Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự vinh hiển Đức Giê-hô-va chiếu trên dân Ngài

Sự vinh hiển Đức Giê-hô-va chiếu trên dân Ngài

Sự vinh hiển Đức Giê-hô-va chiếu trên dân Ngài

“Đức Giê-hô-va sẽ là sự sáng đời đời cho ngươi”.—Ê-SAI 60:20.

1. Đức Giê-hô-va ban phước cho dân trung thành của Ngài như thế nào?

“ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đẹp lòng dân-sự Ngài; Ngài lấy sự cứu-rỗi trang-sức cho người khiêm-nhường”. (Thi-thiên 149:4) Người viết Thi-thiên xưa đã nói thế, và lịch sử đã xác minh chân lý của những lời ấy. Khi dân sự của Đức Giê-hô-va trung thành, Ngài săn sóc họ, làm cho họ phồn vinh và che chở họ. Vào thời cổ, Ngài giúp họ chiến thắng kẻ thù. Ngày nay, Ngài giúp họ mạnh mẽ về thiêng liêng và cam kết giải cứu họ dựa trên căn bản sự hy sinh của Chúa Giê-su. (Rô-ma 5:9) Ngài hành động như vậy vì họ đẹp đẽ trước mắt Ngài.

2. Dù gặp chống đối, dân sự Đức Chúa Trời tin chắc điều gì?

2 Dĩ nhiên, trong một thế gian chìm đắm trong tối tăm, những người “sống cách nhân-đức [“kính tin”, Trần Đức Huân]” sẽ gặp chống đối. (2 Ti-mô-thê 3:12) Thế nhưng, Đức Giê-hô-va để mắt coi chừng những kẻ chống đối, và Ngài cảnh cáo họ: “Dân và nước nào chẳng thần-phục ngươi thì sẽ bị diệt-vong. Những nước đó sẽ bị hoang-vu”. (Ê-sai 60:12) Ngày nay, sự chống đối diễn ra dưới nhiều hình thức. Tại một số nước, những kẻ chống đối tìm cách hạn chế hoặc cấm đoán sự thờ phượng mà tín đồ thành thật của Đấng Christ dâng cho Đức Giê-hô-va. Ở những nước khác, những kẻ cuồng tín hành hung những người thờ phượng Đức Giê-hô-va và đốt nhà của họ. Nhưng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã định sẵn kết cuộc của bất kỳ sự chống đối nào nghịch lại việc thực hiện ý muốn của Ngài. Những kẻ chống đối sẽ thất bại. Những kẻ đánh lại Si-ôn, được con cái của nàng đại diện trên đất, không thể thành công. Chẳng phải đây là một sự trấn an đầy khích lệ đến từ Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời vĩ đại của chúng ta, hay sao?

Được ban phước ngoài sự mong đợi

3. Sự đẹp đẽ và phồn vinh của những người thờ phượng Đức Giê-hô-va được minh họa như thế nào?

3 Sự thật là trong những ngày cuối cùng của hệ thống mọi sự này, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho dân Ngài ngoài sự mong đợi của họ. Ngài đã đặc biệt tô điểm dần cho nơi thờ phượng của Ngài và những ai mang danh Ngài. Theo lời tiên tri của Ê-sai, Ngài nói với Si-ôn: “Những cây tùng, cây sam, cây hoàng-dương vốn là sự vinh-hiển của Li-ban, sẽ cùng nhau bị đem đến cho ngươi để trang-hoàng nơi thánh ta. Ta sẽ làm cho chỗ ta đặt chân được vinh-hiển”. (Ê-sai 60:13) Phong cảnh núi non với cây cỏ mọc sum sê thật là ngoạn mục. Những cây cối xanh tươi như thế thật là biểu tượng thích hợp cho sự đẹp đẽ và phồn vinh của những người thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 41:19; 55:13.

4. “Nơi thánh” và “chỗ [Đức Giê-hô-va] đặt chân” là gì, và chúng được Ngài tô điểm như thế nào?

4 “Nơi thánh” và “chỗ [Đức Giê-hô-va] đặt chân” được đề cập đến nơi Ê-sai 60:13 là gì? Những từ này nhắc đến các sân trong đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va, nằm trong sự sắp đặt để cho con người đến thờ phượng Ngài qua Chúa Giê-su Christ. (Hê-bơ-rơ 8:1-5; 9:2-10, 23) Đức Giê-hô-va tuyên bố ý định của Ngài là làm vinh hiển đền thờ thiêng liêng ấy bằng cách đưa người từ mọi nước đến thờ phượng Ngài ở đó. (A-ghê 2:7) Chính Ê-sai trước đó đã thấy những đoàn dân đông từ mọi nước lũ lượt kéo đến núi cao dành cho sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 2:1-4) Hàng trăm năm sau, sứ đồ Giăng có sự hiện thấy về “vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra”. Những người này đứng “trước ngôi..., ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài”. (Khải-huyền 7:9, 15) Vì những lời tiên tri này đã được ứng nghiệm thời nay, nhà Đức Giê-hô-va được Ngài tô điểm trước mắt chúng ta.

5. Con cái Si-ôn trải qua sự thay đổi lớn và tốt hơn nào?

5 Tất cả những điều này thật là một sự thay đổi lớn và tốt hơn đối với Si-ôn! Đức Giê-hô-va nói: “Xưa kia ngươi đã bị bỏ, bị ghét, đến nỗi không ai đi qua giữa ngươi, ta sẽ làm cho ngươi nên cao-trọng đời đời, nên sự vui-mừng của nhiều đời”. (Ê-sai 60:15) Vào khoảng cuối thế chiến thứ nhất, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” quả thật đã trải qua một giai đoạn hoang vu. (Ga-la-ti 6:16) Người nữ tượng trưng ấy cảm thấy hoàn toàn “bị bỏ” vì các con cái của nàng trên đất không nhận rõ ý muốn của Đức Chúa Trời đối với họ. Rồi, vào năm 1919, Đức Giê-hô-va khôi phục các tôi tớ được xức dầu của Ngài, và từ đó trở đi Ngài ban phước cho họ với sự thịnh vượng thiêng liêng kỳ diệu. Hơn nữa, chẳng phải lời hứa trong câu này đầy phấn chấn hay sao? Đức Giê-hô-va sẽ xem Si-ôn là “cao-trọng”. Đúng vậy, con cái Si-ôn, và chính Đức Giê-hô-va, sẽ hãnh diện về Si-ôn. Nàng sẽ là “sự vui-mừng”, một cớ cho sự hân hoan vô biên. Và sự vui mừng ấy sẽ không ngắn hạn. Tình trạng ưu đãi của Si-ôn, được con cái của nàng đại diện trên đất, sẽ kéo dài “nhiều đời”. Nó sẽ không bao giờ kết thúc.

6. Tín đồ thật của Đấng Christ tận dụng những nguồn lợi của các nước như thế nào?

6 Bây giờ hãy lắng nghe lời hứa khác của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va nói với Si-ôn: “Ngươi sẽ hút sữa của các nước; bú vú của các vua; ngươi sẽ biết ta, Đức Giê-hô-va, là Đấng Cứu ngươi, Đấng Chuộc ngươi, và là Đấng Toàn-năng của Gia-cốp”. (Ê-sai 60:16) Si-ôn được nuôi dưỡng bằng “sữa của các nước” và bú “vú của các vua” như thế nào? Theo nghĩa là tín đồ Đấng Christ được xức dầu và các bạn đồng hành của họ thuộc lớp “chiên khác” dùng những nguồn lợi quý giá của các nước để phát huy sự thờ phượng thanh sạch. (Giăng 10:16) Các khoản đóng góp tài chính tự nguyện giúp thực hiện được công việc rao giảng và dạy dỗ trên bình diện quốc tế rộng lớn. Khéo léo dùng kỹ thuật tân thời giúp cho việc xuất bản Kinh Thánh và ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong hàng trăm thứ tiếng được dễ dàng hơn. Ngày nay, lẽ thật Kinh Thánh sẵn có cho nhiều người hơn bao giờ hết trong lịch sử. Dân cư của rất nhiều nước đang học biết rằng Đức Giê-hô-va, Đấng đã chuộc lại các tôi tớ được xức dầu của Ngài ra khỏi sự giam cầm thiêng liêng, quả thật là Cứu Chúa.

Những tiến bộ về mặt tổ chức

7. Con cái của Si-ôn đã cảm nghiệm một sự tiến bộ phi thường nào?

7 Đức Giê-hô-va đã làm vinh hiển dân Ngài bằng cách khác nữa. Ngài đã ban phước cho họ qua sự tiến bộ về mặt tổ chức. Chúng ta đọc nơi Ê-sai 60:17: “Ta sẽ ban vàng thay cho đồng, ban bạc thay cho sắt, ban đồng thay cho gỗ, ban sắt thay cho đá. Ta sẽ khiến sự bình-an làm quan cai-trị ngươi, và sự công-bình làm quan xử-đoán ngươi”. Việc thay đồng bằng vàng là một sự cải tiến, và các vật liệu khác được nói đến ở đây cũng vậy. Phù hợp với điều này, Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời đã có những sự cải tiến không ngừng về mặt tổ chức trong suốt những ngày sau rốt. Hãy xem một vài thí dụ.

8-10. Hãy miêu tả một số cải tiến về mặt tổ chức từ năm 1919.

8 Trước năm 1919, các hội thánh của dân sự Đức Chúa Trời được các trưởng lão và trợ tế cai quản, tất cả đều được các thành viên của hội thánh bầu cử theo lối dân chủ. Bắt đầu từ năm đó, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” bổ nhiệm một giám đốc công tác trong mỗi hội thánh để giám thị các hoạt động rao giảng. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Tuy nhiên, sự sắp đặt ấy không có hiệu quả tại nhiều hội thánh vì một số trưởng lão được bầu không hoàn toàn ủng hộ công việc rao giảng tin mừng. Vì vậy, vào năm 1932, các hội thánh nhận được chỉ thị bãi bỏ việc bầu cử trưởng lão và trợ tế. Thay vào đó, họ phải bầu một ủy ban công tác cùng làm việc với giám đốc công tác. Làm như vậy giống như là lấy “đồng” thay cho “gỗ”—một cải tiến lớn!

9 Vào năm 1938, các hội thánh trên khắp thế giới kiên quyết chấp nhận một sự sắp đặt tốt hơn, phù hợp hơn với tiền lệ của Kinh Thánh. Việc cai quản hội thánh được giao phó cho một tôi tớ hội đoàn và những tôi tớ khác, tất cả đều được bổ nhiệm dưới sự giám thị của đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Không còn những cuộc bầu cử nữa! Bằng cách này, những sự bổ nhiệm trong hội thánh được thực hiện theo đường lối thần quyền. Làm như vậy giống như lấy “sắt” thay cho “đá” hoặc “vàng” thay cho “đồng”.

10 Từ đó về sau, sự tiến bộ cứ tiếp tục. Chẳng hạn, năm 1972 chứng kiến việc các hội thánh được giám sát bởi một hội đồng trưởng lão biết hợp tác, được bổ nhiệm theo thần quyền. Trong hội đồng trưởng lão này không một trưởng lão nào có quyền hành trên các trưởng lão khác; và điều này theo sát hơn cách quản trị các hội thánh tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất. Hơn nữa, cách đây khoảng hai năm cũng có một bước tiến khác. Có một sự điều chỉnh về ban giám đốc của một số cơ quan pháp lý nhằm giúp Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương có thêm thời gian để tập trung một cách trọn vẹn hơn vào những quyền lợi thiêng liêng của dân sự Đức Chúa Trời, thay vì bị phân tâm bởi những vấn đề pháp lý thường ngày.

11. Ai đứng đàng sau những sự thay đổi về mặt tổ chức của dân Đức Giê-hô-va, và những sự thay đổi này đem lại kết quả nào?

11 Ai đứng đàng sau những sự thay đổi dần dần này? Không ai khác ngoài Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng nói: “Ta sẽ ban vàng”. Và Ngài cũng là Đấng nói tiếp: “Ta sẽ khiến sự bình-an làm quan cai-trị ngươi, và sự công-bình làm quan xử-đoán ngươi”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va giữ trách nhiệm về việc giám thị dân Ngài. Sự tiến bộ được báo trước này về mặt tổ chức là một cách khác để Đức Giê-hô-va làm vinh hiển dân sự Ngài. Và kết quả là Nhân Chứng Giê-hô-va được ban phước qua nhiều cách. Chúng ta đọc nơi Ê-sai 60:18: “Trong xứ ngươi sẽ chẳng nghe nói về sự hung-dữ nữa, trong bờ-cõi ngươi cũng không có sự hoang-vu và phá-hủy nữa; nhưng ngươi sẽ gọi tường mình là ‘Cứu-rỗi’, cửa mình là ‘Ngợi-khen’ ”. Ôi, những lời này đẹp làm sao! Nhưng chúng đã được ứng nghiệm như thế nào?

12. Sự bình an trở nên nổi bật giữa tín đồ thật của Đấng Christ như thế nào?

12 Tín đồ thật của Đấng Christ hết sức ngưỡng trông Đức Giê-hô-va chỉ giáo và hướng dẫn, và kết quả như đã được Ê-sai tiên tri: “Hết thảy con-cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ, và sự bình-an của con-cái ngươi sẽ lớn”. (Ê-sai 54:13) Hơn nữa, thánh linh của Đức Giê-hô-va hoạt động trên dân sự Ngài, và một phần của bông trái thánh linh là sự bình an. (Ga-la-ti 5:22, 23) Kết quả của sự bình an của dân sự Đức Giê-hô-va làm cho họ trở thành một ốc đảo mát mẻ giữa một thế gian bạo động. Tình trạng thái bình của chúng ta, dựa trên tình yêu thương mà tín đồ thật của Đấng Christ biểu lộ với nhau, cho chúng ta nếm thử trước đời sống trong thế giới mới. (Giăng 15:17; Cô-lô-se 3:14) Chắc chắn mỗi người chúng ta cảm thấy hào hứng vui hưởng và góp phần kiến tạo sự thái bình đó, mang lại sự vinh hiển và ngợi khen cho Đức Chúa Trời chúng ta. Và điều này cũng là một yếu tố quan trọng trong địa đàng thiêng liêng của chúng ta!—Ê-sai 11:9.

Ánh sáng của Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục chiếu rọi

13. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng ánh sáng của Đức Giê-hô-va sẽ chiếu mãi mãi trên dân Ngài?

13 Ánh sáng của Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục chiếu trên dân Ngài không? Có! Chúng ta đọc nơi Ê-sai 60:19, 20: “Ngươi sẽ chẳng nhờ mặt trời soi-sáng ban ngày nữa, và cũng chẳng còn nhờ mặt trăng chiếu-sáng ban đêm; nhưng Đức Giê-hô-va sẽ làm sự sáng đời đời cho ngươi, Đức Chúa Trời ngươi sẽ làm vinh-quang cho ngươi. Mặt trời của ngươi không lặn nữa; mặt trăng chẳng còn khuyết, vì Đức Giê-hô-va sẽ là sự sáng đời đời cho ngươi, những ngày sầu-thảm của ngươi đã hết rồi”. Một khi sự “sầu-thảm” của việc bị lưu đày thiêng liêng kết thúc vào năm 1919, ánh sáng của Đức Giê-hô-va bắt đầu chiếu trên họ. Hơn 80 năm sau, họ vẫn tiếp tục hưởng được ân huệ của Đức Giê-hô-va trong khi ánh sáng của Ngài tiếp tục chiếu trên họ. Và ánh sáng đó sẽ không tắt. Về những người thờ phượng Ngài, Đức Chúa Trời chúng ta sẽ không “lặn” như mặt trời hoặc “khuyết” như mặt trăng. Trái lại, Ngài sẽ chiếu sáng trên họ cho đến vô tận. Thật là một lời trấn an tuyệt diệu cho chúng ta vốn là những người đang sống trong những ngày sau rốt của thế gian âm u này!

14, 15. (a) Mọi người trong dân Đức Chúa Trời đều “công-bình” theo nghĩa nào? (b) Các chiên khác trông mong chứng kiến sự ứng nghiệm quan trọng nào của Ê-sai 60:21?

14 Bây giờ hãy nghe một lời hứa khác của Đức Giê-hô-va nói về Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời, tức những người ở trên đất đại diện cho Si-ôn. Ê-sai 60:21 nói: “Còn dân ngươi, hết thảy sẽ là công-bình. Họ sẽ hưởng được xứ nầy đời đời; ấy là nhánh ta đã trồng, việc tay ta làm, để ta được vinh-hiển”. Vào năm 1919, khi tín đồ xức dầu của Đấng Christ được khôi phục để hoạt động trở lại, họ là một nhóm người khác thường. Trong một thế gian đầy tội lỗi trắng trợn, họ được “xưng công-bình” dựa trên căn bản đức tin không lay chuyển của họ nơi giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su Christ. (Rô-ma 3:24; 5:1) Rồi, giống như dân Y-sơ-ra-ên xưa được thả ra khỏi sự giam cầm ở Ba-by-lôn, họ nhận được một “xứ”, một đất thiêng liêng, hoặc lĩnh vực hoạt động, nơi họ vui hưởng địa đàng thiêng liêng. (Ê-sai 66:8) Vẻ đẹp như địa đàng của đất này sẽ không bao giờ tàn phai bởi vì, khác với Y-sơ-ra-ên xưa, Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời với tư cách là một dân tộc sẽ không tỏ ra bất trung. Đức tin, sự nhịn nhục và lòng sốt sắng của họ sẽ mãi mãi làm vinh hiển danh Đức Chúa Trời.

15 Tất cả thành viên của nước thiêng liêng ấy đã bước vào một giao ước mới. Mọi người đều có luật pháp Đức Giê-hô-va ghi tạc vào lòng và, dựa trên giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đã tha thứ tội lỗi của họ. (Giê-rê-mi 31:31-34) Ngài xưng họ là công bình với tư cách là “con” và đối đãi với họ như là những người hoàn toàn. (Rô-ma 8:15, 16, 29, 30) Các bạn đồng hành của họ thuộc chiên khác cũng đã được tha thứ tội lỗi dựa trên sự hy sinh của Chúa Giê-su, và giống như Áp-ra-ham, họ được xưng công bình với tư cách là bạn Đức Chúa Trời nhờ có đức tin. “[Họ] đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. Và những người bạn chiên khác này trông mong nhận lãnh một ân phước tuyệt diệu khác. Sau khi sống sót qua “cơn đại-nạn” hoặc sau khi được sống lại, họ sẽ chứng kiến sự ứng nghiệm theo nghĩa đen của lời ghi nơi Ê-sai 60:21, khi cả trái đất biến thành địa đàng. (Khải-huyền 7:14; Rô-ma 4:1-3) Lúc đó, “người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”.—Thi-thiên 37:11, 29.

Tiếp tục gia tăng

16. Đức Giê-hô-va lập lời hứa đáng chú ý nào, và lời hứa đó thành hiện thực như thế nào?

16 Nơi câu cuối trong chương 60 của sách Ê-sai, chúng ta đọc thấy Đức Giê-hô-va lập lời hứa cuối cùng trong chương này khi Ngài nói với Si-ôn: “Kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn, còn kẻ rất hèn-yếu sẽ trở nên một dân mạnh. Ta, Đức Giê-hô-va, sẽ nôn-nả làm điều ấy trong kỳ nó!” (Ê-sai 60:22) Trong thời chúng ta, Đức Giê-hô-va đã giữ lời. Khi được khôi phục để hoạt động trở lại vào năm 1919, số tín đồ Đấng Christ được xức dầu rất ít—quả thật một “kẻ rất nhỏ”. Con số họ gia tăng khi có thêm những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Và rồi các chiên khác bắt đầu nhập bầy với họ mỗi lúc một đông hơn. Trạng thái bình an của dân Đức Chúa Trời, địa đàng thiêng liêng hiện hữu trong “xứ” họ, đã thu hút nhiều người có lòng thành thật đến độ “kẻ rất hèn-yếu” thật sự đã lớn thành “một dân mạnh”. Hiện nay, “dân” này, gồm Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời cùng với hơn sáu triệu “người dân ngoại” tận tụy, đông hơn số dân của nhiều nước có chủ quyền trên thế giới. (Ê-sai 60:10) Tất cả những công dân của nước này đều tham gia vào việc phản chiếu ánh sáng của Đức Giê-hô-va và điều đó khiến họ thảy đều đẹp đẽ trước mắt Ngài.

17. Việc thảo luận chương 60 của sách Ê-sai đã ảnh hưởng thế nào đến bạn?

17 Đúng vậy, việc xem xét những điểm chính của Ê-sai chương 60 đã củng cố đức tin của chúng ta. Thật an ủi khi hiểu rằng Đức Giê-hô-va đã biết trước cách đây rất lâu rằng dân sự của Ngài sẽ bị lưu đày về phương diện thiêng liêng và rồi được khôi phục. Chúng ta hết sức ngạc nhiên về việc Đức Giê-hô-va thấy trước cách đây rất lâu sự gia tăng lớn lao của số người thờ phượng thật vào thời chúng ta. Hơn nữa, thật là an ủi biết bao khi nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẽ không bỏ rơi chúng ta! Lời cam kết đầy yêu thương cho biết rằng các cổng của “thành” sẽ luôn luôn rộng mở để niềm nở tiếp đón những người “có lòng hướng thiện để nhận được sự sống đời đời”! (Công-vụ 13:48, NW) Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục chiếu sáng trên dân Ngài. Si-ôn sẽ tiếp tục là một niềm hãnh diện trong khi con cái của nàng để cho sự sáng của họ càng chiếu rạng hơn nữa. (Ma-thi-ơ 5:16) Chắc chắn chúng ta cương quyết hơn bao giờ hết trong việc gần gũi với Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời, và quý trọng đặc ân của chúng ta là phản chiếu ánh sáng của Đức Giê-hô-va!

Bạn có thể giải thích không?

• Về sự chống đối, chúng ta tin chắc điều gì?

• Con cái của Si-ôn “hút sữa các nước” qua cách nào?

• Đức Giê-hô-va đã “lấy đồng thay cho gỗ” như thế nào?

• Hai đức tính nào được nêu bật nơi Ê-sai 60:17, 21?

• “Kẻ rất hèn-yếu” đã trở nên “một dân mạnh” như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Các hình nơi trang 18]

LỜI TIÊN TRI CỦA Ê-SAI​—⁠Ánh sáng cho toàn thể nhân loại

Nội dung của tài liệu đăng trong những bài học này đã được trình bày trong một bài diễn văn tại Đại Hội Địa Hạt “Những người dạy Lời Đức Chúa Trời” năm 2001 / 2002. Khi kết luận bài diễn văn, trong hầu hết các địa điểm đại hội, diễn giả ra mắt ấn phẩm mới nhan đề là Lời tiên tri của Ê-sai—Ánh sáng cho toàn thể nhân loại, Tập Hai. Năm trước đó, sách Lời tiên tri của Ê-sai—Ánh sáng cho toàn thể nhân loại, Tập Một, đã được ra mắt. Với sự ra mắt của ấn phẩm này, nay chúng ta có sẵn những lời bình luận được cập nhật hóa của gần như từng câu một trong sách Ê-sai. Hai tập sách này tỏ ra là một sự trợ giúp tốt để làm tăng thêm sự hiểu biết và lòng biết ơn của chúng ta đối với sách tiên tri của Ê-sai, một sách có ích cho đức tin chúng ta.

[Các hình nơi trang 15]

Trước sự chống đối kịch liệt, ‘Đức Giê-hô-va lấy sự cứu-rỗi trang-sức cho dân Ngài’

[Các hình nơi trang 16]

Dân sự Đức Chúa Trời tận dụng những nguồn lợi quý báu của các nước để phát huy sự thờ phượng thanh sạch

[Hình nơi trang 17]

Đức Giê-hô-va ban phước cho dân sự Ngài với sự tiến bộ về mặt tổ chức và sự bình an