Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Tín đồ thật Đấng Christ nên đến dự đám tang hoặc hôn lễ tại nhà thờ không?

Dự phần vào tôn giáo giả dù là dưới bất cứ hình thức nào đều không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên chúng ta cần tránh. (2 Cô-rinh-tô 6:14-17; Khải-huyền 18:4) Đám tang tổ chức tại nhà thờ hay là một buổi lễ tôn giáo ở nơi nào khác thường có một bài giảng về những ý tưởng trái ngược với Kinh Thánh, chẳng hạn như linh hồn bất tử và phần thưởng trên trời cho tất cả những người tốt. Bài giảng này cũng có thể bao gồm những nghi thức như làm dấu thánh giá và cùng cầu nguyện với linh mục hay mục sư. Lời cầu nguyện và những thực hành có tính cách tôn giáo khác đi ngược lại với sự dạy dỗ của Kinh Thánh cũng có thể là một phần của những nghi thức tôn giáo trong hôn lễ tổ chức tại nhà thờ hay tại bất cứ nơi nào khác. Hiện diện giữa một nhóm người đều tham gia những thực hành tôn giáo giả, một tín đồ Đấng Christ có thể sẽ cảm thấy khó cưỡng lại áp lực của đa số. Thật là thiếu khôn ngoan biết bao khi tự đặt mình vào áp lực trên!

Nhưng nếu một tín đồ Đấng Christ cảm thấy có bổn phận phải đến dự một đám tang hoặc một lễ cưới tổ chức tại nhà thờ thì sao? Chẳng hạn, một người chồng không tin đạo có thể cứ nhất quyết muốn người vợ theo đạo Đấng Christ cùng đi với mình vào dịp này. Người vợ có thể nào chỉ lặng lẽ hiện diện với tính cách quan sát viên không? Vì tôn trọng ý muốn chồng, người vợ có thể quyết định cùng đi với anh ấy, nhưng dứt khoát không dự vào bất cứ nghi thức tôn giáo nào. Mặt khác, chị cũng có thể chọn không đến dự, vì nghĩ rằng những áp lực quá lớn, trong những tình huống đó có thể khiến chị vi phạm các nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Quyết định là do nơi chị. Chị phải thật dứt khoát để không bị lương tâm cắn rứt.—1 Ti-mô-thê 1:19.

Dù sao, tốt hơn chị nên giải thích cho chồng mình hiểu rằng vì cớ lương tâm, chị không thể dự vào bất cứ nghi thức tôn giáo nào hoặc cùng hát thánh ca, hay cúi đầu trong lúc cầu nguyện. Sau khi nghe giải thích, chồng chị có thể thấy rằng sự hiện diện của chị có thể làm anh ta khó xử. Anh có thể chọn đi một mình vì yêu vợ, tôn trọng niềm tin của vợ, hoặc vì muốn tránh bị lúng túng khó xử. Nhưng nếu anh nài nỉ, chị có thể cùng đi với tính cách quan sát viên.

Người tín đồ Đấng Christ đồng thời cũng phải xét xem nơi mình tham dự buổi lễ ảnh hưởng thế nào đến các anh em đồng đức tin. Điều này có gây tổn hại đến lương tâm của một số anh em không? Có khiến họ bớt kiên quyết trong việc tránh thờ hình tượng không? Sứ đồ Phao-lô đã khuyến khích anh em hãy “nhận rõ những điều quan trọng hơn, hầu cho anh em không chỗ chê trách và không làm người khác vấp phạm, cho đến ngày Đấng Christ”.—Phi-líp 1:10, NW.

Có thể người tín đồ Đấng Christ sẽ phải chịu thêm áp lực gia đình, trong trường hợp vấn đề có liên hệ đến người họ hàng gần gũi. Dù ở trường hợp nào, một tín đồ Đấng Christ cũng cần thận trọng đắn đo mọi khía cạnh. Trong một vài trường hợp, anh hoặc chị có thể thấy rằng việc tham dự lễ tang hay hôn lễ tại nhà thờ, với thái độ bàng quan, sẽ không gây ra rắc rối nào. Tuy nhiên, cũng có trường hợp việc tham dự này có thể sẽ gây tổn hại đến lương tâm của chính mình hoặc người khác, và sự hiện diện sẽ thành có hại nhiều hơn là có lợi. Dù ở tình huống nào, người tín đồ Đấng Christ cũng muốn chắc rằng quyết định của mình sẽ không gây trở ngại cho việc gìn giữ lương tâm tốt trước Đức Chúa Trời và loài người.