Điều nghịch lý ở Tertullian
Điều nghịch lý ở Tertullian
‘CÓ ĐIỂM tương đồng gì giữa tín đồ Đấng Christ và nhà triết học? Giữa kẻ bóp méo lẽ thật và người phục hồi, truyền giảng lẽ thật đó? Có sự hòa hợp nào giữa Viện Hàn Lâm và Giáo Hội?’ Đó là những câu hỏi thách thức do Tertullian, một nhà văn thuộc thế kỷ thứ hai và thứ ba CN, nêu lên. Ông được biết đến như là “một trong những nguồn hiểu biết phong phú nhất về lịch sử Giáo Hội và về các giáo lý vào thời ông”. Ông quan tâm đến hầu hết mọi khía cạnh của đời sống thuộc về tôn giáo.
Tertullian được biết đến nhiều nhất có lẽ qua những lời phát biểu nghịch lý, có vẻ mâu thuẫn của ông, chẳng hạn như: “Thiên Chúa đặc biệt vĩ đại, khi Ngài hèn mọn”. “Phải tin vào [cái chết của Con Thiên Chúa] bằng mọi cách, vì đó là chuyện phi lý”. “[Chúa Giê-su] đã được chôn, và sống lại; sự kiện này là chắc chắn, vì không thể xảy ra được”.
Tertullian không chỉ tỏ ra nghịch lý ở những lời phát biểu mà còn ở nhiều điều khác nữa. Mặc dù có ý định bênh vực lẽ thật và làm tăng giá trị tính trung thực của giáo hội và các giáo lý của họ, nhưng thực ra ông đã làm sai lạc các sự dạy dỗ chính truyền. Sự đóng góp chính của ông cho khối tín đồ Ky-tô Giáo lại trở thành một lý thuyết mà sau này các nhà văn khác dựa vào để xây dựng giáo lý Tam Vị Nhất Thể. Để hiểu rõ điều này đã xảy ra như thế nào, trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu sơ qua về chính con người của Tertullian.
“Luôn gây hứng thú”
Người ta biết rất ít về cuộc đời của Tertullian. Đa số học giả đồng ý là ông sinh vào khoảng năm 160 CN ở Carthage, Bắc Phi. Hẳn ông là một người có học thức cao và rất quen thuộc với các trường phái triết học vào thời của ông. Dường như lòng sẵn sàng tử vì đạo của những người xưng mình là tín đồ Đấng Christ đã thu hút ông đến với đạo này. Liên quan đến việc tử vì đạo của tín đồ Đấng Christ, ông nêu câu hỏi: “Có ai suy ngẫm về chuyện đó mà lại không thắc mắc và muốn biết động lực nào đã thúc đẩy họ hành động như vậy hay sao? Và có ai, sau khi xem xét sự việc, lại không tiếp nhận các giáo lý của chúng ta?”
Sau khi đổi sang đạo Đấng Christ trên danh nghĩa, Tertullian đã trở thành nhà văn đầy óc sáng tạo và tinh ý, luôn đưa ra những câu phát biểu súc tích và sắc bén. Sách The Fathers of the Church (Các Cha của Giáo Hội) nhận xét: “[Ông] có một khả năng mà hiếm nhà thần học nào khác có được. Ông luôn gây hứng thú”. Một học giả nói: “Tertullian có khiếu dùng từ hơn là câu, và các nhận xét nhạy bén của ông dễ hiểu hơn các lý lẽ ông đưa ra. Có thể đó là lý do tại sao người ta thường trích dẫn những gì ông viết nhưng ít trích dẫn dài dòng”.
Bênh vực đạo Đấng Christ
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Tertullian là Apology (Sách biện giải tôn giáo), được xem như một trong những cuốn sách bênh vực đạo Đấng Christ trên danh nghĩa một cách mạnh mẽ nhất. Sách này được viết vào thời tín đồ Đấng Christ thường bị đám dân mê tín tấn công. Tertullian đứng ra bênh vực cho những tín đồ Đấng Christ này và phản đối việc họ bị đối xử một cách vô lý như thế. Ông nói: “[Các
kẻ chống đối] xem các tín đồ Đấng Christ như là nguyên nhân của mọi tai vạ và bất hạnh của dân chúng... Khi nước Sông Ni-lơ không dâng tràn để tưới ruộng, khi thời tiết không thay đổi, khi có động đất, đói kém, dịch lệ—tức thì có tiếng kêu lên: ‘Hãy ném bọn tín đồ Đấng Christ cho sư tử!’ ”Mặc dù các tín đồ Đấng Christ thường bị kết tội bất trung với Nhà Nước, nhưng Tertullian cố gắng chứng minh rằng họ là những công dân đáng tin cậy nhất trong cả lãnh thổ. Khi lưu ý đến một số mưu toan lật đổ chính quyền La Mã, ông nhắc đối phương của ông rằng những kẻ có mưu đồ đó đều là dân ngoại, chứ không phải là tín đồ Đấng Christ. Tertullian cho thấy rằng khi các tín đồ Đấng Christ bị hành quyết, chính Nhà Nước mới bị thiệt thòi.
Các tác phẩm khác của Tertullian đề cập đến cuộc sống của tín đồ Đấng Christ. Chẳng hạn, trong bài bình luận Về các buổi biểu diễn, Tertullian khuyên không nên có mặt ở một số nơi giải trí, những nơi dành cho các cuộc thi đấu hung bạo của người ngoại và các buổi diễn kịch. Dường như một số người mới vào đạo thấy không có gì mâu thuẫn khi họ họp lại để nghe lời dạy của Kinh Thánh, và sau đó đến xem các cuộc thi đấu của người ngoại đạo. Nhằm động viên họ, Tertullian viết: “Thật gớm ghiếc biết bao khi bước từ nhà thờ Chúa sang nơi thờ quỉ—từ thiêng liêng tính sang thú tính”. Ông nói tiếp: “Điều gì ngươi chối bỏ, không làm, thì đừng ủng hộ bằng lời nói”.
Bóp méo lẽ thật khi bênh vực nó
Tertullian mở đầu bài luận thuyết mang tựa đề Against Praxeas (Chống lại Praxeas) bằng câu: “Quỉ sứ đương đầu và chống lại lẽ thật bằng nhiều phương cách. Đôi khi mục tiêu của hắn là triệt hạ lẽ thật qua việc bênh vực nó”. Người đàn ông mang tên Praxeas của bài luận thuyết này không được nói rõ là ai, nhưng Tertullian đặt nghi vấn về những sự dạy dỗ của ông ta liên quan đến Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Ông xem Praxeas là công cụ trá hình mà Sa-tan dùng nhằm phá hoại đạo Đấng Christ.
Vấn đề trọng yếu được nêu lên trong vòng những người theo đạo Đấng Christ trên danh nghĩa thời bấy giờ là quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Một số người, đặc biệt là những người chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, thấy khó dung hòa niềm tin nơi một Đức Chúa Trời với vai trò của Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế và Cứu Chuộc. Praxeas tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách dạy rằng Đức Chúa Giê-su chỉ là một hình thái khác của Đức Cha và không có sự khác biệt nào giữa Đức Cha và Đức Con. Học thuyết này, gọi là “hình thái luận” (“modalism”) cho rằng Đức Chúa Trời tự tỏ mình ra là “Đức Cha khi dựng nên mọi vật và khi ban hành Luật Pháp; là Đức Con trong Chúa Giê-su Christ, và là Đức Thánh Linh sau khi Đấng Christ lên trời”.
Tertullian chứng minh rằng Kinh Thánh phân biệt rõ giữa Đức Cha và Đức Con. Sau khi trích dẫn 1 Cô-rinh-tô 15:27, 28, ông lý luận: “Đấng đã phục (muôn vật), và Đấng mà muôn vật phải chịu phục đương nhiên phải là hai chủ thể khác nhau”. Tertullian lưu ý đến lời của chính Chúa Giê-su: “Cha tôn-trọng hơn ta”. (Giăng 14:28) Ông dùng một số câu trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, chẳng hạn như Thi-Thiên 8:5, để chứng minh cách Kinh Thánh mô tả sự “thấp kém hơn” của Đức Con. Tertullian kết luận: “Thế nên Đức Cha khác với Đức Con, và là đáng tôn trọng hơn. Bởi vì Đấng tạo dựng là một chủ thể, và Đấng được sinh ra là một chủ thể khác; Đấng sai đi cũng khác với Đấng được sai đi; và hơn nữa, Đấng sáng tạo khác với Đấng mà qua đó mọi vật được dựng nên”.
Tertullian xem Đức Con ở vị thế thấp hơn Đức Cha. Thế nhưng, khi nỗ lực đả phá “hình thái luận”, ông lại “vượt qua lời đã chép”. (1 Cô-rinh-tô 4:6) Ông sai lầm khi tìm cách dùng một lý thuyết khác để chứng minh thần tính của Chúa Giê-su; ông đã đưa ra tín điều “một bản thể trong ba ngôi vị”. Ông định dùng quan niệm này để chứng minh rằng Đức Chúa Trời, Con Ngài, và thánh linh là ba ngôi riêng biệt trong cùng một bản thể thánh. Bởi đó, Tertullian trở thành người đầu tiên áp dụng từ “tam vị nhất thể” trong tiếng La-tinh cho Đức Cha, Đức Con, và thánh linh.
Cảnh giác về triết lý của thế gian
Làm thế nào Tertullian lại có thể đặt ra lý thuyết “một bản thể trong ba ngôi”? Câu trả lời lại nằm ở một điều nghịch lý khác trong con người này—đó là quan niệm của ông về triết lý. Tertullian gọi triết lý là “ ‘các giáo lý’ của loài người và ‘của quỉ sứ’ ”. Ông công khai chỉ trích việc dùng triết lý để bênh vực các lẽ thật của đạo Đấng Christ. Ông nói: “Hãy dẹp bỏ mọi nỗ lực nhằm tạo một đạo Đấng Christ ít nhiều bị pha trộn với triết lý khắc kỷ, học thuyết Plato, và thuyết biện chứng”. Ấy thế mà chính Tertullian đã sử dụng nhiều triết lý thế tục khi những điều này phù hợp với suy nghĩ của ông.—Cô-lô-se 2:8.
Một tài liệu tham khảo có ghi: “Thuyết Tam Vị Nhất Thể muốn được phát triển và diễn đạt phải cần đến các quan niệm và thể loại của văn hóa Hy Lạp”. Cuốn The Theology of Tertullian (Thần học của Tertullian) ghi nhận: “[Đó là] một sự pha trộn kỳ lạ giữa các ý tưởng và từ ngữ pháp lý và triết lý, nhằm giúp Tertullian trình bày giáo lý tam vị nhất thể dưới một dạng thức tuy còn có những hạn chế và chưa được hoàn chỉnh, nhưng cũng đã thành khuôn khổ cho cách trình bày giáo lý này sau này ở Giáo Hội Nghị Nicaea”. Bởi thế, dạng thức của Tertullian—ba ngôi trong cùng một bản thể thánh—đã đóng vai trò chủ yếu trong việc phổ biến một điều sai lầm về tôn giáo trong toàn khối đạo xưng theo Đấng Christ.
Tertullian lên án những người phá đổ lẽ thật khi cố gắng bênh vực nó. Thế nhưng, mỉa mai thay, khi pha trộn lẽ thật Kinh Thánh do Đức Chúa Trời soi dẫn với triết lý của loài người, ông đã phạm điều chính ông đã lên án. Do đó, chúng ta phải ghi nhớ lời Kinh Thánh cảnh giác là hãy tránh “theo các thần lừa-dối, và đạo-lý của quỉ dữ”.—1 Ti-mô-thê 4:1.
[Các hình nơi trang 29, 30]
Tertullian chỉ trích triết lý nhưng lại sử dụng nó để đề xuất ý kiến riêng của ông
[Nguồn tư liệu]
Trang 29 và 30: © Cliché Bibliothèque nationale de France, Paris
[Hình nơi trang 31]
Các tín đồ thật của Đấng Christ tránh pha trộn lẽ thật Kinh Thánh với triết lý loài người