Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thượng Đế là ai?

Thượng Đế là ai?

Thượng Đế là ai?

CUỐN The Encyclopedia Americana nói: “Từ Thượng Đế hay Đức Chúa Trời thường được dùng để gọi nguồn gốc và lực tối cao của vũ trụ, và đối tượng của sự sùng kính tôn giáo”. Một từ điển định nghĩa “Thượng Đế” là “thực thể tối cao”. Bản chất của thực thể đáng kính sợ ấy là gì?

Thượng Đế là một lực phi nhân cách hay một đấng có thật? Ngài có một danh không? Phải chăng Ngài là một thực thể trong một Chúa Ba Ngôi như nhiều người tin? Làm thế nào chúng ta có thể biết được Thượng Đế? Kinh Thánh đưa ra những câu trả lời xác thực và thỏa đáng cho những câu hỏi này. Quả vậy, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta tìm kiếm Thượng Đế, và nói: “Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”.—Công-vụ 17:27.

Một lực phi nhân cách hay một đấng có thật?

Nhiều người tin Thượng Đế là một lực, chứ không phải một đấng. Chẳng hạn, trong một số nền văn hóa, người ta coi các lực của thiên nhiên là các thần. Khi xem xét bằng chứng được thu thập qua các cuộc nghiên cứu khoa học về cấu trúc của vũ trụ và bản chất sự sống trên đất, một số người đã kết luận rằng bắt buộc phải có một Nguyên Nhân Đầu Tiên. Thế nhưng, họ ngại gán cho Nguyên Nhân này một cá tính.

Tuy nhiên, chẳng phải tính phức tạp của sự sáng tạo cho thấy Nguyên Nhân Đầu Tiên ấy phải cực kỳ thông minh hay sao? Sự thông minh đòi hỏi một trí óc. Trí óc vĩ đại đã sáng tạo mọi vật, thuộc về Thượng Đế. Đúng vậy, Thượng Đế có một thân thể, không phải bằng vật chất giống như chúng ta, mà là thân thể thần linh. Kinh Thánh nói: “Vì đã có thân thể xương thịt, tất nhiên cũng có thân thể thần linh”. (1 Cô-rinh-tô 15:44, Bản Diễn Ý) Giải thích bản thể của Thượng Đế, Kinh Thánh nói rõ: “Thượng Đế là Thần linh”. (Giăng 4:24, BDY) Thần linh có sinh thể khác xa với chúng ta, và mắt loài người không thể thấy được. (Giăng 1:18) Cũng có những tạo vật thần linh vô hình. Họ là các thiên sứ—“các con trai Thượng Đế”.—Gióp 1:6; 2:1, BDY, cước chú.

Vì Thượng Đế là một Đấng không do ai sáng tạo và có một thân thể thần linh, điều hợp lý là Ngài có một chỗ ở. Nói về lĩnh vực thần linh, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng các từng trời là “nơi Chúa ngự”. (1 Các Vua 8:43) Ngoài ra, Phao-lô, một người viết Kinh Thánh, tuyên bố: ‘Chúa Cứu Thế đã vào Đền thánh trên trời, và đang thay mặt chúng ta đến gặp Thượng Đế’.—Hê-bơ-rơ 9:24, BDY.

Từ “thần” hay “thần linh” cũng được dùng trong Kinh Thánh theo nghĩa khác. Cầu nguyện Thượng Đế, người viết Thi-thiên nói: “Chúa sai Thần Chúa ra, chúng nó được dựng nên”. (Thi-thiên 104:30) Thần đây không phải là chính Thượng Đế mà là một lực do Thượng Đế truyền đi, hoặc sử dụng, để thực hiện bất cứ điều gì Ngài muốn. Nhờ thần khí ấy, Thượng Đế tạo ra các từng trời thể chất, trái đất và vạn vật sống. (Sáng-thế Ký 1:2; Thi-thiên 33:6) Thần khí của Ngài được gọi là thánh linh. Thượng Đế dùng thánh linh để soi dẫn những người viết ra Kinh Thánh. (2 Phi-e-rơ 1:20, 21) Vậy, thánh linh là sinh hoạt lực vô hình mà Thượng Đế dùng để thực hiện ý định Ngài.

Thượng Đế có một danh độc nhất vô nhị

A-gu-rơ, một người viết Kinh Thánh, hỏi: “Ai đã góp gió trong lòng tay mình? Ai đã bọc nước trong áo mình? Ai lập các giới-hạn của đất? Danh người là chi, và tên con trai người là gì?” (Châm-ngôn 30:4) Trên thực tế, A-gu-rơ hỏi: ‘Bạn có biết tên hoặc dòng họ của bất cứ con người nào đã làm những điều này chăng?’ Chỉ Thượng Đế mới có quyền năng kiểm soát các lực thiên nhiên. Thiên nhiên cung cấp bằng chứng hùng hồn rằng Thượng Đế hiện hữu, nhưng không cho biết danh của Thượng Đế là gì. Quả vậy, hẳn chúng ta sẽ không bao giờ có thể biết danh Thượng Đế trừ phi chính Ngài tiết lộ cho chúng ta biết. Và Ngài đã làm thế. Đấng Tạo Hóa nói: “Ta là Đức Giê-hô-va: ấy là danh ta”.—Ê-sai 42:8.

Danh độc nhất vô nhị của Thượng Đế, Giê-hô-va, xuất hiện gần 7.000 lần chỉ trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Chúa Giê-su Christ tỏ danh ấy ra cho người khác biết và ca ngợi danh ấy trước mắt họ. (Giăng 17:6, 26) Danh ấy nằm trong sách cuối của Kinh Thánh trong từ kép “A-lê-lu-gia“, tức “hãy ngợi khen Gia”. “Gia” là dạng viết tắt của “Giê-hô-va”. (Khải-huyền 19:1-6, cước chú) Vậy mà nhiều bản dịch Kinh Thánh hiện đại hiếm khi dùng danh ấy. Họ thường dùng từ “CHÚA” hoặc “ĐỨC CHÚA” bằng chữ in hoa để phân biệt với những tước hiệu thông thường “Chúa” hoặc “Đức Chúa”. Một số học giả gợi ý rằng danh Thượng Đế có thể đã được phát âm là Yavê.

Tại sao có nhiều ý kiến khác nhau như thế về danh của Nhân Vật vĩ đại nhất trong vũ trụ? Vấn đề đã bắt đầu cách đây hàng thế kỷ khi người Do Thái mê tín dị đoan đã ngừng phát âm danh của Thượng Đế và mỗi khi gặp danh ấy trong lúc đọc Kinh Thánh, họ bắt đầu đọc thế danh ấy bằng từ Hê-bơ-rơ có nghĩa “Chúa Tối Thượng”. Vì chữ viết Hê-bơ-rơ thời Kinh Thánh không có nguyên âm, nên không có cách nào để biết chính xác Môi-se, Đa-vít và những người khác thời xưa đã phát âm những chữ cái hợp thành danh của Thượng Đế như thế nào. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, cách phát âm Giê-hô-va thông dụng từ lâu, và ngày nay cách phát âm tương tự trong các thứ tiếng khác được chấp nhận rộng rãi.—Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3; Ê-sai 26:4.

Dù không chắc chắn cách phát âm danh của Thượng Đế trong tiếng Hê-bơ-rơ thời xưa, ý nghĩa của danh ấy không phải là một bí mật. Danh Ngài có nghĩa là “Đấng làm cho thành tựu”. Qua đó Thượng Đế Giê-hô-va tự nhận Ngài là Đấng Vĩ Đại Hoàn Thành Ý Định. Ngài luôn luôn làm các ý định và lời hứa của Ngài thành hiện thực. Chỉ có Thượng Đế thật, là Đấng có quyền năng làm điều này, mới có thể mang danh ấy một cách chính đáng.—Ê-sai 55:11.

Rõ ràng, danh Giê-hô-va dùng để phân biệt Thượng Đế Toàn Năng với mọi thần khác. Đó là lý do tại sao danh ấy rất thường xuất hiện như thế trong Kinh Thánh. Mặc dù nhiều bản dịch Kinh Thánh không dùng danh của Thượng Đế, Thi-thiên 83:18 tuyên bố rõ ràng: “Chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. Trong thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su Christ dạy cho môn đồ: “Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh”. (Ma-thi-ơ 6:9) Vậy chúng ta nên dùng danh của Thượng Đế khi cầu nguyện, nói về Ngài và ca ngợi Ngài trước người khác.

Chúa Giê-su có phải là Thượng Đế không?

Thượng Đế Giê-hô-va không để cho người ta phải hoang mang về lai lịch của Con Ngài. Lời tường thuật của Phúc Âm theo Ma-thi-ơ kể lại rằng sau khi Chúa Giê-su làm báp têm, “có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”. (Ma-thi-ơ 3:16, 17) Chúa Giê-su Christ là Con của Thượng Đế.

Thế nhưng, một số người mộ đạo nói rằng Chúa Giê-su chính là Thượng Đế. Những người khác nói Thượng Đế là một Chúa Ba Ngôi. Theo sự dạy dỗ này, “Cha, Con và Thánh Linh hiệp một lại trong bản tánh Đức Chúa Trời nhưng không phải là ba Đức Chúa Trời”. Người ta tin rằng cả ba “đều đồng đẳng nhau và đồng một bản thể với nhau”. (Giúp nghiên cứu giáo lý) Quan điểm đó có đúng không?

Về Đức Giê-hô-va, Kinh Thánh được soi dẫn nói: “Từ quá khứ vô hạn đến đời đời, Chúa mãi mãi vẫn là Thượng Đế”. (Thi-thiên 90:2, BDY) Ngài là “Vua muôn đời”, không có bắt đầu cũng không có tận cùng. (1 Ti-mô-thê 1:17) Trái lại, Chúa Giê-su là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”, “đầu cội-rễ cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời”. (Cô-lô-se 1:13-15; Khải-huyền 3:14) Gọi Thượng Đế là Cha ngài, Chúa Giê-su nói: “Cha tôn-trọng hơn ta”. (Giăng 14:28) Chúa Giê-su cũng giải thích là có một số việc cả ngài lẫn các thiên sứ đều không biết, mà chỉ Thượng Đế biết mà thôi. (Mác 13:32) Hơn nữa, Chúa Giê-su cầu nguyện Cha ngài: “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!” (Lu-ca 22:42) Chúa Giê-su cầu nguyện với ai nếu không phải một Đấng cao trọng hơn mình? Và chính Thượng Đế đã làm Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, chứ không phải Chúa Giê-su tự làm cho mình sống lại.—Công-vụ 2:32.

Vậy theo Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va là Thượng Đế Toàn Năng, còn Chúa Giê-su là Con Ngài. Hai Đấng này không ngang hàng với nhau trước khi Chúa Giê-su xuống trái đất hay trong khi còn ở trên đất; Chúa Giê-su cũng không ngang hàng với Cha ngài sau khi được sống lại và về trời. (1 Cô-rinh-tô 11:3; 15:28) Như chúng ta đã thấy, cái gọi là ngôi thứ ba trong Chúa Ba Ngôi, thánh linh, không phải là một người. Đúng hơn, đó là sinh lực mà Thượng Đế dùng để hoàn thành mọi ý muốn của Ngài. Vậy, Chúa Ba Ngôi không phải là một sự dạy dỗ của Kinh Thánh. * Kinh Thánh nói: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4.

Biết Thượng Đế rõ hơn

Để yêu mến Thượng Đế và thờ phượng Ngài theo cách Ngài đáng được tôn thờ: một cách chuyên độc, chúng ta cần phải biết Ngài thật sự là Đấng như thế nào. Làm thế nào chúng ta có thể biết Thượng Đế rõ hơn? Kinh Thánh nói: “Từ khi sáng tạo trời đất, những đặc tính vô hình của Thượng Đế—tức là quyền năng vô tận và bản tính thần linh—đã hiển nhiên trước mắt mọi người, ai cũng có thể nhận thấy nhờ những vật hữu hình”. (Rô-ma 1:20, BDY) Một cách để biết Thượng Đế rõ hơn là quan sát và suy ngẫm với lòng biết ơn về những gì Ngài đã sáng tạo.

Tuy nhiên, sự sáng tạo không nói cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta cần phải biết về Thượng Đế. Chẳng hạn, muốn hiểu được rằng Ngài là một Vị thần linh có thật và có một danh độc nhất vô nhị, chúng ta cần phải tra cứu Kinh Thánh. Quả vậy, việc học hỏi Kinh Thánh là cách tốt nhất để biết Thượng Đế rõ hơn. Trong Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va nói cho chúng ta biết nhiều hơn gấp bội Ngài là Thượng Đế như thế nào. Ngài cũng tiết lộ các ý định của Ngài và dạy dỗ chúng ta trong các đường lối của Ngài. (A-mốt 3:7; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Chúng ta có thể vui mừng xiết bao về việc Thượng Đế muốn chúng ta “hiểu-biết lẽ thật” để có thể hưởng lợi ích qua những sự sắp đặt đầy yêu thương của Ngài! (1 Ti-mô-thê 2:4) Vậy chúng ta hãy cố gắng hết sức để học biết tất cả những gì chúng ta có thể học được về Đức Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 19 Muốn xem xét chi tiết đề tài này, xin xem sách mỏng Bạn có nên tin thuyết Chúa Ba Ngôi không?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Các hình nơi trang 5]

Thượng Đế dùng thánh linh Ngài để sáng tạo trái đất và soi dẫn loài người viết Kinh Thánh

[Hình nơi trang 5]

Một tiếng nói từ trên trời phán: ‘Nầy là Con của ta’

[Hình nơi trang 7]

Chúa Giê-su cầu nguyện Thượng Đế—Đấng cao trọng hơn ngài

[Hình nơi trang 7]

Chúa Giê-su đã tỏ danh của Thượng Đế ra cho người khác biết

[Các hình nơi trang 7]

Chúng ta có thể biết Thượng Đế rõ hơn