Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được vững mạnh nhờ tình anh em khắp thế giới

Được vững mạnh nhờ tình anh em khắp thế giới

Tự Truyện

Được vững mạnh nhờ tình anh em khắp thế giới

DO THOMSON KANGALE KỂ LẠI

Ngày 24 tháng 4 năm 1993, tôi được mời đến tham dự chương trình khánh thành một khu văn phòng chi nhánh mới, gồm 13 tòa nhà, tại Lusaka, Zambia. Vì tôi đi đứng khó khăn nên chị tín đồ Đấng Christ hướng dẫn chúng tôi đi tham quan trụ sở đã ân cần hỏi tôi: “Anh có muốn tôi đem theo một cái ghế để anh có thể thỉnh thoảng ngồi nghỉ không?” Tôi là người da đen, còn chị ấy tuy là người da trắng nhưng lại không hề quan tâm đến điều đó. Vô cùng cảm kích, tôi cảm ơn chị, vì nhờ sự tử tế của chị mà tôi đã có thể tham quan toàn bộ chi nhánh.

THEO thời gian, những kinh nghiệm ấm lòng này đã giúp tôi tin chắc rằng tình yêu thương giúp nhận diện các môn đồ thật của Đấng Christ, như lời ngài đã phán, thật sự hiện hữu trong tổ chức của Nhân Chứng Giê-hô-va. (Giăng 13:35; 1 Phi-e-rơ 2:17) Tôi xin kể lại làm thế nào tôi đã quen biết những tín đồ Đấng Christ này vào năm 1931, năm mà họ công khai tuyên bố mong muốn được nhận biết dưới danh xưng dựa trên Kinh Thánh, Nhân Chứng Giê-hô-va.—Ê-sai 43:12.

Thánh chức vào thời gian đầu tại Phi Châu

Tháng 11 năm 1931, tôi được 22 tuổi và đang sống ở Kitwe, thuộc vùng Copperbelt phía Bắc Rhodesia (nay là Zambia). Người bạn thường chơi bóng đá với tôi đã giới thiệu tôi với các Nhân Chứng. Tôi đã tham dự vài buổi họp của họ và viết cho văn phòng chi nhánh tại Cape Town, Nam Phi, yêu cầu gửi cho tôi sách giúp tìm hiểu Kinh Thánh tựa đề The Harp of God (Đàn cầm của Đức Chúa Trời). * Cuốn sách này bằng tiếng Anh, nên tôi thấy khó hiểu vì tôi không thông thạo thứ tiếng này.

Vùng Copperbelt, nằm khoảng 240 kilômét về phía tây nam Hồ Bangweulu, gần nơi tôi sinh trưởng, đã sử dụng rất nhiều người của các tỉnh khác để làm việc tại các mỏ đồng. Nhiều nhóm Nhân Chứng gặp nhau đều đặn ở đấy để học Kinh Thánh. Sau một thời gian, tôi rời Kitwe dọn đến thị trấn Ndola gần đấy và bắt đầu kết hợp với một nhóm Nhân Chứng trong vùng. Lúc đó, tôi là đội trưởng đội bóng có tên là Hoàng Tử Xứ Wales. Tôi cũng làm nghề phụ giúp việc nhà cho một người da trắng là chủ Công Ty African Lakes, một công ty có nhiều cửa hàng ở miền trung Phi Châu.

Tôi không được đi học nhiều và chỉ biết chút tiếng Anh nhờ làm việc với các ông chủ người Âu. Tuy nhiên, tôi rất muốn học thêm, nên đã xin vào học ở một trường tại Plumtree, Nam Rhodesia (nay là Zimbabwe). Song, trong thời gian ấy, tôi lại viết thư cho văn phòng chi nhánh Cape Town một lần nữa. Tôi báo cho họ biết đã nhận được cuốn The Harp of God và mong muốn phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian.

Tôi ngạc nhiên khi nhận được thư trả lời của họ cho biết: “Chúng tôi cảm kích ý muốn phụng sự Đức Giê-hô-va của anh. Chúng tôi khuyến khích anh cầu nguyện về điều đó. Đức Giê-hô-va hẳn sẽ giúp anh hiểu rõ lẽ thật nhiều hơn nữa, và sắp đặt cho anh được phụng sự Ngài”. Sau khi đọc đi đọc lại lá thư nhiều lần, tôi hỏi thăm một số các anh chị Nhân Chứng xem phải làm gì. Họ nói: “Nếu anh quả thật muốn phụng sự Đức Giê-hô-va thì đừng chần chừ nữa”.

Suốt một tuần, tôi đã cầu nguyện về vấn đề này và rốt cuộc tôi quyết định thôi học để tiếp tục học Kinh Thánh với các Nhân Chứng. Tháng 1 năm sau đó là năm 1932, tôi đã dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời và làm báp têm. Sau khi rời Ndola đến thành phố Luanshya gần đấy, tôi đã gặp Jeanette, một chị đồng đức tin, và chúng tôi kết hôn vào tháng 9 năm 1934. Khi ấy, Jeanette đã có một con trai và một con gái.

Dần dần, tôi đã tiến bộ về thiêng liêng, và vào năm 1937, tôi bắt đầu làm thánh chức trọn thời gian. Sau đó ít lâu, tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ lưu động, nay gọi là giám thị vòng quanh. Các giám thị lưu động viếng thăm các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va để củng cố về mặt thiêng liêng.

Rao giảng trong những năm đầu

Vào tháng 1 năm 1938, tôi được chỉ định đi thăm một vị trưởng làng Phi Châu tên là Sokontwe, ông đã yêu cầu Nhân Chứng Giê-hô-va đến thăm. Tôi đạp xe mất ba ngày mới đến được vùng ông ở. Khi tôi nói với ông là tôi được chỉ định đến theo thư yêu cầu của ông gửi cho văn phòng Cape Town, ông thật sự biết ơn.

Tôi đi từng lều và mời dân chúng đến phòng họp công cộng gọi là insaka. Khi họ đến đông đủ, tôi bắt đầu nói chuyện với họ. Kết quả là rất nhiều người bắt đầu học Kinh Thánh. Trưởng làng và thư ký của ông là những người đầu tiên trở thành giám thị của các hội thánh vùng đó. Ngày nay, có hơn 50 hội thánh tại vùng đó, nay là huyện Samfya.

Từ năm 1942 đến 1947, tôi phục vụ tại vùng xung quanh Hồ Bangweulu. Tôi ở lại mười ngày với mỗi hội thánh. Vì số người tham gia trong mùa gặt hái thiêng liêng lúc bấy giờ rất ít, nên chúng tôi đã có cùng cảm nghĩ như Chúa Giê-su là: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình”. (Ma-thi-ơ 9:36-38) Vào thời gian đầu ấy, việc đi lại rất khó khăn, nên Jeanette thường ở lại Luanshya với các cháu trong khi tôi viếng thăm các hội thánh. Khi ấy, Jeanette và tôi đã có thêm hai con trai, nhưng một cháu đã mất lúc 10 tháng tuổi.

Thời đó xe hơi hiếm, mà đường xá cũng ít. Một hôm, tôi bắt đầu chuyến đi dài trên 200 kilômét bằng chiếc xe đạp của Jeanette. Có những lúc phải băng qua sông nhỏ, tôi vác xe đạp lên vai, đỡ bằng một tay, và bơi bằng tay kia. Tiện đây cũng xin nói, số Nhân Chứng tại Luanshya gia tăng đáng kể, nên vào năm 1946, đã có 1.850 người tham dự buổi Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su.

Bị chống đối trong công việc rao giảng

Vào một dịp trong thời Thế Chiến II, ủy viên huyện Kawambwa cho mời tôi đến và nói: “Tôi muốn anh ngưng dùng sách của Hội Tháp Canh vì hiện nay những sách ấy đã bị cấm cả rồi. Nhưng tôi có thể cho anh tài liệu để viết những sách khác dùng cho công việc của anh”.

Tôi trả lời: “Tôi hài lòng với những sách báo chúng tôi có. Tôi không cần gì hơn”.

Ông ta nói: “Anh không biết bọn Mỹ đâu (sách báo của chúng tôi khi ấy được in ở Hoa Kỳ), chúng sẽ lừa anh cho mà xem”.

Tôi đáp: “Thưa không, những người tôi liên hệ sẽ không làm thế”.

Rồi ông hỏi: “Anh không khuyến khích được các hội thánh của anh quyên góp ủng hộ chiến tranh như các đạo khác đang làm sao?”

Tôi trả lời: “Đó là công việc của các đại biểu chính phủ”.

Ông nói tiếp: “Anh hãy về suy nghĩ kỹ đề nghị của tôi đi”.

Tôi bèn nói: “Sách Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13 và 2 Ti-mô-thê 2:24 của Kinh Thánh dạy chúng tôi không được giết người và không tham gia chiến tranh”.

Mặc dù được phép ra về, nhưng sau đó tôi lại bị ủy viên huyện ở thị trấn Fort Rosebery (nay gọi là Mansa) gọi lên. Ông ta bảo tôi: “Tôi gọi anh đến để báo cho anh biết là chính phủ đã ra chỉ thị cấm các sách báo của anh”.

Tôi nói: “Thưa vâng, tôi có nghe về chuyện ấy”.

“Vậy anh phải đến tất cả các hội thánh của anh, bảo các người đồng đạo với anh đem hết sách báo lên nộp trên đây. Hiểu chưa?”

Tôi đáp: “Đấy không phải là việc của tôi. Đấy là trách nhiệm của các đại biểu chính phủ”.

Một cuộc gặp tình cờ đem lại kết quả

Sau chiến tranh, chúng tôi vẫn tiếp tục rao giảng. Năm 1947, sau khi xong chuyến viếng thăm một hội thánh trong làng Mwanza, tôi hỏi thăm tìm chỗ uống trà. Tôi được chỉ đến quán trà ở nhà ông Nkonde. Ông bà Nkonde đã tiếp đón tôi rất nồng hậu. Trong khi uống trà, tôi mời ông Nkonde đọc chương “Âm phủ, nơi an nghỉ với hy vọng” trong cuốn “Hãy xưng Đức Chúa Trời là thật” (Anh ngữ).

Sau khi uống trà xong, tôi hỏi ông: “Vậy ông hiểu âm phủ là gì?” Ngạc nhiên trước những điều vừa đọc, ông Nkonde bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng và sau đó đã báp têm cùng với vợ. Mặc dù ông không còn là Nhân Chứng nữa, nhưng vợ và một số các con ông vẫn ở trong đạo. Pilney, một trong số những người con của ông, hiện vẫn đang phục vụ tại văn phòng chi nhánh Nhân Chứng Giê-hô-va ở Zambia. Và mặc dù đã lớn tuổi, mẹ của Pilney hiện vẫn là một Nhân chứng trung thành.

Ghé thăm Đông Phi

Tôi được văn phòng chi nhánh ở Bắc Rhodesia, thành lập từ đầu năm 1948 tại Lusaka, bổ nhiệm tới Tanganyika (hiện nay là Tanzania). Trong chuyến này, một anh Nhân Chứng khác cùng vợ chồng chúng tôi đã phải lội bộ qua một vùng nhiều đồi núi. Chúng tôi mệt lả sau ba ngày đường. Trong lúc tôi khiêng đống sách, vợ tôi ôm bọc quần áo, còn anh Nhân Chứng kia phụ trách phần chăn nệm.

Khi đến Mbeya vào tháng 3 năm 1948, chúng tôi có nhiều việc phải làm để giúp các anh em chỉnh đốn lại cho phù hợp với các sự dạy dỗ của Kinh Thánh nhiều hơn nữa. Lúc ấy tại vùng này chúng tôi được xem như những người của hội Tháp Canh. Mặc dù các anh em đã chấp nhận tên Nhân Chứng Giê-hô-va, nhưng tên này chưa được phổ biến rộng rãi. Ngoài ra, một số Nhân Chứng còn cần phải bỏ một số tục lệ liên quan đến việc thờ cúng người chết. Nhưng đối với đa số anh em, điều có lẽ khó chỉnh đốn nhất là hợp thức hóa cuộc hôn nhân của họ, hầu được tôn trọng trước mặt mọi người.—Hê-bơ-rơ 13:4.

Sau đó tôi có được đặc ân phục vụ tại những vùng khác ở Đông Phi, gồm cả Uganda. Tôi có dịp ghé qua Entebbe và Kampala trong sáu tuần, nơi ấy nhiều người đã được giúp để hiểu biết lẽ thật về Kinh Thánh.

Được mời đến Thành Phố Nữu Ước

Sau khi phục vụ tại Uganda một thời gian, đầu năm 1956 tôi đến Dar es Salaam, thủ đô của Tanganyika. Một bức thư của trụ sở trung ương Nhân Chứng Giê-hô-va đã đợi tôi sẵn ở đấy, chỉ dẫn cách chuẩn bị đến Nữu Ước dự đại hội quốc tế tổ chức từ ngày 27 tháng 7 đến ngày 3 tháng 8 năm 1958. Dĩ nhiên là tôi vô cùng phấn khích trước triển vọng này.

Đến ngày, anh Luka Mwango, một giám thị lưu động khác, cùng với tôi đáp máy bay từ Ndola đến Salisbury (nay là Harare), Nam Rhodesia, sau đó đến Nairobi, Kenya. Từ đó chúng tôi bay qua Luân Đôn, Anh Quốc, và được đón tiếp nồng hậu. Tối hôm đó khi lên giường ngủ, chúng tôi xúc động đến độ cứ nói mãi về việc những người Phi Châu như chúng tôi sao lại có thể được những người da trắng tiếp đón niềm nở đến thế. Kinh nghiệm này quả đã khích lệ chúng tôi vô cùng.

Cuối cùng chúng tôi đến Nữu Ước, nơi tổ chức đại hội. Một hôm trong đại hội, tôi đã báo cáo về hoạt động các Nhân Chứng Giê-hô-va tại miền Bắc Rhodesia. Hôm đó cử tọa đông đến gần 200.000 người, tụ họp tại các sân vận động Polo Grounds và Yankee Stadium của Thành Phố Nữu Ước. Đêm ấy tôi thao thức mãi khi nghĩ đến đặc ân tuyệt diệu mình đã có.

Những ngày đại hội qua nhanh và chúng tôi quay về. Trên đường về nhà, chúng tôi một lần nữa được các anh chị em tại nước Anh tiếp đón niềm nở. Qua cuộc hành trình này, kinh nghiệm khó quên cho chúng tôi là sự hợp nhất của dân sự Đức Giê-hô-va, bất kể chủng tộc hay quốc tịch.

Tiếp tục phục vụ và đương đầu với thử thách

Vào năm 1967, tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ địa hạt—có nhiệm vụ coi sóc nhiều vòng quanh. Lúc ấy, con số các Nhân Chứng Giê-hô-va tại Zambia đã gia tăng trên 35.000 người. Sau đó, vì sức khỏe suy yếu, tôi được bổ nhiệm làm giám thị lưu động tại vùng Copperbelt. Cuối cùng, Jeanette có vấn đề về sức khỏe và vẫn trung thành cùng Đức Giê-hô-va cho đến khi qua đời vào tháng 12 năm 1984.

Sau khi Jeanette mất, tôi hết sức đau lòng khi gia đình vợ cho rằng vợ tôi chết là do tôi đã dùng bùa chú ma thuật. Tuy nhiên, một số người biết rõ bệnh của Jeanette và có nói chuyện với bác sĩ điều trị vợ tôi, đã giải thích rõ cho những người họ hàng này hiểu được vấn đề. Kế đó lại thêm một thử thách khác: một vài người bà con khác muốn tôi làm theo phong tục cổ truyền gọi là ukupyanika. Theo phong tục vùng quê tôi, khi vợ chết, người chồng còn sống phải ăn ở với một người bà con có họ gần với người đã chết. Đương nhiên là tôi từ chối.

Rốt cuộc, họ hàng cũng chẳng gây áp lực nữa. Tôi thật biết ơn khi Đức Giê-hô-va giúp tôi giữ vững lập trường. Một tháng sau khi chôn cất vợ tôi, một anh đến gặp tôi và bảo: “Anh Kangale này, anh quả là một gương mẫu khích lệ cho chúng tôi khi cương quyết không nhượng bộ dù chỉ một phong tục trái với Kinh Thánh khi vợ anh chết. Chúng tôi hết sức biết ơn anh”.

Một mùa gặt tuyệt diệu

Đến nay là tôi đã làm thánh chức trọn thời gian với tư cách Nhân Chứng Giê-hô-va được 65 năm rồi. Quả là điều vui mừng khi thấy trong những năm phụng sự này hàng trăm hội thánh được thành lập và nhiều Phòng Nước Trời được xây dựng tại những vùng mà khi trước tôi đã từng viếng thăm với tư cách giám thị lưu động! Từ con số độ 2.800 Nhân Chứng vào năm 1943, nay chúng tôi đã gia tăng lên hơn 122.000 người công bố Nước Trời tại Zambia. Thật thế, năm ngoái có hơn 514.000 người tham dự Lễ Tưởng Niệm sự chết Chúa Giê-su tại xứ này, xứ mà dân số chưa đến 11 triệu người.

Trong lúc này, Đức Giê-hô-va chăm sóc tôi. Khi cần sự chăm sóc về y tế, tôi được một anh tín đồ Đấng Christ đưa đi bệnh viện. Tôi vẫn được các hội thánh mời đến nói diễn văn, và đối với tôi, đó là những giây phút thật xây dựng. Hội thánh của tôi sắp đặt để các chị tín đồ Đấng Christ thay phiên nhau đến dọn dẹp nhà cửa giúp tôi, và để các anh tình nguyện đưa đón tôi đến nhóm họp hàng tuần. Tôi hiểu rằng tôi không bao giờ có được sự chăm sóc yêu thương ấy nếu không phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi cảm tạ Ngài còn dùng tôi cho việc phụng sự trọn thời gian và cho tôi đảm nhận nhiều trách nhiệm cho đến ngày nay.

Mắt tôi đã kém, và khi đi bộ đến Phòng Nước Trời, tôi phải thỉnh thoảng ngừng lại để nghỉ chân. Dạo này, cặp sách của tôi dường như nặng hơn, do đó tôi bỏ lại những cuốn không cần thiết cho buổi nhóm họp để cặp nhẹ bớt. Công việc rao giảng của tôi chủ yếu là hướng dẫn các buổi học hỏi Kinh Thánh với những người đến nhà tôi học. Nhưng quả là vui mừng khi nhìn lại những năm tháng và suy ngẫm về sự phát triển tuyệt diệu! Tôi đã phụng sự trên cánh đồng nơi mà các lời của Đức Giê-hô-va ghi nơi Ê-sai 60:22 đã rõ ràng ứng nghiệm như sau: “Kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn, còn kẻ rất hèn-yếu sẽ trở nên một dân mạnh. Ta, Đức Giê-hô-va, sẽ nôn-nả làm điều ấy trong kỳ nó!” Thật đúng là tôi đã sống để chứng kiến điều ấy xảy ra không chỉ ở Zambia, mà trên toàn thế giới. *

[Chú thích]

^ đ. 7 Do Nhân Chứng Giê-hô-va ấn hành, nhưng nay không còn xuất bản nữa.

^ đ. 50 Buồn thay, cuối cùng anh Kangale đã kiệt lực và từ trần trong sự trung thành khi bài này đang được chuẩn bị để ấn hành.

[Các hình nơi trang 24]

Anh Thomson với chi nhánh Zambia phía sau

[Hình nơi trang 26]

Chi nhánh Zambia ngày nay