Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Học và dạy nguyên tắc đạo đức của đạo Đấng Christ

Học và dạy nguyên tắc đạo đức của đạo Đấng Christ

Học và dạy nguyên tắc đạo đức của đạo Đấng Christ

“Vậy ngươi dạy-dỗ kẻ khác mà không dạy-dỗ chính mình ngươi sao!”—RÔ-MA 2:21.

1, 2. Những lý do nào khiến bạn muốn học Kinh Thánh?

BẠN có nhiều lý do để học Lời Đức Chúa Trời. Rất có thể bạn muốn biết những gì được ghi lại trong đó—về con người, sự kiện, địa danh và những điều khác; hoặc để biết những tín lý đúng, khác với những sự dạy dỗ sai lầm của các tôn giáo như thuyết Chúa Ba Ngôi hay lửa địa ngục. (Giăng 8:32) Bạn cũng nên mong muốn biết thêm về Đức Giê-hô-va để noi gương Ngài nhiều hơn nữa và bước đi cách ngay thẳng trước mặt Ngài.—1 Các Vua 15:4, 5.

2 Ngoài ra, còn một lý do quan trọng khác để học Lời Đức Chúa Trời có liên quan đến điều trên, đó là để đủ khả năng dạy dỗ người khác—những người thân yêu, người quen, và thậm chí cả những người mà bạn chưa quen. Đó là nghĩa vụ của mỗi tín đồ Đấng Christ chân chính. Chúa Giê-su đã dặn bảo môn đồ: “Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân,... dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.

3, 4. Tại sao khi được thực hiện công việc dạy dỗ mà Chúa Giê-su ra lệnh là một vinh dự cho bạn?

3 Học Kinh Thánh với mong muốn dạy người khác là một mục đích cao quý, có thể mang lại sự thỏa nguyện lâu dài. Nghề giáo từ lâu đã được xem là một nghề đáng kính trọng. Cuốn Encarta Encyclopedia viết: “Nhiều người Do Thái xem thầy như người dẫn dắt đến sự cứu rỗi và khuyến khích con cái tôn trọng thầy hơn cả cha mẹ”. Những tín đồ Đấng Christ dạy dỗ chính mình qua việc học Kinh Thánh, và sau đó dạy người khác, càng đặc biệt được vinh dự.

4 “Nghề dạy học thu hút nhiều người hơn bất cứ nghề nào khác. Trên thế giới, có khoảng 48 triệu người, cả nam lẫn nữ, là giáo viên”. (The World Book Encyclopedia) Các nhà giáo ngoài đời được giao trách nhiệm uốn nắn trí óc thế hệ trẻ và có thể ảnh hưởng trên chúng cả những năm sau đó. Nhưng khi bạn vâng lệnh Chúa Giê-su dạy dỗ người khác, ảnh hưởng đó còn lớn hơn nữa vì sự dạy dỗ của bạn có thể tác động đến tương lai vĩnh cửu của họ. Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh điều này khi ông khuyên giục Ti-mô-thê: “Hãy giữ chính mình con và sự dạy-dỗ của con; phải bền-đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu”. (1 Ti-mô-thê 4:16, chúng tôi viết nghiêng). Thật thế, sự dạy dỗ của bạn gắn liền với sự cứu rỗi.

5. Tại sao công việc dạy dỗ của tín đồ Đấng Christ thuộc loại nghề cao quý nhất?

5 Việc dạy dỗ chính mình và người khác được chính Đấng có thẩm quyền cao nhất, Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, cho phép và dẫn dắt. Chỉ riêng điều đó cũng đủ khiến công việc dạy dỗ này trở nên cao quý hơn bất kỳ công việc giáo dục nào ngoài đời, dù đó là dạy những môn căn bản, dạy nghề, hay ngay cả dạy chuyên khoa y. Công việc dạy dỗ của tín đồ Đấng Christ đòi hỏi bản thân học viên tập noi theo Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, và tập dạy người khác làm thế.—Giăng 15:10.

Tại sao phải dạy chính mình?

6, 7. (a) Tại sao trước hết chúng ta phải dạy chính mình? (b) Vì sao người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất không thể làm thầy?

6 Tại sao Kinh Thánh nói chúng ta phải dạy chính mình trước hết? Vì chúng ta không thể dạy người khác một cách đàng hoàng nếu chưa tự dạy chính mình. Phao-lô đã nhấn mạnh điểm này trong một đoạn văn khiến người đọc phải suy nghĩ. Đoạn này có giá trị đối với người Do Thái thời đó, nhưng cũng có ý nghĩa quan trọng đối với tín đồ Đấng Christ ngày nay. Ông nói: “Vậy ngươi dạy-dỗ kẻ khác mà không dạy-dỗ chính mình ngươi sao! Ngươi giảng rằng chớ nên ăn-cắp, mà ngươi ăn-cắp! Ngươi nói rằng chớ nên phạm tội tà-dâm, mà ngươi phạm tội tà-dâm! Ngươi gớm-ghét hình-tượng mà cướp lấy đồ-vật của hình-tượng [“đánh cướp đền miếu”, Nguyễn Thế Thuấn]! Ngươi khoe mình về luật-pháp mà bởi phạm luật-pháp làm nhục đến Đức Chúa Trời!”—Rô-ma 2:21-23.

7 Phao-lô nêu lên hai tội được nói đến ngay trong Mười Điều Răn: chớ trộm cướp và chớ tà dâm. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14, 15) Một số người Do Thái vào thời ông tự hào là có Luật Pháp Đức Chúa Trời. Họ ‘được luật-pháp dạy, khoe mình làm người dẫn đường cho kẻ mù, làm sự sáng cho kẻ ở nơi tối-tăm, làm người dạy kẻ tầm-thường’. (Rô-ma 2:17-20) Tuy nhiên, một vài người trong số đó chỉ là những kẻ giả hình vì họ lén lút trộm cắp và tà dâm. Hành vi đó làm nhục Luật Pháp và cả Đấng Lập Luật trên trời. Bạn có thể thấy họ hoàn toàn không đủ tư cách dạy người khác vì họ thậm chí còn chưa dạy được bản thân.

8. Một số người Do Thái vào thời Phao-lô có thể đã “đánh cướp đền miếu” như thế nào?

8 Phao-lô đề cập đến việc đánh cướp đền miếu. Một số người Do Thái có thật sự làm thế theo nghĩa đen không? Ông có ý nói gì? Thật ra với quá ít thông tin trong đoạn này, chúng ta không thể khẳng định chắc chắn một số người Do Thái đã “đánh cướp đền miếu” như thế nào. Trước đó, viên thư ký thành phố Ê-phê-sô có lần đã tuyên bố rằng các bạn đồng hành của Phao-lô không phải là những kẻ “phạm đến của thánh”, hoặc “trộm cắp vật thánh đền thờ”, theo Bản Diễn Ý. (Công-vụ 19:29-37) Điều đó cho thấy ít nhất một số người đã nghĩ rằng người Do Thái có thể đã phạm tội này. Họ có sử dụng hoặc mua bán những vật quý do những người viễn chinh hoặc phái Do Thái cực đoan lấy từ các đền thờ dân ngoại không? Theo Luật Pháp Đức Chúa Trời, vàng và bạc của các hình tượng phải bị thiêu hủy chứ không được lấy sử dụng. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:25) * Vì thế, có thể sứ đồ ám chỉ những người Do Thái đã xem thường mạng lệnh Đức Chúa Trời, sử dụng hoặc làm lợi từ những vật xuất xứ từ đền thờ dân ngoại.

9. Những việc xấu nào liên quan đến đền thờ Giê-ru-sa-lem có thể cũng là hành động cướp của đền thờ?

9 Mặt khác, Josephus cũng thuật lại một chuyện tai tiếng về bốn người Do Thái ở Rô-ma, trong đó người cầm đầu là một thầy dạy Luật. Bốn người đó đã thuyết phục một phụ nữ La Mã cải đạo Do Thái đóng góp vàng và một số đồ quý giá cho đền thờ Giê-ru-sa-lem. Khi nhận được những thứ này, họ đã bỏ túi riêng—chẳng khác nào cướp của đền thờ. * Theo một nghĩa nào đó, những người khác cũng đã cướp của đền thờ Đức Chúa Trời khi họ dâng cho Ngài những con vật tàn tật, và lợi dụng đền thờ để khuếch trương việc buôn bán tham lam, biến nơi đó thành “ổ trộm-cướp”.—Ma-thi-ơ 21:12, 13; Ma-la-chi 1:12-14; 3:8, 9.

Dạy nguyên tắc đạo đức của đạo Đấng Christ

10. Chúng ta không nên quên điểm chính nào trong lời của Phao-lô nơi Rô-ma 2:21-23?

10 Dù vào thế kỷ thứ nhất như Phao-lô nói, người ta đã phạm những thói xấu trộm cắp, tà dâm, và cướp của đền thờ thế nào chăng nữa, chúng ta chớ quên điểm chính trong lời bình luận của ông. Ông hỏi: “Vậy ngươi dạy-dỗ kẻ khác mà không dạy-dỗ chính mình ngươi sao”? Điều đáng lưu ý là những thí dụ Phao-lô đưa ra đều liên quan tới luân lý đạo đức. Ở đây sứ đồ không nhắm vào giáo lý hay lịch sử Kinh Thánh. Việc dạy dỗ chính mình và người khác mà ông nói đến liên quan tới luân lý đạo đức.

11. Tại sao khi học Lời Đức Chúa Trời, bạn nên lưu ý đến các nguyên tắc đạo đức?

11 Muốn áp dụng bài học nơi Rô-ma 2:21-23, chúng ta phải học nguyên tắc đạo đức từ Lời Đức Chúa Trời, thực hành những gì mình học, và sau đó hướng dẫn người khác làm thế. Vì vậy, khi học Kinh Thánh, hãy lưu ý những điểm nói về các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, vì đó là nguồn gốc của những nguyên tắc đạo đức thật của đạo Đấng Christ. Hãy suy ngẫm những lời khuyên và bài học trong Kinh Thánh. Sau đó, hãy mạnh dạn áp dụng những điều học được. Điều đó chắc chắn đòi hỏi phải can đảm và quyết tâm. Con người bất toàn thường có khuynh hướng tự biện minh, viện lý lẽ tại sao hoàn cảnh cho phép hoặc bắt buộc mình xem thường các nguyên tắc đạo đức. Có lẽ những người Do Thái mà Phao-lô nói đến cũng đã sành sỏi trong việc đưa ra những lý lẽ khôn khéo như thế để tự biện minh hoặc đánh lừa người khác. Nhưng lời của Phao-lô cho thấy chúng ta không thể tự ý xem nhẹ hoặc bỏ qua nguyên tắc đạo đức của đạo Đấng Christ.

12. Hạnh kiểm tốt hay xấu ảnh hưởng thế nào đến Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và tại sao ghi nhớ điều đó là có ích?

12 Sứ đồ nêu bật lý do chính tại sao phải học và áp dụng nguyên tắc đạo đức trong Kinh Thánh. Hạnh kiểm xấu của người Do Thái đã làm ô danh Đức Giê-hô-va: “Ngươi khoe mình về luật-pháp mà bởi phạm luật-pháp làm nhục đến Đức Chúa Trời! Vì bởi cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng người ngoại”. (Rô-ma 2:23, 24) Ngày nay cũng vậy, nếu bỏ qua các nguyên tắc đạo đức của đạo Đấng Christ, chúng ta làm nhục Đấng đặt ra những nguyên tắc đó. Trái lại, nếu chúng ta tuân theo tiêu chuẩn Ngài, điều đó khiến Ngài được tôn vinh và rạng danh. (Ê-sai 52:5; Ê-xê-chi-ên 36:20) Sự hiểu biết này sẽ giúp bạn có thêm quyết tâm mỗi khi bị cám dỗ hoặc trong trường hợp bạn cảm thấy việc bỏ qua các nguyên tắc đạo đức đạo Đấng Christ là phương cách dễ dàng và thuận lợi nhất. Ngoài ra, lời của Phao-lô còn dạy chúng ta một điều khác. Ngoài việc tự ý thức rằng hạnh kiểm của mình ảnh hưởng đến Đức Chúa Trời, khi dạy người khác bạn cũng phải giúp họ hiểu rằng cách họ áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức sẽ ảnh hưởng đến Đức Giê-hô-va. Nguyên tắc đạo đức đạo Đấng Christ không chỉ góp phần vào hạnh phúc và bảo vệ sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến Đấng đặt ra và khuyến khích ta theo các nguyên tắc đó.—Thi-thiên 74:10; Gia-cơ 3:17.

13. (a) Kinh Thánh giúp chúng ta thế nào về mặt đạo đức? (b) Hãy cho biết trọng tâm của lời khuyên nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-7.

13 Đạo đức của bạn cũng ảnh hưởng đến người khác nữa. Bạn có thể thấy điều đó khi xem những câu chuyện trong Lời Đức Chúa Trời minh họa giá trị của việc áp dụng tiêu chuẩn đạo đức Ngài và hậu quả của việc xem thường chúng. (Sáng-thế Ký 39:1-9, 21; Giô-suê 7:1-25) Bạn cũng có thể tìm thấy những lời khuyên rõ ràng như: “Ý-muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô-uế, mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh-sạch và tôn-trọng, chẳng bao giờ sa vào tình-dục luông-tuồng như người ngoại-đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời. Chớ có ai phỉnh-phờ anh em mình, hay là làm hại anh em bất kỳ việc gì... Bởi chưng Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô-uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-7.

14. Bạn có thể tự hỏi điều gì về lời khuyên nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-7?

14 Hầu như ai đọc đoạn này cũng hiểu được rằng tình dục vô luân là vi phạm nguyên tắc đạo đức của đạo Đấng Christ. Tuy nhiên, bạn còn có thể đào sâu hơn. Một số đoạn Kinh Thánh có nhiều điểm để bạn nghiên cứu và suy ngẫm thêm, nhờ đó có được sự hiểu biết tường tận và sâu sắc. Chẳng hạn, bạn hãy suy ngẫm về ý của Phao-lô khi ông nói việc tà dâm có thể khiến một người “phỉnh-phờ anh em mình, hay là làm hại anh em, hoặc “xâm phạm quyền của anh em trong việc này”, theo bản dịch New World Translation. Ông muốn nói đến những quyền nào, và làm thế nào việc hiểu rõ điều này giúp bạn có thêm động lực để gìn giữ nguyên tắc đạo đức của đạo Đấng Christ? Làm thế nào việc nghiên cứu đó có thể giúp bạn được trang bị tốt hơn để dạy người khác và giúp họ tôn vinh Đức Chúa Trời?

Học để dạy

15. Bạn có thể dùng những công cụ nào để dạy chính mình qua việc học cá nhân?

15 Nhân Chứng Giê-hô-va có những công cụ để tra cứu những vấn đề hay thắc mắc họ gặp phải trong khi học để dạy chính họ hoặc người khác. Một công cụ có sẵn trong nhiều thứ tiếng là Watch Tower Publications Index (Danh mục ấn phẩm Hội Tháp Canh). Nếu có sách này, bạn có thể dùng để tìm bất cứ thông tin nào được đăng trong các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Bạn có thể tra theo chủ đề hoặc theo câu Kinh Thánh. Một công cụ khác có trong các ngôn ngữ phổ thông là Watchtower Library. Đây là một chương trình vi tính trên CD-ROM chứa rất nhiều ấn phẩm dưới dạng điện tử, giúp tra cứu các chủ đề và các bài bình luận Kinh Thánh. Nếu một hay cả hai công cụ này đều có trong tiếng của bạn, hãy thường xuyên sử dụng chúng khi học Lời Đức Chúa Trời để dạy người khác.

16, 17. (a) Bạn có thể tìm ở đâu những lời bình luận làm sáng tỏ các quyền được nói đến nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:6? (b) Việc tà dâm có thể xâm phạm quyền của người khác ra sao?

16 Hãy lấy thí dụ câu Kinh Thánh nêu trên, 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-7. Vấn đề được đặt ra là quyền. Quyền của ai? Và những quyền đó có thể bị xâm phạm như thế nào? Với những công cụ kể trên, bạn có thể tìm được một số lời bình luận làm sáng tỏ câu Kinh Thánh này, và cả về những quyền mà Phao-lô đề cập đến. Bạn có thể đọc những lời bình luận đó trong sách Insight on the Scriptures, Tập 1, trang 863, 864; sách Hòa bình và an ninh thật sự—Làm sao bạn có thể tìm được? (Anh ngữ), trang 145; và Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 15-11-1989, trang 31.

17 Nghiên cứu thêm bạn sẽ thấy các ấn phẩm này xác nhận điều Phao-lô nói đúng thế nào. Kẻ tà dâm phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời và dễ bị lây nhiễm bệnh. (1 Cô-rinh-tô 6:18, 19; Hê-bơ-rơ 13:4) Người đàn ông tà dâm xâm phạm nhiều quyền của người phụ nữ mà ông phạm tội cùng. Ông làm tổn thương đức hạnh và khiến lương tâm của cô bị cắn rứt. Nếu cô ấy còn độc thân, ông khiến cô mất quyền bước vào hôn nhân một cách trinh trắng, và xúc phạm quyền của người chồng tương lai của cô. Nếu cô ta đã có gia đình, ông làm cha mẹ và chồng của cô bị tổn thương. Người đàn ông vô luân xúc phạm đến danh dự của gia đình mình. Nếu là thành viên của hội thánh tín đồ Đấng Christ, ông làm tổn hại danh tiếng của hội thánh.—1 Cô-rinh-tô 5:1.

18. Bạn được lợi ích thế nào khi học về các nguyên tắc đạo đức trong Kinh Thánh?

18 Chẳng lẽ những lời bình luận như thế về quyền không khiến câu Kinh Thánh trở nên sáng tỏ đối với bạn sao? Học hỏi theo cách này chắc chắn đem lại nhiều lợi ích lớn lao. Khi tiếp tục áp dụng phương pháp này, bạn đang dạy chính mình. Bạn nhận định được sự thâm thúy và tác động mạnh mẽ của Lời Đức Chúa Trời rõ ràng hơn. Bạn có thêm quyết tâm giữ vững nguyên tắc đạo đức của đạo Đấng Christ bất kể mọi cám dỗ. Và hãy nghĩ xem bạn sẽ hữu hiệu hơn biết bao trong việc dạy dỗ! Chẳng hạn, khi dạy người khác lẽ thật Kinh Thánh, bạn có thể giúp họ hiểu 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-7 sâu sắc hơn, qua đó gia tăng sự hiểu biết và lòng quý trọng của họ đối với nguyên tắc đạo đức của đạo Đấng Christ. Như vậy, việc học hỏi sẽ giúp bạn và nhiều người khác tôn vinh Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ mới đề cập một ví dụ từ lá thơ của Phao-lô gửi người Tê-sa-lô-ni-ca. Còn nhiều khía cạnh khác trong nguyên tắc đạo đức đạo Đấng Christ, và còn nhiều gương mẫu và lời khuyên khác trong Kinh Thánh liên quan đến những nguyên tắc đạo đức đó mà bạn có thể nghiên cứu, áp dụng, và dạy dỗ.

19. Tại sao gìn giữ nguyên tắc đạo đức là điều tối quan trọng?

19 Không có nghi ngờ gì về sự khôn ngoan của việc giữ các nguyên tắc đạo đức đạo Đấng Christ. Gia-cơ 3:17 nói “sự khôn-ngoan từ trên mà xuống”, tức từ chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời, “trước hết là thanh-sạch”. Điều đó rõ ràng đòi hỏi phải làm theo tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời. Thật thế, Đức Giê-hô-va đòi hỏi những người đại diện Ngài trong việc dạy dỗ Kinh Thánh phải là gương mẫu về “sự tinh-sạch”. (1 Ti-mô-thê 4:12) Lối sống của các môn đồ thời ban đầu như Phao-lô và Ti-mô-thê chứng tỏ họ đã giữ mình trong sạch, không buông thả theo tình dục vô luân. Phao-lô thậm chí viết: “Phàm những sự gian-dâm, hoặc sự ô-uế, hoặc sự tham-lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng-đáng cho các thánh-đồ. Chớ nói lời tục-tỉu, chớ giễu-cợt, chớ giả-ngộ tầm-phào”.—Ê-phê-sô 5:3, 4.

20, 21. Tại sao bạn đồng ý với điều sứ đồ Giăng viết nơi 1 Giăng 5:3?

20 Mặc dù các tiêu chuẩn đạo đức được trình bày trong Lời Đức Chúa Trời rất rõ ràng và cụ thể, nhưng việc làm theo không phải là gánh nặng quá sức. Đó rõ ràng là cảm nghĩ của Giăng, sứ đồ sống lâu nhất. Dựa trên những gì đã quan sát được qua nhiều thập kỷ, ông hiểu rằng nguyên tắc đạo đức đạo Đấng Christ không những vô hại mà trái lại còn tốt lành, mang lại lợi ích và ân phước. Điều này đã được ông nhấn mạnh khi viết: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”.—1 Giăng 5:3.

21 Tuy nhiên, hãy lưu ý Giăng không đơn giản nói rằng vâng lời Đức Chúa Trời bằng cách giữ các nguyên tắc đạo đức đạo Đấng Christ là cách sống tốt nhất, chỉ vì nó giúp chúng ta tránh nhiều vấn đề, hay hậu quả của lối sống vô đạo đức. Ông đã bày tỏ quan điểm đúng đắn về việc vâng lời khi thừa nhận trước hết đó là biểu hiện tình yêu thương của chúng ta đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, một cơ hội quý giá để chúng ta thể hiện tình yêu thương với Ngài. Thật thế, muốn dạy chính mình và người khác yêu Đức Chúa Trời, chúng ta phải chấp nhận và áp dụng các tiêu chuẩn cao của Ngài. Điều đó có nghĩa là phải dạy chính mình và người khác nguyên tắc đạo đức đạo Đấng Christ.

[Chú thích]

^ đ. 8 Mặc dù mô tả người Do Thái là những người tôn trọng các vật thánh, ông Josephus đã diễn đạt nội dung của luật này như sau: “Chớ ai làm nhục các thần mà các thành khác thờ lạy, hay cướp đền thờ dân ngoại, hay lấy những vật quý đã được dâng cho danh bất kỳ thần nào”. (Chúng tôi viết nghiêng).—Jewish Antiquities, Cuốn 4, chương 8, đoạn 10.

^ đ. 9 Jewish Antiquities, Cuốn 18, chương 3, đoạn 5.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao chúng ta phải học để dạy chính mình trước khi dạy người khác?

• Hạnh kiểm của chúng ta ảnh hưởng thế nào đến Đức Giê-hô-va?

• Kẻ tà dâm xâm phạm quyền của những ai?

• Bạn quyết tâm làm gì đối với nguyên tắc đạo đức đạo Đấng Christ?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 22]

“Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”