Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đáp ứng các đòi hỏi của Đức Giê-hô-va là tôn vinh Ngài

Đáp ứng các đòi hỏi của Đức Giê-hô-va là tôn vinh Ngài

Đáp ứng các đòi hỏi của Đức Giê-hô-va là tôn vinh Ngài

“Tôi sẽ... lấy sự cảm-tạ mà tôn-cao Ngài”.—THI-THIÊN 69:30.

1. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va xứng đáng được tôn vinh? (b) Làm thế nào chúng ta lấy lòng cảm tạ tôn vinh Ngài?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, Đấng Tạo Hóa. Vì thế, danh và ý định của Ngài xứng đáng được tôn vinh. Tôn vinh Đức Giê-hô-va có nghĩa là dành cho Ngài sự tôn kính cao nhất, ngợi khen và ca tụng Ngài qua lời nói và hành động. Muốn làm thế với lòng “cảm-tạ”, chúng ta phải luôn luôn biết ơn về những gì Ngài đang làm cho chúng ta bây giờ và những điều Ngài sẽ làm trong tương lai. Chúng ta cần có thái độ biểu lộ nơi Khải-huyền 4:11, khi các tạo vật thần linh trung thành trên trời hô vang: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”. Làm thế nào chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va? Bằng cách học hỏi về Ngài và làm những điều Ngài đòi hỏi. Chúng ta nên có cùng tâm tình như người viết Thi-thiên khi ông nói: “Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa, vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi”.—Thi-thiên 143:10.

2. Đức Giê-hô-va đối xử thế nào với những người tôn vinh Ngài và những người không làm thế?

2 Đức Giê-hô-va quý trọng những người tôn vinh Ngài. Đó là lý do tại sao Ngài là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Phần thưởng đó là gì? Trong lời cầu nguyện với Cha trên trời, Chúa Giê-su nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Vâng, những người “lấy sự cảm-tạ mà tôn-cao [Đức Giê-hô-va]” sẽ “nhận được đất, và ở tại đó đời đời”. (Thi-thiên 37:29) Trái lại, “kẻ làm gian-ác sẽ không được thiện-báo”. (Châm-ngôn 24:20) Trong những ngày cuối cùng này, người ta càng cần gấp rút tôn vinh Đức Giê-hô-va vì chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ hủy diệt kẻ ác và chỉ che chở người công bình. “Thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”.—1 Giăng 2:17; Châm-ngôn 2:21, 22.

3. Tại sao chúng ta nên chú ý đến sách Ma-la-chi?

3 Ý muốn của Đức Giê-hô-va được tìm thấy trong Kinh Thánh vì “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”. (2 Ti-mô-thê 3:16) Lời Ngài chứa đựng nhiều lời tường thuật về cách Ngài đã ban phước cho những người tôn vinh Ngài, cũng như về số phận của những kẻ không làm thế. Một trong số đó là lời tường thuật về điều đã xảy ra ở Y-sơ-ra-ên vào thời nhà tiên tri Ma-la-chi. Ma-la-chi viết cuốn sách mang tên ông vào khoảng năm 443 TCN, khi Nê-hê-mi làm quan trấn thủ xứ Giu-đa. Cuốn sách hùng hồn và lôi cuốn này chứa đựng những thông tin và lời tiên tri được “lưu-truyền để khuyên-bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối-cùng các đời”. (1 Cô-rinh-tô 10:11) Chú ý đến lời Ma-la-chi có thể giúp chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va”, khi Ngài hủy diệt hệ thống gian ác này.—Ma-la-chi 4:5.

4. Ma-la-chi chương 1 lưu ý chúng ta đến sáu điểm nào?

4 Làm thế nào sách Ma-la-chi, một cuốn sách đã được viết cách nay hơn 2.400 năm, có thể giúp chúng ta trong thế kỷ 21 chuẩn bị sẵn sàng cho ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va? Chương đầu của cuốn sách này lưu ý chúng ta đến ít nhất sáu điểm quan trọng liên quan đến việc lấy sự cảm tạ tôn vinh Đức Giê-hô-va để được hưởng ân huệ Ngài và sự sống đời đời: (1) Đức Giê-hô-va yêu thương dân Ngài. (2) Chúng ta phải tỏ lòng quý trọng những điều thánh. (3) Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta dâng cho Ngài những gì tốt nhất. (4) Sự thờ phượng thật được thúc đẩy bởi tình yêu thương bất vị kỷ, chứ không phải tính tham lam. (5) Việc phụng sự làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va không phải là một nghi thức nặng nề. (6) Mỗi người chúng ta phải thưa trình với Đức Chúa Trời. Vậy, chúng ta hãy đọc kỹ hơn Ma-la-chi chương 1 và xem xét từng điểm này trong khi học bài thứ nhất trong số ba bài về sách Ma-la-chi.

Đức Giê-hô-va yêu thương dân Ngài

5, 6. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va yêu mến Gia-cốp? (b) Nếu noi theo sự trung thành của Gia-cốp, chúng ta có thể trông đợi điều gì?

5 Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va được nêu rõ trong những câu đầu của Ma-la-chi. Sách mở đầu với những lời sau: “Gánh nặng lời Đức Giê-hô-va cho Y-sơ-ra-ên”. Ngoài ra, Đức Chúa Trời nói: “Ta yêu các ngươi”. Rồi Ngài đưa ra thí dụ trong câu tiếp theo: “Ta yêu Gia-cốp”. Gia-cốp là người đã đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Về sau, Đức Giê-hô-va đổi tên ông thành Y-sơ-ra-ên và ông trở thành cha của dân tộc này. Chính vì Gia-cốp đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va nên ông được Ngài yêu mến. Những người Y-sơ-ra-ên bày tỏ cùng thái độ như Gia-cốp cũng được Đức Giê-hô-va yêu thương.—Ma-la-chi 1:1-3.

6 Nếu yêu mến Đức Giê-hô-va và trung thành gắn bó với dân Ngài, chúng ta cũng có thể tìm được sự an ủi qua những lời ghi nơi 1 Sa-mu-ên 12:22: “Đức Giê-hô-va vì cớ danh lớn mình, sẽ chẳng từ bỏ dân-sự Ngài”. Đức Giê-hô-va yêu thương và ban phước cho dân sự Ngài, ân phước lớn nhất là sự sống đời đời. Vì thế, chúng ta đọc được: “Hãy tin-cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành; khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành-tín của Ngài. Cũng hãy khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao-ước”. (Thi-thiên 37:3, 4) Lòng yêu thương đối với Đức Giê-hô-va bao hàm điểm thứ nhì mà chúng ta được lưu ý trong Ma-la-chi chương 1.

Hãy tỏ lòng quý trọng những điều thánh

7. Tại sao Đức Giê-hô-va ghét Ê-sau?

7 Nơi Ma-la-chi 1:2, 3, Đức Giê-hô-va nói: “Ta yêu Gia-cốp, mà ghét Ê-sau”. Sao lại thế? Đó là vì Gia-cốp tôn vinh Đức Giê-hô-va, còn người anh song sinh của ông là Ê-sau thì không. Ê-sau còn có tên khác là Ê-đôm. Trong Ma-la-chi 1:4, lãnh thổ Ê-đôm được gọi là cõi độc ác, và dân cư xứ ấy bị lên án. Ê-sau được đặt tên Ê-đôm (tức là “Đỏ”) sau khi ông bán quyền trưởng nam quý giá cho Gia-cốp để đổi lấy một ít canh đậu đỏ. Sáng-thế Ký 25:34 nói: “Ê-sau khinh quyền trưởng-nam”. Sứ đồ Phao-lô khuyến giục anh em tín đồ hãy cảnh giác hầu “chớ có ai gian-dâm, cũng đừng có ai khinh-lờn như Ê-sau, chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng”.—Hê-bơ-rơ 12:14-16.

8. Điều gì khiến Phao-lô ví Ê-sau như kẻ tà dâm?

8 Tại sao Phao-lô liên kết hành động của Ê-sau với sự tà dâm? Vì một người có tinh thần như Ê-sau có thể dễ trở nên khinh lờn điều thánh. Và điều đó có thể dẫn đến việc vi phạm những tội nặng, như tà dâm. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta nên tự hỏi: ‘Đôi khi tôi có bị cám dỗ đánh đổi di sản của tín đồ Đấng Christ—tức sự sống đời đời—để lấy một thứ tạm bợ giống như một bát canh đậu không? Có lẽ tôi vô tình khinh lờn điều thánh mà không hay biết chăng?’ Ê-sau nóng nảy khao khát được thỏa mãn ham muốn của thể xác. Ông nói với Gia-cốp: “[“Nhanh lên”, NW], em hãy cho anh ăn canh gì đỏ đó với”. (Sáng-thế Ký 25:30) Buồn thay, trên thực tế một số tôi tớ Đức Chúa Trời cũng đã nói: “Nhanh lên! Tội gì phải đợi đến khi kết hôn đàng hoàng?” Sự khao khát thỏa mãn nhục dục bằng bất cứ giá nào đã trở thành bát canh phạn đậu của họ.

9. Làm thế nào chúng ta có thể gìn giữ lòng kính sợ Đức Giê-hô-va?

9 Mong sao chúng ta chớ bao giờ khinh lờn điều thánh bằng cách coi rẻ sự trinh trắng, lòng trung kiên và di sản thiêng liêng của chúng ta. Thay vì giống như Ê-sau, chúng ta hãy noi theo người trung thành Gia-cốp và gìn giữ lòng kính sợ Đức Chúa Trời bằng cách luôn tỏ ra quý trọng sâu xa những điều thánh. Làm thế nào chúng ta làm được điều đó? Bằng cách cẩn thận đáp ứng các đòi hỏi của Đức Giê-hô-va. Điều này hợp lý đưa chúng ta đến điểm thứ ba được nêu lên trong Ma-la-chi chương 1. Đó là gì?

Dâng cho Đức Giê-hô-va những gì tốt nhất

10. Điều gì cho thấy các thầy tế lễ khinh dể bàn của Đức Giê-hô-va?

10 Những thầy tế lễ Giu-đa phụng sự tại đền thờ Giê-ru-sa-lem vào thời Ma-la-chi đã không dâng cho Đức Giê-hô-va những của-lễ tốt nhất. Ma-la-chi 1:6-8 nói: “Con trai tôn-kính cha mình, đầy-tớ tôn-kính chủ mình. Vậy nếu ta là cha, nào sự tôn-kính thuộc về ta ở đâu? Và nếu ta là chủ, nào sự kính-sợ ta ở đâu? Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy cùng các ngươi, hỡi các thầy tế-lễ khinh-dể danh ta!” Các thầy tế lễ hỏi: “Chúng tôi có khinh-dể danh Ngài ở đâu?” Đức Giê-hô-va đáp: “Các ngươi dâng bánh ô-uế trên bàn-thờ ta”. Họ lại hỏi: “Chúng tôi có làm ô-uế Ngài ở đâu?” Đức Giê-hô-va bảo họ: “Ấy là ở điều các ngươi nói rằng: Bàn của Đức Giê-hô-va đáng khinh-dể”. Các thầy tế lễ ấy khinh dể bàn của Đức Giê-hô-va mỗi khi họ dâng một của-lễ khiếm khuyết mà còn nói rằng: ‘Chẳng phải dữ’.

11. (a) Đức Giê-hô-va đã nói gì về những của-lễ không thể chấp nhận được? (b) Vì sao dân chúng nói chung cũng có tội?

11 Vì vậy, Đức Giê-hô-va lý luận với họ về những của-lễ không thể chấp nhận được đó: “Thử dâng nó cho quan trấn-thủ ngươi, thì người há đẹp lòng và vui nhận cho ngươi sao?” Không, quan trấn thủ của họ sẽ không hài lòng về một món quà như thế. Đấng Thống Trị Hoàn Vũ lại càng không thể nhận của-lễ khiếm khuyết như vậy! Nhưng không phải chỉ có những thầy tế lễ mới đáng bị khiển trách. Đành rằng họ đã khinh dể Đức Giê-hô-va vì đã thực hiện việc dâng những của-lễ đó, nhưng phải chăng dân chúng nói chung đều vô tội? Quả thật là không! Chính họ là những người đã chọn các con thú mù, què, bệnh hoạn và dẫn đến cho các thầy tế lễ để làm của-lễ. Thật tội lỗi!

12. Chúng ta được giúp đỡ thế nào để dâng lên Đức Giê-hô-va những gì tốt nhất?

12 Dâng cho Đức Giê-hô-va những gì tốt nhất là cách để chứng tỏ chúng ta thật sự yêu mến Ngài. (Ma-thi-ơ 22:37, 38) Khác với các thầy tế lễ bướng bỉnh thời Ma-la-chi, tổ chức Đức Giê-hô-va ngày nay truyền đạt nhiều sự dạy dỗ tốt lành dựa trên Kinh Thánh, giúp chúng ta lấy sự cảm tạ tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách đáp ứng các đòi hỏi của Ngài. Liên quan đến điều này là điểm quan trọng thứ tư có thể rút ra từ Ma-la-chi chương 1.

Sự thờ phượng thật được thúc đẩy bởi tình yêu thương, chứ không phải tính tham lam

13. Hành động nào của các thầy tế lễ cho thấy họ có động lực tham lam?

13 Các thầy tế lễ thời Ma-la-chi ích kỷ, thiếu yêu thương và tham tiền. Làm sao chúng ta biết? Ma-la-chi 1:10 (Trần Đức Huân) nói: “ ‘Có ai trong các ngươi đóng cửa và đốt hương trước bàn thờ ta một cách vô tư chăng?’ Chúa quân lực phán: ‘Ta không thỏa lòng với các ngươi cũng chẳng thèm nhận của lễ nơi tay các ngươi’ ”. Thật thế, những thầy tế lễ tham lam này đòi lệ phí cho cả những dịch vụ giản dị nhất trong đền thờ. Họ đòi được trả tiền ngay cả để đóng cửa và đốt lửa trên bàn thờ! Chẳng lạ gì khi Đức Giê-hô-va không thèm nhận của-lễ nơi tay họ!

14. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Nhân Chứng Giê-hô-va có động lực yêu thương?

14 Sự tham lam và ích kỷ của những thầy tế lễ đầy tội lỗi ở thành Giê-ru-sa-lem xưa nhắc nhở chúng ta rằng kẻ tham lam sẽ chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 6:9, 10, Trịnh Văn Căn) Khi suy nghĩ về thái độ ích kỷ của những thầy tế lễ ấy, chúng ta càng thấy quý trọng công việc rao giảng mà Nhân Chứng Giê-hô-va đang thực hiện trên khắp thế giới. Công việc này là tình nguyện và chúng ta không bao giờ bắt người ta trả tiền thù lao cho bất kỳ hoạt động nào trong thánh chức. Không, chúng ta chẳng “ ‘thương mãi hóa’ Đạo Chúa để trục lợi”. (2 Cô-rinh-tô 2:17, Bản Diễn Ý) Giống như Phao-lô, mỗi người chúng ta có thể thật lòng nói: “Tôi đã [“vui lòng”, NW] rao-giảng Tin-lành của Đức Chúa Trời cho anh em một cách nhưng-không”. (2 Cô-rinh-tô 11:7) Xin lưu ý là Phao-lô “đã vui lòng rao-giảng Tin-lành”. Điều đó nhắc chúng ta nhớ đến điểm thứ năm mà Ma-la-chi chương 1 nêu ra.

Phụng sự Đức Chúa Trời không phải là nghi thức nặng nề

15, 16. (a) Các thầy tế lễ có thái độ nào đối với việc dâng của-lễ? (b) Nhân Chứng Giê-hô-va dâng của-lễ như thế nào?

15 Những thầy tế lễ thiếu đức tin ở Giê-ru-sa-lem xưa xem việc dâng của-lễ là một nghi thức nặng nhọc. Đối với họ đó là một gánh nặng. Như được ghi nơi Ma-la-chi 1:13, Đức Chúa Trời nói với họ: “Các ngươi lại nói rằng: Ôi! Việc khó-nhọc là dường nào! Rồi các ngươi khinh-dể nó”. Những thầy tế lễ này khinh dể những điều thánh của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy cầu nguyện để cá nhân mình không bao giờ trở nên giống như họ. Trái lại, mong rằng chúng ta luôn thể hiện tinh thần nêu rõ nơi 1 Giăng 5:3: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”.

16 Chúng ta hãy vui vẻ dâng của-lễ thiêng liêng cho Đức Chúa Trời, đừng bao giờ xem đó là một gánh nặng cực nhọc. Mong sao chúng ta nghe theo lời tiên tri: “Khá thưa cùng Ngài rằng: Xin cất mọi sự gian-ác đi, và nhậm sự tốt-lành, vậy chúng tôi sẽ dâng lời ngợi-khen ở môi chúng tôi thay vì con bò đực”. (Ô-sê 14:2) Câu này nói đến của-lễ thiêng liêng, tức là những lời chúng ta nói lên để ngợi khen Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài. Hê-bơ-rơ 13:15 nói: “Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra”. Thật vui sướng làm sao khi các của-lễ thiêng liêng của chúng ta không phải là những nghi thức chiếu lệ, mà là biểu hiện của lòng yêu thương trọn vẹn đối với Đức Chúa Trời! Điều này đưa đến điểm thứ sáu mà chúng ta có thể rút tỉa từ Ma-la-chi chương 1.

Mỗi người phải thưa trình với Đức Chúa Trời

17, 18. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va rủa sả “kẻ hay lừa-dối”? (b) Những kẻ hay lừa dối đã không nghĩ đến điều gì?

17 Mỗi người sống vào thời Ma-la-chi phải chịu trách nhiệm riêng về hành vi của họ, và chúng ta cũng thế. (Rô-ma 14:12; Ga-la-ti 6:5) Vì lẽ đó, Ma-la-chi 1:14 nói: “Đáng rủa thay là kẻ hay lừa-dối, trong bầy nó có con đực [không tì vết], mà nó hứa-nguyện và dâng con tàn-tật làm của-lễ cho Chúa!” Một người có bầy gia súc tất không chỉ có một con—chẳng hạn như chỉ một con chiên—nên không thể có lựa chọn nào khác. Người đó không bắt buộc phải chọn con mù, què hoặc bệnh hoạn làm của-lễ. Nếu vẫn chọn con xấu, điều đó chứng tỏ người ấy khinh thường sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về của-lễ, vì một người có cả bầy gia súc chắc chắn có thể tìm được một con khỏe mạnh!

18 Vì vậy, Đức Giê-hô-va có lý khi rủa sả những kẻ hay lừa dối, có con thú đực tốt nhưng lại dẫn đến—có lẽ phải kéo lê—một con vật mù, què hoặc bệnh hoạn cho thầy tế lễ để làm của-lễ. Thế mà không hề có điều gì cho thấy các thầy tế lễ đã trích dẫn Luật Pháp Đức Chúa Trời để giải thích cho dân chúng biết con vật có tì vết sẽ không được chấp nhận. (Lê-vi Ký 22:17-20) Một người biết điều ắt hiểu rằng họ sẽ phải trả giá đắt nếu thử đem tặng một con vật thể ấy cho quan trấn thủ. Vậy mà họ lại cư xử như thế với Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, Đức Giê-hô-va là Đấng còn lớn hơn quan trấn thủ bội phần! Ma-la-chi 1:14 nói lên điều đó như sau: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán: Vì ta là Vua lớn, danh ta là đáng sợ giữa các dân ngoại”.

19. Chúng ta mong mỏi điều gì, và bây giờ chúng ta nên làm gì?

19 Là tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, chúng ta mong mỏi được nhìn thấy ngày Vị Vua Lớn, Đức Giê-hô-va, được toàn thể nhân loại tôn kính. Lúc đó, “thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”. (Ê-sai 11:9) Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy cố gắng hết sức đáp ứng những đòi hỏi của Ngài như gương của người viết Thi-thiên: “Tôi sẽ... lấy sự cảm-tạ mà tôn-cao Ngài”. (Thi-thiên 69:30) Sách Ma-la-chi có những lời khuyên khác có thể giúp chúng ta thực hiện được điều này. Vì thế, chúng ta hãy cẩn thận xem xét những phần khác của cuốn sách này trong hai bài tiếp theo.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao chúng ta nên tôn vinh Đức Giê-hô-va?

• Tại sao những của-lễ mà các thầy tế lễ vào thời Ma-la-chi dâng không được Đức Giê-hô-va chấp nhận?

• Làm thế nào chúng ta dâng lên Đức Giê-hô-va của-lễ ngợi khen?

• Động lực của sự thờ phượng thật phải là gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 9]

Lời tiên tri Ma-la-chi báo trước về thời chúng ta

[Hình nơi trang 10]

Ê-sau không quý trọng những điều thánh

[Hình nơi trang 11]

Các thầy tế lễ và dân chúng đã dâng những của-lễ không thể chấp nhận được

[Hình nơi trang 12]

Nhân Chứng Giê-hô-va dâng của-lễ bằng lời ngợi khen cách tình nguyện trên khắp thế giới