Danh Đức Chúa Trời bằng tiếng Hê-bơ-rơ trong bản Septuagint
Danh Đức Chúa Trời bằng tiếng Hê-bơ-rơ trong bản Septuagint
DANH Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, được thể hiện bằng bốn chữ cái Hê-bơ-rơ יהוה (YHWH). Đã có một thời gian dài người ta tin rằng không hề có bốn chữ cái này trong các bản sao của bản dịch Kinh Thánh Septuagint. Vì thế, họ lý luận rằng những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp cũng có thể đã không dùng danh Đức Chúa Trời khi trích dẫn phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.
Tuy nhiên, một loạt những khám phá trong khoảng một trăm năm qua cho thấy danh Đức Chúa Trời thật sự có xuất hiện trong bản Septuagint. Một tài liệu viết: “Người Do Thái vào thời Hy Lạp đã mong muốn bảo tồn nguyên vẹn danh thánh của Đức Chúa Trời đến độ khi dịch Kinh Thánh phần Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp, họ đã sao y danh Đức Chúa Trời viết bằng bốn chữ cái Hê-bơ-rơ vào bản dịch”.
Mảnh giấy chỉ thảo bên trái chỉ là một trong nhiều mẫu hiện vẫn còn tồn tại. Mẫu giấy mang mã số 3522 này được tìm thấy ở Oxyrhynchus, Ai Cập, và có nguồn gốc từ thế kỷ thứ nhất CN. * Nó có kích thước 7 x 10,5 centimét và ghi lại một đoạn trong Gióp 42:11, 12, trong đó có xuất hiện danh Đức Chúa Trời (được khoanh tròn) dưới dạng ký tự Hê-bơ-rơ cổ. *
Vậy, danh Đức Chúa Trời có xuất hiện trong các bản sao đầu tiên của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp không? Học giả George Howard nói: “Vì danh Đức Chúa Trời viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ vẫn được ghi lại trong các bản sao của bản dịch Kinh Thánh tiếng Hy Lạp [Septuagint], vốn là bản Kinh Thánh của hội thánh thời ban đầu, nên có lý do để tin rằng những người viết T[ân] Ư[ớc] cũng đã giữ nguyên bốn chữ cái này khi trích dẫn phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ”. Dường như chẳng bao lâu sau đó, những người sao chép đã thay thế danh Đức Chúa Trời bằng những đại từ như Kyʹri·os (Chúa) và The·osˈ (Đức Chúa Trời).
[Chú thích]
^ đ. 4 Để biết thêm thông tin về mảnh giấy chỉ thảo được tìm thấy ở Oxyrhynchus, xin xem Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 15-2-1992, trang 26-28.
^ đ. 4 Muốn biết những bằng chứng khác cho thấy danh Đức Chúa Trời được dùng trong các bản Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp cổ, xin xem New World Translation of the Holy Scriptures—With References, phụ lục 1C.
[Nguồn tư liệu nơi trang 30]
Courtesy of the Egypt Exploration Society