Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự đồng cảm—Bí quyết để có lòng nhân từ, trắc ẩn

Sự đồng cảm—Bí quyết để có lòng nhân từ, trắc ẩn

Sự đồng cảm​—⁠Bí quyết để có lòng nhân từ, trắc ẩn

THEO Helen Keller, “đời sống có ý nghĩa khi người ta còn khả năng xoa dịu được nỗi đau của người khác”. Helen Keller hẳn hiểu được nỗi đau khổ này. Khi mới 19 tháng tuổi, cô đã bị một căn bệnh gây mù và điếc hoàn toàn. Nhưng một cô giáo đầy lòng trắc ẩn đã dạy cho Helen đọc và viết bằng chữ Braille, và sau đó dạy cả nói nữa.

Cô giáo của Keller là Ann Sullivan, rất thấu hiểu nỗi thất vọng khi phải tranh đấu với sự tật nguyền, vì bản thân cô cũng gần như mù hẳn. Nhưng Ann đã kiên trì nghĩ ra cách “viết” từng mẫu tự một của mỗi chữ lên tay Helen để có thể nói chuyện với Helen. Sự đồng cảm của cô giáo đã khiến Helen quyết định dành trọn đời mình giúp đỡ những người khiếm thị và khiếm thính. Vì đã phải nỗ lực rất nhiều để khắc phục sự tật nguyền của chính mình, nên cô rất đồng cảm và thương xót những người cùng cảnh ngộ. Cô muốn giúp họ.

Trong thế giới ích kỷ thời nay, có lẽ bạn nhận thấy người ta dễ ‘khép lòng không biết xót thương’ và không quan tâm tới nhu cầu người khác. (1 Giăng 3:17, An Sơn Vị) Thế nhưng, tín đồ Đấng Christ được dạy phải yêu thương người lân cận và yêu thương nhau sâu đậm. (Ma-thi-ơ 22:39; 1 Phi-e-rơ 4:8) Thực tế chắc bạn cũng biết, mặc dù rất muốn yêu thương nhau, nhưng chúng ta thường bỏ lỡ nhiều cơ hội xoa dịu nỗi đau của người khác. Đó có thể chỉ vì chúng ta không ý thức được những nhu cầu của họ. Sự đồng cảm là chìa khóa giúp chúng ta “mở cửa” lòng mình, biết tỏ lòng nhân từ và thương xót.

Đồng cảm là gì?

Một cuốn từ điển định nghĩa sự đồng cảm là “chia sẻ hay hiểu được hoàn cảnh, cảm xúc và động lực của người khác”. Nó cũng được mô tả là khả năng tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Do đó để có sự đồng cảm, trước tiên chúng ta phải thấu hiểu hoàn cảnh của người khác, và thứ hai là chia sẻ cảm xúc của người ấy trong những hoàn cảnh đó. Đúng thế, sự đồng cảm là sự cảm nhận từ đáy lòng mình về nỗi đau của người khác.

Tuy không dùng từ “đồng cảm”, nhưng Kinh Thánh cũng gián tiếp đề cập đến đức tính này. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên các tín đồ Đấng Christ phải ‘thông cảm, yêu nhau và có lòng thương xót’. (1 Phi-e-rơ 3:8, ASV) Từ Hy Lạp dịch là “thông cảm” theo nghĩa đen là “cùng đau khổ với người khác”, hoặc “có lòng thương xót”. Sứ đồ Phao-lô cũng dạy nên vun trồng những tình cảm đó khi khuyên các anh em tín đồ Đấng Christ “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc”. Phao-lô cũng nói: “Hãy quan tâm đến người khác như chính mình”. (Rô-ma 12:15, 16; NW) Chắc hẳn bạn đồng ý là nếu không tự đặt mình vào hoàn cảnh người khác, chúng ta khó mà yêu thương người lân cận như chính mình.

Hầu như mọi người ít nhiều đều có tính đồng cảm. Có ai không xúc động trước hình ảnh những đứa trẻ chết vì đói hay những người tị nạn bị quẫn trí? Có người mẹ yêu thương nào lại nỡ bỏ mặc con mình khóc nức nở? Nhưng không phải mọi nỗi đau khổ đều tỏ lộ ra bên ngoài. Thật khó hiểu nổi tâm trạng của một người bị chứng trầm cảm, một căn bệnh về thể xác khó nhận thấy, hoặc ngay cả chứng rối loạn về ăn uống—nếu chính chúng ta chưa hề bị những vấn đề ấy! Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy chúng ta có thể và nên tập đồng cảm với những người không cùng cảnh ngộ như chúng ta.

Những gương đồng cảm trong Kinh Thánh

Đức Giê-hô-va là gương mẫu chính cho chúng ta. Tuy là Đấng hoàn toàn, nhưng Ngài không trông đợi sự hoàn toàn nơi chúng ta, ‘vì Ngài biết chúng ta nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng ta bằng bụi-đất’. (Thi-thiên 103:14; Rô-ma 5:12) Hơn nữa, vì biết chúng ta có những mặt hạn chế, nên Ngài ‘chẳng hề cho chúng ta bị cám-dỗ quá sức mình đâu’. (1 Cô-rinh-tô 10:13) Qua các tôi tớ và thánh linh của Ngài, Ngài mở đường cho chúng ta ra khỏi.—Giê-rê-mi 25:4, 5; Công-vụ 5:32.

Chính Đức Giê-hô-va cảm nhận nỗi đau của dân Ngài. Ngài nói với dân Do Thái từ Ba-by-lôn trở về rằng: “Ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt [ta]”. (Xa-cha-ri 2:8) Hiểu rõ sự đồng cảm của Đức Chúa Trời, người viết Kinh Thánh là Đa-vít đã nói: “Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa, nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?” (Thi-thiên 56:8) Thật an ủi biết bao khi biết Đức Giê-hô-va ghi nhớ—như thể đã ghi vào sổ—nước mắt của những tôi tớ trung thành của Ngài khi họ phấn đấu giữ lòng trung kiên!

Giống Cha trên trời, Chúa Giê-su Christ rất nhạy với tình cảm của người khác. Khi chữa cho người đàn ông điếc, ngài đem ông riêng ra, có thể vì không muốn sự hồi phục bằng phép lạ khiến ông quá lúng túng hoặc sửng sốt. (Mác 7:32-35) Vào một dịp khác, Chúa Giê-su thấy một người đàn bà góa sắp chôn đứa con trai duy nhất của bà. Ngài tức thì cảm nhận được nỗi đau đớn của bà, nên đã đến gần đám tang, và làm cho chàng thanh niên sống lại.—Lu-ca 7:11-16.

Sau khi phục sinh, và hiện ra cho Sau-lơ trên đường đến Đa-mách, Chúa Giê-su đã cho ông thấy ngài đau lòng đến thế nào khi ông bắt bớ tàn nhẫn các môn đồ ngài. Ngài phán cùng Sau-lơ: “Ta là Jêsus mà ngươi bắt-bớ”. (Công-vụ 9:3-5) Chính Chúa Giê-su cảm nhận được nỗi đau đớn của các môn đồ ngài, như người mẹ cảm biết nỗi đau của đứa con bị bệnh. Tương tự như thế, là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trên trời của chúng ta, Chúa Giê-su “có thể cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta”, hoặc “cảm thông các yếu đuối ta”, theo bản dịch của An Sơn Vị.—Hê-bơ-rơ 4:15.

Sứ đồ Phao-lô tập nhạy cảm với nỗi đau khổ và cảm xúc của người khác. Ông hỏi: “Nào có ai yếu-đuối mà tôi chẳng yếu-đuối ư? Nào có ai vấp-ngã mà tôi chẳng như nung như đốt ư?” (2 Cô-rinh-tô 11:29) Khi Phao-lô và Si-la được thiên sứ giải cứu bằng phép lạ ra khỏi gông cùm của nhà tù ở Phi-líp, ý nghĩ đầu tiên đến với Phao-lô ngay lúc đó là báo cho người cai tù biết là chưa ai bỏ trốn. Tính đồng cảm cho ông biết người cai tù có thể tự tử. Phao-lô biết rằng theo thông lệ của La Mã, một người cai tù sẽ bị phạt nặng nếu một tù nhân bỏ trốn—đặc biệt nếu cai tù đã được lệnh canh giữ kỹ tù nhân ấy. (Công-vụ 16:24-28) Hành động cứu mạng đầy nhân từ của Phao-lô đã cảm kích viên cai tù, nên ông và gia đình đã làm theo những đòi hỏi để trở thành tín đồ Đấng Christ.—Công-vụ 16:30-34.

Cách vun trồng sự đồng cảm

Kinh Thánh nhiều lần khuyến khích chúng ta noi gương Cha trên trời của chúng ta và Con Ngài là Chúa Giê-su Christ, do đó sự đồng cảm là đức tính cần vun trồng. Bằng cách nào? Ba cách chính để trở nên nhạy cảm hơn với các nhu cầu và cảm xúc của người khác là: lắng nghe, quan sát và tưởng tượng.

Lắng nghe. Bằng cách chăm chú lắng nghe, chúng ta biết được các vấn đề mà những người khác đang gặp phải. Và chúng ta càng lắng nghe chăm chú bao nhiêu, họ càng dễ tâm sự và thổ lộ tâm tình với chúng ta bấy nhiêu. Chị Miriam giải thích: “Tôi có thể nói chuyện với một trưởng lão nếu tôi tin chắc là anh sẽ lắng nghe tôi. Tôi muốn chắc chắn là anh thực sự hiểu vấn đề của tôi. Tôi càng tin tưởng anh hơn khi anh đặt những câu hỏi để có thể hiểu rõ vấn đề của tôi. Điều này cho thấy anh đã chăm chú lắng nghe những gì tôi nói”.

Quan sát. Không phải ai cũng sẽ cho chúng ta biết cảm nghĩ hoặc những điều họ đang trải nghiệm. Thế nhưng, một người quan sát sâu sắc sẽ nhận ra được sự nản lòng nơi một anh chị em tín đồ Đấng Christ, thái độ khép kín không giao tiếp của một thiếu niên, sự thiếu sốt sắng của một tôi tớ vốn rất hăng hái trước đây. Khả năng cảm nhận được vấn đề vào những giai đoạn đầu là điều thiết yếu đối với cha mẹ. Marie nhận xét: “Dường như mẹ tôi biết cảm nghĩ của tôi trước khi tôi nói ra, nên tôi dễ thẳng thắn nói với mẹ các vấn đề của mình”.

Dùng trí tưởng tượng. Cách hữu hiệu nhất để khơi dậy sự đồng cảm là tự hỏi mình: ‘Tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu ở trong hoàn cảnh ấy? Tôi sẽ phản ứng ra sao? Tôi sẽ cần điều gì?’ Ba người bạn của Gióp tự nhận là đến an ủi ông đều không biết đặt mình vào hoàn cảnh của Gióp. Bởi đó, họ đã kết án ông về những tội mà họ bịa đặt là ông hẳn đã phạm.

Loài người bất toàn thường thấy dễ chỉ trích lỗi lầm hơn là thấu hiểu tình cảm. Tuy nhiên, nếu cố gắng tưởng tượng ra nỗi đau khổ của một người bị buồn khổ, chúng ta sẽ thông cảm thay vì lên án. Anh Juan, một trưởng lão giàu kinh nghiệm, nói: “Lời khuyên của tôi hợp lý hơn khi tôi cẩn thận lắng nghe và cố gắng hiểu rõ hoàn cảnh trước khi góp ý”.

Các sách báo do Nhân Chứng Giê-hô-va phân phát đã giúp nhiều người về mặt này. Tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! đã bàn về những vấn đề phức tạp như sự trầm cảm và nạn lạm dụng tình dục trẻ em. Những thông tin kịp thời này giúp độc giả bén nhạy hơn với những cảm xúc của những người bị đau khổ vì các vấn đề ấy. Cũng thế, cuốn Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực đã giúp nhiều bậc cha mẹ thông hiểu những vấn đề của con cái.

Hoạt động tín đồ Đấng Christ được hữu hiệu nhờ có sự đồng cảm

Nếu có sẵn thức ăn bên mình, không mấy ai trong chúng ta muốn bỏ mặc cho một đứa trẻ chết đói. Nếu có sự đồng cảm, chúng ta cũng sẽ nhận biết tình trạng thiêng liêng của một người. Kinh Thánh tường thuật về Chúa Giê-su như sau: “Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. (Ma-thi-ơ 9:36) Ngày nay, hàng triệu người đang trong tình trạng thiêng liêng tương tự, cần được giúp đỡ.

Như vào thời Chúa Giê-su, có thể chúng ta phải vượt qua thành kiến hoặc truyền thống lâu đời để động đến lòng một số người. Người giảng đạo có sự đồng cảm cố gắng tìm những điểm tương đồng hoặc nói về những đề tài người khác thường quan tâm để làm cho thông điệp thêm thu hút. (Công-vụ 17:22, 23; 1 Cô-rinh-tô 9:20-23) Những hành động nhân từ xuất phát từ sự đồng cảm cũng có thể khiến người nghe dễ chấp nhận thông điệp về Nước Trời, giống như trường hợp của người cai tù ở thành Phi-líp.

Sự đồng cảm là điều vô giá giúp chúng ta bỏ qua lỗi lầm của những người khác trong hội thánh. Nếu cố gắng hiểu tâm trạng của một anh đã làm mất lòng chúng ta, hẳn chúng ta sẽ thấy dễ tha thứ cho anh hơn. Rất có thể chúng ta cũng phản ứng đồng một cách như anh nếu ở vào hoàn cảnh anh và từng trải những trường hợp và kinh nghiệm như anh. Nếu sự đồng cảm đã khiến Đức Giê-hô-va ‘nhớ lại rằng chúng ta bằng bụi-đất’, lẽ nào sự đồng cảm của chúng ta lại chẳng thúc đẩy chúng ta châm chế sự bất toàn của người khác và ‘rộng lượng tha thứ họ’?—Thi-thiên 103:14; Cô-lô-se 3:13, NW.

Việc chúng ta khuyên lơn người khác có thể sẽ nhân từ hơn nếu chúng ta hiểu tâm trạng và những điểm nhạy cảm của người lầm lỗi. Người trưởng lão biết đồng cảm phải tự nhắc nhở mình: ‘Tôi cũng có thể phạm sai lầm ấy. Tôi có thể vướng vào hoàn cảnh như anh ấy’. Do đó, Phao-lô khuyên: “Hãy lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ-dành chăng”.—Ga-la-ti 6:1.

Sự đồng cảm cũng có thể thúc đẩy chúng ta giúp đỡ thiết thực trong khả năng mình, dù người anh em tín đồ Đấng Christ có lẽ ngại nhờ giúp. Sứ đồ Giăng viết như sau: “Nếu ai có của-cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng-túng mà chặt dạ [“khép lòng không biết xót thương”, ASV], thì lòng yêu-mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!... Chớ yêu-mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”.—1 Giăng 3:17, 18.

Để yêu thương bằng “việc làm và lẽ thật”, trước tiên chúng ta cần biết những nhu cầu đặc biệt của anh em mình. Chúng ta có cẩn thận ghi nhận các nhu cầu của người khác với ý hướng muốn giúp đỡ không? Đấy chính là sự đồng cảm.

Vun trồng sự thông cảm

Có thể bản chất chúng ta không phải là người dễ đồng cảm, nhưng chúng ta có thể vun trồng đức tính này. Chúng ta sẽ có sự đồng cảm hơn nếu lắng nghe chăm chú hơn, quan sát kỹ hơn, và thường xuyên đặt mình vào hoàn cảnh người khác. Kết quả là chúng ta sẽ cảm thấy được thúc đẩy để bày tỏ nhiều hơn nữa tình yêu thương, lòng nhân từ, và thương xót đối với con cái, anh em tín đồ Đấng Christ, và người lân cận.

Đừng bao giờ để tính ích kỷ lấn át sự đồng cảm. Phao-lô viết: “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”. (Phi-líp 2:4) Tương lai vĩnh cửu của chúng ta tùy thuộc nơi sự đồng cảm của Đức Giê-hô-va và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Ngài là Chúa Giê-su Christ. Do đó, chúng ta có bổn phận vun trồng đức tính này. Sự đồng cảm sẽ giúp chúng ta trở thành những người giảng đạo và bậc cha mẹ tốt hơn. Trên hết mọi sự, sự đồng cảm sẽ giúp chúng ta hiểu ra rằng “ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.

[Hình nơi trang 25]

Sự đồng cảm gồm cả việc cẩn thận ghi nhận các nhu cầu của người khác với ý hướng muốn giúp đỡ

[Hình nơi trang 26]

Chúng ta có tập bày tỏ sự đồng cảm mà tự nhiên người mẹ cảm thấy đối với con mình không?