Xét kỹ hơn một số niềm tin vô căn cứ về sự chết
Xét kỹ hơn một số niềm tin vô căn cứ về sự chết
TRONG suốt lịch sử, con người luôn bối rối và sợ sệt trước viễn cảnh chết chóc đen tối. Hơn nữa, các ý tưởng tôn giáo sai lầm cộng với các phong tục phổ biến và những điều tin tưởng cố hữu riêng lại càng khiến người ta sợ chết. Vấn đề là nỗi sợ chết có thể làm mất đi thái độ lạc quan yêu đời và xói mòn niềm tin nơi một đời sống có ý nghĩa.
Các tôn giáo lớn đặc biệt đáng bị khiển trách vì đã phổ biến nhiều niềm tin vô căn cứ về sự chết. Bạn hãy thử xét lại một số niềm tin này dưới ánh sáng của lẽ thật trong Kinh Thánh, xem nhận thức của bạn về sự chết có rõ ràng hơn không.
Niềm tin vô căn cứ thứ 1: Chết là kết cuộc tự nhiên của sự sống.
Sách Death—The Final Stage of Growth (Sự chết—Giai đoạn cuối của quá trình phát triển) nói: “Sự chết... là một phần không thể thiếu của đời sống”. Những lời phát biểu giống như vậy phản ánh niềm tin rằng sự chết là bình thường, là kết cuộc tự nhiên của mọi sinh vật. Hậu quả là niềm tin như thế đã đưa nhiều người đến chủ nghĩa hư vô và hành động đầu cơ trục lợi.
Nhưng sự chết có thật sự là kết cuộc tự nhiên của sự sống không? Không phải mọi nhà nghiên cứu đều tin như vậy. Chẳng hạn, ông Calvin Harvey, một nhà sinh học nghiên cứu quá trình lão hóa nơi con người, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng ông không tin là con người “có một lập trình để chết”. Nhà miễn dịch học William Clark nhận xét: “Sự chết không gắn liền với định nghĩa về sự sống”. Ông Seymour Benzer, thuộc Viện Kỹ Thuật California, phát biểu ý kiến sâu sắc như sau: “Chúng ta có thể miêu tả sự lão hóa không phải là một cái đồng hồ nhưng là một chuỗi diễn biến mà chúng ta hy vọng có thể sửa đổi”.
Các nhà khoa học cảm thấy bối rối khi nghiên cứu về cách con người được thiết kế. Họ thấy con người chúng ta được ban cho tiềm lực và khả năng vượt xa mức cần thiết cho quãng đời 70 hoặc 80 năm. Thí dụ, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng não bộ của con người có trí nhớ khủng khiếp. Một nhà nghiên cứu ước lượng rằng não bộ chứa đựng nhiều thông tin đến nỗi có thể “viết đầy hai mươi triệu cuốn sách, nhiều bằng số sách trong các thư viện lớn nhất trên thế giới”. Một số nhà thần kinh học tin rằng trong một cuộc đời trung bình, một người chỉ sử dụng 1 / 100 của 1 phần trăm (0,0001) tiềm năng của não bộ. Thật là thích hợp để hỏi: ‘Tại sao chúng ta có một não bộ với nhiều tiềm năng đến thế, mà chỉ dùng một phần rất nhỏ của nó trong một quãng đời trung bình?’
Cũng hãy xem xét cách phản ứng trái tự nhiên của người ta trước cái chết! Đối với đa số, sự chết của người vợ, người chồng hoặc người con là kinh nghiệm đau buồn nhất trong cuộc
đời. Rất lâu sau khi người thân yêu qua đời, toàn thể trạng thái tâm lý của người ta thường vẫn còn bị chấn động. Ngay cả những người cho rằng sự chết là điều tự nhiên cũng thấy khó chấp nhận ý tưởng sự chết của chính mình là cuối cùng của mọi sự. Tập san British Medical Journal nói đến “các chuyên gia thường thừa nhận rằng ai nấy cũng đều muốn sống càng lâu càng tốt”.Xét đến phản ứng thông thường của người ta trước sự chết, cùng với tiềm năng ghi nhớ và học hỏi đáng kinh ngạc của con người, và khát vọng nội tâm sống vô tận, chẳng phải rõ ràng loài người được tạo ra để sống hay sao? Sự thật là Đức Chúa Trời đã tạo ra con người, không phải để chết, mà với triển vọng sống vô tận. Xin lưu ý Đức Chúa Trời đã đặt trước mặt cặp vợ chồng đầu tiên một tương lai như thế nào: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng, hãy quản-trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành-động trên mặt đất”. (Sáng-thế Ký 1:28) Thật là một tương lai kỳ diệu và vững chắc!
Niềm tin vô căn cứ thứ 2: Đức Chúa Trời rước người chết lên ở với Ngài.
Lúc hấp hối, một bà mẹ 27 tuổi có ba đứa con, nói với nữ tu Công Giáo: “Đừng vào đây và nói với tôi rằng đây là ý Chúa... Tôi ghét nghe người khác nói như vậy”. Thế nhưng, đây lại là điều nhiều tôn giáo dạy về sự chết, rằng Đức Chúa Trời đưa người ta đến gần Ngài.
Liệu Đấng Tạo Hóa có độc ác đến độ nhẫn tâm bắt chúng ta phải chết, dù biết rằng điều này làm chúng ta đau lòng không? Không, Đức Chúa Trời của Kinh Thánh không làm như vậy. Theo 1 Giăng 4:8, “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Xin lưu ý rằng Kinh Thánh không nói Đức Chúa Trời có lòng yêu thương hoặc Đức Chúa Trời đầy yêu thương, nhưng nói Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Lòng yêu thương của Đức Chúa Trời thật tha thiết, thanh khiết, hoàn toàn, thấm sâu vào cá tính và hành động của Ngài đến độ Ngài đáng được coi là hiện thân của tình yêu thương. Đây không phải là một Đức Chúa Trời bắt người ta phải chết để đến gần với Ngài.
Tôn giáo giả khiến nhiều người hoang mang không biết người chết ở đâu và tình trạng họ ra sao. Thiên đàng, hỏa ngục, nơi luyện tội, minh phủ—những nơi này và một số nơi khác làm người ta khó hiểu và còn gây kinh hãi. Ngược lại, Kinh Thánh nói với chúng ta rằng người chết chẳng ý thức gì cả; họ ở trong tình trạng được ví như là giấc ngủ. (Truyền-đạo 9:5, 10; Giăng 11:11-14) Bởi vậy chúng ta không cần phải lo lắng về những gì xảy ra sau khi chết, cũng giống như chúng ta không bận tâm khi thấy một người ngủ say. Chúa Giê-su nói đến thời kỳ mà “mọi người ở trong mồ-mả [“mồ tưởng niệm”, NW]” sẽ “ra khỏi” để sống lại ở trong địa đàng.—Giăng 5:28, 29; Lu-ca 23:43.
Niềm tin vô căn cứ thứ 3: Đức Chúa Trời rước trẻ con lên trời làm thiên sứ.
Bà Elisabeth Kübler-Ross, người nghiên cứu những bệnh nhân ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, nói đến một quan niệm khác được nhiều người sùng đạo tin theo. Kể lại một sự việc có thật, bà nói thật “kém khôn ngoan khi nói với một bé gái vừa mất em trai rằng Thượng Đế yêu thương trẻ con nên đã đưa em trai về trời”. Lời tuyên bố ấy vừa gây ấn tượng xấu về Đức Chúa Trời vừa không phản ánh cá tính và cách Ngài hành động. Bác sĩ Kübler-Ross nói tiếp: “Khi bé gái này lớn lên trở thành một phụ nữ, nỗi tức giận Thượng Đế nơi bà không bao giờ được giải tỏa, hậu quả là ba mươi năm sau bà bị trầm cảm nặng khi chính đứa con trai nhỏ của bà cũng chết”.
Lẽ nào Đức Chúa Trời lại mang đi một đứa bé để được thêm một thiên sứ—làm như Ngài cần đứa bé còn hơn cha mẹ nó? Giả sử Đức Chúa Trời bắt các em bé đi, chẳng phải Ngài là một Đấng Tạo Hóa ích kỷ, thiếu yêu thương hay sao? Ngược lại với quan niệm ấy, Kinh Thánh nói: “Sự yêu-thương đến từ Đức Chúa Trời”. 1 Giăng 4:7) Lẽ nào một Đức Chúa Trời yêu thương lại gây ra một sự mất mát mà ngay cả những con người có một chút đạo đức cũng không xem đó là hợp lý?
(Vậy tại sao trẻ con chết? Kinh Thánh giải thích phần nào lý do nơi Truyền-đạo 9:11 (NW): “Thời thế và sự bất trắc xảy ra cho mọi người”. Còn Thi-thiên 51:5 cho biết rằng tất cả chúng ta đều bất toàn, đầy tội lỗi ngay từ lúc thụ thai, nên kết cuộc chung cho mọi người đều là sự chết bởi nhiều nguyên nhân. Đôi khi bào thai chết trước khi sinh ra. Trường hợp khác là trẻ con chết vì hoàn cảnh thê thảm hoặc tai nạn. Đức Chúa Trời không hề gây ra những tình huống ấy.
Niềm tin vô căn cứ thứ 4: Một số người bị hành khổ sau khi chết.
Theo sự dạy dỗ từ nhiều tôn giáo, kẻ ác đi xuống hỏa ngục để bị hành khổ đời đời. Có hợp lý và đúng với Kinh Thánh không? Một đời người dài khoảng 70 đến 80 tuổi. Ngay dù một người ăn ở độc ác suốt đời, sự hành khổ đời đời có phải là hình phạt công bằng không? Không. Hẳn là quá bất công nếu hành khổ một người đời đời chỉ vì những tội đã phạm trong một quãng đời ngắn ngủi.
Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể tiết lộ điều gì xảy ra sau khi người ta chết, và Ngài đã cho viết ra điều đó trong Kinh Thánh, Lời Ngài. Kinh Thánh nói như sau: “Sự chết của [loài thú] cũng như sự chết của [loài người]; hai loài đều thở một thứ hơi... Cả thảy đều qui vào một chỗ; cả thảy do bụi-đất mà ra, cả thảy sẽ trở về bụi-đất”. (Truyền-đạo 3:19, 20) Ở đây không nói đến hỏa ngục. Khi chết, người ta trở về cát bụi—tức không hiện hữu nữa.
Một người phải có ý thức mới biết mình bị hành khổ. Người chết có ý thức được không? Lần nữa, Kinh Thánh trả lời: “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết, chẳng được phần thưởng gì hết; vì sự kỷ-niệm họ đã bị quên đi”. (Truyền-đạo 9:5) Người chết “chẳng biết chi hết”, cho nên không thể chịu đau đớn ở bất cứ nơi nào.
Niềm tin vô căn cứ thứ 5: Chết là mất đi vĩnh viễn.
Khi chết đi, một người không còn tồn tại nữa nhưng điều này không hẳn có nghĩa là mọi sự đều kết thúc cả. Người trung thành Gióp biết rằng khi chết ông sẽ đi xuống mồ mả, Sheol. Nhưng hãy lắng nghe lời cầu nguyện của ông dâng lên Đức Chúa Trời: “Ôi! Chớ gì Chúa giấu Gióp 14:13-15.
tôi nơi âm-phủ [Sheol], che khuất tôi cho đến khi cơn giận Chúa đã nguôi, định cho tôi một kỳ hẹn, đoạn nhớ lại tôi! Nếu loài người chết, có được sống lại chăng!... Chúa sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại”.—Gióp tin rằng nếu trung thành cho đến chết, ông sẽ được Đức Chúa Trời nhớ lại và đến kỳ định cho sống lại. Tất cả tôi tớ thời xưa của Đức Chúa Trời đều có niềm tin này. Chính Chúa Giê-su cũng khẳng định hy vọng này và cho thấy Đức Chúa Trời sẽ dùng ngài để làm người chết sống lại. Chính những lời của Đấng Christ bảo đảm điều này: “Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài [Chúa Giê-su] và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét-đoán”.—Giăng 5:28, 29.
Ít lâu nữa, Đức Chúa Trời sẽ loại bỏ mọi sự gian ác và thiết lập một thế giới mới dưới sự cai trị từ trên trời. (Thi-thiên 37:10, 11; Đa-ni-ên 2:44; Khải-huyền 16:14, 16) Thành quả là địa đàng sẽ trải rộng khắp trái đất, làm nơi sinh sống cho những người phụng sự Đức Chúa Trời. Chúng ta đọc trong Kinh Thánh: “Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Này, đền-tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.—Khải-huyền 21:3, 4.
Không còn sợ hãi
Hiểu biết về hy vọng sống lại cũng như về Đấng ban sự sống lại có thể an ủi bạn. Chúa Giê-su hứa: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha [“giải thoát”, NW] các ngươi”. (Giăng 8:32) Điều đó cũng có nghĩa giải thoát chúng ta khỏi sự sợ chết. Đức Giê-hô-va là Đấng duy nhất có thể đảo ngược quá trình lão hóa và sự chết để ban cho chúng ta sự sống đời đời. Bạn có thể nào tin lời hứa của Đức Chúa Trời không? Bạn hẳn có thể tin được vì Lời Đức Chúa Trời luôn luôn trở thành hiện thực. (Ê-sai 55:11) Chúng tôi khuyến khích bạn học biết nhiều hơn nữa về ý định của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Nhân Chứng Giê-hô-va sẵn lòng giúp bạn.
[Câu nổi bật nơi trang 6]
Vấn đề là nỗi sợ chết có thể làm mất thái độ lạc quan yêu đời
[Biểu đồ/Bảng thống kê nơi trang 7]
MỘT SỐ NIỀM TIN VÔ CĂN CỨ VỀ SỰ CHẾT KINH THÁNH NÓI GÌ?
● Chết là kết cuộc tự nhiên của sự sống․ Sáng-thế Ký 1:28; 2:17; Rô-ma 5:12
● Đức Chúa Trời rước người chết lên ở với Ngài․ Gióp 34:15; Thi-thiên 37:11, 29; 115:16
● Đức Chúa Trời rước trẻ con lên trời làm thiên sứ․ Thi-thiên 51:5; 104:1, 4; Hê-bơ-rơ 1:7, 14
● Một số người bị hành khổ sau khi chết․ Thi-thiên 146:4; Truyền-đạo 9:5, 10; Rô-ma 6:23
● Chết là mất đi vĩnh viễn․ Gióp 14:14, 15; Giăng 3:16; 17:3; Công-vụ 24:15
[Hình nơi trang 8]
Biết lẽ thật về sự chết giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi
[Nguồn tư liệu nơi trang 5]
Barrators—Giampolo/The Doré Illustrations For Dante’s Divine Comedy/Dover Publications Inc.