Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một bài học từ con cò

Một bài học từ con cò

Một bài học từ con cò

“CHIM HẠC [cò] giữa khoảng-không tự biết các mùa đã định cho nó... Nhưng dân ta chẳng biết luật-pháp của Đức Giê-hô-va!” (Giê-rê-mi 8:7) Bằng những lời này, nhà tiên tri Giê-rê-mi công bố sự phán xét của Đức Giê-hô-va nghịch cùng dân Giu-đa bội đạo. Dân này đã lìa bỏ Ngài là Đức Chúa Trời của mình để quay sang thờ các thần ngoại. (Giê-rê-mi 7:18, 31) Tại sao Giê-rê-mi lại chọn con cò để dạy người Do Thái bất trung một bài học thiết thực?

Đối với dân Y-sơ-ra-ên, con cò, và nhất là cò trắng, là một hình ảnh quen thuộc khi chúng di trú qua những xứ mà Kinh Thánh nói đến. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, tên dùng để đặt cho giống chim lớn, có cẳng dài lội nước này là một dạng chữ giống cái có nghĩa “người trung thành; người có lòng yêu thương nhân từ”. Tên này thật thích hợp, vì không như những giống chim khác, cặp cò trống và mái sống chung với nhau suốt đời. Sau khi trú đông trong những vùng ấm áp hơn, đa số các con cò, hết năm này sang năm khác, thường trở về cùng một tổ mà chúng đã từng ở trước đây.

Cách con cò hành động theo bản năng cho thấy rõ tính trung thành qua những cách lạ thường khác. Cả cò trống lẫn cò mái đều ấp trứng và nuôi con. Sách Our Magnificent Wildlife giải thích: “Là cha mẹ, con cò trung thành với nhau một cách khác thường. Một con cò trống tại Đức bay đụng vào dây điện cao thế và bị điện giật chết. Cò mái tiếp tục ấp trứng một mình trong suốt 3 ngày mà chỉ rời tổ một lần trong chốc lát để tìm mồi... Trong một trường hợp khác, khi cò mẹ bị bắn, cò cha đã nuôi con cho đến lớn”.

Quả thật, qua bản năng biểu lộ sự trung thành đối với bạn đời và dịu dàng chăm sóc chim con, con cò sống xứng đáng với ý nghĩa của tên nó—“người trung thành”. Vì thế, con cò rất thích hợp được dùng để làm một bài học đích đáng cho dân Y-sơ-ra-ên ương ngạnh và bất trung.

Đối với nhiều người ngày nay, sự trung thành và sự chung thủy là những ý tưởng lỗi thời—dù đáng phục nhưng không thực tế. Sự gia tăng nhanh chóng trong tệ nạn ly dị, ruồng bỏ, chiếm đoạt của cải và những hình thức lường gạt khác cho thấy người ta không còn xem trọng sự trung thành. Trái lại, Kinh Thánh đánh giá cao sự trung thành được thúc đẩy bởi tình yêu thương và lòng nhân từ. Kinh Thánh thúc giục tín đồ Đấng Christ “mặc lấy nhân cách mới, tức là nhân cách đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và trung tín thật”. (Ê-phê-sô 4:24, NW) Đúng, nhân cách mới giúp chúng ta trung thành, nhưng chúng ta cũng có thể học được một bài học về sự trung thành từ con cò.