Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thỏa nguyện về đời mình lúc tuổi già

Thỏa nguyện về đời mình lúc tuổi già

Tự Truyện

Thỏa nguyện về đời mình lúc tuổi già

DO MURIEL SMITH KỂ LẠI

Tiếng đập mạnh làm rung chuyển cánh cửa. Tôi vừa về đến nhà để ăn trưa sau một buổi sáng bận rộn rao giảng. Theo thói quen, tôi đun ít nước pha trà và sắp sửa nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng. Tiếng gõ cửa vang lên thúc bách; tôi vừa bước ra vừa tự hỏi không biết ai lại đến tìm vào giờ này. Tôi có ngay câu trả lời. Hai người đàn ông đứng trước ngưỡng cửa nhà tôi tự giới thiệu là nhân viên cảnh sát. Họ cho biết có lệnh khám xét nhà để tìm các sách báo do Nhân Chứng Giê-hô-va—một tổ chức bị cấm đoán—ấn hành.

Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va đã bị cấm đoán tại Úc, và làm thế nào tôi đã trở thành Nhân Chứng? Tất cả bắt đầu với món quà mẹ tôi tặng vào năm 1910, khi tôi lên mười.

GIA ĐÌNH tôi sống trong một căn nhà gỗ tại Crows Nest, vùng ngoại ô của Bắc Sydney. Một hôm, đi học về, tôi thấy mẹ đứng nói chuyện với một người đàn ông trước cửa. Tôi thắc mắc không biết người đàn ông lạ mặt mặc com-lê, mang một túi đầy sách ấy là ai. Tôi rụt rè cáo lỗi và bước ngay vào nhà. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau mẹ gọi tôi ra và bảo: “Ông này có một số sách hay; tất cả đều nói về Kinh Thánh. Này nhé, sắp đến sinh nhật con rồi, con có thể chọn áo mới hoặc những quyển sách này. Con thích thứ nào?”

“Ôi, mẹ ơi, cảm ơn mẹ, con thích sách”, tôi trả lời.

Thế là mới mười tuổi, tôi đã có được ba sách đầu tiên trong bộ Khảo cứu Kinh Thánh (Anh ngữ) do anh Charles Taze Russell viết. Người đàn ông giải thích rằng những sách này có lẽ quá khó đối với tôi, nên mẹ cần giúp tôi hiểu. Mẹ bảo là rất sẵn lòng làm điều này. Buồn thay, chẳng bao lâu sau đó mẹ đã qua đời. Cha hết lòng chăm sóc tôi, em trai và em gái tôi. Tuy thế, bấy giờ tôi phải gánh vác thêm những trách nhiệm dường như nặng nề quá sức. Đã vậy, một thảm họa lại sắp xảy ra.

Thế chiến thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, chỉ một năm sau đó đã cướp đi người cha yêu dấu của chúng tôi. Lúc này bị mồ côi, em trai và em gái tôi được gửi đến sống với họ hàng, còn tôi thì được đưa vào một trường cao đẳng nội trú Công Giáo. Đôi lúc tôi đau khổ vì cô đơn. Nhưng tôi lấy làm biết ơn vì có cơ hội theo học âm nhạc, một bộ môn tôi yêu thích, đặc biệt là dương cầm. Năm tháng trôi qua, tôi tốt nghiệp trường cao đẳng nội trú. Năm 1919, tôi kết hôn với Roy Smith, một nhân viên bán nhạc cụ. Năm 1920, chúng tôi có con, và tôi lại miệt mài lo toan cho cuộc sống hàng ngày. Còn về những cuốn sách đề cập ở trên thì sao?

Người láng giềng chia sẻ lẽ thật thiêng liêng

Trong suốt những năm đó, tôi luôn đem theo “các sách Kinh Thánh”. Mặc dù chưa thật sự đọc, nhưng trong thâm tâm, tôi biết rằng những sách này chứa đựng một thông điệp quan trọng. Thế rồi vào một ngày cuối năm 1920, một người láng giềng, Lil Bimson, đến thăm. Chúng tôi cùng ra phòng khách ngồi uống trà.

Lil bỗng thốt lên: “Ô, chị cũng có những sách đó sao!”

“Sách nào?” tôi thắc mắc hỏi lại.

Chị ấy chỉ vào bộ Khảo cứu Kinh Thánh nằm trên kệ sách. Hôm ấy Lil mượn bộ sách đem về đọc ngấu nghiến. Chẳng bao lâu chị tỏ ra rất phấn khích về những gì đã đọc được. Lil nhận thêm nhiều sách báo của các Học Viên Kinh Thánh, tên gọi các Nhân Chứng Giê-hô-va thời ấy. Ngoài ra, chị nói cho chúng tôi biết hết những gì chị đã học được. Một trong những sách chị nhận được có tựa đề Đàn cầm của Đức Chúa Trời (Anh ngữ), sách này cuối cùng về tay chúng tôi ít lâu sau đó. Sự nghiệp phụng sự Đức Giê-hô-va bắt đầu khi tôi dành thời giờ đọc cuốn sách dựa trên Kinh Thánh này. Cuối cùng tôi tìm được lời giải đáp cho những thắc mắc cơ bản mà nhà thờ của tôi trước kia đã không thể giải thích.

Mừng thay, anh Roy đặc biệt chú ý đến thông điệp của Kinh Thánh, và cả hai chúng tôi đều trở thành những người hăng say học Kinh Thánh. Trước kia anh Roy là một thành viên của Hội Tam Điểm (Freemason). Bấy giờ, gia đình chúng tôi hợp nhất trong sự thờ phượng thật, và mỗi tuần hai lần, một anh trong hội thánh đến điều khiển buổi học Kinh Thánh với cả gia đình. Chúng tôi được khích lệ thêm khi bắt đầu tham dự các buổi họp của các Học Viên Kinh Thánh. Địa điểm nhóm họp ở Sydney là một phòng nhỏ, thuê tại vùng ngoại ô Newtown. Lúc ấy, cả nước chưa có đến 400 Nhân Chứng, vì thế đa số các anh phải vượt qua một đoạn đường dài để tham dự các buổi họp.

Riêng gia đình chúng tôi phải thường xuyên băng qua Hải Cảng Sydney để đến dự nhóm họp. Trước khi Cầu Hải Cảng Sydney được xây dựng vào năm 1932, mỗi lần băng qua cảng phải đi phà. Bất kể thì giờ và phí tổn đi lại, chúng tôi nhất quyết không bỏ sót bất cứ bữa ăn thiêng liêng nào mà Đức Giê-hô-va cung cấp. Chúng tôi cố sức bắt rễ vững chắc trong lẽ thật, các nỗ lực ấy thật đáng công, vì thế chiến thứ hai đang manh nha, và vấn đề trung lập sắp ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình chúng tôi.

Thời kỳ thử thách và ân phước

Những năm đầu của thập niên 1930 quả là thời kỳ hứng thú nhất đối với chúng tôi. Tôi làm báp têm vào năm 1930, và năm 1931, tôi có mặt tại một đại hội đáng ghi nhớ. Trong đại hội ấy, tất cả chúng tôi cùng đứng lên đồng tình đón nhận danh xưng tốt đẹp Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh Roy và tôi gắng sức sống xứng đáng với danh đó bằng cách tham gia mọi hình thức rao giảng và các đợt cổ động theo lời khuyến khích của tổ chức. Chẳng hạn, năm 1932, chúng tôi tham gia đợt cổ động đặc biệt nhằm phân phát sách nhỏ. Đợt cổ động này nhằm vào những đám đông đến xem lễ khánh thành Cầu Hải Cảng Sydney. Điểm nổi bật đối với chúng tôi là sử dụng xe phóng thanh. Xe của gia đình chúng tôi được đặc ân lắp đặt hệ thống phóng thanh. Với kỹ thuật này, chúng tôi đã làm cho đường phố Sydney vang dậy những bài diễn văn thâu băng của anh Rutherford.

Tuy nhiên, thời thế lại thay đổi và ngày càng trở nên khó khăn hơn. Vào năm 1932, Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế đã ảnh hưởng trầm trọng đến nước Úc, nên anh Roy và tôi đã quyết định đơn giản hóa cuộc sống. Một trong những biện pháp đó là dời đến gần hội thánh; qua đó chúng tôi đã giảm rất nhiều chi phí đi lại. Tuy vậy, những áp lực kinh tế này vẫn chẳng thấm vào đâu so với sự kinh hoàng của Thế chiến II đang bao trùm thế giới.

Vì vâng theo lệnh truyền của Chúa Giê-su không thuộc về thế gian này, nên Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới, kể cả tại Úc, đã trở thành mục tiêu bắt bớ. Trong cơn sốt chiến tranh, một số người đã chụp mũ chúng tôi là Cộng Sản. Những người chống đối này vu khống rằng Nhân Chứng Giê-hô-va đã sử dụng bốn trạm phát thanh tại Úc để gửi tin cho quân đội Nhật.

Các anh trẻ bị gọi nhập ngũ phải đối phó với nhiều áp lực nhằm buộc họ phải nhượng bộ. Tôi vui mừng vì cả ba con trai của chúng tôi đều vững vàng trong đức tin và giữ vững lập trường trung lập. Richard, con trai trưởng của chúng tôi, bị phạt 18 tháng tù. Kevin, con trai thứ, được miễn quân dịch vì lý do lương tâm không cho phép. Buồn thay, trên đường đi dự phiên tòa nhằm biện hộ cho lập trường trung lập, con trai út của chúng tôi, Stuart, đã chết trong một tai nạn xe gắn máy. Thảm họa này quả thật đau buồn. Tuy nhiên, việc chăm chú vào Nước Trời và vào lời hứa về sự sống lại của Đức Giê-hô-va đã giúp chúng tôi chịu đựng.

Bỏ sót cái thật sự đáng giá

Vào tháng Giêng năm 1941, các Nhân Chứng Giê-hô-va tại Úc đã bị cấm đoán. Nhưng noi gương các môn đồ của Chúa Giê-su, anh Roy và tôi thà vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời người ta, nên đã tiếp tục hoạt động bí mật trong hai năm rưỡi. Chính trong khoảng thời gian này hai nhân viên cảnh sát mặc thường phục nói trên đã đến gõ cửa nhà tôi. Điều gì đã xảy ra?

Tôi mời họ vào nhà. Khi họ bước vào trong, tôi nói: “Các ông cảm phiền cho tôi uống hết tách trà trước khi khám xét nhé?” Lạ thay, họ chấp thuận. Tôi vào bếp cầu nguyện Đức Giê-hô-va và bình tĩnh suy tính. Khi tôi trở lại, một viên cảnh sát bước vào chỗ chúng tôi học hỏi và tịch thu tất cả những gì có biểu tượng của Hội Tháp Canh, kể cả Kinh Thánh và sách báo trong túi xách rao giảng của tôi.

Kế đó anh ta hỏi tôi: “Bà chắc chắn là không còn giấu sách báo trong thùng nào nữa chứ? Chúng tôi được báo là mỗi tuần khi đến nhóm họp ở phòng họp lớn ở cuối đường này, bà đều đem theo rất nhiều sách báo”.

“Đúng vậy”, tôi trả lời, “nhưng sách báo hiện không còn ở đó nữa”.

“Vâng, chúng tôi biết điều đó, bà Smith ạ”, anh ta đáp lại. “Chúng tôi còn biết là sách báo được tàng trữ trong nhà của những người sống quanh quận này”.

Trong phòng ngủ của con chúng tôi, họ tìm được năm thùng đựng sách nhỏ Freedom or Romanism.

“Bà chắc là không có gì khác trong nhà để xe chứ?” anh ta hỏi.

“Không, chẳng có gì ở đấy cả”, tôi đáp.

Kế đến anh ta mở toang tủ đựng chén bát trong phòng ăn và tìm thấy những mẫu giấy in dùng để ghi báo cáo của hội thánh. Anh ta tịch thu tất cả rồi khăng khăng đòi xuống khám xét nhà để xe.

“Thế thì đi đường này”, tôi bảo họ.

Họ theo tôi xuống nhà để xe, sau khi khám xét xong, cuối cùng họ ra về.

Những nhân viên cảnh sát này tưởng rằng năm thùng sách mà họ tịch thu được là đáng giá! Thế nhưng họ đã bỏ sót cái thật sự đáng giá. Bạn cần biết rằng lúc bấy giờ tôi là thư ký hội thánh nên đã giữ danh sách những người công bố và nhiều thông tin quan trọng khác trong nhà. Mừng thay, các anh đã cảnh báo tôi đề phòng những cuộc lục soát như thế, và tôi đã cẩn thận cất giấu hết mọi hồ sơ. Tất cả đều được bỏ vào phong bì, giấu dưới hộp đựng trà, đường, và bột mì. Một số khác nữa được giấu trong chuồng chim, gần nhà để xe. Vì vậy, hai viên cảnh sát đã đi ngang qua chỗ giấu những thứ mà họ muốn tìm.

Thánh chức trọn thời gian

Khoảng năm 1947, các con chúng tôi đã lập gia đình. Bấy giờ, anh Roy và tôi đều nghĩ rằng đã đến lúc chúng tôi có thể bắt đầu thánh chức trọn thời gian. Vì khu vực Nam Úc đang cần người rao giảng nên chúng tôi bán nhà, mua một xe moóc, tức nhà xe lưu động, và đặt tên là Mizpah, nghĩa là Tháp Canh”. Lối sống này cho phép chúng tôi rao giảng ở những nơi xa xôi. Chúng tôi thường rao giảng tại những vùng quê chưa được phân định cho các hội thánh. Thời gian này đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm thân thương. Trong số những người học hỏi Kinh Thánh với tôi có một phụ nữ tên là Beverly. Chị rời khỏi vùng này trước khi tiến bộ đến mức báp têm. Hãy tưởng tượng niềm vui của tôi, khi nhiều năm sau đó tại một đại hội, một chị đã đến gặp tôi và tự giới thiệu là Beverly! Sau bao năm trời xa cách, tôi vui mừng khôn xiết khi thấy chị cùng chồng con phụng sự Đức Giê-hô-va.

Năm 1979, tôi được đặc ân tham dự Trường Tiên Phong. Một trong những điều được nhấn mạnh tại trường này là muốn bền chí trong thánh chức tiên phong, một người cần phải có nền nếp học tập tốt. Tôi thấy điều này quả rất đúng. Học hỏi, nhóm họp và thánh chức là tất cả cuộc đời tôi. Quả là đặc ân cho tôi được phụng sự với tư cách tiên phong đều đều trong hơn 50 năm.

Đương đầu với vấn đề sức khỏe

Dẫu vậy trong nhiều thập niên gần đây tôi đã phải đương đầu với nhiều thử thách đặc biệt. Năm 1962 sau một cuộc khám nghiệm, tôi được biết mình mắc bệnh tăng nhãn áp. Thời ấy phương pháp chữa trị còn hạn chế, và thị lực tôi giảm sút nhanh chóng. Sức khỏe của anh Roy cũng suy giảm. Năm 1983, sau một cơn đột quỵ nghiêm trọng, anh bị liệt một phần cơ thể và không nói được nữa. Anh qua đời vào năm 1986. Anh đã trợ giúp tôi rất nhiều trong thánh chức trọn thời gian và tôi thật sự thương tiếc anh.

Bất kể những trở ngại trên, tôi cố duy trì nền nếp thiêng liêng tốt. Tôi mua một chiếc xe bền tốt, thích hợp với khu vực rao giảng tại vùng ít nhiều vẫn còn vẻ đồng quê, và tiếp tục thánh chức tiên phong với sự trợ giúp của Joyce, con gái tôi. Mắt tôi ngày càng kém đi, cuối cùng một bên mắt mất hẳn thị lực. Bác sĩ đã lắp con mắt giả làm bằng kính để thay thế mắt hỏng. Tuy vậy, vận dụng thị lực ít ỏi của mắt còn lại và nhờ vào kính phóng đại, cùng với sách báo in chữ lớn, tôi có thể dành từ ba đến năm giờ một ngày để học hỏi.

Tôi luôn quý trọng thời gian học hỏi. Vì thế các bạn có thể tưởng tượng được là tôi bàng hoàng đến mức nào khi một buổi trưa kia trong lúc học hỏi, mắt tôi bỗng nhiên tối sầm lại, không trông thấy gì nữa, như thể là ai tắt đèn đi. Giờ đây tôi đã hoàn toàn mất hẳn thị lực. Làm thế nào tôi có thể tiếp tục học hỏi? Dù hiện nay khá nặng tai, tôi nhờ vào băng cassette cũng như vào sự trợ giúp yêu thương của gia đình để giữ mình mạnh mẽ về thiêng liêng.

Bền chí cho đến cuối cùng

Nay đã được 100 tuổi, sức khỏe của tôi lại thêm bất ổn, và tôi đã giảm bớt khá nhiều hoạt động. Đôi khi tôi cảm thấy hơi lẫn lộn. Thật vậy, hiện nay không nhìn thấy gì nên thỉnh thoảng tôi bị lạc thật! Tôi ao ước có vài người học hỏi Kinh Thánh như trước kia, nhưng trong tình trạng sức khỏe hiện thời, tôi không thể đi rao giảng để thực hiện mong ước này. Thoạt đầu, điều này khiến tôi nản chí, nhưng tôi đã phải chịu đựng và tập thích ứng với hoàn cảnh của mình. Điều này chẳng phải dễ dàng. Tuy nhiên thật vui sướng biết bao khi mỗi tháng tôi vẫn có thể báo cáo một ít giờ rao giảng về Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời vĩ đại của chúng ta. Mỗi khi các hộ lý, người giao hàng, hay những người khác ghé ngang nhà, tôi nắm ngay lấy cơ hội để nói về Kinh Thánh—dĩ nhiên là nói một cách tế nhị.

Một trong những phần thưởng khiến tôi mãn nguyện là chứng kiến bốn thế hệ trong gia đình trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Một số người nỗ lực làm tiên phong tại những nơi cần thêm nhiều người rao giảng, phục vụ với tư cách trưởng lão, hay tôi tớ thánh chức, và làm việc tại nhà Bê-tên. Dĩ nhiên, tôi và nhiều người cùng thời đã nghĩ rằng hệ thống này sẽ chấm dứt sớm hơn nhiều. Tuy thế, trong suốt bảy mươi năm phụng sự, tôi đã chứng kiến được sự gia tăng nhiều biết bao! Tôi vô cùng thỏa nguyện vì được góp phần vào công việc hết sức lớn lao này.

Những hộ lý chăm sóc tôi nói rằng tôi sống được đến ngày nay chính là nhờ đức tin. Tôi cũng tin như thế. Năng nổ phụng sự Đức Giê-hô-va mang lại đời sống tốt đẹp nhất. Như Vua Đa-vít, tôi có thể thật sự nói rằng tôi thỏa nguyện về đời mình lúc tuổi già.—1 Sử-ký 29:28.

(Chị Muriel Smith qua đời ngày 1-4-2002 trong khi bài báo này được biên soạn vào giai đoạn cuối. Chỉ còn một tháng nữa là chị được 102 tuổi, chị là một gương tốt về lòng trung thành và sức chịu đựng.)

[Các hình nơi trang 24]

Hình chụp lúc tôi khoảng năm tuổi và lúc 19 tuổi, khi tôi gặp anh Roy, chồng tôi

[Hình nơi trang 26]

Xe và nhà lưu động mà chúng tôi đặt tên là Mizpah

[Hình nơi trang 27]

Với anh Roy, chồng tôi, vào năm 1971