Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với những người gặp khó khăn

Bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với những người gặp khó khăn

Bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với những người gặp khó khăn

“Khá lấy sự nhân-từ ... đối với anh em mình”.—XA-CHA-RI 7:9.

1, 2. (a) Tại sao chúng ta nên bày tỏ lòng yêu thương nhân từ? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

LỜI Giê-hô-va Đức Chúa Trời khuyên chúng ta yêu chuộng “sự nhân-từ”. (Mi-chê 6:8) Lời Ngài cũng cho chúng ta biết lý do tại sao nên làm như vậy. Một lý do là “người nhân-từ làm lành cho linh-hồn mình”. (Châm-ngôn 11:17) Thật đúng biết bao! Việc bày tỏ lòng yêu thương nhân từ, hay yêu thương trung tín, tạo mối quan hệ nồng ấm và lâu bền với người khác. Nhờ đó, chúng ta sẽ có những người bạn trung tín—quả là một phần thưởng quý giá!—Châm-ngôn 18:24.

2 Hơn nữa, Kinh Thánh nói với chúng ta: “Người nào tìm-cầu sự công-bình và sự nhân-từ sẽ tìm được sự sống”. (Châm-ngôn 21:21) Đúng vậy, việc theo đuổi sự yêu thương nhân từ sẽ làm cho chúng ta được Đức Chúa Trời quý mến và được hưởng những ân phước trong tương lai, bao gồm sự sống đời đời. Nhưng làm sao chúng ta có thể bày tỏ lòng yêu thương nhân từ? Bày tỏ với ai? Và sự yêu thương nhân từ có khác với sự nhân đạo hay lòng tốt nói chung không?

Nhân đạo và yêu thương nhân từ

3. Yêu thương nhân từ khác với nhân đạo như thế nào?

3 Nhân đạo và yêu thương nhân từ khác nhau về nhiều phương diện. Chẳng hạn, những người bày tỏ lòng nhân đạo thường không có sự gắn bó hoặc mối quan hệ cá nhân sâu đậm với người họ đối xử nhân từ. Nhưng khi bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với một ai đó, chúng ta yêu thương gắn bó với người ấy. Theo Kinh Thánh, những sự bày tỏ lòng yêu thương nhân từ giữa người với người có thể dựa trên mối quan hệ sẵn có. (Sáng-thế Ký 20:13; 2 Sa-mu-ên 3:8; 16:17) Hoặc dựa trên những mối quan hệ hình thành từ những hành động yêu thương nhân từ trước đó. (Giô-suê 2:1, 12-14; 1 Sa-mu-ên 15:6; 2 Sa-mu-ên 10:1, 2) Để minh họa sự khác biệt này, chúng ta hãy so sánh hai gương trong Kinh Thánh: một gương về lòng nhân đạo và một gương về tình yêu thương nhân từ được thể hiện giữa loài người với nhau.

4, 5. Hai gương trong Kinh Thánh được kể ra ở đây làm sáng tỏ sự khác biệt giữa lòng nhân đạo và tình yêu thương nhân từ như thế nào?

4 Một thí dụ về sự nhân đạo có liên quan đến nhóm người bị đắm tàu trong đó có sứ đồ Phao-lô. Họ bị giạt vào đảo Man-tơ. (Công-vụ 27:37–28:1) Mặc dù không có nghĩa vụ cũng chẳng có mối quan hệ gì với đám người bị đắm tàu, nhưng thổ dân đảo Man-tơ đã niềm nở tiếp đón và bày tỏ lòng “nhân đạo phi thường” đối với những người lạ này. (Công-vụ 28:2, 7, Nguyễn Thế Thuấn) Sự hiếu khách của thổ dân là lòng tốt nhưng chỉ là ngẫu nhiên bày tỏ đối với người lạ. Vậy đó là lòng nhân đạo.

5 Để so sánh, hãy xem xét lòng hiếu khách của Vua Đa-vít đối với Mê-phi-bô-sết, con trai của Giô-na-than, bạn ông. Đa-vít nói với Mê-phi-bô-sết: “Ngươi sẽ ăn chung bàn ta luôn luôn”. Đa-vít giải thích cho Mê-phi-bô-sết lý do ông sắp đặt như vậy: “Ta muốn làm ơn cho ngươi vì cớ Giô-na-than, cha ngươi”. (2 Sa-mu-ên 9:6, 7, 13) Vì đây là bằng chứng của sự trung tín với mối quan hệ đã có, nên sự hiếu khách nhiệt thành của Đa-vít đúng là một sự bày tỏ lòng yêu thương nhân từ, chứ không chỉ là lòng nhân đạo. (1 Sa-mu-ên 18:3; 20:15, 42) Ngày nay cũng vậy, tôi tớ Đức Chúa Trời bày tỏ lòng nhân đạo với mọi người nói chung. Thế nhưng, họ luôn bày tỏ lòng yêu thương nhân từ, hay là lòng yêu thương trung tín, với những người mà họ có mối quan hệ chính đáng, được Đức Chúa Trời chấp thuận.—Ma-thi-ơ 5:45; Ga-la-ti 6:10.

6. Lời Đức Chúa Trời nêu bật những đặc tính nào của lòng yêu thương nhân từ bày tỏ giữa con người với nhau?

6 Để xác định được một số đặc tính khác của lòng yêu thương nhân từ, chúng ta sẽ xem qua ba lời tường thuật trong Kinh Thánh về đức tính này. Từ những tường thuật này, chúng ta nhận thấy rằng người ta bày tỏ yêu thương nhân từ (1) bằng những hành động cụ thể, (2) do tự nguyện, và (3) đối với những người gặp khó khăn. Ngoài ra, những sự tường thuật này cho thấy rõ cách ngày nay chúng ta có thể bày tỏ lòng yêu thương nhân từ.

Người cha bày tỏ lòng yêu thương nhân từ

7. Người đầy tớ Áp-ra-ham đã nói gì với Bê-thu-ên và La-ban, và ông nêu lên mối quan tâm nào?

7 Sáng-thế Ký 24:28-67 tường thuật tiếp phần còn lại câu chuyện về người đầy tớ của Áp-ra-ham nói đến trong bài trước. Sau khi gặp Rê-bê-ca, người đầy tớ được mời vào nhà của cha nàng là Bê-thu-ên. (Câu 28-32) Rồi ông thuật lại chi tiết cuộc tìm kiếm vợ cho con trai Áp-ra-ham. (Câu 33-47) Ông nhấn mạnh rằng ông xem sự thành công đạt được tới lúc này là dấu hiệu từ Đức Giê-hô-va, Đấng “đã dẫn tôi vào đường chánh-đáng, để chọn được cho con trai người con gái của em chủ tôi”. (Câu 48) Rõ ràng, người đầy tớ hy vọng rằng việc chân thành kể lại diễn tiến sự việc sẽ thuyết phục Bê-thu-ên và con trai là La-ban về việc Đức Giê-hô-va ban phước cho sứ mạng này. Cuối cùng, người đầy tớ nói: “Nếu các ông muốn lấy lòng tử-tế [“yêu thương nhân từ”, NW] và trung-tín đối cùng chủ tôi, xin hãy tỏ điều đó cho; dầu không, xin cũng nói cho biết, hầu cho tôi sẽ xây về bên hữu hay là về bên tả”.—Câu 49.

8. Bê-thu-ên phản ứng ra sao trước các vấn đề liên quan đến Rê-bê-ca?

8 Lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va đã được bày tỏ cùng Áp-ra-ham. (Sáng-thế Ký 24:12, 14, 27) Bê-thu-ên có sẵn sàng làm tương tự bằng cách để cho Rê-bê-ca đi với người đầy tớ của Áp-ra-ham không? Có cần thêm lòng yêu thương nhân từ của con người để lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời hoàn thành mục đích không? Hay chuyến đi dài của người đầy tớ là vô ích? Người đầy tớ của Áp-ra-ham hẳn phải được an ủi lắm khi nghe La-ban và Bê-thu-ên nói: “Điều đó do nơi Đức Giê-hô-va mà ra”. (Câu 50) Họ nhận biết có bàn tay của Đức Giê-hô-va trong vấn đề này và chấp nhận ngay quyết định của Ngài không chút do dự. Kế đến, Bê-thu-ên bày tỏ lòng yêu thương nhân từ bằng cách nói thêm: “Kìa, Rê-bê-ca đương ở trước mặt ngươi, hãy dẫn nó đi, để nó được làm vợ của con trai chủ ngươi, theo như lời Đức Giê-hô-va phán định”. (Câu 51) Rê-bê-ca sẵn sàng đi theo người đầy tớ của Áp-ra-ham, và không bao lâu sau đã trở thành vợ yêu dấu của Y-sác.—Câu 49, 52-58, 67.

Người con bày tỏ lòng yêu thương nhân từ

9, 10. (a) Gia-cốp yêu cầu con trai là Giô-sép làm gì cho mình? (b) Giô-sép đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với cha như thế nào?

9 Gia-cốp, cháu nội của Áp-ra-ham, cũng nhận được tình yêu thương nhân từ. Theo sự tường thuật nơi chương 47 sách Sáng-thế Ký, Gia-cốp lúc đó đang sống ở xứ Ê-díp-tô, và ‘ông gần đến ngày chết’. (Câu 27-29) Ông lo là không được chết trong xứ mà Đức Chúa Trời đã hứa cùng Áp-ra-ham. (Sáng-thế Ký 15:18; 35:10, 12; 49:29-32) Gia-cốp không muốn được chôn cất tại xứ Ê-díp-tô, vì thế ông sắp đặt để thi hài ông được đưa về xứ Ca-na-an. Ai ở vị thế tốt hơn là Giô-sép, con trai quyền thế của ông, để bảo đảm rằng ước nguyện của ông sẽ được thực hiện?

10 Lời tường thuật cho biết: “[Gia-cốp] gọi Giô-sép, con trai mình, mà nói rằng: Nếu cha được nhờ ơn trước mặt con,... [hãy] hết lòng nhân-từ và thành-thực ở cùng cha, xin con đừng chôn cha tại đất Ê-díp-tô. Khi cha an-giấc cùng tổ-phụ rồi, hãy đem cha ra khỏi Ê-díp-tô, chôn chung cùng mồ-mả của người”. (Sáng-thế Ký 47:29, 30) Giô-sép hứa làm theo lời yêu cầu này, và ít lâu sau đó Gia-cốp qua đời. Giô-sép và các con trai khác của Gia-cốp đã mang thi hài cha “về xứ Ca-na-an, chôn trong hang đá của đồng Mặc-bê-la ngang Mam-rê, mà Áp-ra-ham đã mua”. (Sáng-thế Ký 50:5-8, 12-14) Do đó, Giô-sép đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ đối với cha mình.

Người con dâu bày tỏ lòng yêu thương nhân từ

11, 12. (a) Ru-tơ đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với Na-ô-mi như thế nào? (b) Làm thế nào việc bày tỏ lòng yêu thương nhân từ “lần sau” của Ru-tơ lại tốt hơn “lần trước”?

11 Sách Ru-tơ thuật lại thế nào bà góa Na-ô-mi đã được con dâu người Mô-áp là Ru-tơ bày tỏ lòng yêu thương nhân từ. Ru-tơ cũng góa bụa. Khi Na-ô-mi quyết định trở về Bết-lê-hem trong xứ Giu-đa, Ru-tơ đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ và cương quyết, nói rằng: “Mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân-sự của mẹ, tức là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi”. (Ru-tơ 1:16) Sau đó, Ru-tơ bày tỏ lòng yêu thương nhân từ khi cho biết nàng sẵn sàng kết hôn với một người lớn tuổi là Bô-ô, bà con với Na-ô-mi. * (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:5, 6; Ru-tơ 3:6-10) Ông nói với Ru-tơ: “Việc nhân từ con làm lần sau nầy, lại còn trọng hơn lần trước; vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô-luận nghèo hay giàu”.—Ru-tơ 3:10.

12 “Lần trước” khi Ru-tơ bày tỏ lòng yêu thương nhân từ, ấy là lúc nàng rời dân sự mình và đi theo Na-ô-mi. (Ru-tơ 1:14; 2:11) Hành động này không thể sánh bằng việc bày tỏ lòng yêu thương nhân từ “lần sau”—tức lúc Ru-tơ bằng lòng kết hôn với Bô-ô. Giờ đây, Ru-tơ có thể sinh cho Na-ô-mi nay đã lớn tuổi, không còn sinh đẻ được nữa, một người thừa kế. Hôn lễ đã được cử hành, và sau này khi Ru-tơ sinh con, những người nữ tại Bết-lê-hem reo lên: “Một đứa trai đã sanh cho Na-ô-mi”. (Ru-tơ 4:14, 17) Ru-tơ quả là “một người đàn bà hiền-đức”, nhờ thế bà được Đức Giê-hô-va ban thưởng đặc ân tuyệt diệu là trở thành tổ mẫu của Chúa Giê-su Christ.—Ru-tơ 2:12; 3:11; 4:18-22; Ma-thi-ơ 1:1, 5, 6.

Bày tỏ bằng hành động

13. Bê-thu-ên, Giô-sép, và Ru-tơ đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ như thế nào?

13 Bạn có để ý thấy cách Bê-thu-ên, Giô-sép, và Ru-tơ bày tỏ lòng yêu thương nhân từ không? Họ không chỉ bày tỏ bằng lời nói tử tế, nhưng còn bằng hành động cụ thể. Bê-thu-ên không chỉ nói “Rê-bê-ca đương ở trước mặt ngươi” nhưng ông thực sự “cho Rê-bê-ca... đi”. (Sáng-thế Ký 24:51, 59) Giô-sép không chỉ nói “Con sẽ làm y theo lời cha dặn”, nhưng ông và các anh em ông đã “làm theo lời cha trối lại”. (Sáng-thế Ký 47:30; 50:12, 13) Ru-tơ không chỉ nói: “Mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó”, nhưng nàng đã rời dân sự mình và đi theo Na-ô-mi, để rồi “hai người đi đến Bết-lê-hem”. (Ru-tơ 1:16, 19) Ở Giu-đa, Ru-tơ lại hành động “theo mọi điều mẹ chồng mình đã dặn”. (Ru-tơ 3:6) Đúng vậy, lòng yêu thương nhân từ của Ru-tơ, cũng như của những người khác, được bày tỏ bằng hành động.

14. (a) Tôi tớ của Đức Chúa Trời thời nay bày tỏ lòng yêu thương nhân từ bằng hành động như thế nào? (b) Bạn có biết những hành động yêu thương nhân từ nào giữa các tín đồ Đấng Christ trong vùng của bạn không?

14 Thật là ấm lòng khi thấy các tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay tiếp tục bày tỏ lòng yêu thương nhân từ bằng hành động. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến những người đã chịu khó nâng đỡ về mặt tinh thần cho những anh em đồng đạo già yếu, buồn nản, hoặc đau khổ. (Châm-ngôn 12:25) Hoặc hãy nghĩ đến nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va đã bền bỉ đưa đón những anh chị lớn tuổi đi dự các buổi họp hàng tuần của hội thánh tại Phòng Nước Trời. Chị Anna, 82 tuổi, bị viêm khớp, phát biểu thay cho những anh chị khác: “Được đưa đến dự tất cả các buổi họp là một ân phước đến từ Đức Giê-hô-va. Tôi thật lòng cám ơn Ngài đã ban cho tôi những anh chị đầy yêu thương như thế”. Bạn có đang tham gia vào các hoạt động như vậy trong hội thánh của bạn không? (1 Giăng 3:17, 18) Nếu có, hãy tin chắc rằng mọi người đều cảm kích sâu xa lòng yêu thương nhân từ của bạn.

Với lòng tự nguyện

15. Qua ba sự tường thuật trên, đặc tính nào của lòng yêu thương nhân từ đã được nhấn mạnh thêm?

15 Qua những sự tường thuật Kinh Thánh kể trên, chúng ta nhận thức rằng lòng yêu thương nhân từ được thể hiện với lòng tự nguyện chứ không bị ép buộc. Cả Bê-thu-ên lẫn Rê-bê-ca đều tự nguyện hợp tác với người đầy tớ của Áp-ra-ham. (Sáng-thế Ký 24:51, 58) Giô-sép không cần phải bị thúc giục mới bày tỏ lòng yêu thương nhân từ. (Sáng-thế Ký 50:4, 5) Ru-tơ “quyết-định theo [Na-ô-mi]”. (Ru-tơ 1:18) Khi Na-ô-mi đề nghị Ru-tơ đến gặp Bô-ô, với lòng yêu thương nhân từ, người đàn bà Mô-áp này đã khẳng định: “Mọi điều mẹ đã nói với con, con sẽ làm”.—Ru-tơ 3:1-5.

16, 17. Điều gì đã làm cho lòng yêu thương nhân từ của Bê-thu-ên, Giô-sép, và Ru-tơ có ý nghĩa đặc biệt, và điều gì đã thúc đẩy họ biểu lộ đức tính này?

16 Lòng yêu thương nhân từ mà Bê-thu-ên, Giô-sép, và Ru-tơ bày tỏ đặc biệt có ý nghĩa vì Áp-ra-ham, Gia-cốp, và Na-ô-mi không thể nào gây áp lực đối với họ. Nói cho cùng, về mặt pháp lý Bê-thu-ên không buộc phải để con gái mình ra đi. Ông có thể dễ dàng nói với người đầy tớ của Áp-ra-ham: ‘Không, tôi không muốn xa con gái đảm đang của tôi’. (Sáng-thế Ký 24:18-20) Tương tự, Giô-sép có quyền quyết định làm hay không làm theo lời yêu cầu của cha, vì Gia-cốp đã chết, không thể thúc ép con mình giữ lời hứa. Chính Na-ô-mi cũng bảo rằng Ru-tơ có thể ở lại Mô-áp nếu muốn. (Ru-tơ 1:8) Ru-tơ cũng được tự do kết hôn với một trong “những gã trai trẻ” thay vì ông Bô-ô cao tuổi.

17 Bê-thu-ên, Giô-sép, và Ru-tơ đã tự nguyện bày tỏ lòng yêu thương nhân từ; họ được thúc đẩy từ trong lòng. Về mặt đạo đức, họ cảm thấy có trách nhiệm biểu lộ đức tính này với những người có quan hệ với mình, ngay cả Vua Đa-vít sau này cũng cảm thấy có trách nhiệm thể hiện đức tính ấy với Mê-phi-bô-sết.

18. (a) Trưởng lão đạo Đấng Christ “chăn bầy” với thái độ nào? (b) Một trưởng lão bày tỏ cảm nghĩ nào về việc giúp các anh em đồng đức tin?

18 Sự yêu thương nhân từ vẫn còn là dấu hiệu của dân sự Đức Chúa Trời, kể cả những người chăn bầy của Ngài. (Thi-thiên 110:3; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:12) Những trưởng lão, hay giám thị, cảm thấy có trách nhiệm sống xứng đáng với sự tin cậy dành cho những người được bổ nhiệm. (Công-vụ 20:28) Dù vậy, việc chăn chiên cùng những việc làm yêu thương nhân từ khác mà họ làm vì hội thánh đều được thực hiện, “chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng”. (1 Phi-e-rơ 5:2) Các trưởng lão chăn bầy vừa vì trách nhiệm, vừa vì ước muốn làm thế. Họ bày tỏ lòng yêu thương nhân từ đối với chiên của Đấng Christ vừa vì bổn phận, vừa vì mong muốn tự nguyện. (Giăng 21:15-17) Một trưởng lão nói: “Tôi rất thích đến nhà thăm hoặc gọi điện thoại cho các anh chị với lý do duy nhất là bày tỏ sự quan tâm đối với họ. Việc giúp đỡ các anh chị làm cho tôi rất vui và thỏa lòng!” Khắp nơi, các trưởng lão đầy quan tâm đều hoàn toàn đồng ý như vậy.

Bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với những người gặp khó khăn

19. Sự kiện nào về lòng yêu thương nhân từ được nhấn mạnh qua những sự tường thuật của Kinh Thánh thảo luận trong bài này?

19 Những sự tường thuật Kinh Thánh vừa được thảo luận cũng nhấn mạnh việc cần bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với những người không tự giải quyết được khó khăn của mình. Để duy trì dòng dõi, Áp-ra-ham cần sự hợp tác của Bê-thu-ên. Để thi hài mình được đem về Ca-na-an, Gia-cốp cần sự giúp đỡ của Giô-sép. Và để có người thừa kế, Na-ô-mi cần Ru-tơ trợ giúp. Cả Áp-ra-ham, Gia-cốp lẫn Na-ô-mi không thể giải quyết được những khó khăn này nếu không được trợ giúp. Ngày nay cũng vậy, chúng ta phải bày tỏ lòng yêu thương nhân từ đặc biệt đối với những người gặp khó khăn. (Châm-ngôn 19:17) Chúng ta nên noi gương tộc trưởng Gióp là người đã quan tâm đến “kẻ khốn-cùng kêu-cầu, và kẻ mồ-côi không ai giúp-đỡ” cũng như những “kẻ gần chết”. Gióp cũng “làm cho lòng người góa-bụa nức-nở vui-mừng” và là “con mắt cho kẻ mù, và như chân cho kẻ què”.—Gióp 29:12-15.

20, 21. Những ai cần chúng ta bày tỏ lòng yêu thương nhân từ, và mỗi người chúng ta nên cương quyết làm gì?

20 Trong tất cả các hội thánh đạo Đấng Christ, thực sự có ‘những người khốn-cùng kêu-cầu’. Có thể vì cô đơn, nản lòng, cảm thấy mình không xứng đáng, thất vọng về người khác, bệnh nặng, hoặc có người thân chết. Dù nguyên nhân là gì đi nữa, tất cả những anh chị yêu dấu này có những khó khăn mà chúng ta có thể và nên giúp giải quyết bằng sự tự nguyện và bằng việc làm kiên trì, đầy yêu thương nhân từ.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14.

21 Vậy chúng ta hãy tiếp tục noi gương Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng “đầy-dẫy ân-huệ [“yêu thương nhân từ”, NW]”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6; Ê-phê-sô 5:1) Chúng ta có thể làm thế bằng cách tự nguyện làm những hành động cụ thể, đặc biệt cho những người gặp khó khăn. Chắc chắn chúng ta sẽ tôn vinh Đức Giê-hô-va và nghiệm được sự vui mừng lớn lao khi “lấy sự nhân-từ ... đối với anh em mình”.—Xa-cha-ri 7:9.

[Chú thích]

^ đ. 11 Để biết thêm chi tiết về loại hôn nhân nói đến ở đây, xin xem sách Insight on the Scriptures, Tập 1, trang 370, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn trả lời thế nào?

• Yêu thương nhân từ khác với nhân đạo như thế nào?

• Bê-thu-ên, Giô-sép, và Ru-tơ đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ như thế nào?

• Chúng ta nên bày tỏ lòng yêu thương nhân từ với thái độ nào?

• Những ai cần chúng ta bày tỏ lòng yêu thương nhân từ?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

Bê-thu-ên đã bày tỏ lòng yêu thương nhân từ như thế nào?

[Hình nơi trang 21]

Tình yêu thương trung tín của Ru-tơ là một ân phước cho Na-ô-mi

[Các hình nơi trang 23]

Lòng yêu thương nhân từ của con người được bày tỏ một cách tự nguyện, bằng hành động cụ thể, và đối với những người gặp khó khăn