Niềm tin về hỏa ngục biến đổi như thế nào?
Niềm tin về hỏa ngục biến đổi như thế nào?
TỪ “HỎA NGỤC” hay “địa ngục” gợi lên hình ảnh nào trong trí bạn? Bạn có hình dung địa ngục là nơi hiểu theo nghĩa đen có lửa và lưu huỳnh, tra tấn và thống khổ đời đời không? Hay đó có thể chỉ là cách mô tả tượng trưng một tình trạng, một trạng thái?
Trong bao thế kỷ, hỏa ngục để hành khổ đau đớn đã được giới lãnh đạo trong khối đạo xưng theo Đấng Christ xem là phần số chắc chắn của những kẻ tội lỗi. Ý tưởng này vẫn còn phổ biến trong nhiều tôn giáo khác. Tạp chí U.S.News & World Report viết rằng: “Đạo Đấng Christ đã biến hỏa ngục thành từ rất phổ biến, nhưng học thuyết trên không phải là giáo lý riêng của đạo này. Hầu hết các tôn giáo lớn nhỏ trên thế giới đều dạy về mối đe dọa bị trừng phạt đau đớn ở kiếp sau”. Những người theo Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo, đạo Jain, và Lão Giáo đều tin có địa ngục ở một hình thức nào đó.
Thế nhưng địa ngục đã mang một hình ảnh khác trong cách suy nghĩ thời nay. Tạp chí trên viết tiếp: “Tuy vẫn còn nhiều người tin vào hình ảnh truyền thống về địa ngục lửa hừng, nhưng bắt đầu có người theo quan niệm ngày nay cho rằng sự trừng phạt đời đời đó là một sự biệt giam đặc biệt khó chịu, và gợi ý rằng địa ngục có thể không có lửa hừng như người ta vẫn tưởng”.
Tập san của dòng Tên, La Civiltà Cattolica, nhận xét: “Quả là sai lầm... khi nghĩ rằng Thiên Chúa dùng quỉ sứ để trừng phạt những kẻ bị kết án một cách ghê sợ như bằng lửa chẳng hạn”. Tập san này viết tiếp: “Có địa ngục, nhưng đó không phải là một nơi chốn mà là một trạng thái, một tình trạng của người thống khổ về tinh thần do xa lìa Thiên Chúa”. Giáo Hoàng Gioan Phao-lồ II có phát biểu như sau vào năm 1999: “Thay vì là một nơi chốn, hỏa ngục ám chỉ tình trạng của những kẻ tự ý dứt khoát xa lìa Thiên Chúa, nguồn của mọi sự sống và niềm vui”. Còn về những hình ảnh hỏa ngục là nơi có lửa hừng, giáo hoàng nói: “Những hình ảnh ấy chỉ sự tuyệt vọng và vô nghĩa của cuộc đời khi không có Chúa”. Sử gia Martin Marty của giáo hội nói rằng cho dù hỏa ngục được giáo hoàng mô tả là “có lửa hừng với quỉ dữ mặc áo đỏ, cầm chĩa ba đi nữa, thì cũng chẳng ai tin”.
Cũng đã có những thay đổi tương tự trong các tôn giáo khác. Một báo cáo của hội đồng giáo lý Anh Giáo viết: “Địa ngục không phải là sự hành khổ đời đời, mà là sự lựa chọn cuối cùng và dứt khoát về một lối sống chống lại Đức Chúa Trời một cách hoàn toàn và tuyệt đối, đưa đến kết cuộc duy nhất là hư không”.
Sách giáo lý của Giáo Hội Tân Giáo Hoa Kỳ định nghĩa địa ngục là “sự chết đời đời do từ bỏ Đức Chúa Trời”. Tạp chí U.S.News & World Report nói rằng càng ngày càng nhiều người quảng bá ý tưởng “sự cuối cùng của kẻ ác là sự hủy diệt, chứ không phải sự thống khổ đời đời... [Họ] cho rằng những kẻ nào cuối cùng từ bỏ Đức Chúa Trời sẽ chỉ bị hủy diệt bằng ‘lửa thiêu đốt’ của địa ngục”.
Mặc dù ngày nay người ta có khuynh hướng không tin vào lửa và lưu huỳnh của hỏa ngục, nhưng nhiều người vẫn gắn bó với niềm tin cho rằng địa ngục là một nơi hành khổ theo nghĩa đen. Ông Albert Mohler, thuộc Trường Thần Học Báp-tít miền nam tại Louisville, bang Kentucky, Hoa Kỳ, tuyên bố: “Kinh Thánh rõ ràng nói đến hỏa ngục là một nơi thống khổ nóng bỏng theo nghĩa đen”. Và bản báo cáo The Nature of Hell (Tính chất của hỏa ngục), do Hội Liên Hiệp Phúc Âm soạn, viết như sau: “Hỏa ngục là sự trải nghiệm có ý thức về việc bị từ bỏ và hành khổ”. Báo cáo này còn viết thêm: “Có nhiều mức trừng phạt và đau khổ trong hỏa ngục tùy theo tội lỗi nặng nhẹ đã phạm trên đất”.
Như thế địa ngục có phải là một nơi có lửa hừng để hành khổ đời đời hay để hủy diệt không? Hay đó chỉ là một tình trạng xa lìa Đức Chúa Trời? Địa ngục thực ra là gì?
[Khung/Các hình nơi trang 4]
Lịch sử vắn tắt về hỏa ngục
NHỮNG người tự nhận là tín đồ Đấng Christ đã chấp nhận tín điều về hỏa ngục từ khi nào? Đó là rất lâu sau thời Chúa Giê-su và các sứ đồ ngài. Cuốn Encyclopædia Universalis của Pháp viết như sau: “Sách Apocalypse of Peter (thế kỷ thứ 2 CN) là tác phẩm [ngụy thư] đầu tiên của đạo Đấng Christ mô tả hình phạt và sự hành khổ dành cho những kẻ tội lỗi trong hỏa ngục”.
Tuy nhiên, cũng có sự bất đồng ý kiến về hỏa ngục giữa các Cha Giáo Hội vào thời ban đầu. Justin Martyr, Clement ở Alexandria, Tertullian, và Cyprian đã tin rằng hỏa ngục là nơi có lửa hừng. Origen và nhà thần học Gregory ở Nyssa thì cho rằng hỏa ngục là nơi xa cách Đức Chúa Trời—một sự đau khổ về tâm linh. Trái lại, Augustine ở Hippo tin rằng sự đau khổ trong hỏa ngục là cả về tâm linh lẫn thể chất—một quan niệm được nhiều người chấp nhận. Giáo sư J.N.D. Kelly viết như sau: “Đến thế kỷ thứ năm thì giáo lý nghiêm ngặt thịnh hành khắp nơi chính là giáo lý cho rằng những kẻ tội lỗi sẽ không có được cơ hội thứ hai sau cõi đời này và lửa thiêu nuốt họ sẽ không bao giờ tắt”.
Vào thế kỷ 16, những nhà cải cách Tin Lành, chẳng hạn như Martin Luther và John Calvin đã hiểu rằng sự hành khổ bằng lửa hừng nơi hỏa ngục là hình ảnh tượng trưng cho sự đời đời xa cách Đức Chúa Trời. Thế nhưng, ý tưởng về một hỏa ngục như nơi hành khổ đã xuất hiện trở lại hai thế kỷ sau đó. Nhà truyền giáo Tin Lành Jonathan Edwards đã thường dùng những lời mô tả sống động về hỏa ngục để gieo hãi sợ vào lòng các người dân Mỹ thuộc địa ở thế kỷ 18.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, các ngọn lửa địa ngục bắt đầu leo lét và yếu dần. Tạp chí U.S.News & World Report ghi nhận rằng: “Hỏa ngục gần như đã lụi tàn vào thế kỷ 20”.
[Các hình]
Justin Martyr tin rằng hỏa ngục là nơi có lửa hừng
Augustine ở Hippo dạy rằng trong hỏa ngục người ta bị đau khổ về tâm linh lẫn thể chất