Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thờ phượng Đức Chúa Trời “trong thần khí”

Thờ phượng Đức Chúa Trời “trong thần khí”

Thờ phượng Đức Chúa Trời “trong thần khí”

“Các người đem Thiên Chúa sánh với ai? Đặt hình ảnh nào bên cạnh Người cho tương xứng?”​—⁠Ê-SAI 40:18, “TÒA TỔNG GIÁM MỤC”

CÓ LẼ bạn thành thật tin rằng dùng ảnh tượng trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời là được chấp nhận. Bạn có thể cảm thấy rằng điều này đưa bạn đến gần Đấng nghe lời cầu nguyện, là Đấng không thể thấy được và hình như không cá tính riêng biệt và trừu tượng.

Nhưng chúng ta có hoàn toàn được tự do chọn lựa phương pháp riêng cho mình để đến gần Đức Chúa Trời không? Chẳng lẽ Đức Chúa Trời không phải là thẩm quyền cuối cùng quyết định điều gì có thể được và không được chấp nhận sao? Chúa Giê-su giải thích quan điểm của Đức Chúa Trời về vấn đề này khi ngài phán: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. (Giăng 14:6) * Chỉ những lời đó cũng bác bỏ việc dùng ảnh tượng hay bất cứ vật thánh nào khác.

Đúng vậy, có một loại thờ phượng đặc biệt mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời chấp nhận. Loại thờ phượng đó là gì? Vào một dịp khác Chúa Giê-su giải thích: “Giờ đã đến—và chính là lúc này đây—giờ những người đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí [“tâm thần”, bản dịch Liên Hiệp Thánh Kinh Hội] và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”.—Giăng 4:23, 24.

Có thể nào Đức Chúa Trời “là thần khí” lại được tượng trưng bằng một hình ảnh vật chất không? Không. Bất kể một ảnh tượng có thể đẹp và gây ấn tượng đến thế nào đi nữa, không bao giờ có thể sánh với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Do đó một hình ảnh về Đức Chúa Trời không bao giờ có thể là một tượng trưng trung thực về Ngài. (Rô-ma 1:22, 23) Nếu một người đến gần Đức Chúa Trời qua một ảnh tượng nào đó do người làm ra có ‘thờ phượng theo sự thật’ không?

Kinh Thánh dạy rõ ràng

Luật Pháp Đức Chúa Trời cấm dùng ảnh tượng làm vật để thờ phượng. Điều răn thứ hai của Mười Điều Răn định rằng: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5) Kinh Thánh được soi dẫn cũng nói rằng: “Hãy xa lánh việc thờ ngẫu tượng”.—1 Cô-rinh-tô 10:14.

Đúng là nhiều người khăng khăng cho rằng việc họ dùng ảnh tượng trong việc thờ phượng không phải là thờ hình tượng. Chẳng hạn, tín đồ Chính Thống thường phủ nhận rằng họ thật sự thờ phượng ảnh tượng khi quỳ, lạy, và cầu nguyện trước chúng. Một linh mục Chính Thống viết: “Chúng tôi tôn trọng các ảnh tượng bởi vì chúng là các vật thánh, và vì chúng tôi tôn kính những gì ảnh tượng đó tiêu biểu”.

Tuy nhiên, câu hỏi vẫn là: “Đức Chúa Trời có chấp nhận việc dùng ảnh tượng dù rằng cho cái được gọi là tôn kính gián tiếp không?” Không nơi nào trong Kinh Thánh cho phép một thực hành như thế. Khi dân Y-sơ-ra-ên lập nên tượng bò và nói là với mục đích tôn kính Đức Giê-hô-va, Ngài tỏ sự bất bình kịch liệt, phán rằng họ đã bội đạo.—Xuất Ê-díp-tô Ký 32:4-7.

Nguy hiểm ngầm

Dùng những vật cụ thể trong việc thờ phượng là thực hành nguy hiểm. Nó có thể dễ dàng cám dỗ người ta thờ phượng đồ vật thay vì Đức Chúa Trời, Đấng mà vật ấy tiêu biểu. Nói cách khác, ảnh tượng trở nên trọng tâm của việc thờ hình tượng.

Điều đó đã xảy ra với một số những đồ vật trong thời dân Y-sơ-ra-ên. Chẳng hạn, trong cuộc hành trình nơi đồng vắng, Môi-se đã làm con rắn đồng. Lúc đầu, vật tượng trưng con rắn trên một cây sào là phương tiện chữa lành bệnh. Những người bị phạt bởi rắn cắn có thể nhìn vào con rắn đồng và nhận được sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Nhưng sau khi người ta định cư trong Đất Hứa, hình như họ đổi vật tiêu biểu này thành một hình tượng, như thể chính con rắn đồng có quyền năng chữa lành. Họ xông hương cho con rắn, thậm chí còn đặt tên cho nó là Nê-hu-tan.—Dân-số Ký 21:8, 9; 2 Các Vua 18:4.

Dân Y-sơ-ra-ên cũng dùng hòm giao ước như một bùa mê chống lại kẻ thù của họ, nhưng hậu quả là gặp thảm họa. (1 Sa-mu-ên 4:3, 4; 5:11) Và trong thời Giê-rê-mi, dân thành Giê-ru-sa-lem quan tâm tới đền thờ hơn Đức Chúa Trời được thờ phượng tại đó.—Giê-rê-mi 7:12-15.

Khuynh hướng thờ đồ vật thay vì Đức Chúa Trời vẫn còn phổ biến rất nhiều. Nhà nghiên cứu Vitalij Ivanovich Petrenko nói: “Ảnh tượng... trở thành vật để thờ và đưa đến nguy hiểm thờ thần tượng... Người ta phải nhìn nhận rằng điều này chủ yếu là một ý niệm ngoại giáo được mang vào trong việc thờ ảnh tượng qua những niềm tin phổ thông”. Tương tự, Demetrios Constantelos, một linh mục Chính Thống Giáo Hy Lạp viết trong sách của ông Understanding the Greek Orthodox Church (Tìm hiểu Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp): “Tín đồ Đấng Christ có thể biến ảnh tượng thành vật để thờ”.

Việc cho rằng ảnh tượng chỉ là vật giúp cho sự thờ phượng là điều đáng nghi ngờ. Tại sao? Chẳng phải một số ảnh tượng bà Ma-ri hoặc “các thánh” lại được xem là đáng để sùng kính và linh hơn những ảnh tượng khác tượng trưng cho cùng một nhân vật sao? Chẳng hạn, hãy xem sự tương phản: một bên là nhóm tín đồ Chính Thống sùng đạo tôn thờ một ảnh tượng tượng trưng bà Ma-ri ở Tínos, Hy Lạp, còn bên kia là những người mộ đạo không kém, sùng bái ảnh tượng bà Ma-ri ở Soumela, bắc Hy Lạp. Cả hai nhóm này đều tin rằng ảnh tượng của bên họ cao siêu hơn, làm nhiều phép lạ đáng phục hơn ảnh tượng bên kia, mặc dù cả hai ảnh tượng đều tượng trưng cùng một người đã chết từ lâu. Như vậy, trong thực tế, người ta quy những quyền năng thật sự cho những ảnh tượng nào đó và thờ phượng chúng.

Đến gần “các thánh” hoặc bà Ma-ri chăng?

Nhưng còn việc sùng kính cá nhân, như bà Ma-ri hoặc “các thánh” thì sao? Chúa Giê-su, trước sự cám dỗ của Sa-tan, đáp lại bằng cách dẫn chứng Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:13, và ngài nói: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. (Ma-thi-ơ 4:10) Sau đó ngài phán rằng những kẻ thờ phượng thật thờ phượng “Cha”, chứ không ai khác nữa. (Giăng 4:23) Nhận thức được điều này, một thiên sứ đã trách sứ đồ Giăng khi ông thờ lạy mình, rằng: “Đừng, đừng... Hãy thờ lạy Thiên Chúa”.—Khải-huyền 22:9.

Có thích hợp để cầu xin người mẹ trên đất của Chúa Giê-su, bà Ma-ri, hoặc “các thánh” nào đó, cầu thay cùng Đức Chúa Trời cho mình không? Câu trả lời trực tiếp trong Kinh Thánh là: “Chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su”.—1 Ti-mô-thê 2:5.

Gìn giữ mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời

Sử dụng ảnh tượng trong việc thờ phượng, vì đi ngược lại sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh Thánh, không thể giúp người ta được Đức Chúa Trời chấp nhận và hưởng sự cứu rỗi. Trái lại, Chúa Giê-su phán rằng sự sống đời đời tùy thuộc vào việc chúng ta tiếp thụ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời có một và thật, trở nên quen thuộc với cá tính vô song của Ngài cũng như ý định và cách Ngài cư xử với loài người. (Giăng 17:3) Ảnh tượng không thấy, không cảm biết, hoặc không nói được nên không giúp người ta hiểu biết Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài theo cách được Ngài chấp nhận. (Thi-thiên 115:4-8) Sự giáo dục quan trọng nhất chỉ có được qua việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh.

Ngoài việc không đem lại lợi ích gì, việc thờ ảnh tượng còn có thể gây nguy hiểm về thiêng liêng. Sao thế? Trước hết và quan trọng nhất, nó làm rạn nứt quan hệ của một người với Đức Giê-hô-va. Về dân Y-sơ-ra-ên, là những người “làm những điều ghê tởm mà trêu giận Người”, Đức Chúa Trời báo trước: “Ta sẽ ẩn mặt đi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:16, 20) Tái lập lại mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời có nghĩa là “vứt bỏ các tượng thần bằng bạc bằng vàng”.—Ê-sai 31:6, 7.

Do đó, lời khuyên của Kinh Thánh thật thích hợp biết bao: “Các con thân mến! Hãy giữ mình khỏi hình tượng”.—1 Giăng 5:21, Bản Dịch Mới.

[Chú thích]

^ đ. 4 Trừ khi được ghi rõ, những câu Kinh Thánh được trích dẫn là bản dịch Công Giáo của Tòa Tổng Giám Mục.

[Khung nơi trang 6]

Được giúp đỡ để thờ phượng “trong thần khí”

Bà Olivera là một thành viên sùng đạo trong Giáo Hội Chính Thống ở Albania. Khi nhà nước cấm đạo vào năm 1967, bà kín đáo tiếp tục những thực hành tôn giáo của mình, và dùng hầu hết số lương hưu ít ỏi để mua ảnh tượng bằng vàng, bạc, nhang và nến. Bà giấu những thứ này trong giường mình và thường ngủ trên một cái ghế gần đó vì sợ người ta thấy hoặc ăn cắp. Khi được Nhân Chứng Giê-hô-va đến thăm vào đầu thập niên 1990, bà Olivera nhận ra âm điệu của lẽ thật Kinh Thánh trong thông điệp của họ. Bà thấy điều Kinh Thánh nói sự thờ phượng thật phải “trong thần khí”, và bà học biết Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về việc dùng ảnh tượng. (Giăng 4:24) Chị Nhân Chứng giúp bà học Kinh Thánh để ý thấy rằng mỗi lần đến nhà bà Olivera ảnh tượng càng ít đi. Cuối cùng không còn nữa. Sau khi làm báp têm, bà Olivera bình luận: “Ngày nay, thay vì những ảnh tượng vô ích, tôi có thánh linh của Đức Giê-hô-va. Tôi cũng tạ ơn là thánh linh Ngài không cần ảnh tượng để đến với tôi”.

Athena, sống trên đảo Lesbos ở Hy Lạp, là một thành viên đắc lực của Giáo Hội Chính Thống. Cô là một thành viên trong ban hợp xướng, và cẩn thận làm theo mọi truyền thống tôn giáo, kể cả việc dùng ảnh tượng. Nhân Chứng Giê-hô-va giúp Athena nhận ra rằng không phải mọi điều cô được dạy dỗ đều phù hợp với Kinh Thánh. Điều này bao gồm việc dùng ảnh tượng và thánh giá trong sự thờ phượng. Athena khăng khăng đòi tự tra cứu lấy về nguồn gốc những vật tôn giáo này. Sau khi nghiên cứu kỹ những tác phẩm tham khảo, cô tin rằng nguồn gốc những vật này không đến từ đạo Đấng Christ. Ước muốn được thờ phượng Đức Chúa Trời “trong thần khí” đã khiến cô bỏ hết các ảnh tượng, dù chúng rất có giá trị về mặt vật chất. Tuy nhiên, Athena vui lòng chấp nhận bất cứ mất mát nào để thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách thanh sạch về thiêng liêng và được Ngài chấp nhận.—Công-vụ 19:19.

[Khung/​Hình nơi trang 7]

Phải chăng ảnh tượng là tác phẩm nghệ thuật?

Trong những năm gần đây, ảnh tượng Chính Thống Giáo được sưu tầm khắp thế giới. Thường thường những nhà sưu tầm xem ảnh tượng không như vật thánh tôn giáo mà như tác phẩm nghệ thuật phản ánh nền văn hóa Byzantine. Không phải là hiếm thấy người ta trang trí nhiều ảnh tượng tôn giáo như thế ở trong nhà, ở văn phòng của người nào đó tự nhận mình vô thần.

Tuy nhiên, tín đồ thành thật của Đấng Christ không quên mục đích chính của ảnh tượng. Đó là vật để thờ. Dù tín đồ Đấng Christ không thách thức quyền sở hữu ảnh tượng của những người khác, nhưng bản thân họ không giữ ảnh tượng, dù chỉ để sưu tầm. Điều này phù hợp với nguyên tắc được ghi nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:26 (Trịnh Văn Căn): “Các người không được đem bất cứ một vật ghê tởm nào [ảnh tượng để thờ] vào nhà mình, kẻo các người cũng bị hủy diệt như các vật ấy: các người phải hết sức khinh chê và gớm tởm những vật ấy”.

[Hình nơi trang 7]

Đức Chúa Trời không dung túng việc dùng ảnh tượng trong việc thờ phượng

[Hình nơi trang 8]

Hiểu biết Kinh Thánh giúp chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời trong thần khí