Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vun trồng tình yêu thương Đức Giê-hô-va trong lòng con cái

Vun trồng tình yêu thương Đức Giê-hô-va trong lòng con cái

Tự Truyện

Vun trồng tình yêu thương Đức Giê-hô-va trong lòng con cái

DO WERNER MATZEN KỂ LẠI

Cách đây nhiều năm con trưởng nam của tôi, Hans Werner, tặng tôi một cuốn Kinh Thánh, với dòng chữ này bên trong: “Cha yêu dấu, mong sao Lời Đức Giê-hô-va tiếp tục dẫn dắt gia đình chúng ta trên con đường sự sống. Với tất cả tấm lòng biết ơn, con trưởng nam của cha”. Các bậc cha mẹ sẽ hiểu những lời ấy đã làm cho lòng tôi tràn ngập niềm biết ơn và vui sướng đến độ nào. Lúc ấy tôi không ngờ được gia đình chúng tôi sẽ còn phải trải qua thử thách loại nào nữa.

TÔI sinh năm 1924 ở Halstenbek, cách cảng Hamburg của Đức khoảng 20 kilômét, và lớn lên với mẹ và ông ngoại. Sau khi học nghề thợ chế dụng cụ, vào năm 1942 tôi bị gọi nhập ngũ quân đội Đức, Wehrmacht. Những gì tôi trải qua trong Thế Chiến II khi tác chiến trên mặt trận Nga thật kinh khủng, không tả nổi. Tôi mắc phải bệnh thương hàn nhưng sau khi được điều trị tôi bị đưa trở lại mặt trận. Vào tháng 1 năm 1945, khi đóng quân ở Lodz, Ba Lan, tôi bị thương rất nặng và phải nằm quân y viện. Tôi vẫn còn nằm bệnh viện khi chiến tranh kết thúc. Khi nằm bệnh viện và sau đó bị giam trong trại ở Neuengamme, tôi có thời gian để suy nghĩ. Tôi khắc khoải với những câu hỏi này: Đức Chúa Trời có thật không? Nếu có, tại sao Ngài lại để cho quá nhiều sự tàn ác xảy ra như thế?

Ít lâu sau khi được ra khỏi trại, vào tháng 9 năm 1947, tôi cưới Karla. Chúng tôi là người đồng hương cùng lớn lên trong một làng, nhưng trong khi Karla là người Công Giáo, tôi lớn lên không có đạo. Linh mục cử hành hôn lễ cho chúng tôi đề nghị rằng ít ra chúng tôi cũng nên cùng đọc kinh Lạy Cha vào mỗi buổi tối. Chúng tôi làm y như lời, nhưng lại không thật sự biết mình cầu nguyện điều gì.

Năm sau, Hans Werner chào đời. Cũng vào thời gian này, một bạn đồng nghiệp tên là Wilhelm Ahrens giới thiệu tôi với Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh ấy dùng Kinh Thánh chỉ cho tôi thấy rằng một ngày kia chiến tranh sẽ không còn nữa. (Thi-thiên 46:9) Vào mùa thu năm 1950, tôi dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm. Thật vui sướng biết bao khi người vợ yêu dấu của tôi cũng làm báp têm vào năm sau!

Nuôi dạy con cái theo đường lối Đức Giê-hô-va

Tôi đọc trong Kinh Thánh thấy nói rằng hôn nhân bắt nguồn từ Đức Giê-hô-va. (Sáng-thế Ký 1:26-28; 2:22-24) Có mặt lúc vợ tôi sinh mỗi đứa con—Hans Werner, Karl-Heinz, Michael, Gabriele và Thomas—điều này củng cố lời cam kết của tôi phải làm chồng tốt và cha tốt. Khi mỗi đứa con ra đời, tôi và Karla đều xúc động.

Đại hội năm 1953 của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Nuremberg là một dịp trọng đại cho gia đình chúng tôi. Vào trưa Thứ Sáu, trong bài giảng “Nuôi nấng con cái trong xã hội thế giới mới”, diễn giả nói một điều mà chúng tôi không bao giờ quên: “Di sản to nhất mà chúng ta có thể truyền lại cho con cái là ước muốn làm tôi tớ của Đức Chúa Trời”. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, tôi và Karla đều muốn làm chính điều ấy. Nhưng bằng cách nào?

Để bắt đầu, mỗi ngày gia đình chúng tôi tập thói quen cầu nguyện chung với nhau. Điều đó khắc ghi vào lòng con cái tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Mỗi đứa con đều học biết từ thuở nhỏ rằng trước mỗi bữa ăn chúng tôi luôn luôn cầu nguyện. Ngay cả khi chúng còn thơ ấu, mỗi lần trông thấy bình sữa là chúng khoanh tay bé bỏng lại và cúi đầu nhỏ nhắn xuống. Vào một dịp nọ, chúng tôi được mời dự tiệc cưới của một người bà con bên vợ, người đó không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va. Sau buổi lễ, cha mẹ của cô dâu mời khách đến nhà dùng thức ăn nhẹ. Ai nấy đều muốn vào tiệc ngay. Nhưng đứa con nhỏ Karl-Heinz của chúng tôi mới lên năm thấy làm như vậy không đúng. Cháu nói: “Mình hãy cầu nguyện trước đã”. Những người khách nhìn con chúng tôi, rồi nhìn chúng tôi và cuối cùng họ nhìn chủ nhà. Để tránh cho mọi người khỏi ngượng, tôi đề nghị nói lời cầu nguyện cảm ơn về bữa tiệc và chủ nhà đồng ý.

Câu chuyện đó nhắc tôi nhớ lại những lời Chúa Giê-su nói: “Chúa đã được ngợi-khen bởi miệng con trẻ và con đương bú”. (Ma-thi-ơ 21:16) Chúng tôi tin chắc rằng những lời cầu nguyện đều đặn và chân thành của chúng tôi đã giúp con cái xem Đức Giê-hô-va như là Cha đầy yêu thương của chúng ở trên trời.

Trách nhiệm đối với Đức Giê-hô-va

Muốn dạy con cái yêu thương Đức Chúa Trời cũng đòi hỏi đều đặn đọc và học hỏi Lời Ngài. Ghi nhớ điều này, chúng tôi có buổi học gia đình mỗi tuần, hầu hết vào tối Thứ Hai. Vì con trưởng và con út cách nhau đến chín tuổi, nhu cầu của mỗi đứa khác biệt nhau rất nhiều, bởi vậy chúng tôi không thể luôn luôn học cùng tài liệu với tất cả các con.

Thí dụ, đối với những đứa chưa đi học, chúng tôi giữ cho sự dạy dỗ giản dị. Karla chỉ dùng một câu Kinh Thánh riêng rẽ với chúng, hoặc dùng hình ảnh trong các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Tôi vẫn còn nhớ lại một cách thú vị những buổi sáng sớm bị mấy đứa con nhỏ đánh thức khi trèo lên giường chúng tôi để chỉ cho xem những hình ảnh chúng thích nhất trong sách The New World (Thế Giới Mới). *

Karla phát triển tài kiên nhẫn dạy con những lý do tại sao tất cả chúng ta phải yêu mến Đức Giê-hô-va. Điều đó có vẻ giản dị và dễ dàng, nhưng thật ra, về mặt thể chất và cảm xúc đó gần như là công việc trọn thời gian đối với Karla và tôi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không bỏ cuộc. Chúng tôi muốn khắc ghi vào lòng non nớt của chúng những điều tốt trước khi những người không biết Đức Giê-hô-va bắt đầu gây ảnh hưởng trên chúng. Vì lý do này, chúng tôi nhất định phải cho chúng có mặt ở buổi học gia đình vừa khi chúng biết ngồi.

Là cha mẹ, tôi và Karla nhận biết tầm quan trọng của việc nêu gương mẫu tốt cho con cái trong vấn đề thờ phượng. Và dù đang ăn, đang làm vườn hoặc đi dạo, chúng tôi cố gắng củng cố mối liên lạc của mỗi đứa đối với Đức Giê-hô-va. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7) Chúng tôi lo sao cho từ thuở còn bé, mỗi đứa đều có cuốn Kinh Thánh riêng. Ngoài ra, khi vừa nhận được tạp chí, tôi viết tên mỗi thành viên trong gia đình lên cuốn dành riêng cho mỗi người. Bởi vậy con cái tập nhận ra ấn phẩm nào là của mình. Chúng tôi nảy ra ý kiến chỉ định cho mỗi đứa con một bài trong tạp chí Tỉnh Thức! để đọc. Sau bữa ăn trưa Chủ Nhật, chúng giải thích cho chúng tôi chúng hiểu bài đó như thế nào.

Dành cho con cái sự quan tâm mà chúng cần

Dĩ nhiên, đường đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng cả. Khi con cái lớn lên, chúng tôi khám phá ra rằng muốn vun trồng tình yêu thương trong lòng chúng, chúng tôi cần phải biết rõ trong lòng chúng đã có những gì rồi. Điều đó có nghĩa là lắng nghe chúng. Đôi khi con cái cảm thấy muốn than phiền về điều gì đó, nên tôi và Karla ngồi xuống thảo luận vấn đề với chúng. Chúng tôi dành ra nửa giờ đặc biệt vào cuối buổi học gia đình để mỗi người được phép nói thẳng những điều mình nghĩ.

Thí dụ, Thomas và Gabriele, hai con nhỏ nhất, cảm thấy rằng chúng tôi tây vị anh cả của chúng. Một lần nọ, chúng nói: “Cha à, chúng con nghĩ cha mẹ luôn luôn để cho anh Hans Werner muốn gì được nấy”. Thoạt đầu, tôi không tin tai mình đã nghe thấy những lời ấy. Tuy nhiên, sau khi xem xét sự việc một cách khách quan, tôi và Karla phải nhìn nhận các con nói có lý một phần nào. Vậy chúng tôi cố gắng đối xử đồng đều với mỗi đứa con.

Đôi khi, tôi phạt con một cách hấp tấp hoặc không công bằng. Vào những dịp ấy, là cha mẹ, chúng tôi phải tập xin lỗi. Sau đó, chúng tôi cầu nguyện Đức Giê-hô-va. Điều quan trọng là con cái thấy cha chúng sẵn sàng xin lỗi Đức Giê-hô-va và xin lỗi chúng. Kết quả là chúng tôi rất gần gũi với chúng như bạn thân. Chúng thường nói với chúng tôi: “Cha mẹ là bạn tốt nhất của chúng con”. Điều này làm chúng tôi rất sung sướng.

Gia đình cộng tác với nhau đem lại sự hợp nhất. Nhằm mục đích đó, mỗi đứa đều nhận được phận sự làm việc vặt thường xuyên trong nhà. Hans Werner được giao cho phận sự mỗi tuần một lần đi ra tiệm mua thức ăn cho gia đình; điều này thường có nghĩa là chúng tôi giao cho cháu một số tiền và danh sách những thứ cần mua. Có một tuần, chúng tôi không đưa tiền cũng không đưa danh sách cho cháu. Cháu hỏi mẹ tại sao, thì vợ tôi bảo chưa có tiền. Thế rồi bọn trẻ thì thầm với nhau, và rồi mỗi đứa mang ra hộp tiền riêng của mình và trút hết xuống bàn. Chúng reo lên: “Mẹ à, bây giờ chúng ta có thể đi chợ được rồi!” Đúng vậy, bọn trẻ đã học cách ứng xử trước tình thế cấp bách và điều đó càng làm cho gia đình khắng khít với nhau hơn.

Lớn lên, các cậu trai bắt đầu để ý đến các cô gái. Thí dụ, Thomas rất để ý đến một em gái Nhân Chứng 16 tuổi. Tôi giải thích cho cháu rằng nếu thật lòng với cô gái đó thì cháu phải sẵn sàng cưới cô ấy và gánh vác trách nhiệm làm chồng làm cha. Thomas nhận ra mình chưa sẵn sàng cho hôn nhân vì chỉ mới 18 tuổi.

Gia đình cùng nhau tiến bộ

Khi hãy còn nhỏ tuổi, hết đứa này đến đứa khác đều ghi tên vào Trường Thánh Chức Thần Quyền. Chúng tôi lắng nghe rất kỹ bài giảng của chúng, và được khích lệ vì thấy bản thân chúng có lòng yêu mến Đức Chúa Trời sâu đậm. Thỉnh thoảng có các giám thị vòng quanh và địa hạt ghé qua ở trọ nhà chúng tôi và kể lại kinh nghiệm riêng của họ hoặc đọc Kinh Thánh cho chúng tôi nghe. Họ và vợ của họ đã giúp vun trồng sự yêu chuộng công việc trọn thời gian trong lòng mỗi người của gia đình chúng tôi.

Chúng tôi nôn nóng đi dự các đại hội. Đại hội là yếu tố then chốt trong nỗ lực của chúng tôi nhằm vun trồng ước muốn làm tôi tớ Đức Chúa Trời trong lòng con cái. Đối với bọn trẻ, giây phút đeo phù hiệu trước khi lên đường đi đến địa điểm đại hội thật là đặc biệt. Chúng tôi rất cảm động khi Hans Werner làm báp têm lúc được 10 tuổi. Vài người xem cháu còn quá trẻ để dâng mình cho Đức Giê-hô-va, nhưng khi được 50 tuổi cháu nói với tôi rằng cháu thật biết ơn khi phụng sự Đức Giê-hô-va trong 40 năm qua.

Chúng tôi giúp con cái hiểu mối liên lạc cá nhân với Đức Giê-hô-va là quan trọng, nhưng lại không hối thúc chúng dâng mình. Dù vậy, chúng tôi rất hài lòng khi các con khác cũng tiến bộ đi đến báp têm, mỗi đứa đúng lúc thích hợp với nó.

Học trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va

Vào năm 1971, chúng tôi vui mừng khôn xiết khi Hans Werner tốt nghiệp khóa 51 Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh và được bổ nhiệm đi Tây Ban Nha. Hết đứa này đến đứa khác đều lần lượt làm người truyền giáo trọn thời gian trong một giai đoạn nào đó, điều này làm chúng tôi rất sung sướng. Trong khoảng thời gian ấy, Hans Werner biếu tôi cuốn Kinh Thánh nêu ra trong đầu bài. Hạnh phúc của gia đình chúng tôi tưởng chừng như được trọn vẹn.

Sau đó chúng tôi khám phá ra mình cần phải bám chặt vào Đức Giê-hô-va nhiều hơn nữa. Tại sao? Vì chúng tôi thấy các con đã lớn khôn gặp phải các vấn đề thử thách đức tin của chúng một cách trầm trọng. Thí dụ, con gái yêu dấu Gabriele của chúng tôi đã gặp nhiều hoạn nạn. Năm 1976 cháu lấy cậu Lothar. Cậu ấy lâm bệnh ít lâu sau khi thành hôn. Khi sức khỏe cậu ấy ngày một yếu đi, Gabriele đã chăm sóc cho đến khi cậu ấy qua đời. Chứng kiến cảnh một thành viên khỏe mạnh trong gia đình ngã bệnh và chết khiến chúng tôi nhớ lại chúng ta cần đến bàn tay trìu mến của Đức Giê-hô-va biết bao!—Ê-sai 33:2.

Đặc ân trong tổ chức Đức Giê-hô-va

Vào năm 1955, khi được bổ nhiệm làm tôi tớ hội thánh (nay là giám thị chủ tọa), tôi cảm thấy mình không đủ khả năng gánh vác trách nhiệm. Có nhiều phận sự phải làm, và cách duy nhất để chu toàn công việc là thức dậy lúc bốn giờ sáng vào một số ngày nào đó. Vợ con tôi rất nhiệt thành ủng hộ tôi, lo sao cho tôi không bị quấy rầy vào buổi tối khi còn việc phải lo.

Tuy nhiên, gia đình chúng tôi cũng dành nhiều thì giờ rảnh rỗi để sinh hoạt với nhau. Đôi khi ông chủ cho tôi dùng xe của ông để chở gia đình đi chơi. Các con vui thích những dịp học Tháp Canh trong rừng. Chúng tôi cũng đi dã ngoại chung với nhau, đôi khi vừa đi trong rừng vừa hát bài hát theo tiếng nhạc đệm của kèn harmonica.

Vào năm 1978 tôi được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh dự khuyết (người truyền giáo lưu động). Tràn đầy cảm kích, tôi cầu nguyện: “Kính lạy Đức Giê-hô-va, con cảm thấy không đủ khả năng đảm nhiệm. Nhưng nếu Ngài muốn con thử, con sẽ làm hết sức mình”. Hai năm sau, lúc 54 tuổi, tôi giao cho con út tôi Thomas tiểu doanh nghiệp của tôi.

Tất cả các con đều đã lớn khôn, nhờ vậy tôi và Karla có cơ hội phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn. Cùng năm đó, tôi được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh phụ trách một khu Hamburg và toàn bộ bang Schleswig-Holstein. Nhờ có kinh nghiệm nuôi nấng gia đình, chúng tôi có thể đặc biệt thông cảm các bậc cha mẹ và con cái. Nhiều anh chị gọi chúng tôi là cha mẹ vòng quanh.

Sau mười năm cùng tôi làm công việc vòng quanh, Karla phải chịu phẫu thuật. Cùng năm đó, bác sĩ khám phá ra rằng tôi bị ung thư não. Bởi vậy, tôi ngưng làm giám thị vòng quanh để chịu phẫu thuật não. Phải đợi đến ba năm sau tôi mới có thể trở lại làm giám thị vòng quanh dự khuyết. Nay thì tôi và Karla tuổi đã ngoài 70 và không còn làm công việc vòng quanh nữa. Đức Giê-hô-va giúp chúng tôi hiểu rằng không nhất thiết phải bám lấy một đặc ân mà mình không còn đủ khả năng gánh vác nữa.

Hồi tưởng quá khứ, tôi và Karla tạ ơn Đức Giê-hô-va đã giúp chúng tôi vun trồng sự yêu chuộng lẽ thật trong lòng con cái. (Châm-ngôn 22:6) Qua năm tháng, Đức Giê-hô-va hướng dẫn và dạy dỗ chúng tôi, giúp chúng tôi chu toàn trách nhiệm. Dù có già yếu, lòng yêu mến của chúng tôi đối với Đức Giê-hô-va vẫn còn trẻ trung và sinh động như thuở nào.—Rô-ma 12:10, 11.

[Chú thích]

^ đ. 15 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, nhưng đã hết lưu hành.

[Hình nơi trang 26]

Gia đình chúng tôi đang đi dạo dọc bờ Sông Elbe ở Hamburg năm 1965

[Hình nơi trang 28]

Một số thành viên trong gia đình dự đại hội quốc tế ở Berlin năm 1998

[Hình nơi trang 29]

Với vợ tôi, Karla