Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có dạy dỗ hữu hiệu không?

Bạn có dạy dỗ hữu hiệu không?

Bạn có dạy dỗ hữu hiệu không?

CHA MẸ, trưởng lão, người công bố tin mừng—tất cả đều phải là những người dạy dỗ. Cha mẹ dạy dỗ con cái, trưởng lão dạy dỗ hội thánh, và người rao giảng tin mừng dạy dỗ người mới chú ý. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7; Ma-thi-ơ 28:19, 20; 1 Ti-mô-thê 4:13, 16) Bạn có thể làm gì để dạy dỗ hữu hiệu hơn? Trước nhất, bạn có thể noi theo gương mẫu và phương pháp của những người dạy dỗ có khả năng được đề cập đến trong Lời Đức Chúa Trời. E-xơ-ra là một người dạy như thế.

Học từ gương E-xơ-ra

E-xơ-ra là một thầy tế lễ dòng A-rôn sống cách đây khoảng 2.500 năm ở Ba-by-lôn. Vào năm 468 TCN, ông đi đến Giê-ru-sa-lem để phát huy sự thờ phượng thanh sạch giữa những người Do Thái sống ở đó. (E-xơ-ra 7:1, 6, 12, 13) Điều này đòi hỏi ông dạy dỗ Luật Pháp Đức Chúa Trời cho dân sự. E-xơ-ra đã làm gì để cho sự dạy dỗ của ông được hữu hiệu? Ông đã thực hiện vài bước cần thiết. Hãy lưu ý những bước này như ghi nơi E-xơ-ra 7:10.

“E-xơ-ra đã [1] định chí [2] tra-xét luật-pháp của Đức Giê-hô-va, [3] giữ làm theo, và [4] dạy cho dân Y-sơ-ra-ên biết những luật-pháp và giới-mạng”. Chúng ta hãy vắn tắt xem xét mỗi bước này và xem mình học được gì qua đó.

“E-xơ-ra đã định chí”

Giống như một nhà nông trước hết chuẩn bị đất bằng cách cày ruộng trước khi gieo hạt giống, E-xơ-ra cầu nguyện để chuẩn bị lòng hầu đón nhận Lời Đức Chúa Trời. (E-xơ-ra 10:1) Nói cách khác, ông “chuyên lòng” về sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 2:2.

Cũng thế, Kinh Thánh nói Vua Giê-hô-sa-phát “rắp lòng tìm-cầu Đức Chúa Trời”. (2 Sử-ký 19:3) Ngược lại, một thế hệ dân Y-sơ-ra-ên “chẳng dọn lòng” được miêu tả là “cố-chấp phản-nghịch”. (Thi-thiên 78:8) Đức Giê-hô-va nhìn thấy người “bề trong giấu ở trong lòng”. (1 Phi-e-rơ 3:4) Đúng vậy, “[Ngài] chỉ-dạy con đường Ngài cho người nhu-mì”. (Thi-thiên 25:9) Bởi vậy, thật quan trọng làm sao để những người dạy dỗ thời nay noi theo gương mẫu E-xơ-ra bằng cách trước hết cầu nguyện để có được tâm trạng đúng!

“Tra-xét luật-pháp của Đức Giê-hô-va”

Để làm người dạy dỗ có khả năng, E-xơ-ra tra xét Lời Đức Chúa Trời. Nếu phải đi khám bác sĩ, chẳng lẽ bạn lại không chăm chú lắng nghe để chắc chắn là mình hiểu tất cả những gì ông ấy vừa căn dặn vừa ghi toa thuốc hay sao? Chắc chắn bạn sẽ làm như thế, vì có liên quan đến sức khỏe của bạn. Bởi vậy, chúng ta càng nên lắng nghe thật kỹ hơn khi Đức Giê-hô-va nói với chúng ta qua Kinh Thánh, Lời của Ngài, và qua lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Nói cho cùng, lời khuyên của Ngài liên quan đến chính sự sống của chúng ta! (Ma-thi-ơ 4:4; 24:45-47) Dĩ nhiên, một bác sĩ có thể nhầm lẫn, nhưng “luật-pháp của Đức Giê-hô-va là trọn-vẹn”. (Thi-thiên 19:7) Chúng ta sẽ không bao giờ cần tham khảo ý kiến khác.

Các sách Sử-ký trong Kinh Thánh (do E-xơ-ra viết, ban đầu chỉ gồm một tập duy nhất) cho thấy E-xơ-ra quả thật là một người nghiên cứu tỉ mỉ. Để viết các sách ấy, ông đã phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu. * Người Do Thái, vừa từ Ba-by-lôn hồi hương, cần một quốc sử giản lược. Họ không biết đầy đủ về các lễ nghi tôn giáo, công tác phụng sự trong đền thờ và chức vụ của người Lê-vi. Các bản gia phả rất quan trọng đối với họ. E-xơ-ra đặc biệt quan tâm đến các vấn đề ấy. Cho đến khi nào Đấng Mê-si đến, người Do Thái phải tiếp tục là một quốc gia với đất đai, đền thờ, một chức vụ tế lễ và một chính phủ riêng. Nhờ có thông tin do E-xơ-ra cung cấp, họ đã có thể bảo toàn được sự hợp nhất và sự thờ phượng thật.

Bạn có thói quen học hỏi nào so với E-xơ-ra? Siêng năng học hỏi Kinh Thánh sẽ giúp bạn dạy dỗ Kinh Thánh hữu hiệu.

“Tra-xét luật-pháp của Đức Giê-hô-va” với tính cách gia đình

Tra xét luật pháp Đức Giê-hô-va không phải chỉ có học hỏi cá nhân, học hỏi gia đình cũng là một cơ hội tốt để làm điều này.

Jan và Julia, một cặp vợ chồng ở Hà Lan, đọc lớn tiếng cho hai đứa con nhỏ nghe ngay từ khi chúng mới sinh ra. Ngày nay, Ivo được 15 tuổi và Edo lên 14. Họ vẫn học hỏi Kinh Thánh gia đình mỗi tuần một lần. Anh Jan giải thích: “Mục tiêu chính của chúng tôi không phải là học hỏi nhiều tài liệu trong buổi học mà là giúp con cái lĩnh hội những gì được thảo luận”. Anh nói thêm: “Mấy cậu trai tra cứu nhiều lắm. Chúng kiểm tra những từ lạ và các nhân vật Kinh Thánh—họ sống vào thời nào, họ là ai, làm nghề gì, v.v... Từ khi biết đọc, chúng tra cứu những sách như bộ Insight on the Scriptures, từ điển, bách khoa từ điển. Điều này khiến buổi học gia đình thú vị hơn rất nhiều. Các cậu trai luôn mong chờ và sẵn sàng tham dự”. Nhờ vậy, cả hai cậu trai nay cũng được thêm lợi ích nữa là đứng đầu lớp về khả năng ngôn ngữ.

Anh John và chị Tini, một cặp vợ chồng khác ở Hà Lan, đã học hỏi với con trai Esli (giờ đây 24 tuổi và đang tiên phong trong hội thánh khác), và con gái Linda (giờ đây 20 tuổi và đã kết hôn với một anh trẻ tốt). Tuy nhiên, thay vì học hỏi bằng phương pháp vấn đáp một ấn phẩm như thường lệ, họ hướng dẫn học hỏi gia đình tùy theo lứa tuổi và nhu cầu của các con. Họ đã dùng phương pháp nào?

Anh John giải thích rằng cậu con trai và cô con gái của anh chọn một đề tài “Độc giả thắc mắc” đáng chú ý (từ Tháp Canh) và “Quan điểm của Kinh Thánh” (từ Tỉnh Thức!). Sau đó, chúng trình bày những gì chúng đã chuẩn bị, điều này luôn đem lại kết quả là cả nhà thảo luận vui vẻ. Bằng cách này, những người trẻ đã rút được kinh nghiệm trong việc tìm tòi và thảo luận kết quả việc nghiên cứu của chúng. Bạn có “tra-xét luật-pháp Đức Giê-hô-va” với các con của bạn không? Điều này không chỉ cải thiện khả năng dạy dỗ của chính bạn mà còn giúp con cái trở nên những người dạy hữu hiệu.

“Làm theo”

E-xơ-ra áp dụng những gì đã học. Chẳng hạn, khi còn ở Ba-by-lôn, có lẽ đời sống ông đã ổn định. Tuy nhiên, khi biết mình có thể giúp đỡ dân sự sống ở nước ngoài, ông tạm gác qua một bên những tiện nghi ở Ba-by-lôn để dọn đến thành Giê-ru-sa-lem xa xôi, thiếu tiện nghi, đầy vấn đề và nguy hiểm. Rõ ràng, E-xơ-ra không chỉ thu thập sự hiểu biết về Kinh Thánh mà cũng sẵn sàng làm theo những gì ông học được.—1 Ti-mô-thê 3:13.

Sau đó, khi sống ở Giê-ru-sa-lem, lần nữa E-xơ-ra lại chứng tỏ ông đã áp dụng những gì học được và những gì ông dạy dỗ. Bằng chứng là khi ông nghe người Y-sơ-ra-ên cưới vợ ngoại đạo. Lời tường thuật của Kinh Thánh cho chúng ta biết ông ‘xé áo trong và áo tơi mình, nhổ tóc đầu và lông râu, rồi ngồi buồn-bã cho đến buổi chiều’. Thậm chí ông còn “hổ ngươi thẹn mặt, chẳng dám ngước mặt lên” Đức Giê-hô-va.—E-xơ-ra 9:1-6.

Quả là việc học hỏi Luật Pháp Đức Chúa Trời đã ảnh hưởng nhiều đến ông! E-xơ-ra thấy rõ hậu quả vô cùng tai hại của việc dân sự bất tuân. Số người Do Thái hồi hương thì ít. Nếu họ kết hôn với người ngoại, cuối cùng họ có thể bị đồng hóa với các nước láng giềng ngoại giáo, và sự thờ phượng thanh sạch có thể dễ dàng biến mất khỏi mặt đất!

Sung sướng thay, gương mẫu của E-xơ-ra về lòng kính sợ và lòng sốt sắng tận tụy đã thúc đẩy dân Y-sơ-ra-ên sửa chữa đường lối họ. Họ bỏ vợ ngoại. Nội trong ba tháng, mọi sự đều ổn. Sự trung thành của E-xơ-ra đối với Luật Pháp Đức Chúa Trời đã giúp ích rất nhiều trong việc làm cho sự dạy dỗ của ông được hữu hiệu.

Ngày nay cũng thế. Một người cha là tín đồ Đấng Christ nói: “Con cái không làm theo lời bạn nói, chúng làm giống như bạn làm!” Nguyên tắc này cũng được áp dụng trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Những trưởng lão nào nêu gương tốt ắt có thể mong đợi hội thánh hưởng ứng sự dạy dỗ của họ.

“Dạy cho dân Y-sơ-ra-ên biết những luật-pháp và giới-mạng”

Còn một lý do khác khiến E-xơ-ra dạy dỗ hữu hiệu. Ông không dạy ý tưởng riêng của ông, nhưng dạy “luật-pháp và giới-mạng”, tức những quy luật, hoặc mệnh lệnh, của Đức Giê-hô-va. Đây là trách nhiệm của ông với tư cách thầy tế lễ. (Ma-la-chi 2:7) Ông cũng đã dạy công lý, và cung cấp một gương mẫu tốt về những gì ông dạy bằng cách theo sát điều đúng một cách công bằng và vô tư, thể theo một chuẩn mực. Khi những người có uy quyền chấp hành công lý, họ gặt được kết quả là có sự ổn định lâu dài. (Châm-ngôn 29:4) Cũng thế, các trưởng lão, cha mẹ tín đồ Đấng Christ và những người rao giảng Nước Trời quen thuộc với Lời Đức Chúa Trời sẽ xây dựng sự ổn định về thiêng liêng khi họ dạy các luật pháp và giới mạng của Đức Giê-hô-va trong hội thánh, trong gia đình và với những người chú ý.

Bạn có đồng ý rằng bạn có thể dạy hữu hiệu hơn nếu hoàn toàn noi gương người trung thành E-xơ-ra không? Bởi vậy, hãy ‘định chí, tra-xét luật-pháp của Đức Giê-hô-va, giữ làm theo, dạy cho biết những luật-pháp và giới-mạng của Đức Giê-hô-va.—E-xơ-ra 7:10, chúng tôi viết nghiêng.

[Chú thích]

^ đ. 11 Một bản liệt kê đến 20 nguồn tài liệu tham khảo có thể tìm thấy trong sách Insight on the Scriptures, Tập 1, trang 444, 445, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung/​Hình nơi trang 22]

ĐIỀU GÌ KHIẾN E-XƠ-RA DẠY DỖ HỮU HIỆU?

1. Ông luyện tập tâm trạng đúng

2. Ông tra xét Luật Pháp Đức Giê-hô-va

3. Ông nêu gương mẫu tốt bằng cách áp dụng những gì học được

4. Ông chuyên cần dạy dỗ quan điểm của Kinh Thánh