pháp Đức Chúa Trời là gì?

NGÀY NAY, việc tuân theo luật pháp Đức Chúa Trời không mấy phổ thông. Đối với nhiều người, việc phục tùng một thẩm quyền cao hơn không thấy được dường như vô nghĩa. Chúng ta đang sống trong một thời đại luân lý tương đối, giữa phải và trái chỉ là làn ranh lờ mờ, trắng và đen lẫn lộn. (Châm-ngôn 17:15; Ê-sai 5:20) Phản ánh lối suy nghĩ phổ biến trong nhiều xã hội thế tục hóa, một cuộc thăm dò mới đây ghi nhận rằng “phần lớn dân Mỹ muốn tự mình quyết định điều gì là phải, tốt và có ý nghĩa”. Họ muốn “có một Đức Chúa Trời thả lỏng, luật lệ không khắt khe, không muốn có cấp trên mạnh về mặt đạo đức hay về mặt nào khác”. Một nhà phân tích xã hội nhận xét rằng ngày nay “người ta mong muốn mỗi người phải tự quyết định cho mình thế nào là một cuộc sống chính trực và đạo đức”. Ông nói tiếp: “Bất kỳ hình thức thẩm quyền cao hơn nào cũng phải sửa đổi những điều răn cho phù hợp với nhu cầu của con người thật”.

2. Luật pháp được đề cập đến lần đầu tiên trong Kinh Thánh có liên hệ mật thiết thế nào đến việc được Đức Chúa Trời ban phước và chấp nhận?

2 Vì có quá nhiều người nghi ngờ giá trị của luật pháp Đức Giê-hô-va, nên chúng ta cần củng cố niềm tin chắc là các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời đều nhằm đem lại lợi ích cho chúng ta. Điều lợi ích là xem xét lời tường thuật của Kinh Thánh, trong đó luật pháp được đề cập đến lần đầu tiên. Nơi Sáng-thế Ký 26:5, chúng ta đọc lời Đức Chúa Trời phán: “Áp-ra-ham... đã giữ điều ta phán dạy, lịnh, luật và lệ của ta”. Đức Giê-hô-va phán những lời này nhiều thế kỷ trước khi ban bộ luật chi tiết cho con cháu của Áp-ra-ham. Nhờ vâng lời, kể cả sự vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham đã được Ngài ban thưởng như thế nào? Giê-hô-va Đức Chúa Trời hứa với ông: “Các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước”. (Sáng-thế Ký 22:18) Do đó sự vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời gắn liền với việc được Ngài ban phước và chấp nhận.

3. (a) Một người viết Thi-thiên diễn tả cảm nghĩ nào về luật pháp của Đức Giê-hô-va? (b) Những câu hỏi nào đáng cho chúng ta chú ý?

3 Một trong những người viết Thi-thiên—có lẽ là một hoàng tử của Giu-đa và là một vị vua tương lai—đã diễn tả một cảm nghĩ thường không đi đôi với luật pháp. Ông thốt lên với Đức Chúa Trời: “Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao!” (Thi-thiên 119:97, chúng tôi viết nghiêng). Đây không chỉ là sự bộc phát về xúc cảm nhưng là sự biểu lộ lòng yêu mến đối với ý muốn Đức Chúa Trời được nêu ra trong luật pháp của Ngài. Chúa Giê-su Christ, người Con hoàn toàn của Đức Chúa Trời, có cảm nghĩ tương tự. Theo lời tiên tri, Chúa Giê-su nói như sau: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa, luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi”. (Thi-thiên 40:8; Hê-bơ-rơ 10:8) Về phần chúng ta thì sao? Chúng ta có vui mừng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời không? Chúng ta có tin chắc là luật pháp Đức Giê-hô-va hữu dụng và đem lại lợi ích không? Sự vâng theo luật pháp Đức Giê-hô-va chiếm chỗ nào trong sự thờ phượng, trong đời sống hàng ngày, trong các quyết định của chúng ta và trong các mối quan hệ với người khác? Để yêu mến luật pháp của Đức Chúa Trời, chúng ta nên tìm hiểu tại sao Đức Chúa Trời có quyền lập luật và thi hành luật.

Đức Giê-hô-va—Đấng Lập Luật chính đáng

4. Tại sao Đức Giê-hô-va là Đấng Lập Luật tối cao và chính đáng?

4 Là Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va là Đấng Lập Luật tối cao và chính đáng trong vũ trụ. (Khải-huyền 4:11) Nhà tiên tri Ê-sai nói: “Đức Giê-hô-va là Đấng lập luật cho chúng ta”. (Ê-sai 33:22) Ngài đã lập ra những luật về vật lý để điều hành tạo vật hữu sinh và vô sinh. (Gióp 38:4-38; 39:4-15; Thi-thiên 104:5-19) Là tạo vật của Đức Chúa Trời, con người phải tuân theo luật về vật lý của Đức Giê-hô-va. Và mặc dù con người có ý chí tự do, có khả năng tự lý luận nhưng chỉ hạnh phúc khi tự mình tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời về mặt thiêng liêng và đạo đức.—Rô-ma 12:1; 1 Cô-rinh-tô 2:14-16.

5. Nguyên tắc nơi Ga-la-ti 6:7 chứng tỏ là đúng đối với luật của Đức Chúa Trời như thế nào?

5 Như chúng ta biết, không ai có thể vi phạm định luật vật lý của Đức Giê-hô-va. (Giê-rê-mi 33:20, 21) Nếu đi ngược lại một số định luật vật lý, chẳng hạn như định luật về trọng lực, một người sẽ gánh chịu hậu quả. Cũng vậy, luật pháp đạo đức của Đức Chúa Trời không thể thay đổi; không ai có thể lươn lẹo tránh né hoặc vi phạm mà không bị trừng phạt. Những luật pháp này có hiệu lực cưỡng hành y như định luật vật lý vậy, mặc dù không thấy ngay hậu quả. “Đức Chúa Trời không chịu khinh-dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”.—Ga-la-ti 6:7; 1 Ti-mô-thê 5:24.

Phạm vi luật pháp của Đức Chúa Trời

6. Luật pháp của Đức Chúa Trời bao quát như thế nào?

6 Một điển hình đặc sắc về luật pháp của Đức Chúa Trời là Luật Pháp Môi-se. (Rô-ma 7:12) Cuối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã thay thế Luật Pháp Môi-se bằng “luật-pháp của Đấng Christ”. * (Ga-la-ti 6:2; 1 Cô-rinh-tô 9:21) Vì tín đồ Đấng Christ ở dưới “luật-pháp trọn-vẹn, là luật-pháp về sự tự-do” nên chúng ta nhận biết là Đức Chúa Trời không giới hạn sự hướng dẫn của Ngài ở một số khía cạnh nào đó trong đời sống chúng ta, chẳng hạn như về giáo lý hoặc nghi lễ. Tiêu chuẩn của Ngài chi phối mọi khía cạnh của đời sống, bao gồm lãnh vực gia đình, giao dịch kinh doanh, hạnh kiểm đối với người khác phái, thái độ đối với anh em tín đồ Đấng Christ, và việc tham gia vào sự thờ phượng thật.—Gia-cơ 1:25, 27.

7. Hãy cho thí dụ về những luật pháp quan trọng của Đức Chúa Trời.

7 Chẳng hạn, Kinh Thánh nói: “Những kẻ tà-dâm, kẻ thờ hình-tượng, kẻ ngoại-tình, kẻ làm giáng yểu-điệu, kẻ đắm nam-sắc, kẻ trộm-cướp, kẻ hà-tiện, kẻ say-sưa, kẻ chưởi-rủa, kẻ chắt-bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu”. (1 Cô-rinh-tô 6:9, 10) Đúng vậy, ngoại tình và tà dâm không đơn thuần là “chuyện yêu đương”. Đồng tính luyến ái cũng không đơn thuần là một “lối sống khác”. Những hành động này vi phạm luật pháp Đức Giê-hô-va. Và những việc như ăn cắp, nói dối và vu khống cũng là những vi phạm. (Thi-thiên 101:5; Cô-lô-se 3:9; 1 Phi-e-rơ 4:15) Gia-cơ lên án sự khoe khoang, trong khi Phao-lô khuyên chúng ta tránh những cuộc nói chuyện dại dột và giễu cợt tục tĩu. (Ê-phê-sô 5:4; Gia-cơ 4:16) Đối với tín đồ Đấng Christ, những qui tắc xử sự này nằm trong luật pháp trọn vẹn của Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 19:7.

8. (a) Bản chất luật pháp của Đức Giê-hô-va là gì? (b) Ý nghĩa cơ bản nằm sau chữ “luật-pháp” trong tiếng Hê-bơ-rơ là gì?

8 Những luật lệ cơ bản đó trong Lời Đức Giê-hô-va cho thấy rằng luật pháp Ngài không phải chỉ là một danh sách những luật cứng nhắc, đòi hỏi phải áp dụng từng chữ. Luật pháp Ngài tạo nền móng cho một đời sống thăng bằng và hữu dụng, ảnh hưởng tốt đến mọi khía cạnh của hạnh kiểm. Luật pháp của Đức Chúa Trời xây dựng, có đạo đức, và có tính cách dạy dỗ. (Thi-thiên 119:72) Chữ “luật-pháp” mà người viết Thi-thiên dùng được dịch ra từ chữ toh·rahʹ trong tiếng Hê-bơ-rơ. Một học giả Kinh Thánh phát biểu: “Chữ này ra bởi một động từ mang nghĩa chỉ đạo, hướng dẫn, nhắm vào, bắn về phía trước. Vậy chữ này... có thể có nghĩa là một qui tắc xử sự”. Đối với người viết Thi-thiên, luật pháp là một món quà đến từ Đức Chúa Trời. Cũng vậy, lẽ nào chúng ta lại không quý trọng luật pháp ấy và để chúng chi phối lối sống của chúng ta sao?

9, 10. (a) Tại sao chúng ta cần sự hướng dẫn đáng tin cậy? (b) Chúng ta chỉ có thể có một đời sống thành công và thú vị như thế nào?

9 Mọi tạo vật cần sự hướng dẫn đáng tin cậy. Điều này cũng áp dụng cho Chúa Giê-su và các thiên sứ là các đấng cao hơn loài người. (Thi-thiên 8:5; Giăng 5:30; 6:38; Hê-bơ-rơ 2:7; Khải-huyền 22:8, 9) Nếu các tạo vật hoàn toàn này được lợi ích từ sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời thì loài người bất toàn được lợi ích nhiều hơn biết bao! Lịch sử con người và kinh nghiệm bản thân chúng ta đã chứng tỏ nhận xét của nhà tiên tri Giê-rê-mi là xác thực: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”.—Giê-rê-mi 10:23.

10 Nếu muốn có một đời sống thành công và thú vị, chúng ta phải trông cậy vào sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Vua Sa-lô-môn ý thức mối nguy hiểm của việc sống theo tiêu chuẩn riêng, độc lập với sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời: “Có một con đường coi dường chánh-đáng cho loài người; nhưng đến cuối-cùng nó thành ra nẻo sự chết”.—Châm-ngôn 14:12.

Lý do để yêu mến luật pháp của Đức Giê-hô-va

11. Tại sao chúng ta phải ao ước hiểu luật pháp của Đức Chúa Trời?

11 Chúng ta nên vun trồng lòng ước ao thiết tha hiểu biết luật pháp của Đức Giê-hô-va. Người viết Thi-thiên diễn tả lòng khao khát ấy như sau: “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy sự lạ-lùng trong luật-pháp của Chúa”. (Thi-thiên 119:18) Càng hiểu biết Đức Chúa Trời và đường lối Ngài, chúng ta càng hiểu lẽ thật trong lời của Ê-sai sâu đậm hơn: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi. Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta!” (Ê-sai 48:17, 18) Đức Giê-hô-va tha thiết muốn dân Ngài tránh tai họa và vui hưởng sự sống bằng cách chú ý đến các điều răn của Ngài. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét một số lý do chính yếu tại sao chúng ta phải yêu mến luật pháp của Đức Chúa Trời.

12. Sự hiểu biết của Đức Giê-hô-va về chúng ta khiến Ngài là Đấng lập luật tốt nhất như thế nào?

12 Luật pháp Đức Chúa Trời đến từ Đấng biết chúng ta rõ nhất. Vì Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa của chúng ta, nên điều hợp lý là Ngài biết con người một cách tường tận. (Thi-thiên 139:1, 2; Công-vụ 17:24-28) Bạn thân, họ hàng, ngay cả cha mẹ cũng không biết chúng ta rõ bằng Đức Giê-hô-va. Thật ra Đức Giê-hô-va biết chúng ta rõ hơn chúng ta biết chính mình! Đấng Tạo Thành có sự hiểu biết vô song về nhu cầu thiêng liêng, tình cảm, tinh thần và thể chất của chúng ta. Khi chú ý đến chúng ta, Ngài biểu lộ một sự thông hiểu sâu sắc về bản chất, ước muốn và nguyện vọng của chúng ta. Đức Giê-hô-va biết giới hạn của chúng ta, nhưng Ngài cũng biết tiềm năng làm điều tốt của chúng ta. Người viết Thi-thiên nói: “Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất”. (Thi-thiên 103:14) Bởi thế chúng ta có thể cảm thấy được an toàn về thiêng liêng khi cố gắng bước theo luật pháp của Ngài, sẵn sàng phục tùng sự hướng dẫn của Ngài.—Châm-ngôn 3:19-26.

13. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va thực sự quan tâm đến những gì tốt nhất cho chúng ta?

13 Luật pháp Đức Chúa Trời đến từ Đấng yêu thương chúng ta. Đức Chúa Trời quan tâm sâu xa đến hạnh phúc lâu dài của chúng ta. Chẳng phải Ngài đã hy sinh lớn lao khi ban Con Ngài làm “giá chuộc nhiều người” hay sao? (Ma-thi-ơ 20:28) Đức Giê-hô-va đã chẳng hứa là ‘Ngài sẽ không để cho chúng ta bị cám-dỗ quá sức mình’ hay sao? (1 Cô-rinh-tô 10:13) Chẳng phải Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta rằng Ngài ‘săn-sóc chúng ta’ hay sao? (1 Phi-e-rơ 5:7) Không ai yêu thương quan tâm hơn Đức Giê-hô-va trong việc cung cấp những chỉ dẫn hữu ích cho loài người do Ngài tạo ra. Ngài biết điều gì là tốt cho chúng ta và điều gì đem lại hạnh phúc hoặc phiền muộn. Cho dù chúng ta bất toàn và lầm lỗi, nhưng nếu theo đuổi sự công bình, Ngài sẽ bày tỏ lòng yêu thương qua những cách sẽ mang lại sự sống và ân phước cho chúng ta.—Ê-xê-chi-ên 33:11.

14. Luật pháp Đức Chúa Trời khác biệt với tư tưởng loài người qua khía cạnh quan trọng nào?

14 Luật pháp Đức Chúa Trời không thay đổi khiến chúng ta yên lòng. Trong thời buổi nhiễu nhương mà chúng ta đang sống, Đức Giê-hô-va là khối đá vững chắc, sống từ trước vô cùng cho đến đời đời. (Thi-thiên 90:2) Ngài nói về Ngài: “Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay-đổi”. (Ma-la-chi 3:6) Tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, như được ghi trong Kinh Thánh, hoàn toàn đáng tin cậy—không giống như tư tưởng của loài người thay đổi luôn luôn. (Gia-cơ 1:17) Chẳng hạn, trong nhiều năm, các nhà tâm lý học cổ võ sự buông thả trong việc nuôi dạy con cái, nhưng sau này một số đã đổi ý và nhìn nhận rằng lời khuyên của họ đã sai lầm. Các tiêu chuẩn và nguyên tắc hướng dẫn của thế gian về vấn đề này lắc lư như cây bị gió thổi. Tuy nhiên, Lời của Đức Giê-hô-va không hề lay chuyển. Trong nhiều thế kỷ Kinh Thánh đã cung cấp lời khuyên về cách nuôi dạy con cái bằng tình yêu thương. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”. (Ê-phê-sô 6:4) Thật an lòng biết bao khi biết rằng chúng ta có thể tin cậy nơi các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va; chúng sẽ không thay đổi!

Những người vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời được ân phước

15, 16. (a) Nếu áp dụng tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, chúng ta được kết quả gì? (b) Luật pháp Đức Chúa Trời có thể chứng tỏ là sự hướng dẫn khôn ngoan trong hôn nhân như thế nào?

15 Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Chúa Trời phán: “Lời nói của ta đã ra từ miệng ta... sẽ chắc chắn thành công”. (Ê-sai 55:11, NW) Khi sốt sắng nỗ lực tuân theo các tiêu chuẩn trong Lời Ngài, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành công, thực hiện được những việc giá trị, và tìm được hạnh phúc.

16 Hãy xem xét luật pháp Đức Chúa Trời là sự hướng dẫn khôn ngoan như thế nào cho một hôn nhân thành công. “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn quê-phòng chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình”. (Hê-bơ-rơ 13:4) Hai người hôn phối phải tôn trọng và yêu thương lẫn nhau: “Mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng”. (Ê-phê-sô 5:33) Loại tình yêu cần thiết này được diễn tả nơi 1 Cô-rinh-tô 13:4-8: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục; tình yêu-thương hay nhân-từ; tình yêu-thương chẳng ghen-tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư-lợi, chẳng nóng-giận, chẳng nghi-ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công-bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu-thương hay dung-thứ mọi sự, tin mọi sự, trông-cậy mọi sự, nín-chịu mọi sự. Tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ”. Một hôn nhân có loại tình yêu này sẽ không bao giờ thất bại.

17. Áp dụng tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về việc dùng rượu đem lại những lợi ích nào?

17 Một bằng chứng khác cho thấy tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va đem lại lợi ích là sự kiện Ngài lên án sự say sưa. Ngài không chấp nhận ngay cả việc “ghiền rượu”. (1 Ti-mô-thê 3:3, 8; Rô-ma 13:13) Nhiều người lờ đi tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về vấn đề này đã mắc bệnh do uống rượu quá độ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm. Lờ đi lời khuyên của Kinh Thánh về sự điều độ, một số người đã rơi vào thói quen uống rượu quá độ để “giúp họ thư giãn”. Việc uống rượu quá độ gây ra nhiều vấn đề, kể cả việc mất đi sự kính trọng, mối quan hệ trong gia đình bị căng thẳng hoặc gia đình đổ vỡ, phí phạm lợi tức và mất việc làm. (Châm-ngôn 23:19-21, 29-35) Tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về việc dùng rượu chẳng phải là một sự che chở hay sao?

18. Luật pháp của Đức Chúa Trời có thực tiễn trong các vấn đề về tài chánh không? Hãy giải thích.

18 Tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời cũng đã chứng tỏ là thực tiễn trong vấn đề tài chánh. Kinh Thánh khuyên giục tín đồ Đấng Christ phải lương thiện và cần mẫn. (Lu-ca 16:10; Ê-phê-sô 4:28; Cô-lô-se 3:23) Nhờ vâng theo lời khuyên này, nhiều tín đồ Đấng Christ đã được thăng tiến trong nghề nghiệp hoặc được giữ lại trong khi những người khác bị sa thải. Một người cũng được lợi ích về tài chánh nhờ tránh những thói quen và tật xấu trái với Kinh Thánh như cờ bạc, hút thuốc và nghiện ma túy. Chắc chắn bạn có thể nghĩ đến những thí dụ khác cho thấy tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thực tiễn về mặt tài chánh.

19, 20. Tại sao chấp nhận và bám chặt lấy các luật pháp của Đức Chúa Trời là đường lối khôn ngoan?

19 Con người bất toàn rất dễ đi sai luật pháp và tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Hãy suy nghĩ trường hợp dân Y-sơ-ra-ên tại Núi Si-na-i. Đức Chúa Trời phán với họ: “Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao-ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta”. Họ đáp lại: “Chúng tôi xin làm mọi việc Đức Giê-hô-va đã phán dặn”. Thế nhưng, họ đã chọn theo đường lối trái ngược biết bao! (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 8; Thi-thiên 106:12-43) Trái lại, chúng ta hãy chấp nhận và bám chặt lấy các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.

20 Đường lối khôn ngoan và đem lại hạnh phúc là chúng ta theo sát những luật pháp vô song mà Đức Giê-hô-va cung cấp để hướng dẫn đời sống chúng ta. (Thi-thiên 19:7-11) Để làm điều này được thành công, chúng ta cũng cần ý thức và yêu thích giá trị các nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Đây là đề tài của bài kế tiếp.

[Chú thích]

^ đ. 6 Muốn biết thêm chi tiết về “luật-pháp của Đấng Christ”, xin xem Tháp Canh, số ra ngày 1-9-1996, trang 14-24.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao chúng ta có thể tin cậy rằng luật pháp Đức Chúa Trời nhằm đem lại lợi ích cho chúng ta?

• Chúng ta yêu mến luật pháp Đức Giê-hô-va vì những lý do nào?

• Luật pháp Đức Chúa Trời đem lại lợi ích qua những cách nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Áp-ra-ham được ban phước dồi dào vì vâng theo luật pháp của Đức Giê-hô-va

[Các hình nơi trang 15]

Những lo âu trong cuộc sống bận rộn ngày nay làm nhiều người sao lãng luật pháp Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 17]

Giống như một hải đăng trên một tảng đá lớn, luật pháp Đức Chúa Trời cố định và bất di bất dịch