Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai sẽ sống sót qua ngày của Đức Giê-hô-va?

Ai sẽ sống sót qua ngày của Đức Giê-hô-va?

Ai sẽ sống sót qua ngày của Đức Giê-hô-va?

“Ngày đến, cháy như lò lửa”.—MA-LA-CHI 4:1.

1. Ma-la-chi miêu tả sự kết liễu hệ thống gian ác này như thế nào?

NHÀ tiên tri Ma-la-chi được Đức Chúa Trời soi dẫn ghi lại những biến cố đáng sợ sẽ xảy ra trong tương lai gần đây. Các biến cố này sẽ ảnh hưởng đến mọi người trên đất. Ma-la-chi 4:1 nói: “Nầy, ngày đến, cháy như lò lửa. Mọi kẻ kiêu-ngạo, mọi kẻ làm sự gian-ác sẽ như rơm-cỏ; Đức Giê-hô-va vạn-quân phán: Ngày ấy đến, thiêu-đốt chúng nó, chẳng để lại cho chúng nó hoặc rễ hoặc nhành”. Sự hủy diệt hệ thống gian ác này sẽ toàn diện đến độ nào? Nó sẽ giống như cái cây trụi rễ, không bao giờ mọc lên được nữa.

2. Một số câu Kinh Thánh miêu tả ngày của Đức Giê-hô-va như thế nào?

2 Bạn có thể hỏi: ‘Nhà tiên tri Ma-la-chi báo trước về “ngày” nào?’ Đó cũng chính là ngày được nói đến nơi Ê-sai 13:9: “Nầy, ngày Đức Giê-hô-va đến, là ngày hung-dữ, có sự thạnh-nộ và nóng-giận để làm đất nầy nên hoang-vu, và diệt những kẻ có tội khỏi đó”. Sô-phô-ni 1:15 miêu tả: “Ngày ấy là ngày thạnh-nộ, ngày hoạn-nạn và buồn-rầu, ngày hủy-phá và hoang-vu, ngày tối-tăm và mờ-mịt, ngày mây và sương-mù”.

“Hoạn-nạn lớn”

3. “Ngày Đức Giê-hô-va” là gì?

3 Trong lần ứng nghiệm chính của lời tiên tri Ma-la-chi, “ngày Đức Giê-hô-va” là giai đoạn được đánh dấu bởi “hoạn-nạn lớn”. Chúa Giê-su báo trước: “Lúc ấy sẽ có hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa”. (Ma-thi-ơ 24:21) Hãy hình dung thế giới đã trải qua biết bao nhiêu hoạn nạn và đau khổ, đặc biệt từ năm 1914. (Ma-thi-ơ 24:7-12) Chỉ nội Thế Chiến II đã cướp đi hơn 50 triệu mạng người! Thế nhưng những khốn khó ấy sẽ trở nên không đáng kể khi “hoạn-nạn lớn” đến. Biến cố đó, cũng như ngày của Đức Giê-hô-va, sẽ kết thúc tại Ha-ma-ghê-đôn, chấm dứt những ngày sau rốt của hệ thống gian ác này.—2 Ti-mô-thê 3:1-5, 13; Khải-huyền 7:14; 16:14, 16.

4. Đến cuối ngày của Đức Giê-hô-va, điều gì sẽ xảy ra?

4 Đến cuối ngày của Đức Giê-hô-va, thế gian của Sa-tan cùng những kẻ ủng hộ nó sẽ bị hủy diệt. Tôn giáo giả sẽ bị hủy diệt trước nhất. Kế đến Đức Giê-hô-va sẽ đoán xét hệ thống chính trị và kinh tế của Sa-tan. (Khải-huyền 17:12-14; 19:17, 18) Ê-xê-chi-ên tiên tri: “Chúng nó sẽ quăng bạc mình ra ngoài đường-phố, vàng chúng nó sẽ ra như đồ ô-uế; hoặc vàng, hoặc bạc, cũng không thể cứu chúng nó nơi ngày cơn giận của Đức Giê-hô-va”. (Ê-xê-chi-ên 7:19) Về ngày đó, Sô-phô-ni 1:14 nói: “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần, đã gần rồi; nó đến rất kíp”. Suy xét những gì Kinh Thánh nói về ngày của Đức Giê-hô-va, chúng ta nên kiên quyết hành động phù hợp với các đòi hỏi công bình của Ngài.

5. Những người kính sợ danh Đức Giê-hô-va được hưởng điều gì?

5 Sau khi báo trước về những gì thế gian của Sa-tan sẽ phải gánh chịu trong ngày của Đức Giê-hô-va, Ma-la-chi 4:2 ghi lại lời Ngài phán: “Về phần các ngươi là kẻ kính-sợ danh ta, thì mặt trời công-bình sẽ mọc lên cho, trong cánh nó có sự chữa bịnh; các ngươi sẽ đi ra và nhảy-nhót như bò tơ của chuồng”. “Mặt-trời công-bình” chính là Chúa Giê-su Christ vì theo nghĩa thiêng liêng, ngài là “sự sáng của thế-gian”. (Giăng 8:12) Sự sáng ngài phát ra có tác dụng chữa lành—trước nhất là chữa lành về thiêng liêng, điều mà chúng ta đang được hưởng ngày nay, và kế đến là sự chữa lành toàn diện cả về thể chất trong thế giới mới. Như Đức Giê-hô-va nói, những người được chữa lành sẽ “đi ra và nhảy-nhót như bò tơ của chuồng” nô nức và sung sướng vì được giải thoát.

6. Tôi tớ Đức Giê-hô-va sẽ vui hưởng bữa tiệc chiến thắng nào?

6 Còn những kẻ lờ đi các đòi hỏi của Đức Giê-hô-va thì sao? Ma-la-chi 4:3 nói: “Các ngươi [tôi tớ Đức Chúa Trời] sẽ giày-đạp những kẻ ác, vì trong ngày ta làm, chúng nó sẽ như là tro dưới bàn chân các ngươi, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy”. Những người thờ phượng Đức Chúa Trời sẽ không tham gia hủy diệt thế gian của Sa-tan. Thay vì thế, họ sẽ “giày-đạp những kẻ ác” theo nghĩa bóng bằng cách cùng ăn mừng chiến thắng vĩ đại sau khi ngày Đức Giê-hô-va kết thúc. Dân Y-sơ-ra-ên đã ăn mừng chiến thắng sau khi Pha-ra-ôn và quân đội của ông bị hủy diệt trong Biển Đỏ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1-21) Cũng vậy, sẽ có một bữa tiệc chiến thắng mừng việc Sa-tan và thế gian của hắn bị loại trừ trong ngày hoạn nạn lớn. Những người trung thành sống sót qua ngày của Đức Giê-hô-va sẽ hô vang: “Chúng ta sẽ nức lòng mừng-rỡ và đồng vui về sự cứu-rỗi của Ngài”. (Ê-sai 25:9) Đó sẽ là thời khắc vui sướng biết bao khi quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va được biện minh và trái đất được tẩy sạch cho dân cư vui hưởng thái bình!

Khối đạo xưng theo Đấng Christ bắt chước dân Y-sơ-ra-ên

7, 8. Hãy mô tả tình trạng thiêng liêng của dân Y-sơ-ra-ên vào thời Ma-la-chi?

7 Những người được hưởng ân huệ của Đức Giê-hô-va là những người phụng sự Ngài; họ hoàn toàn khác với những kẻ không làm thế. Khi Ma-la-chi viết cuốn sách mang tên ông, hoàn cảnh cũng tương tự như vậy. Năm 537 TCN, sau 70 năm lưu đày ở Ba-by-lôn, dân Y-sơ-ra-ên còn sót lại được phục quốc. Tuy nhiên, trong suốt một thế kỷ sau đó, họ lại một lần nữa rơi vào sự bội đạo và gian ác. Phần đông dân sự làm ô danh Đức Giê-hô-va; lờ đi các luật pháp công bình của Ngài; làm ô uế đền thờ bằng cách đem dâng thú vật mù, què và bệnh hoạn làm của-lễ; và ly dị vợ cưới buổi xuân thì.

8 Hậu quả là Đức Giê-hô-va bảo họ: “Ta sẽ đến gần các ngươi đặng làm sự đoán-xét, và ta sẽ vội-vàng làm chứng nghịch cùng những kẻ đồng-bóng, tà-dâm, những kẻ thề dối, những kẻ gạt tiền-công của người làm thuê, hiếp-đáp kẻ góa bụa và kẻ mồ-côi, những kẻ làm hại người khách lạ và những kẻ không kính-sợ ta... Vì ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay-đổi”. (Ma-la-chi 3:5, 6) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va vẫn đưa ra lời mời sau cho bất cứ ai biết từ bỏ đường lối xấu: “Hãy trở lại cùng ta, thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi”.—Ma-la-chi 3:7.

9. Lời tiên tri của Ma-la-chi ứng nghiệm lần đầu như thế nào?

9 Những lời đó cũng ứng nghiệm vào thế kỷ thứ nhất CN. Một số người Do Thái còn sót lại đã phụng sự Đức Giê-hô-va và trở thành một phần của “dân” mới gồm các tín đồ Đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh, về sau có cả người ngoại trong đó. Nhưng đại đa số người Do Thái lại từ bỏ Chúa Giê-su nên ngài nói với họ: “Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!” (Ma-thi-ơ 23:38; 1 Cô-rinh-tô 16:22) Vào năm 70 CN, như Ma-la-chi 4:1 báo trước, “ngày... cháy như lò lửa” đã ập xuống dân Y-sơ-ra-ên. Giê-ru-sa-lem cùng đền thờ bị hủy diệt, và theo báo cáo hơn một triệu người đã chết vì đói, vì sự tranh giành quyền lực, và vì các cuộc tấn công của quân La Mã. Tuy nhiên, những người phụng sự Đức Giê-hô-va đều thoát nạn.—Mác 13:14-20.

10. Giới giáo phẩm và người ta nói chung đã bắt chước dân Y-sơ-ra-ên hồi thế kỷ thứ nhất như thế nào?

10 Nhân loại, và đặc biệt là khối đạo xưng theo Đấng Christ, đã bắt chước dân Y-sơ-ra-ên hồi thế kỷ thứ nhất. Lãnh tụ các đạo xưng theo Đấng Christ và giáo dân của họ nói chung đều thích những giáo điều riêng hơn là lẽ thật của Đức Chúa Trời do Chúa Giê-su dạy. Đáng trách nhất là hàng giáo phẩm. Họ từ chối dùng danh Đức Giê-hô-va, thậm chí xóa danh Ngài khỏi các bản dịch Kinh Thánh của họ. Họ sỉ nhục Đức Giê-hô-va qua những sự dạy dỗ nghịch lại Kinh Thánh, như các giáo lý ngoại giáo về sự hành hạ đời đời trong hỏa ngục, thuyết Chúa Ba Ngôi, linh hồn bất tử và thuyết tiến hóa. Giống như các thầy tế lễ thời Ma-la-chi, họ cướp đi sự ca ngợi lẽ ra phải dành cho Đức Giê-hô-va.

11. Các tôn giáo trên thế giới cho thấy rõ thế nào về thần mà họ thờ phượng?

11 Vào năm 1914, khi những ngày sau rốt bắt đầu, các tôn giáo trên thế giới, đặc biệt là khối đạo xưng theo Đấng Christ, cho thấy rõ họ thờ phượng ai. Trong cả hai cuộc thế chiến, họ khuyến khích giáo dân lao vào những cuộc xung đột giữa các nước cho dù phải chém giết cả những người cùng đạo. Lời Đức Chúa Trời nhận diện rõ những người vâng lời Đức Giê-hô-va và những kẻ cãi lời Ngài: “Bởi đó, người ta nhận biết con-cái Đức Chúa Trời và con-cái ma-quỉ: ai chẳng làm điều công-bình là không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy. Vả, lời rao-truyền mà các con đã nghe từ lúc ban đầu, ấy là chúng ta phải yêu-thương lẫn nhau. Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma-quỉ, đã giết em mình”.—1 Giăng 3:10-12.

Làm ứng nghiệm lời tiên tri

12, 13. Các tôi tớ Đức Chúa Trời đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri nào vào thời nay?

12 Đến cuối Thế Chiến I vào năm 1918, các tôi tớ Đức Giê-hô-va có thể nhận thấy khối đạo xưng theo Đấng Christ, cũng như các tôn giáo giả khác đã bị Đức Chúa Trời kết án. Kể từ đó, những người có lòng ngay thẳng được kêu gọi: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn, kẻo các ngươi dự phần tội-lỗi với nó, cũng chịu những tai-họa nó nữa chăng; vì tội-lỗi nó chất cao tày trời, và Đức Chúa Trời đã nhớ đến các sự gian-ác nó”. (Khải-huyền 18:4, 5) Những ai thật sự muốn phụng sự Đức Giê-hô-va bắt đầu được tẩy sạch khỏi các vết tích của tôn giáo giả và khởi sự rao giảng tin mừng về nước Đức Chúa Trời trên khắp thế giới, một công việc cần được hoàn tất trước khi hệ thống gian ác này bị kết liễu.—Ma-thi-ơ 24:14.

13 Đó là để ứng nghiệm lời tiên tri nơi Ma-la-chi 4:5, khi Đức Giê-hô-va phán: “Nầy, ta sẽ sai đấng tiên-tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến”. Lời tiên tri đó đã ứng nghiệm lần đầu tiên qua công việc của Giăng Báp-tít, người được Ê-li làm hình bóng trước. Giăng thực hiện công việc giống như của Ê-li khi làm báp têm cho những người Do Thái biết ăn năn tội lỗi đã phạm nghịch lại giao ước Luật Pháp. Quan trọng hơn nữa, Giăng dọn đường cho Đấng Mê-si. Nhưng công việc của Giăng chỉ là sự ứng nghiệm sơ khởi lời tiên tri Ma-la-chi. Khi xác nhận Giăng là Ê-li thứ hai, Chúa Giê-su cho thấy công việc giống như của “Ê-li” sẽ còn được thực hiện trong tương lai.—Ma-thi-ơ 17:11, 12.

14. Công việc trọng yếu nào phải được thực hiện trước khi hệ thống mọi sự này kết thúc?

14 Lời tiên tri của Ma-la-chi cho thấy công việc lớn của Ê-li sẽ được thực hiện trước “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va”. Ngày ấy chấm dứt với trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sắp đến trong ngày lớn của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Điều này có nghĩa là phải có một công việc tương ứng với hoạt động của Ê-li diễn ra trước, rồi mới có sự kết liễu hệ thống gian ác này và sự bắt đầu Triều Đại Một Ngàn Năm của Nước Đức Chúa Trời do Đấng Christ cai trị. Đúng như lời tiên tri đã nói, trước khi Đức Giê-hô-va hủy diệt hệ thống ác này, lớp người Ê-li thời nay, với sự hỗ trợ của hàng triệu anh em tín đồ Đấng Christ có hy vọng trên đất, đã năng nổ thi hành công việc phục hưng sự thờ phượng thanh sạch, tôn vinh danh Đức Giê-hô-va và dạy dỗ lẽ thật Kinh Thánh cho những người giống như chiên.

Đức Giê-hô-va ban phước cho các tôi tớ Ngài

15. Làm thế nào Đức Giê-hô-va ghi nhớ các tôi tớ Ngài?

15 Đức Giê-hô-va ban phước những ai phụng sự Ngài. Ma-la-chi 3:16 nói: “Bấy giờ những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va nói cùng nhau, thì Đức Giê-hô-va để ý mà nghe; và một sách để ghi-nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài”. Kể từ thời A-bên trở đi, Đức Chúa Trời đã ghi nhớ tên những người có triển vọng sống vĩnh cửu—như thể viết tên họ vào một cuốn sách. Đức Giê-hô-va nói với họ: “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương-thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử ta... xem ta có mở các cửa-sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng!”—Ma-la-chi 3:10.

16, 17. Đức Giê-hô-va đã ban phước cho dân Ngài và công việc của họ như thế nào?

16 Quả thật, Đức Giê-hô-va đã ban phước những người phụng sự Ngài. Qua cách nào? Trước hết là cho họ có sự hiểu biết sâu rộng hơn về ý định của Ngài. (Châm-ngôn 4:18; Đa-ni-ên 12:10) Thứ hai là qua kết quả kỳ diệu trong công việc rao giảng. Nhiều người có lòng thành thật đã kết hợp với họ trong sự thờ phượng thật. Những người này hợp thành một đám đông “vô-số người... bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra;... cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con”. (Khải-huyền 7:9, 10) Đám đông vô số người này hiện ra cách kỳ diệu, và đến nay số người tích cực phụng sự Đức Giê-hô-va đã lên đến trên sáu triệu người kết hợp với nhau trong hơn 93.000 hội thánh trên khắp thế giới!

17 Ngoài ra, sự ban phước của Đức Giê-hô-va còn thể hiện qua việc Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh được phổ biến rộng rãi nhất trong suốt lịch sử. Hiện nay, mỗi tháng có tới 90 triệu tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! được in ra; Tháp Canh được xuất bản trong 144 thứ tiếng, và Tỉnh Thức! trong 87 thứ tiếng. Sách giúp tìm hiểu Kinh Thánh Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời xuất bản năm 1968, đã được phát hành đến 107 triệu cuốn trong 117 thứ tiếng. Sách Bạn có thể sống đời đời trong địa-đàng trên đất ra mắt năm 1982, đạt đến trên 81 triệu cuốn trong 131 thứ tiếng. Sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời ra mắt năm 1995, cho đến nay đã được ấn hành trên 85 triệu cuốn trong 154 thứ tiếng. Và sách mỏng Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta?, xuất bản năm 1996, tính đến nay đã có 150 triệu quyển được phát hành trong 244 thứ tiếng.

18. Tại sao chúng ta được thịnh vượng về thiêng liêng mặc dù bị chống đối?

18 Tất cả những điều này được thực hiện bất kể sự chống đối kịch liệt và dai dẳng từ thế gian theo Sa-tan. Sự thịnh vượng về thiêng liêng này cho thấy Ê-sai 54:17 nói đúng: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi, và ngươi sẽ định tội mọi lưỡi dấy lên để xét-đoán ngươi. Đức Giê-hô-va phán: Ấy là phần cơ-nghiệp của các tôi-tớ Đức Giê-hô-va, và sự công-bình bởi ta ban cho họ”. Thật an ủi xiết bao cho các tôi tớ của Đức Giê-hô-va khi biết rằng Ma-la-chi 3:17 được ứng nghiệm chủ yếu trên họ: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán: Những kẻ ấy sẽ thuộc về ta, làm cơ-nghiệp riêng của ta trong ngày ta làm”.

Vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va

19. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va khác với những kẻ không phụng sự Ngài như thế nào?

19 Sự tương phản giữa các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va và những kẻ ác trong thế gian của Sa-tan ngày càng hiện rõ hơn. Ma-la-chi 3:18 tiên tri: “Bấy giờ các ngươi sẽ trở lại và sẽ phân-biệt giữa kẻ công-bình và kẻ gian-ác, giữa kẻ hầu-việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu-việc Ngài”. Một trong các sự khác biệt đó là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va lấy làm vui mừng phụng sự Ngài. Đó một phần là vì họ có hy vọng huy hoàng trước mặt. Họ hoàn toàn tin tưởng nơi lời nói của Đức Giê-hô-va khi Ngài phán: “Ta sẽ dựng trời mới đất mới; những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa. Thà các ngươi hãy mừng-rỡ và vui-vẻ đời đời trong sự ta dựng nên”.—Ê-sai 65:17, 18; Thi-thiên 37:10, 11, 29; Khải-huyền 21:4, 5.

20. Tại sao chúng ta là một dân tộc hạnh phúc?

20 Chúng ta tin tưởng nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va rằng dân tộc trung thành của Ngài sẽ sống sót qua ngày lớn Ngài và được đưa vào thế giới mới. (Sô-phô-ni 2:3; Khải-huyền 7:13, 14) Dù cho một số người trong chúng ta có thể chết đi vì tuổi già, bệnh tật hay tai nạn trước khi thế giới mới đến, Đức Giê-hô-va hứa rằng Ngài sẽ làm cho chúng ta sống lại với triển vọng sống đời đời. (Giăng 5:28, 29; Tít 1:2) Vậy, dù mỗi người chúng ta đều gặp phải khó khăn và thử thách trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va, chúng ta vẫn có mọi lý do để là dân tộc hạnh phúc nhất trên đất.

Bạn trả lời thế nào?

• “Ngày Đức Giê-hô-va” là gì?

• Các tôn giáo trên thế giới đã bắt chước dân Y-sơ-ra-ên xưa như thế nào?

• Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va làm ứng nghiệm các lời tiên tri nào thời nay?

• Đức Giê-hô-va đã ban phước thế nào cho dân Ngài?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Thành Giê-ru-sa-lem “cháy như lò lửa” vào thế kỷ thứ nhất

[Các hình nơi trang 23]

Đức Giê-hô-va chăm sóc những người phụng sự Ngài

[Các hình nơi trang 24]

Tôi tớ Đức Giê-hô-va thật sự hạnh phúc vì có hy vọng tuyệt diệu