Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Theo khuôn mẫu các vua xưa kia

Theo khuôn mẫu các vua xưa kia

Theo khuôn mẫu các vua xưa kia

“Vua phải chiếu theo luật-pháp nầy..., chép một bổn cho mình. Bổn ấy phải ở bên vua trọn đời, vua phải đọc ở trong”.—PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 17:18, 19.

1. Một tín đồ Đấng Christ có thể mong muốn giống ai?

THẬT khó mà tưởng tượng mình là vua hay hoàng hậu. Có tín đồ Đấng Christ hay học viên Kinh Thánh trung thành nào lại dám tưởng tượng mình đang hành xử quyền vua, như những vị vua trung thành Đa-vít, Giô-si-a, Ê-xê-chia, hoặc Giê-hô-sa-phát không? Thế nhưng, ít nhất cũng có một điểm đặc biệt mà bạn nên noi theo các vua ấy. Điểm nào? Và tại sao bạn nên mong muốn giống họ về điểm ấy?

2, 3. Đức Giê-hô-va đã biết trước điều gì về dân Y-sơ-ra-ên, và vị vua loài người phải làm gì?

2 Vào thời Môi-se, rất lâu trước khi chấp thuận cho dân Y-sơ-ra-ên một vua loài người, Đức Chúa Trời đã biết trước rằng dân sự Ngài sẽ có lúc mong ước có một vua cai trị. Do đó Ngài đã soi dẫn cho Môi-se ghi vào giao ước Luật Pháp những lời chỉ dạy thích đáng. Đó là những lời chỉ dạy và hướng dẫn dành cho các vị vua.

3 Đức Chúa Trời phán: “Khi ngươi đã vào xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho,... nếu ngươi nói: Tôi sẽ lập một vua lên cai-trị tôi, như các dân-tộc chung-quanh, thì khá lập một vua lên cai-trị ngươi, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ chọn... Vừa khi tức-vị, vua phải chiếu theo luật-pháp nầy..., chép một bổn cho mình. Bổn ấy phải ở bên vua trọn đời, vua phải đọc ở trong, để tập biết kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy, và hết thảy điều-răn nầy”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:14-19.

4. Theo các lời dạy của Đức Chúa Trời, các vua phải làm gì?

4 Đúng thế, vua mà Đức Giê-hô-va chọn cho các người thờ phượng Ngài phải chép cho mình một bản luật pháp mà bạn có thể đọc thấy trong quyển Kinh Thánh của bạn. Rồi vua phải đọc đi đọc lại bản ấy mỗi ngày. Đấy không phải để luyện tập trí nhớ, mà là việc nghiên cứu có mục đích hữu ích. Vị vua được Đức Giê-hô-va chấp nhận cần duy trì việc nghiên cứu này để vun trồng và giữ lòng chính trực. Muốn thành công và được thông sáng, vua cũng cần nghiên cứu những lời ghi chép được soi dẫn ấy.—2 Các Vua 22:8-13; Châm-ngôn 1:1-4.

Học theo cách vua

5. Vua Đa-vít đã có những phần nào của Kinh Thánh để chép và đọc, và ông có cảm nghĩ nào?

5 Theo bạn, Vua Đa-vít phải làm gì khi trở thành vua Y-sơ-ra-ên? Ông phải chép lại cho mình bản Ngũ Thư (Sáng-thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân-số Ký, Phục-truyền Luật-lệ Ký). Hãy tưởng tượng việc đích thân đọc và tự tay chép lại một bản của bộ Luật Pháp để lại ấn tượng sâu sắc biết dường nào trong lòng và trí của Vua Đa-vít. Rất có thể Môi-se cũng đã viết sách Gióp và các bài Thi-thiên 90, 91. Vua Đa-vít cũng đã chép những sách này chăng? Có lẽ thế. Ngoài ra, chắc hẳn ông cũng đã có những sách Giô-suê, Các Quan Xét và Ru-tơ. Bạn thấy đấy, Vua Đa-vít cũng đã có một phần khá lớn của Kinh Thánh để đọc và tiếp thu. Chúng ta có cơ sở để tin là ông đã làm điều ấy, khi đọc những lời bình luận của ông về Luật Pháp Đức Chúa Trời ở Thi-thiên 19:7-11.

6. Làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn rằng như tổ phụ ngài là Đa-vít, Chúa Giê-su cũng ham thích Kinh Thánh?

6 Đa-vít Lớn tức Chúa Giê-su, con cháu Đa-vít, đã theo gương tương tự. Ngài có thói quen hàng tuần đến nhà hội địa phương. Ở đấy, ngài được nghe đọc và giảng Kinh Thánh. Ngoài ra, thỉnh thoảng chính Chúa Giê-su cũng đọc lớn Lời Đức Chúa Trời và giải thích cách áp dụng trước công chúng. (Lu-ca 4:16-21) Việc ngài thông thạo Kinh Thánh là điều dễ nhận biết. Chỉ cần đọc các sự tường thuật trong Phúc Âm, bạn sẽ thấy rằng Chúa Giê-su rất thường nói “có lời chép rằng” hoặc bằng cách nhắc đến các đoạn cụ thể. Ví dụ như trong Bài Giảng trên Núi trình bày theo Ma-thi-ơ, Chúa Giê-su đã trích dẫn phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ 21 lần.—Ma-thi-ơ 4:4-10; 7:29; 11:10; 21:13; 26:24, 31; Giăng 6:31, 45; 8:17.

7. Chúa Giê-su khác với các nhà lãnh đạo tôn giáo ở điểm nào?

7 Chúa Giê-su đã theo lời khuyên nơi Thi-thiên 1:1-3: “Phước cho người nào chẳng theo mưu-kế của kẻ dữ,... song lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm... Mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”. Ngài thật khác biệt với các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ngài, là những kẻ chỉ “ngồi trên ngôi của Môi-se”, nhưng lại không làm theo “luật-pháp của Đức Giê-hô-va”!—Ma-thi-ơ 23:2-4.

8. Tại sao việc đọc và nghiên cứu Kinh Thánh của những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái là vô ích?

8 Tuy nhiên, một số người có thể cảm thấy bối rối bởi một đoạn Kinh Thánh được giải thích như thể Chúa Giê-su có ý can ngăn việc học Kinh Thánh. Nơi Giăng 5:39, 40, chúng ta đọc lời Chúa Giê-su nói với một số người thời ngài: “Các ngươi dò-xem Kinh-thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh-thánh làm chứng về ta vậy. Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống!” Chúa Giê-su không có ý can ngăn việc nghiên cứu Kinh Thánh của những người Do Thái nghe ngài. Đúng hơn ngài muốn phơi bày sự thiếu thành thật hay sự mâu thuẫn của họ. Họ nhận thức rằng Kinh Thánh có thể dẫn họ đến sự sống đời đời, nhưng chính những lời Kinh Thánh mà họ tìm kiếm lẽ ra cũng đã phải dẫn họ đến với Đấng Mê-si là Chúa Giê-su. Ấy thế nhưng họ lại từ chối ngài. Do đó việc nghiên cứu chẳng đem lại lợi ích gì cho họ vì họ không thành thật, không dễ lắng nghe.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:15; Lu-ca 11:52; Giăng 7:47, 48.

9. Các sứ đồ và các nhà tiên tri thuở xưa đã nêu gương tốt nào?

9 Tình trạng khác hẳn với các môn đồ và các sứ đồ của Chúa Giê-su! Họ nghiên cứu “Kinh-thánh vốn có thể khiến [họ] khôn-ngoan để được cứu”. (2 Ti-mô-thê 3:15) Về mặt này, họ giống các nhà tiên tri thuở xưa, là những người đã “tìm-tòi tra-xét kỹ-càng”. Các nhà tiên tri ấy không xem việc tìm tòi này có tính cách giai đoạn, chỉ cần sốt sắng học hỏi trong vài tháng hoặc một năm. Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng “họ [“tiếp tục”, NW] tra-xét”, đặc biệt về Đấng Christ và về sự vinh hiển đi kèm với vai trò của ngài là cứu rỗi nhân loại. Trong thư thứ nhất của ông, Phi-e-rơ đã 34 lần trích dẫn mười sách Kinh Thánh.—1 Phi-e-rơ 1:10, 11, Ghi-đê-ôn.

10. Tại sao mỗi người chúng ta nên quan tâm đến việc nghiên cứu Kinh Thánh?

10 Như vậy, rõ ràng là việc học hỏi cẩn thận Lời Đức Chúa Trời là một nhiệm vụ mà các vua Y-sơ-ra-ên xưa đã được giao phó. Chúa Giê-su noi theo khuôn mẫu này. Việc nghiên cứu Kinh Thánh cũng là nhiệm vụ của những người sẽ đồng trị với tư cách vua cùng với Đấng Christ trên trời. (Lu-ca 22:28-30; Rô-ma 8:17; 2 Ti-mô-thê 2:12; Khải-huyền 5:10; 20:6) Khuôn mẫu này cho các vua cũng cần thiết cho tất cả những ai ngày nay trông đợi ân phước trên đất dưới sự cai trị của Nước Trời.—Ma-thi-ơ 25:34, 46.

Nhiệm vụ của các vua và của bạn

11. (a) Việc học hỏi Kinh Thánh của tín đồ Đấng Christ có thể gặp nguy hiểm gì? (b) Chúng ta nên tự đặt những câu hỏi nào?

11 Chúng ta có thể khẳng định dứt khoát rằng mỗi tín đồ Đấng Christ chân thật phải đích thân xem xét Kinh Thánh. Đấy không chỉ là điều cần làm khi bạn mới học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Mỗi người chúng ta phải quyết tâm không làm theo một số người thời sứ đồ Phao-lô, chỉ sau một thời gian là đã lơ là việc học hỏi cá nhân. Họ học “những điều sơ-học của lời Đức Chúa Trời”, chẳng hạn như “điều sơ-học về... Đấng Christ”. Nhưng họ lại không bền chí tiếp tục học, bởi đó mà không “tấn tới sự trọn-lành”, hoặc “vươn lên mức trưởng thành”, theo bản dịch An Sơn Vị. (Hê-bơ-rơ 5:12–6:3) Do đó, chúng ta có thể tự hỏi mình: ‘Tôi nghĩ sao về việc học hỏi cá nhân Lời Đức Chúa Trời, dù chỉ mới kết hợp với hội thánh Đấng Christ hay đã kết hợp từ rất nhiều năm rồi? Sứ đồ Phao-lô cầu xin cho các tín đồ Đấng Christ thời ông tiếp tục “thêm lên trong sự hiểu-biết [“chính xác”, NW] Đức Chúa Trời”. Tôi có bày tỏ cùng điều mong muốn ấy không?’—Cô-lô-se 1:9, 10.

12. Tại sao tiếp tục yêu thích Lời Đức Chúa Trời là yếu tố quan trọng?

12 Yếu tố quan trọng để có những thói quen học hỏi tốt là tập yêu thích Lời Đức Chúa Trời. Thi-thiên 119:14-16 cho thấy việc suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời cách đều đặn và có mục tiêu rõ ràng chính là cách giúp yêu thích Lời Ngài. Dù bạn đã là tín đồ Đấng Christ bao lâu rồi, điều này vẫn được nghiệm đúng. Để nhấn mạnh điểm này, hãy nhớ lại gương của Ti-mô-thê. Mặc dù tín đồ này là trưởng lão và đã phục vụ với tư cách là “người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus-Christ”, nhưng sứ đồ Phao-lô vẫn khuyên ông nên làm hết sức mình để “lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”. (2 Ti-mô-thê 2:3, 15; 1 Ti-mô-thê 4:15) Rõ ràng, muốn “làm hết sức mình” bao hàm những thói quen học hỏi tốt.

13. (a) Làm thế nào để có thêm thì giờ học Kinh Thánh? (b) Riêng bạn có thể điều chỉnh thời khóa biểu ra sao để có thêm thì giờ học hỏi?

13 Một bước để có những thói quen học hỏi tốt là đều đặn dành thời gian cho việc học hỏi Kinh Thánh. Bạn đã sắp đặt ra sao về mặt này? Dù câu trả lời chân thật là thế nào đi nữa, bạn có nghĩ rằng mình sẽ được lợi ích nếu dành nhiều thời gian hơn cho việc học hỏi cá nhân không? Bạn có thể tự hỏi: ‘Làm thế nào để sắp đặt thì giờ cho việc đó?’ Một số người đã tăng thời gian học Kinh Thánh bằng cách thức dậy sớm hơn một chút vào buổi sáng để đọc Kinh Thánh 15 phút hoặc học hỏi theo chương trình cá nhân. Hoặc bạn hãy thử điều chỉnh chút ít thời khóa biểu hàng tuần? Chẳng hạn, nếu bạn có thói quen đọc báo nhiều ngày trong tuần hay xem tin tức truyền hình buổi tối, liệu bạn có thể bỏ bớt những việc ấy chỉ một ngày mỗi tuần không? Bạn có thể dùng thời gian của ngày ấy để học Kinh Thánh nhiều hơn. Nếu không đọc hay xem tin tức một bữa, nhưng dùng khoảng 30 phút để học hỏi cá nhân, bạn sẽ có thêm trên 25 giờ cho học hỏi mỗi năm. Hãy hình dung lợi ích thu thập được nhờ có thêm 25 giờ để đọc hoặc học Kinh Thánh! Và đây là một ý kiến nữa: Tuần tới, cứ cuối ngày bạn hãy thử phân tích các hoạt động của mình. Hãy thử xem có thể cắt bỏ hay rút ngắn việc nào đó để có thêm giờ đọc hoặc học Kinh Thánh không.—Ê-phê-sô 5:15, 16.

14, 15. (a) Tại sao việc đặt mục tiêu cho việc học hỏi cá nhân là quan trọng? (b) Có thể đặt những mục tiêu nào cho việc đọc Kinh Thánh?

14 Điều gì sẽ làm cho việc học hỏi được dễ dàng và hấp dẫn cho bạn hơn? Đó là đặt mục tiêu. Bạn có thể định những mục tiêu thiết thực nào cho việc học hỏi? Đối với nhiều người, mục tiêu hàng đầu và tốt đẹp nhất là đọc toàn bộ cuốn Kinh Thánh. Có thể cho tới nay, bạn cũng thỉnh thoảng đọc những phần trong Kinh Thánh, và đã được lợi ích. Nay bạn có thể quyết tâm đọc toàn bộ cuốn Kinh Thánh không? Nhằm đạt mục đích ấy, mục tiêu đầu tiên là đọc bốn cuốn Phúc Âm, tiếp theo là mục tiêu thứ hai chẳng hạn như đọc các sách còn lại của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Một khi bạn đã được thỏa lòng và lợi ích, mục tiêu kế tiếp của bạn có thể là lần lượt đọc các sách của Môi-se và các sách lịch sử cho đến hết sách Ê-xơ-tê. Hoàn tất điều này, bạn sẽ thấy việc đọc nốt phần còn lại của Kinh Thánh là rất thiết thực. Một phụ nữ, trở thành tín đồ Đấng Christ khi đã khoảng 65 tuổi, có viết bên trong bìa Kinh Thánh của bà ngày tháng lúc bà bắt đầu đọc Kinh Thánh và lúc bà đọc xong hết. Và nay Kinh Thánh bà có ghi năm lần khác nhau về ngày tháng bắt đầu và ngày tháng chấm dứt! (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:45-47) Và thay vì đọc Kinh Thánh trên màn hình hoặc bản in từ máy tính, bà đọc thẳng trong cuốn Kinh Thánh.

15 Một số người khi đã đạt mục tiêu đọc toàn bộ cuốn Kinh Thánh đều thực hiện những bước khác nhằm làm cho việc học hỏi liên tục của họ thêm bổ ích và thỏa nguyện. Một cách là chọn lựa những tài liệu học hỏi liên quan trước khi đọc từng sách một của Kinh Thánh. Trong sách “All Scripture Is Inspired of God and Beneficial” (“Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn và có ích”) và sách Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh Thánh), bạn có thể tìm thấy nhiều thông tin đặc sắc về các bối cảnh lịch sử, văn phong, và những lợi ích có thể đạt được qua từng sách Kinh Thánh. *

16. Những gương nào cần tránh khi học Kinh Thánh?

16 Khi học hỏi, cần tránh theo lối của những người tự cho là học giả Kinh Thánh. Họ tập trung quá mức vào việc phân tích văn bản như thể Kinh Thánh bắt nguồn từ loài người. Một vài người trong số họ cố gắng xác định ai là thành phần độc giả phù hợp với mỗi sách, hoặc tưởng tượng ra một mục tiêu và quan điểm mà họ nghĩ người viết đã có trong trí. Hậu quả của lối lý luận theo loài người này khiến người ta nghĩ Kinh Thánh chỉ là những sách lịch sử hoặc phản ánh những bước tiến dẫn đến tôn giáo hiện đại. Những học giả khác lại quá tập trung vào việc nghiên cứu từ, như môn ngữ văn về văn chương Kinh Thánh. Họ chú trọng đến việc nghiên cứu nguồn gốc từ và trích dẫn nghĩa gốc Hê-bơ-rơ và Hy Lạp hơn là đến nội dung thông điệp của Đức Chúa Trời. Bạn có nghĩ rằng những cách này có thể nào xây dựng đức tin vững chắc, thúc đẩy hành động không?—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.

17. Tại sao chúng ta nên xem Kinh Thánh như một thông điệp chung cho mọi người?

17 Những kết luận của các học giả có hợp lý chăng? Có thật là mỗi cuốn sách chỉ có một ý chính hoặc chỉ dành riêng cho một thành phần độc giả nào đó không? (1 Cô-rinh-tô 1:19-21) Thật ra những sách của Lời Đức Chúa Trời có giá trị vĩnh hằng cho mọi người thuộc mọi lứa tuổi và mọi nền văn hóa. Ngay dù có sách lúc đầu được viết riêng cho một người, chẳng hạn như cho Ti-mô-thê hoặc Tít, hoặc cho một nhóm nào đó, như người Ga-la-ti hay người Phi-líp, tất cả chúng ta đều có thể và nên học hỏi những sách này. Tất cả các sách này đều quan trọng cho mỗi người chúng ta, và mỗi sách có thể thảo luận về nhiều đề tài và hữu ích cho nhiều thành phần độc giả khác nhau. Thật vậy, thông điệp của Kinh Thánh dành cho mọi người, bởi thế chúng ta hiểu vì sao Kinh Thánh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng của nhiều dân trên thế giới.—Rô-ma 15:4.

Lợi ích cho chính mình và người khác

18. Khi đọc Lời Đức Chúa Trời, bạn nên suy ngẫm về những điều gì?

18 Khi học hỏi, bạn sẽ thấy rằng việc tìm hiểu nội dung Kinh Thánh cũng như việc cố gắng hiểu mối tương quan giữa những chi tiết là rất lợi ích. (Châm-ngôn 2:3-5; 4:7) Mọi điều Đức Giê-hô-va tiết lộ qua Lời Ngài đều liên quan chặt chẽ với ý định của Ngài. Thế nên khi đọc, bạn phải liên kết các sự kiện và lời khuyên với ý định Ngài. Có thể bạn phải nghiền ngẫm xem một sự kiện, một ý tưởng, hoặc một lời tiên tri liên quan thế nào đến ý định Đức Giê-hô-va. Hãy tự hỏi: ‘Điều này giúp tôi hiểu gì về Đức Giê-hô-va? Điều này có liên hệ gì đến việc ý định Đức Chúa Trời được thực hiện qua Nước Trời?’ Bạn cũng có thể suy ngẫm: ‘Tôi dùng thông tin này như thế nào? Dựa trên căn bản Kinh Thánh, tôi có thể dùng thông tin này để dạy dỗ hay khuyên bảo người khác không?’—Giô-suê 1:8.

19. Khi bạn kể lại những điều mình học được, ai sẽ được lợi ích? Hãy giải thích.

19 Quan tâm đến người khác cũng có lợi ích khác nữa. Trong lúc đọc và học Kinh Thánh, bạn sẽ biết và hiểu sâu rộng thêm nhiều điều mới lạ. Hãy cố gắng đưa những điều này vào những cuộc nói chuyện xây dựng với những người trong gia đình hoặc với những người khác. Nếu bạn làm thế vào lúc thích hợp và với thái độ khiêm nhường, chắc chắn những buổi nói chuyện này sẽ đạt kết quả tốt. Khi nhiệt thành và chân thật kể lại những gì bạn đã học biết được hoặc những khía cạnh thú vị nào đó, chắc chắn những thông tin ấy sẽ để lại nhiều ấn tượng hơn đối với người nghe. Hơn thế nữa, điều này còn đem lại lợi ích cho chính bạn. Bằng cách nào? Các chuyên gia nhận xét rằng khi sử dụng hoặc nhắc lại, như khi thuật lại với người khác những gì mình mới thâu thập được, điều này giúp chúng ta nhớ lâu hơn những gì đã học hoặc đọc được. *

20. Tại sao việc thường xuyên đọc Kinh Thánh đem lại lợi ích?

20 Mỗi lần đọc hết một sách của Kinh Thánh, bạn hẳn sẽ học hỏi thêm nhiều điều mới lạ. Cùng một đoạn Kinh Thánh, trước kia không gây ấn tượng gì, nhưng bây giờ bạn lại thấy hay. Những câu ấy mang ý nghĩa sâu xa hơn. Điều này nhấn mạnh rằng các sách Kinh Thánh không chỉ là văn chương của loài người, mà còn là cả một kho tàng quý giá, hữu ích cho bạn và đáng để học hỏi thường xuyên. Hãy nhớ rằng, một vua, như Đa-vít chẳng hạn, cũng phải ‘trọn đời đọc’ Kinh Thánh.

21. Bạn có thể được lợi ích gì qua việc học hỏi Lời Đức Giê-hô-va nhiều hơn?

21 Đúng vậy, những ai dành thì giờ nghiên cứu Kinh Thánh sâu xa có được lợi ích vô cùng. Họ sẽ tìm được nhiều sự thông hiểu thiêng liêng quý báu. Quan hệ của họ với Đức Chúa Trời sẽ được vững mạnh và sâu đậm. Đối với gia đình, anh chị em trong hội thánh, và đối với những ai chưa trở thành những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, càng ngày họ càng trở nên hữu ích và đáng quý hơn.—Rô-ma 10:9-14; 1 Ti-mô-thê 4:16.

[Chú thích]

^ đ. 15 Những sách giúp học hỏi ấy do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản trong nhiều thứ tiếng.

^ đ. 19 Xem Tháp Canh ngày 15-5-1994, trang 13, 14.

Bạn còn nhớ không?

• Các vua Y-sơ-ra-ên phải làm gì?

• Chúa Giê-su và các sứ đồ nêu gương nào về việc học hỏi Kinh Thánh?

• Bạn có thể điều chỉnh những gì để dành thêm thời gian cho việc học hỏi cá nhân?

• Bạn nên học Lời Đức Chúa Trời với thái độ nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 15]

“Trong tay”

“Nếu cần... một bảng liệt kê các từ Kinh Thánh, phương tiện tốt nhất cho chúng ta là Internet. Nhưng nếu muốn đọc để tìm hiểu và suy ngẫm Kinh Thánh, chúng ta phải có Kinh Thánh trong tay, vì đấy là cách duy nhất giúp chúng ta khắc ghi trong trí và lòng”.—Giáo sư danh dự Gertrude Himmelfarb, thuộc Trường City University, New York.