Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bài học từ lịch sử La Mã

Bài học từ lịch sử La Mã

Bài học từ lịch sử La Mã

“NẾU tôi theo cách loài người mà đã đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô”. Qua những lời ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 15:32 này, một số người nghĩ rằng sứ đồ Phao-lô bị kết án phải đấu trong đấu trường La Mã. Dù có đúng như vậy hay không, việc giao đấu cho đến chết trong các đấu trường là chuyện rất phổ biến vào thời đó. Lịch sử cho chúng ta biết gì về đấu trường và những điều xảy ra ở đó?

Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta muốn uốn nắn lương tâm mình theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Điều này có thể giúp chúng ta quyết định về việc chọn trò giải trí ngày nay. Thí dụ, hãy xem quan điểm của Đức Chúa Trời về bạo lực phản ánh qua những lời sau: “Chớ phân-bì với kẻ hung-dữ, cũng đừng chọn lối nào của hắn”. (Châm-ngôn 3:31) Những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu luôn để những lời này hướng dẫn họ, trong khi nhiều người xung quanh lại để cho các cuộc giao đấu của người La Mã kích động. Khi xem xét những điều diễn ra vào dịp đó, chúng ta hãy xem có bài học rõ ràng nào cho các tín đồ Đấng Christ thời nay.

Hai đấu sĩ được trang bị vũ khí giáp mặt nhau trong một đấu trường La Mã. Ngay khi đường gươm đầu tiên chém vào khiên, đám đông điên cuồng đã la hét để cổ vũ đấu thủ họ ưa chuộng. Đây là một cuộc giao đấu liều mạng. Chẳng mấy chốc, một trong hai đấu sĩ bị thương và không thể tiếp tục đấu nữa. Người này khụy xuống, buông thõng hai tay, chấp nhận bại trận và cầu xin tha mạng. Tiếng la hét vang lên đến cực độ. Một số gào lên xin tha mạng, số khác đòi phải giết chết. Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào hoàng đế. Chăm chú lắng nghe ý muốn của đám đông, hoàng đế có thể phóng thích đấu sĩ bại trận hoặc, với ngón tay cái chỉ xuống đất, ra lệnh giết người ấy.

Người La Mã rất đam mê các cuộc giao đấu. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những trận đấu như thế lúc đầu được tổ chức tại các đám tang của những nhân vật quan trọng. Người ta tin rằng những trận tỉ thí này bắt nguồn từ việc dâng người để tế thần của các dân tộc Oscan hoặc Samnite ở vùng nay là miền trung nước Ý. Lễ vật hiến tế nhằm mục đích làm hài lòng linh hồn người chết. Những trận đấu như thế được gọi là munus, hoặc “quà biếu” (munera, dạng số nhiều). Trận đấu lần đầu tiên có bằng chứng ghi lại được tổ chức ở Rô-ma vào năm 264 TCN, khi ba cặp đấu sĩ đấu trong chợ bán bò. Có 22 cặp giao đấu tại đám tang của Marcus Aemilius Lepidus. Tại đám tang của Publius Licinius, 60 cặp đấu với nhau. Vào năm 65 TCN, Julius Caesar đưa ra đấu trường 320 cặp.

Theo lời của sử gia Keith Hopkins: “Những đám tang của tầng lớp quý tộc là các hoạt động chính trị và trận đấu trong đám tang nhằm mục tiêu chính trị... bởi vì cử tri ưa thích nó. Thật vậy, sự phát triển rực rỡ của các cuộc giao đấu phần lớn là do sự tranh giành về chính trị giữa những nhà quý tộc đầy tham vọng”. Trong triều đại của Augustus (từ 27 TCN đến 14 CN), munera đã trở nên món quà hậu hĩ—một trò giải trí cho quần chúng—do các quan chức nhà nước giàu có ban tặng nhằm đẩy mạnh sự nghiệp chính trị của họ.

Đấu sĩ và sự huấn luyện

Bạn có thể hỏi: ‘Những đấu sĩ đó là ai?’ Họ có thể là những người nô lệ, tội phạm bị kết án tử hình, tù binh hoặc là những người tự do bị sự phấn khích hoặc niềm hy vọng được danh tiếng và của cải lôi cuốn. Tất cả được huấn luyện trong những trường giống như nhà tù. Cuốn Giochi e spettacoli (Các cuộc thi đấu và biểu diễn) tường thuật rằng trong lúc huấn luyện, các đấu sĩ “luôn luôn bị những người canh gác theo dõi và buộc phải tuân theo những kỷ luật cứng rắn, những quy tắc nghiêm ngặt nhất và những hình phạt đặc biệt khắc nghiệt... Cách đối xử này thường dẫn đến tự tử, nổi loạn và chống đối”. Trường đấu sĩ lớn nhất ở Rô-ma có xà lim cho ít nhất một ngàn người. Mỗi người có một kỹ năng riêng. Một số thì dùng áo giáp, khiên và gươm để đấu, số khác thì dùng lưới và chĩa ba. Còn những người khác thì được huấn luyện để đấu với dã thú theo một kiểu thi đấu phổ biến khác gọi là cuộc săn thú. Phải chăng đây là hình thức mà sứ đồ Phao-lô đã đề cập đến?

Người tổ chức các cuộc giao đấu có thể tìm đến những chủ thầu. Họ là những người tuyển chọn và huấn luyện thanh niên ở tuổi 17 hoặc 18 để trở thành đấu sĩ. Buôn người là một việc kinh doanh sinh lợi lớn. Trong một buổi trình diễn hiếm có được tổ chức để mừng chiến thắng của quân đội, Hoàng Đế Trajan đã đưa ra sân 10.000 đấu sĩ và 11.000 con thú.

Một ngày tại đấu trường

Buổi sáng, đấu trường được dành cho cuộc săn thú. Dã thú đủ loại có thể bị lùa vào đấu trường. Khán giả đặc biệt thích xem cặp bò và gấu đấu với nhau. Thường thì cặp thú được buộc lại với nhau và đấu cho đến khi một con chết, sau đó con còn sống sẽ bị người săn thú giết. Những trận phổ biến khác thì người ta bắt sư tử đấu với cọp, voi với gấu. Những kẻ săn thú biểu diễn kỹ xảo giết một cách dã man những con thú ngoại lai được mang về từ mọi xứ thuộc đế chế, bất kể các chi phí đã bỏ ra: báo, tê giác, hà mã, hươu cao cổ, linh cẩu, lạc đà, chó sói, lợn lòi và linh dương.

Kỹ thuật dựng cảnh khiến cuộc săn thú không thể nào quên được. Đá, ao hồ và cây cối được dùng để làm những khu rừng giả. Trong một số đấu trường, các con thú xuất hiện như trò ảo thuật, được thả ra nhờ những thang máy và cửa sập dưới đất. Những phản ứng bất ngờ của các con thú càng gây thêm thích thú, nhưng cái dường như khiến cuộc săn thú đặc biệt hấp dẫn đó là sự tàn ác.

Tiếp theo chương trình là việc hành hình. Người ta cố gắng tạo sự độc đáo cho tiết mục này. Các diễn viên chết thật trong những vở kịch thần thoại được trình diễn ở đó.

Buổi trưa, các nhóm đấu sĩ được trang bị vũ khí theo những cách đặc biệt và huấn luyện theo những kỹ thuật khác biệt ra đấu với nhau. Một số người kéo xác ra ngoài được hóa trang như vị thần âm phủ.

Ảnh hưởng trên khán giả

Vì đám đông thèm khát vô độ những màn chém giết, cho nên người ta dùng roi da và những cây sắt nung để thúc giục các đấu sĩ do dự. Đám đông la hét: “Sao đấu mà nhát gan đến thế? Tại sao nó đánh yếu quá? Sao không [sẵn sàng] chết đi cho rồi? Quất cho nó ra đấu đi! Cho chúng đánh trả nhau, để ngực trần mà đấu!” Seneca, một chính khách La Mã, viết rằng trong thời gian tạm nghỉ của trận đấu, có tiếng thông báo như sau: “Sẽ có vài màn giết chóc trong lúc giải lao để chương trình không bị gián đoạn!”

Thật dễ hiểu khi Seneca thú nhận rằng ông trở về nhà “tàn ác và bất nhân hơn”. Lời thú nhận thẳng thắn của vị khán giả này đáng để chúng ta suy nghĩ nghiêm túc. Có thể khán giả của một số môn thể thao ngày nay cũng bị ảnh hưởng tương tự, trở nên “tàn ác và bất nhân hơn” phải không?

Có lẽ một số người nghĩ rằng họ may mắn được trở về nhà. Khi một khán giả hóm hỉnh chế giễu Domitian, ông ta liền bị vị hoàng đế này cho người lôi khỏi ghế và ném xuống cho những con chó. Khi thiếu tội phạm để hành hình, Hoàng Đế Caligula truyền lệnh bắt một số trong đám đông và ném xuống cho thú dữ. Và khi thiết bị sân khấu không hoạt động đúng theo ý Hoàng Đế Claudius, ông ra lệnh đưa vào đấu trường những người chịu trách nhiệm trục trặc kỹ thuật này.

Sự cuồng nhiệt của khán giả cũng dẫn đến náo loạn và thảm họa. Một khán đài vòng cung ngay phía bắc Rô-ma đã sụp đổ, và theo báo cáo, hàng ngàn người bị thiệt mạng. Bạo loạn đã nổ ra trong một cuộc biểu diễn ở Pompeii vào năm 59 CN. Tacitus tường thuật rằng sự xung đột giữa khán giả địa phương và khán giả bên đối thủ ở thành phố lân cận bắt đầu với việc lăng mạ nhau, rồi ném đá nhau và sau đó kết thúc bằng việc tuốt gươm. Một số người bị què cụt hoặc bị thương và nhiều người bị giết.

Một bài học rõ ràng

Một cuộc triển lãm gần đây (Sangue e arena, “Máu và Cát”) trong đại hý trường ở Rô-ma đã gợi nhớ đến munera ngày xưa. Đáng nói là cuộc triển lãm này trình chiếu một đoạn băng video các cảnh về đấu bò, quyền Anh nhà nghề, những tai nạn đâm sầm khủng khiếp trong các cuộc đua xe ô-tô hoặc mô-tô, những trận đánh nhau dữ dội giữa các vận động viên thể thao, và những trận bạo loạn của khán giả. Cuộc trình chiếu kết thúc với toàn cảnh nhìn từ trên không của đại hý trường. Bạn nghĩ các vị khách rút ra được kết luận gì? Bao nhiêu người sẽ học được bài học?

Ngày nay tại một số quốc gia, đấu chó, đá gà, đấu bò và những môn thể thao bạo lực đã trở nên rất thông thường. Người ta sẵn sàng liều mạng trong các cuộc đua xe để kích động đám đông. Hãy nghĩ đến các chương trình được chiếu mỗi ngày trên truyền hình. Các nghiên cứu ở một nước Tây Phương cho thấy trung bình một đứa trẻ xem truyền hình có thể chứng kiến 10.000 vụ giết người và 100.000 hành vi hung hãn khác trước khi nó được mười tuổi.

Tertullian, nhà văn ở thế kỷ thứ ba, nói rằng việc vui thích khi xem những cuộc trình diễn như thế “không thích hợp với tôn giáo thật và sự tuân thủ thật đối với một Đức Chúa Trời thật”. Ông xem những người đến dự cũng tòng phạm với những kẻ gây ra sự giết chóc. Còn ngày nay thì sao? Một người có thể tự hỏi: ‘Tôi có giải trí bằng những cảnh đổ máu, chết chóc và bạo lực trên truyền hình hoặc trên mạng Internet không?’ Thi-thiên 11:5 đáng để chúng ta ghi nhớ: “Đức Giê-hô-va thử người công-bình; nhưng lòng Ngài ghét người ác và kẻ ưa sự hung-bạo”.

[Khung nơi trang 28]

Những cuộc giao đấu để “làm hài lòng người chết”

Nhà văn Tertullian ở thế kỷ thứ ba nói về nguồn gốc của các cuộc đấu gươm như sau: “Những người ngày xưa nghĩ rằng sau khi đã biến những cuộc thi man rợ này thành một trò chơi có tính cách văn hóa, họ có thể dùng hình thức này để tôn thờ người chết. Và vì tin rằng linh hồn người chết sẽ hài lòng bởi máu người, nên tại các lễ tang, người ta thường sát tế những người bị bắt hoặc nô lệ không đủ tiêu chuẩn mà họ đã mua về. Sau đó, họ cảm thấy tốt hơn là nên che giấu sự thiếu tôn kính này bằng cách biến nó trở thành một thú vui. Vì vậy, sau khi những người được mua này được huấn luyện theo khả năng tối đa của họ để sử dụng vũ khí thời đó—huấn luyện để học cách bị giết!—họ sẽ bị giết trước mộ trong ngày đám tang đã được chọn. Vì thế, những người ngày xưa tìm được sự an ủi trước cái chết bằng việc giết người. Đây là nguồn gốc của munus. Nhưng sau một thời gian, sự tinh vi của các cuộc biểu diễn cũng ngang hàng với sự tàn ác; bởi vì niềm vui trong ngày lễ sẽ không trọn vẹn, trừ phi có thú dữ cũng dự phần vào việc xé xác người. Điều họ dâng để làm hài lòng người chết được xem như là một nghi lễ an táng”.

[Hình nơi trang 27]

Mũ và đồ che ống chân của đấu sĩ xưa

[Các hình nơi trang 29]

Những tín đồ Đấng Christ thời xưa nhận thấy những trò giải trí hung bạo không thể chấp nhận được. Còn bạn thì sao?

[Nguồn tư liệu]

Quyền Anh: Dave Kingdon/Index Stock Photography; xe đụng: AP Photo/Martin Seppala

[Nguồn tư liệu nơi trang 26]

Phoenix Art Museum, Arizona/Bridgeman Art Library