Địa ngục thực ra là gì?
Địa ngục thực ra là gì?
DÙ TỪ “hỏa ngục” hay “địa ngục” gợi lên trong trí bạn hình ảnh gì đi nữa, nó vẫn thường được xem là nơi trừng phạt tội lỗi. Kinh Thánh nói về tội lỗi và hậu quả của nó như sau: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”. (Rô-ma 5:12) Kinh Thánh cũng nói: “Tiền công của tội-lỗi là sự chết”. (Rô-ma 6:23) Vì hình phạt đối với tội lỗi là sự chết, nên sau đây là câu hỏi căn bản để xác định thực chất của địa ngục: Điều gì xảy ra cho chúng ta khi chết?
Sự sống theo cách nào đó, hay dưới hình thức nào đó, có tiếp tục tồn tại sau sự chết không? Địa ngục hay âm phủ là gì, và những ai phải vào đó? Những người nơi âm phủ có hy vọng gì không? Kinh Thánh giải đáp chân xác và thỏa đáng các câu hỏi này.
Sống sau khi chết?
Phải chăng sau khi thân xác chết, một cái gì đó trong chúng ta, chẳng hạn như linh hồn hay thần linh, vẫn còn tồn tại? Hãy xem xét A-đam, người đàn ông đầu tiên, đã nhận sự sống như thế nào. Kinh Thánh nói: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh-khí vào lỗ mũi”. (Sáng-thế Ký 2:7) Mặc dù sự sống của ông được duy trì bởi hơi thở, nhưng “hà sanh-khí” vào lỗ mũi ông không chỉ giản dị là thổi không khí vào phổi ông. Đó có nghĩa là Đức Chúa Trời đặt lực sống vào thân thể chưa có sự sống của A-đam—lực sống này chính là “sanh-khí” hoạt động trong mọi tạo vật trên đất. (Sáng-thế Ký 6:17; 7:22) Kinh Thánh còn gọi lực sống này là “hồn”, (“thần linh”, NW). (Gia-cơ 2:26) Thần linh có thể ví như dòng điện làm chạy một cái máy hoặc một dụng cụ và giúp thiết bị ấy thực hiện chức năng của nó. Như dòng điện không bao giờ có những đặc trưng của thiết bị mà nó kích hoạt, lực sống không bao giờ mang đặc tính của những tạo vật mà nó làm cho sống động. Lực sống không có nhân cách, cũng không có khả năng suy nghĩ.
Điều gì xảy ra cho thần linh hay lực sống khi một người chết đi? Thi-thiên 146:4 viết: “Hơi-thở tắt đi [“Thần linh ra khỏi”, NW], loài người bèn trở về bụi-đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi”. Khi một người chết đi, thần linh phi nhân cách của người ấy không tiếp tục tồn tại ở một cõi khác như một tạo vật thần linh, mà “trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó”. (Truyền-đạo 12:7) Điều này có nghĩa là mọi hy vọng sống lại trong tương lai đối với người ấy từ nay đều hoàn toàn tùy thuộc nơi Đức Chúa Trời.
Các triết gia Hy Lạp cổ đại là Socrates và Plato cho rằng khi một người chết, linh hồn bên trong người ấy vẫn tiếp tục sống mãi không bao giờ chết. Kinh Thánh dạy gì về linh hồn? Sáng-thế Ký 2:7 nói rằng A-đam “trở nên một loài sanh-linh”, tức linh hồn sống. Ông đã không nhận được một linh hồn; toàn bộ con người ông là một linh hồn. Kinh Thánh nói đến linh hồn hay sinh linh làm việc, thèm ăn, mất ngủ, v.v... (Lê-vi Ký 23:30, Nguyễn Thế Thuấn; Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:20, NTT; Thi-thiên 119:28) Đúng thế, chính con người là linh hồn. Khi một người chết, linh hồn ấy chết.—Ê-xê-chi-ên 18:4.
Thế tình trạng của người chết ra sao? Khi tuyên phạt A-đam, Đức Giê-hô-va phán: “Vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”. (Sáng-thế Ký 3:19) A-đam đã ở đâu trước khi Đức Chúa Trời lấy bụi đất tạo nên ông và cho ông sự sống? Ông không hề hiện hữu ở đâu cả! Khi chết, A-đam đã trở về trạng thái hoàn toàn không hiện hữu. Tình trạng của người chết được mô tả rõ trong Truyền-đạo 9:5, 10 như sau: “Kẻ chết chẳng biết chi hết... Vì dưới Âm-phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan”. Theo Kinh Thánh, sự chết là trạng thái không tồn tại. Người chết không còn ý thức, không còn cảm biết hay suy nghĩ gì cả.
Sự hành khổ vô tận hay mồ mả chung?
Vì khi chết người ta không còn ý thức nữa, nên địa ngục không thể là nơi những kẻ ác bị hành khổ bằng lửa hừng sau khi chết. Vậy địa ngục là gì? Xem xét điều xảy ra cho Chúa Giê-su sau khi ngài chết giúp trả lời câu hỏi ấy. Lu-ca, một trong những người viết Kinh Thánh, tường thuật: “Ngài chẳng bị để nơi Âm-phủ [“địa ngục”, King James Version], và xác-thịt Ngài chẳng thấy sự hư-nát”. * (Công-vụ 2:31) Âm phủ hay địa ngục mà chính Chúa Giê-su cũng đã đi đến ở đâu? Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi đã dạy-dỗ anh em..., ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh-thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh-thánh”. (1 Cô-rinh-tô 15:3, 4) Như vậy là Chúa Giê-su đã ở trong âm phủ, tức mồ mả, nhưng ngài đã không bị bỏ nơi ấy, vì ngài đã được làm sống lại, hay được phục sinh.
Cũng hãy xem xét trường hợp của Gióp, một người công bình đã chịu nhiều đau đớn. Ông mong muốn thoát khỏi sự khốn khổ nên đã cầu xin như sau: “Ôi! Chớ gì Chúa giấu tôi nơi âm-phủ [Sheol], che khuất tôi cho đến khi cơn giận Chúa đã nguôi!” * (Gióp 14:13) Thật không hợp lý nếu nghĩ rằng Gióp đã mong muốn đi đến một nơi có lửa hừng để được che chở! Đối với Gióp, “âm-phủ” chỉ là mồ mả, nơi mọi đau khổ đều chấm dứt. Vậy âm phủ mà Kinh Thánh nói đến là mồ mả chung của nhân loại, nơi mà cả người lành lẫn người ác đều đi đến.
Lửa địa ngục—Phải chăng là sự thiêu hủy hoàn toàn?
Có thể nào lửa địa ngục là hình ảnh tượng trưng cho sự hủy diệt hay thiêu hủy hoàn toàn không? Phân biệt lửa với âm phủ, hoặc Hades, Kinh Thánh viết: “Sự chết và Âm-phủ bị quăng xuống Khải-huyền 20:14.
hồ lửa”. “Hồ” đề cập ở đây có nghĩa tượng trưng, vì sự chết và âm phủ (Hades) bị quăng vào đấy không thể bị đốt theo nghĩa đen được. “Hồ lửa là sự chết thứ hai”—là sự chết không còn hy vọng được sống lại.—Hồ lửa có ý nghĩa tương tự như “lửa Ghê-hen-na [“hỏa ngục lửa thiêu”, Nguyễn Thế Thuấn]” mà Chúa Giê-su đã nói đến. (Ma-thi-ơ 5:22, NW; Mác 9:47, 48, NW) Từ Hy Lạp Gehenna, được dịch là “địa-ngục” trong bản dịch Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, xuất hiện 12 lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, và từ này chỉ thung lũng Hi-nôm, bên ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem. Thời Chúa Giê-su ở trên đất, thung lũng này được dùng làm nơi thải rác, “nơi người ta quăng thây các tử tù và thú vật, cùng mọi thứ rác rưởi khác”. (Smith’s Dictionary of the Bible [Tự điển Kinh Thánh của Smith]) Người ta thêm diêm sinh vào để giữ lửa cháy liên tục hầu tiêu hủy rác rưởi. Chúa Giê-su đã dùng thung lũng ấy làm hình ảnh tượng trưng thích hợp cho sự hủy diệt đời đời.
Giống như Ghê-hen-na, hồ lửa tượng trưng cho sự hủy diệt đời đời. Khi nhân loại được giải thoát khỏi tội lỗi và khỏi bản án tử hình thì sự chết và âm phủ (Hades) bị “quăng xuống” hồ lửa, tức không còn nữa. Những kẻ cố tình phạm tội, không ăn năn cũng sẽ có “phần” trong hồ ấy. (Khải-huyền 21:8) Chúng cũng sẽ bị hủy diệt đời đời. Trái lại, những ai được Đức Chúa Trời ghi nhớ, mà nay đang ở trong âm phủ—tức mồ mả chung của nhân loại—sẽ có tương lai tuyệt diệu.
Âm phủ trống rỗng!
Khải-huyền 20:13 viết như sau: “Biển đem trả những người chết mình chứa; sự chết và Âm-phủ cũng đem trả những người chết mình có”. Đúng thế, âm phủ theo nghĩa của Kinh Thánh sẽ trống rỗng. Như Chúa Giê-su đã hứa, “giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả [“mồ tưởng niệm”, NW] nghe tiếng [Chúa Giê-su] và ra khỏi”. (Giăng 5:28, 29) Mặc dù hàng triệu người chết hiện nay không còn hiện hữu trong bất cứ hình thức nào cả, nhưng họ được Giê-hô-va Đức Chúa Trời ghi nhớ, và sẽ được phục sinh, hay làm sống lại, trong địa đàng được tái lập.—Lu-ca 23:43; Công-vụ 24:15.
Trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, những người sống lại và làm đúng theo luật pháp công bình của Ngài sẽ không bao giờ phải chết nữa. (Ê-sai 25:8) Đức Giê-hô-va “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa”. Quả đúng thế, “vì những sự thứ nhất đã qua rồi”. (Khải-huyền 21:4) Ân phước lớn đang chờ đón những người trong âm phủ—tức “mồ tưởng niệm”! Ân phước này cũng đủ để chúng ta thu thập thêm sự hiểu biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài là Chúa Giê-su Christ.—Giăng 17:3.
[Chú thích]
^ đ. 10 Trong tất cả mười lần xuất hiện trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ Hades, được dịch là “âm-phủ” ở đây, đều được bản King James Version dịch là “địa ngục”. Cách dịch nơi Lu-ca 16:19-31 nói đến sự hành khổ, nhưng toàn bộ sự tường thuật này có ý nghĩa tượng trưng. Xin xem chương 88 của sách Người vĩ đại nhất đã từng sống, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
^ đ. 11 Từ Hê-bơ-rơ Sheol xuất hiện 65 lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và được dịch là “âm-phủ”, “mồ-mả”, và “vực” trong bản dịch Liên Hiệp Thánh Kinh Hội.
[Hình nơi trang 5]
Gióp đã cầu xin để được che chở trong âm phủ
[Hình nơi trang 6]
Lửa Ghê-hen-na—hình ảnh tượng trưng cho sự hủy diệt đời đời
[Hình nơi trang 7]
‘Mọi người ở trong mồ tưởng niệm sẽ ra khỏi’