Được lợi ích từ lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va
Được lợi ích từ lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va
“Ai khôn ngoan? Người ấy sẽ... tỏ ra chú ý đến các hành động yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va”.—THI-THIÊN 107:43, “NW”.
1. Từ “yêu thương nhân từ” xuất hiện trong Kinh Thánh lần đầu tiên khi nào, và chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào về đức tính này?
CÁCH ĐÂY khoảng 4.000 năm, cháu của Áp-ra-ham là Lót đã nói về Đức Giê-hô-va: “Chúa đã tỏ lòng nhân-từ [“yêu thương nhân từ”, NW] rất lớn”. * (Sáng-thế Ký 19:19) Đây là lần đầu tiên từ Hê-bơ-rơ được dịch là “yêu thương nhân từ” xuất hiện trong Kinh Thánh. Gia-cốp, Na-ô-mi, Đa-vít và những tôi tớ khác của Đức Chúa Trời cũng nói về đức tính này của Đức Giê-hô-va. (Sáng-thế Ký 32:10; Ru-tơ 1:8; 2 Sa-mu-ên 2:6) Thật ra, từ Hê-bơ-rơ này xuất hiện khoảng 250 lần trong nguyên bản phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Nhưng sự yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va là gì? Được tỏ cho ai trong quá khứ? Và làm sao ngày nay chúng ta nhận được lợi ích từ đức tính này của Ngài?
2. Tại sao từ Hê-bơ-rơ được dịch là “yêu thương nhân từ” lại rất khó định nghĩa, và từ này còn có một cách dịch thích hợp nào khác nữa?
2 Trong Kinh Thánh, chữ “yêu thương nhân từ” được dịch ra từ một chữ Hê-bơ-rơ rất phong phú về ý nghĩa mà không một từ nào trong hầu hết các ngôn ngữ có thể diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa như từ ấy. Do đó, dịch là “yêu thương”, “thương xót” và “thành tín” không lột được trọn vẹn ý nghĩa. Tuy nhiên, cách dịch “yêu thương nhân từ” bao gồm nhiều khía cạnh hơn và lột tả được nhiều ý nghĩa của từ. Bản dịch New World Translation of the Holy Scriptures—With References (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới có tham khảo) dịch một cách thích hợp từ “yêu thương nhân từ” trong tiếng Hê-bơ-rơ ra một từ khác nữa là “yêu thương trung tín”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 15:13; Thi-thiên 5:7, cước chú NW.
Khác với yêu thương và trung tín
3. Yêu thương nhân từ khác với yêu thương như thế nào?
3 Yêu thương nhân từ, hay yêu thương trung tín, liên quan mật thiết với tính yêu thương và trung tín, nhưng lại có những khác biệt quan trọng với hai từ này. Hãy xem xét yêu thương nhân từ khác với yêu thương như thế nào. Yêu thương có thể áp dụng cho vật hay khái niệm. Kinh Thánh nói đến “yêu các vật ở thế-gian” và “yêu mến khôn ngoan”. (1 Giăng 2:15; Châm-ngôn 29:3, Nguyễn Thế Thuấn) Nhưng yêu thương nhân từ áp dụng cho người, chứ không cho khái niệm hay những vật vô tri. Chẳng hạn, từ này áp dụng cho người khi Xuất Ê-díp-tô Ký 20:6 (NW) nói rằng Đức Giê-hô-va “tỏ lòng yêu thương nhân từ cho đến ngàn đời”.
4. Yêu thương nhân từ khác với trung tín như thế nào?
4 Từ Hê-bơ-rơ được dịch ra là “yêu thương nhân từ” cũng có nghĩa rộng hơn chữ “trung tín”. Trong một số ngôn ngữ, “trung tín” thường dùng để chỉ thái độ thích đáng của người dưới đối với bề trên. Nhưng như một nhà nghiên cứu nhận xét, theo quan điểm của Kinh Thánh, yêu thương nhân từ “thường ám chỉ nhiều đến trường hợp ngược lại trong mối quan hệ: người bề trên trung tín với người dưới, người yếu đuối, người khốn cùng”. Bởi thế, Vua Đa-vít mới Thi-thiên 31:16) Đa-vít xin Đức Giê-hô-va, Đấng Tối Cao, bày tỏ lòng yêu thương nhân từ, hay yêu thương trung tín, với kẻ khốn cùng như ông. Vì người khốn cùng không có quyền hành gì trên người cấp cao nên sự yêu thương nhân từ này là tự ý chứ không do ép buộc.
có thể nài xin Đức Giê-hô-va: “Cầu-xin soi sáng mặt Chúa trên kẻ tôi-tớ Chúa, lấy sự nhân-từ Chúa mà cứu-vớt tôi”. (5. (a) Lời Đức Chúa Trời nhấn mạnh những đặc tính nào trong tình yêu thương nhân từ của Ngài? (b) Chúng ta sẽ xem xét những cách bày tỏ lòng yêu thương nhân từ nào của Đức Giê-hô-va?
5 Người viết Thi-thiên hỏi: “Ai khôn ngoan? Người ấy sẽ... tỏ ra chú ý đến các hành động yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 107:43, NW) Lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va có thể đem lại sự giải cứu và gìn giữ. (Thi-thiên 6:4; 119:88, 159) Đó là một sự che chở và là một yếu tố giúp thoát khỏi lo phiền. (Thi-thiên 31:16, 21; 40:11; 143:12) Nhờ đức tính này, mới có thể thoát khỏi tội lỗi. (Thi-thiên 25:7) Bằng cách xem lại một số tường thuật trong Kinh Thánh và lưu ý những câu Kinh Thánh khác, chúng ta sẽ thấy rằng lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va được bày tỏ (1) bằng những hành động cụ thể và (2) cho các tôi tớ trung thành của Ngài.
Giải cứu—Một cách thể hiện lòng yêu thương nhân từ
6, 7. (a) Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ rất lớn như thế nào trong trường hợp của Lót? (b) Khi nào lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va đã được Lót nhắc đến?
6 Có lẽ cách tốt nhất để xác định tầm mức yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va là xem xét những lời tường thuật trong Kinh Thánh liên quan đến đức tính này. Nơi Sáng-thế Ký 14:1-16, chúng ta thấy Lót, cháu Áp-ra-ham, bị quân giặc bắt đem đi. Nhưng Áp-ra-ham đã cứu Lót. Mạng sống của Lót bị nguy hiểm lần nữa khi Đức Giê-hô-va quyết định hủy diệt thành Sô-đôm gian ác, nơi Lót và gia đình đang sống.—Sáng-thế Ký 18:20-22; 19:12, 13.
7 Ngay trước khi hủy diệt Sô-đôm, các thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã đưa Lót và gia đình ra khỏi thành. Khi ấy, Lót nói: “Tôi-tớ đã được ơn trước mặt Chúa; Chúa đã tỏ lòng nhân-từ rất lớn cùng tôi mà cứu tròn sự sống tôi”. (Sáng-thế Ký 19:16, 19) Qua những lời này, Lót thừa nhận rằng Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ đặc biệt khi giải cứu ông. Trong trường hợp này, việc giải cứu và gìn giữ Lót đã thể hiện lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời.—2 Phi-e-rơ 2:7.
Lòng yêu thương nhân từ và sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va
8, 9. (a) Người đầy tớ của Áp-ra-ham được giao sứ mạng gì? (b) Tại sao ông cầu xin lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời, và điều gì đã xảy ra đang khi ông cầu nguyện?
8 Chương 24 sách Sáng-thế Ký tường thuật lại một cách thể hiện khác về lòng yêu thương nhân từ, hay lòng yêu thương trung tín, của Đức Chúa Trời. Theo lời tường thuật này, Áp-ra-ham đã giao cho đầy tớ sứ mạng đi về quê hương của bà con Áp-ra-ham để tìm vợ cho con mình là Y-sác. (Câu 2-4) Sứ mạng thật khó, nhưng người đầy tớ được bảo đảm rằng ông sẽ được thiên sứ của Đức Giê-hô-va hướng dẫn. (Câu 7) Cuối cùng người đầy tớ tới một cái giếng bên ngoài “thành của Na-cô” (thành Cha-ran hoặc một chỗ gần đó) đúng vào lúc những người nữ ra xách nước. (Câu 10, 11) Khi thấy họ lại gần, người đầy tớ biết rằng giờ phút trọng đại của sứ mạng mình đã đến. Nhưng làm sao có thể biết phụ nữ nào là người ông phải chọn đây?
9 Biết mình cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, người đầy tớ của Áp-ra-ham cầu nguyện: “Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của chủ Áp-ra-ham tôi ơi! xin ngày nay cho tôi gặp điều mà tôi tìm-kiếm, và hãy làm ơn cho chủ Áp-ra-ham tôi!” (Câu 12) Đức Giê-hô-va đã làm ơn, tức bày tỏ lòng yêu thương nhân từ của Ngài như thế nào? Người đầy tớ xin một dấu rõ rệt giúp ông có thể nhận ra cô gái trẻ mà Đức Chúa Trời chọn. (Câu 13, 14) Một thiếu nữ đã làm đúng như những gì ông cầu xin với Đức Giê-hô-va. Như thể nàng đã nghe lỏm được lời cầu xin của ông! (Câu 15-20) Người đầy tớ kinh ngạc “nhìn nàng”. Dù vậy, cũng còn một vài dữ kiện quan trọng khác cần được xác định. Thiếu nữ xinh đẹp này phải chăng là một trong những người bà con của Áp-ra-ham? Và nàng vẫn còn độc thân chăng? Vì thế, người đầy tớ “làm thinh... để cho biết Đức Giê-hô-va làm thành công-việc mình đi đây hay chăng”.—Câu 16, 21.
10. Tại sao người đầy tớ của Áp-ra-ham kết luận rằng Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với chủ mình?
10 Chẳng mấy chốc sau đó, thiếu nữ này cho biết nàng là “con gái của Bê-tu-ên, cháu nội của Minh-ca và Na-cô [em của Áp-ra-ham]”. (Sáng-thế Ký 11:26; 24:24) Chính lúc ấy, người đầy tớ nhận biết rằng Đức Giê-hô-va đã đáp lời cầu xin của mình. Vô cùng cảm kích, ông quỳ xuống và nói: “Đáng ngợi-khen thay Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của chủ Áp-ra-ham tôi! Ngài chẳng ngớt thương-xót [“yêu thương nhân từ”, NW] và thành-thực đối cùng chủ tôi! Khi đương đi, Đức Giê-hô-va dẫn-dắt tôi đến nhà anh em của chủ tôi vậy”. (Câu 27) Bằng sự hướng dẫn, Đức Chúa Trời đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với Áp-ra-ham là chủ của người đầy tớ.
Lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời đem lại giải cứu và che chở
11, 12. (a) Giô-sép đã nghiệm được lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va trong những thử thách nào? (b) Trong trường hợp Giô-sép, lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời được bày tỏ như thế nào?
11 Kế tiếp, chúng ta hãy xem xét chương 39 sách Sáng-thế Ký. Chương này tập trung vào chít của Áp-ra-ham là Giô-sép bị bán làm nô lệ trong xứ Ê-díp-tô. Tuy thế, Giô-sép “được Đức Giê-hô-va phù-hộ”. (Câu 1, 2) Thật vậy, ngay cả Phô-ti-pha người Ê-díp-tô, chủ Giô-sép, cũng kết luận rằng Đức Giê-hô-va ở với Giô-sép. (Câu 3) Tuy nhiên, Giô-sép phải đối diện với một sự thử thách rất nặng nề. Ông bị cáo gian là cưỡng hiếp vợ của Phô-ti-pha và bị bỏ tù. (Câu 7-20) Đó là “nơi lao-lung” mà “người ta cột chân người vào cùm, làm cho người bị còng xiềng”.—Sáng-thế Ký 40:15; Thi-thiên 105:18.
12 Điều gì đã xảy ra trong thời gian thử thách đặc biệt này? “Đức Giê-hô-va phù-hộ Giô-sép và tỏ lòng nhân-từ cùng chàng”. (Câu 21a) Một hành động yêu thương nhân từ đặc biệt đã tạo nên một chuỗi biến cố đưa tới việc giải thoát Giô-sép sau này khỏi những khốn khổ. Đức Giê-hô-va làm cho Giô-sép “được ơn trước mặt chủ ngục”. (câu 21b) Vì thế, viên cai ngục giao cho Giô-sép một chức vụ quan trọng. (Câu 22) Kế đó, Giô-sép gặp một người mà cuối cùng đã giới thiệu chàng với Pha-ra-ôn, vua xứ Ê-díp-tô. (Sáng-thế Ký 40:1-4, 9-15; 41:9-14) Ông được vua thăng chức làm quan cai trị xứ Ê-díp-tô, đứng hàng thứ hai sau vua, nhờ vậy ông đã ngăn chặn được nạn đói tại xứ này. (Sáng-thế Ký 41:37-55) Giô-sép đã phải chịu đau khổ từ năm 17 tuổi, và sự đau khổ này kéo dài hơn 12 năm! (Sáng-thế Ký 37:2, 4; 41:46) Nhưng qua tất cả những năm đau khổ và cùng cực đó, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã luôn bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với Giô-sép bằng cách che chở ông khỏi thảm họa và gìn giữ ông để có thể nhận lãnh được đặc ân trong việc thực thi ý định của Đức Chúa Trời.
Lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời luôn đầy dẫy
13. (a) Thi-thiên 136 tường thuật những sự biểu lộ lòng yêu thương nhân từ nào của Đức Giê-hô-va? (b) Bản chất của lòng yêu thương nhân từ là gì?
13 Nhiều lần Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với dân Y-sơ-ra-ên với tư cách một dân tộc. Thi-thiên 136 thuật lại rằng với lòng yêu thương nhân từ, Ngài đã giải cứu (Câu 10-15), dẫn dắt (Câu 16) và che chở họ. (Câu 17-20) Đức Chúa Trời cũng đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với từng cá nhân. Tự nguyện hành động nhằm đáp ứng một nhu cầu thiết yếu của người khác là một cách để bày tỏ lòng yêu thương nhân từ. Một sách tham khảo về Kinh Thánh ghi như sau về lòng yêu thương nhân từ: “Đó là một hành động bảo toàn hoặc làm cho đời sống sung mãn. Đó là sự can thiệp giúp một người nào đó bị đau khổ vì rủi ro hay khốn cùng”. Một học giả miêu tả đó là “tình yêu thương thể hiện bằng hành động”.
14, 15. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Lót là một tôi tớ được Đức Chúa Trời chấp nhận?
14 Những tường thuật trong sách Sáng-thế Ký mà chúng ta vừa xem cho thấy rằng Đức Giê-hô-va lúc nào cũng tỏ lòng yêu thương nhân từ với những người yêu mến Ngài. Lót, Áp-ra-ham, và Giô-sép sống trong những hoàn cảnh khác nhau và phải đối phó với những thử thách rất khác biệt. Họ bất toàn, nhưng là tôi tớ được Đức Giê-hô-va chấp nhận và cần được Ngài giúp đỡ. Chúng ta có thể được an ủi khi biết Cha yêu thương trên trời của chúng ta bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với những người như thế.
15 Lót đã có những quyết định thiếu khôn ngoan khiến ông rơi vào khó khăn. (Sáng-thế Ký 13:12, 13; 14:11, 12) Thế nhưng, ông cũng biểu lộ những đức tính đáng khen. Lót bày tỏ lòng hiếu khách đối với hai thiên sứ đến Sô-đôm. (Sáng-thế Ký 19:1-3) Với đức tin, ông cảnh báo hai người con rể về sự hủy diệt Sô-đôm sắp xảy ra. (Sáng-thế Ký 19:14) Kinh Thánh, nơi 2 Phi-e-rơ 2:7-9, cho biết quan điểm của Đức Chúa Trời về Lót như sau: “[Đức Giê-hô-va] đã giải-cứu người công-bình là Lót, tức là kẻ quá lo vì cách ăn-ở luông-tuồng của bọn gian-tà kia, (vì người công-bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm-biết đau-xót trong lòng công-bình mình), thì Chúa biết cứu-chữa những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ”. Đúng vậy, Lót là người công bình, và những chữ dùng ở đây hàm ý ông là một người tin kính. Giống như ông, chúng ta được hưởng lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời khi “nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình”.—2 Phi-e-rơ 3:11, 12.
16. Kinh Thánh đã khen ngợi Áp-ra-ham va Giô-sép bằng những lời lẽ nào?
16 Sự tường thuật trong chương 24 sách Sáng-thế Ký rõ ràng cho thấy Áp-ra-ham có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Câu đầu tiên nói rằng “trong mọi việc Đức Giê-hô-va đã ban phước cho người”. Người đầy tớ của Áp-ra-ham gọi Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời của chủ Áp-ra-ham tôi”. (Câu 12, 27) Môn đồ Gia-cơ nói rằng Áp-ra-ham được “xưng công-bình” và “được gọi là bạn Đức Chúa Trời”. (Gia-cơ 2:21-23) Trường hợp của Giô-sép cũng giống vậy. Mối quan hệ mật thiết giữa Đức Giê-hô-va và Giô-sép được nhấn mạnh trong suốt chương 39 sách Sáng-thế Ký. (Câu 2, 3, 21, 23) Hơn nữa, môn đồ Ê-tiên cũng nói về Giô-sép rằng: “Đức Chúa Trời ở cùng người”.—Công-vụ 7:9.
17. Chúng ta có thể học được gì từ gương của Lót, Áp-ra-ham, và Giô-sép?
17 Những người đã nghiệm được lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời mà chúng ta vừa xem xét là những cá nhân vốn có một mối quan hệ tốt đẹp với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và phục vụ ý định của Ngài dưới những hình thức khác nhau. Họ phải đương đầu với những trở ngại mà họ không thể vượt qua được bằng sức riêng. Việc bảo toàn sự sống của Lót, việc giữ cho dòng dõi Áp-ra-ham được liên tục và việc bảo vệ vai trò của Giô-sép có thể gặp bất trắc. Chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể thỏa mãn nhu cầu của những người tin kính này, và Ngài đã làm đúng như thế khi can thiệp bằng những hành động yêu thương nhân từ. Nếu muốn mãi mãi nghiệm được lòng yêu thương nhân từ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta cũng phải có mối quan hệ cá nhân mật thiết với Ngài và tiếp tục thực thi ý muốn Ngài.—E-xơ-ra 7:28; Thi-thiên 18:50.
Tôi tớ Đức Chúa Trời được ưu đãi
18. Nhiều câu Kinh Thánh cho biết gì về lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va?
18 “Đất được đầy-dẫy” sự yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va, và chúng ta biết ơn biết bao về đức tính này của Ngài! (Thi-thiên 119:64) Chúng ta hết lòng hưởng ứng điệp khúc của người viết Thi-thiên: “Nguyện người ta ngợi-khen Đức Giê-hô-va vì sự nhân-từ Ngài, và vì các công-việc lạ-lùng Ngài làm cho con loài người!” (Thi-thiên 107:8, 15, 21, 31) Chúng ta vui mừng vì Đức Giê-hô-va đã tỏ lòng yêu thương nhân từ với các tôi tớ được Ngài chấp nhận—hoặc với từng cá nhân hay với một nhóm người. Trong lời cầu nguyện, nhà tiên tri Đa-ni-ên gọi Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời cao-cả và đáng khiếp-sợ! Ngài giữ lời giao-ước và sự nhân-từ đối với những kẻ yêu Ngài và giữ các điều-răn Ngài”. (Đa-ni-ên 9:4) Vua Đa-vít cầu nguyện như sau: “Cầu Chúa cứ làm ơn cho những người biết Chúa”. (Thi-thiên 36:10) Chúng ta vô cùng biết ơn về việc Đức Giê-hô-va tỏ lòng yêu thương nhân từ với tôi tớ Ngài!—1 Các Vua 8:23; 1 Sử-ký 17:13.
19. Trong bài tới, chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
19 Thật vậy, chúng ta được đặc ân làm dân sự Đức Giê-hô-va! Ngoài những lợi ích nhận được từ tình yêu thương Ngài dành cho nhân loại nói chung, chúng ta còn được hưởng những ân phước đặc biệt nhờ lòng yêu thương nhân từ, hay lòng yêu thương trung tín, của Cha trên trời. (Giăng 3:16) Đặc biệt trong lúc gặp khó khăn, chúng ta thật sự được lợi ích từ đức tính quý giá này của Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 36:7) Nhưng làm sao chúng ta có thể noi gương Giê-hô-va Đức Chúa Trời về lòng yêu thương nhân từ? Cá nhân chúng ta có đang bày tỏ đức tính xuất sắc này không? Những câu hỏi này và những câu hỏi có liên quan sẽ được xem xét trong bài tới.
Bạn còn nhớ không?
• Từ “yêu thương nhân từ” trong tiếng Hê-bơ-rơ còn được dịch ra là gì nữa?
• Yêu thương nhân từ khác với yêu thương và trung tín như thế nào?
• Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với Lót, Áp-ra-ham, và Giô-sép ra sao?
• Việc Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ trong quá khứ cho chúng ta sự bảo đảm nào?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 13]
Bạn có biết Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương nhân từ với Lót như thế nào không?
[Các hình nơi trang 15]
Bởi lòng yêu thương nhân từ, Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn người đầy tớ của Áp-ra-ham
[Các hình nơi trang 16]
Đức Giê-hô-va bày tỏ lòng yêu thương nhân từ bằng cách che chở Giô-sép
[Chú thích]
^ đ. 1 Từ Hê-bơ-rơ thường được dịch là “nhân-từ” và “làm ơn” trong các đoạn Kinh Thánh trích dẫn và dẫn chứng từ bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội trong bài học này và bài kế có nghĩa là “lòng yêu thương nhân từ” hoặc “lòng yêu thương trung tín”.