Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trung thành phục tùng uy quyền Đức Chúa Trời thiết lập

Trung thành phục tùng uy quyền Đức Chúa Trời thiết lập

Trung thành phục tùng uy quyền Đức Chúa Trời thiết lập

“Đức Giê-hô-va là quan-xét chúng ta, Đức Giê-hô-va là Đấng lập luật cho chúng ta, Đức Giê-hô-va là vua chúng ta”.—Ê-SAI 33:22.

1. Những yếu tố nào khiến nước Y-sơ-ra-ên xưa nổi bật giữa các nước?

NƯỚC Y-sơ-ra-ên ra đời vào năm 1513 TCN. Lúc đó, nước không có thủ đô, lãnh thổ và vua hữu hình. Thần dân nguyên là dân nô lệ. Tuy nhiên, quốc gia tân lập này còn nổi bật về một điểm khác nữa. Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Quan Xét, Đấng Lập Luật, và Vua vô hình của quốc gia này. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6; Ê-sai 33:22) Không một nước nào khác có thể khẳng định như vậy!

2. Câu hỏi nào được nêu lên về cách nước Y-sơ-ra-ên được tổ chức, và tại sao câu trả lời là quan trọng đối với chúng ta?

2 Vì Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của trật tự và cũng là Đức Chúa Trời của hòa bình nên chúng ta có thể kỳ vọng là bất cứ nước nào được Ngài cai trị sẽ được tổ chức hẳn hoi. (1 Cô-rinh-tô 14:33) Hẳn nhiên đó là trường hợp của nước Y-sơ-ra-ên. Nhưng làm sao một tổ chức hữu hình trên đất lại có thể được hướng dẫn bởi một Đức Chúa Trời vô hình? Chúng ta được lợi ích khi xem xét cách Đức Giê-hô-va cai trị nước Y-sơ-ra-ên xưa, lưu ý đặc biệt đến cách đối xử của Ngài với nước này đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc trung thành tùng phục uy quyền mà Ngài thiết lập như thế nào.

Nước Y-sơ-ra-ên xưa được cai trị như thế nào?

3. Đức Giê-hô-va lập ra sự sắp đặt thực tiễn nào để hướng dẫn dân Ngài?

3 Mặc dù Đức Giê-hô-va là Vua vô hình của nước Y-sơ-ra-ên, nhưng Ngài đã bổ nhiệm những người trung thành làm đại diện hữu hình của Ngài. Các quan trưởng, trưởng tộc, và trưởng lão phục vụ dân chúng với tư cách những người khuyên bảo và quan xét. (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:25, 26; Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:15) Tuy nhiên, chúng ta chớ vội kết luận rằng nếu không được Đức Chúa Trời hướng dẫn, những người có trách nhiệm này theo cách nào đó vẫn có thể phán xét vấn đề một cách sáng suốt và thông hiểu mà không bao giờ lầm lẫn. Họ bất toàn, và không thể đọc được lòng dân sự. Tuy vậy, những quan xét kính sợ Đức Chúa Trời có thể cho dân sự lời khuyên hữu ích vì dựa trên Luật Pháp của Đức Giê-hô-va.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:15; Thi-thiên 119:97-100.

4. Các quan xét trung thành của Y-sơ-ra-ên cố gắng tránh những khuynh hướng nào, và tại sao?

4 Tuy nhiên, là một quan xét, hiểu biết Luật Pháp không thì chưa đủ. Vì bất toàn, trưởng lão phải cảnh giác để kiềm chế những khuynh hướng khó sửa đổi của mình—như ích kỷ, thiên vị, và tham lam—có thể đưa đến phán đoán lầm lẫn. Môi-se bảo họ: “Trong việc xét-đoán, các ngươi chớ tư-vị ai; hãy nghe người hèn như nghe người sang, đừng có sợ ai, vì sự xét-đoán thuộc về Đức Chúa Trời”. Đúng vậy, các quan án của Y-sơ-ra-ên xét đoán cho Đức Chúa Trời. Quả là một đặc ân lớn thay!—Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:16, 17, chúng tôi viết nghiêng.

5. Ngoài việc lập các quan xét, Đức Giê-hô-va có những sắp đặt nào khác để chăm sóc dân Ngài?

5 Đức Giê-hô-va cũng có những sắp đặt khác để chăm sóc nhu cầu thiêng liêng của dân Ngài. Ngay cả trước khi vào Đất Hứa, Ngài đã ra lệnh cho họ dựng đền tạm, trung tâm của sự thờ phượng thật. Ngài cũng thiết lập chức tế lễ để dạy Luật Pháp, dâng thú vật làm của-lễ hy sinh, và dâng hương sáng chiều. Đức Chúa Trời đã lập A-rôn, anh của Môi-se, làm thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên của Y-sơ-ra-ên và bổ nhiệm các con trai ông phụ giúp cha thi hành nhiệm vụ.—Xuất Ê-díp-tô Ký 28:1; Dân-số Ký 3:10; 2 Sử-ký 13:10, 11.

6, 7. (a) Giữa thầy tế lễ và người Lê-vi không thuộc dòng tế lễ có mối quan hệ nào? (b) Chúng ta có thể rút được bài học nào qua việc người Lê-vi được phân công khác nhau? (Cô-lô-se 3:23)

6 Chăm sóc nhu cầu thiêng liêng của vài triệu người là một công việc lớn lao, trong khi số thầy tế lễ lại tương đối ít. Vì vậy, các thành viên khác của chi phái Lê-vi đã được sắp đặt để phụ giúp họ. Đức Giê-hô-va bảo Môi-se: “Ngươi phải giao người Lê-vi cho A-rôn và cho các con trai người; vì đã lấy họ từ trong vòng dân Y-sơ-ra-ên mà ban trọn cho A-rôn rồi”.—Dân-số Ký 3:9, 39.

7 Người Lê-vi được tổ chức quy củ. Họ được chia ra theo ba tông tộc—Ghẹt-sôn, Kê-hát và Mê-ra-ri—mỗi tông tộc được giao phó công việc riêng. (Dân-số Ký 3:14-17, 23-37) Một số công việc có vẻ quan trọng hơn những công việc khác, nhưng tất cả đều thiết yếu. Công việc của tông tộc Kê-hát dòng Lê-vi đòi hỏi họ ở gần hòm giao ước thánh và đồ đạc của đền tạm. Tuy nhiên, mỗi người Lê-vi, dù là người Kê-hát hay không, đều được hưởng những đặc ân tuyệt diệu. (Dân-số Ký 1:51, 53) Đáng buồn là một số đã không quý trọng đặc ân của mình. Thay vì trung thành phục tùng uy quyền Đức Chúa Trời thiết lập, họ đâm ra bất mãn và trở thành tự cao, tham vọng và ghen tương. Trong số đó có Cô-rê, một người Lê-vi.

“Các ngươi lại còn kiếm chức tế-lễ nữa sao?”

8. (a) Cô-rê là ai? (b) Điều gì có thể đã khiến Cô-rê nhìn các thầy tế lễ theo quan điểm thuần túy loài người?

8 Cô-rê không phải là trưởng tộc Lê-vi, cũng không phải là trưởng tông tộc Kê-hát. (Dân-số Ký 3:30, 32) Tuy nhiên, ông là một quan trưởng được kính trọng trong nước Y-sơ-ra-ên. Có lẽ nhiệm vụ của Cô-rê khiến ông thân cận với A-rôn và các con trai A-rôn. (Dân-số Ký 4:18, 19) Chứng kiến tận mắt sự bất toàn của những người này, Cô-rê có thể lý luận: ‘Những thầy tế lễ này rõ ràng bất toàn, thế mà tôi phải phục tùng họ! Trước đây không lâu A-rôn đã làm con bò bằng vàng. Việc thờ con bò đó đã khiến dân sự rơi vào sự thờ hình tượng. Giờ đây, A-rôn, anh của Môi-se, lại được phụng sự với tư cách thầy tế lễ! Quả là thiên vị! Còn con trai của A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu thì sao? Họ đã tỏ ra khinh thường trắng trợn đặc ân phụng sự đến độ bị Đức Giê-hô-va xử tử!’ * (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1-5; Lê-vi Ký 10:1, 2) Dù Cô-rê lý luận thế nào đi nữa, rõ ràng ông bắt đầu nhìn chức tế lễ theo quan điểm loài người. Điều này đã đưa ông tới chỗ chống lại Môi-se và A-rôn và cuối cùng, chống lại Đức Giê-hô-va.—1 Sa-mu-ên 15:23; Gia-cơ 1:14, 15.

9, 10. Cô-rê và đồng bọn đã buộc tội Môi-se như thế nào, và tại sao lẽ ra họ không nên làm như vậy?

9 Là người có uy tín, Cô-rê dễ dàng lôi kéo những người cùng tâm trạng về phe mình. Cùng với Đa-than, A-bi-ram, ông đã tìm được 250 người ủng hộ—đều là quan trưởng trong hội chúng. Họ kéo nhau đến gặp Môi-se và A-rôn và nói: “Cả hội-chúng đều là thánh, và Đức Giê-hô-va ngự ở trong; vậy sao các ngươi tự cao trên hội-chúng của Đức Giê-hô-va?”—Dân-số Ký 16:1-3.

10 Những kẻ phản nghịch lẽ ra nên tránh thách thức uy quyền của Môi-se. Trước đó không lâu, A-rôn và Mi-ri-am đã làm như thế, và thậm chí họ cũng lý luận tương tự như Cô-rê! Theo Dân-số Ký 12:1, 2, họ đã hỏi: “Đức Giê-hô-va há chỉ dùng một mình Môi-se mà phán sao? Ngài há không dùng chúng ta mà phán nữa sao?” Đức Giê-hô-va lắng nghe. Ngài ra lệnh cho Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am nhóm lại tại cửa hội mạc để Ngài có thể cho biết ai được Ngài chọn làm người lãnh đạo. Rồi Đức Giê-hô-va phán cách minh bạch rằng: “Nếu trong các ngươi có một tiên-tri nào, ta là Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra cùng người trong sự hiện-thấy, và nói với người trong cơn chiêm-bao. Tôi-tớ Môi-se ta không có như vậy, người thật trung-tín trong cả nhà ta”. Sau đó Đức Giê-hô-va khiến cho Mi-ri-am tạm thời bị phung.—Dân-số Ký 12:4-7, 10.

11. Môi-se đã xử lý thế nào trước tình huống liên hệ đến Cô-rê?

11 Cô-rê và những kẻ hiệp đảng với ông hẳn đã phải biết về sự việc đó. Họ không thể nào bào chữa cho sự phản nghịch của mình. Tuy vậy, Môi-se kiên nhẫn cố lý luận với họ. Ông kêu gọi họ hãy quý trọng đặc ân được ban cho nhiều hơn nữa. Ông nói: “Về phần các ngươi, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã biệt các ngươi riêng ra với hội-chúng Y-sơ-ra-ên, và khiến các ngươi đến gần Ngài..., việc ấy há là nhỏ-mọn sao?” Không, đó không phải là ‘việc nhỏ-mọn’! Người Lê-vi được quá nhiều đặc ân rồi. Họ còn muốn thêm gì nữa? Những lời kế tiếp của Môi-se cho thấy rõ những ý tưởng trong lòng họ: “Các ngươi lại còn kiếm chức tế-lễ nữa sao?” * (Dân-số Ký 12:3; 16:9, 10) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã phản ứng thế nào trước sự phản nghịch chống lại uy quyền Ngài thiết lập?

Quan Xét của Y-sơ-ra-ên can thiệp

12. Việc Y-sơ-ra-ên tiếp tục có mối quan hệ tốt đẹp với Đức Chúa Trời tùy thuộc vào điều gì?

12 Khi ban Luật Pháp cho Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va nói với họ rằng nếu vâng lời họ sẽ trở thành “một dân-tộc thánh” và dân tộc sẽ tiếp tục thánh miễn là họ chấp nhận sự sắp đặt của Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6) Giờ đây, với sự phản nghịch công khai đang diễn ra, đã đến lúc để Quan Xét và Đấng Lập Luật của Y-sơ-ra-ên can thiệp! Môi-se nói với Cô-rê: “Ngày mai ngươi và toàn bè-đảng ngươi với A-rôn hãy ra mắt Đức Giê-hô-va. Mỗi người hãy lấy lư-hương mình bỏ hương ở trong, rồi mỗi người dâng lư-hương mình trước mặt Đức Giê-hô-va, tức là hai trăm năm mươi cái lư-hương. Ngươi và A-rôn, mỗi người cũng phải có lư-hương mình”.—Dân-số Ký 16:16, 17.

13. (a) Tại sao việc những kẻ phản nghịch dâng hương cho Đức Giê-hô-va là hành động kiêu ngạo? (b) Đức Giê-hô-va đã xử sự ra sao đối với những kẻ phản nghịch?

13 Theo Luật Pháp Đức Chúa Trời, chỉ có thầy tế lễ mới được dâng hương. Chỉ riêng ý tưởng một người Lê-vi không thuộc dòng thầy tế lễ dâng hương trước Đức Giê-hô-va thôi cũng đã phải làm cho những kẻ phản nghịch đó thức tỉnh rồi. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:7; Dân-số Ký 4:16) Nhưng Cô-rê và những kẻ ủng hộ ông đã không tỉnh ngộ! Ngày hôm sau, Cô-rê “hiệp cả hội-chúng nghịch lại Môi-se và A-rôn tại cửa hội-mạc”. Lời tường thuật cho biết: “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se và A-rôn rằng: Hãy tách khỏi giữa hội-chúng nầy, thì ta sẽ tiêu-diệt nó trong một lát”. Nhưng Môi-se và A-rôn đã xin tha mạng sống cho dân sự. Đức Giê-hô-va chấp nhận lời nài xin của họ. Còn về Cô-rê và đồng bọn thì “một ngọn lửa từ Đức Giê-hô-va lòe ra thiêu-hóa hai trăm năm mươi người đã dâng hương”.—Dân-số Ký 16:19-22, [Dân-số Ký 16:35]. *

14. Tại sao Đức Giê-hô-va hành động quyết liệt đối với hội chúng Y-sơ-ra-ên?

14 Điều đáng ngạc nhiên là tuy những người Y-sơ-ra-ên đã chứng kiến cách Đức Giê-hô-va xử sự với những kẻ phản nghịch, nhưng họ vẫn không học được bài học. “Ngày mai, cả hội dân Y-sơ-ra-ên lằm-bằm cùng Môi-se và A-rôn mà rằng: Hai người đã làm chết dân của Đức Giê-hô-va”. Dân Y-sơ-ra-ên đã đứng về phía những kẻ phản nghịch! Cuối cùng, Đức Giê-hô-va không còn kiên nhẫn nữa. Bây giờ không một ai—kể cả Môi-se hay A-rôn—có thể xin giùm cho dân sự. Đức Giê-hô-va đã giáng một tai vạ trên những kẻ bất tuân, “có mười bốn ngàn bảy trăm người chết vì tai-vạ nầy, trừ ra những kẻ đã bị chết vì cớ Cô-rê”.—Dân-số Ký 16:41-49.

15. (a) Lẽ ra dân Y-sơ-ra-ên phải sẵn sàng chấp nhận sự lãnh đạo của Môi-se và A-rôn vì những lý do nào? (b) Lời tường thuật này dạy bạn gì về Đức Giê-hô-va?

15 Nếu biết suy nghĩ, tất cả những người này đã không đến nỗi mất mạng. Họ có thể tự hỏi: ‘Ai đã liều mạng đến gặp Pha-ra-ôn? Ai đã đòi thả dân Y-sơ-ra-ên đi? Sau khi Y-sơ-ra-ên được giải phóng, ai là người duy nhất được mời lên Núi Hô-rếp để nói chuyện mặt giáp mặt với thiên sứ Đức Chúa Trời? Chắc chắn quá trình xuất sắc của Môi-se và A-rôn đã chứng tỏ lòng trung thành của họ đối với Đức Giê-hô-va và tình yêu thương của họ đối với dân sự. (Xuất Ê-díp-tô Ký 10:28; 19:24; 24:12-15) Đức Giê-hô-va không vui khi xử tử những kẻ phản nghịch. Tuy thế, khi dân sự vẫn ngoan cố trong sự phản nghịch, Ngài đã hành động quyết liệt. (Ê-xê-chi-ên 33:11) Tất cả những điều này có ý nghĩa quan trọng cho chúng ta ngày nay. Tại sao?

Nhận diện công cụ ngày nay

16. (a) Bằng chứng nào lẽ ra phải thuyết phục dân Do Thái thế kỷ thứ nhất rằng Chúa Giê-su là đại diện của Đức Giê-hô-va? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va thay thế chức tế lễ dòng Lê-vi, và thay thế bằng chức gì?

16 Ngày nay có một “nước” mới mà Đức Giê-hô-va là Quan Xét, Đấng Lập Luật và Vua vô hình của họ. (Ma-thi-ơ 21:43) “Nước” mới đó ra đời vào thế kỷ thứ nhất CN. Lúc này, đền tạm vào thời Môi-se đã được thay thế bằng một đền thờ tráng lệ ở Giê-ru-sa-lem, nơi những người Lê-vi vẫn còn thi hành bổn phận. (Lu-ca 1:5, 8, 9) Tuy nhiên, vào năm 29 CN một đền thờ khác, một đền thờ thiêng liêng, hình thành với Chúa Giê-su Christ là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. (Hê-bơ-rơ 9:9, 11) Câu hỏi về uy quyền do Đức Chúa Trời thiết lập một lần nữa được nêu lên. Ai được Đức Giê-hô-va dùng để lãnh đạo “nước” mới này? Chúa Giê-su đã chứng tỏ trung thành tuyệt đối với Đức Chúa Trời. Ngài yêu thương người ta. Ngài cũng làm nhiều phép lạ. Tuy nhiên, giống như tổ phụ cứng cổ của mình, đa số người Lê-vi từ chối chấp nhận Chúa Giê-su. (Ma-thi-ơ 26:63-68; Công-vụ 4:5, 6, 18; 5:17) Cuối cùng, Đức Giê-hô-va đã thay thế chức tế lễ dòng Lê-vi bằng một chức tế lễ hoàn toàn khác—một chức tế lễ kiêm nhà vua. Chức vụ này được duy trì cho đến ngày nay.

17. (a) Nhóm nào hợp thành thầy tế lễ kiêm nhà vua? (b) Ngày nay Đức Giê-hô-va dùng nhóm này như thế nào?

17 Ngày nay ai hợp thành lớp thầy tế lễ kiêm nhà vua này? Sứ đồ Phi-e-rơ trả lời câu hỏi này trong lá thư thứ nhất được soi dẫn của ông. Ông viết cho những thành viên xức dầu hợp thành thân thể của Đấng Christ như sau: “Anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao-giảng nhân-đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài”. (1 Phi-e-rơ 2:9) Những lời này cho thấy rõ là những môn đồ xức dầu của Chúa Giê-su, với tư cách một nhóm, hợp thành “thầy tế-lễ nhà vua” đó, cũng được Phi-e-rơ gọi là “dân thánh”. Họ hợp thành công cụ được Đức Giê-hô-va dùng để cung cấp sự dạy dỗ và hướng dẫn về thiêng liêng cho dân Ngài.—Ma-thi-ơ 24:45-47.

18. Có mối quan hệ nào giữa các trưởng lão được bổ nhiệm và lớp thầy tế lễ kiêm nhà vua?

18 Đại diện cho lớp thầy tế lễ kiêm nhà vua này là các trưởng lão được bổ nhiệm để phụng sự với các chức vụ có trách nhiệm trong hội thánh của dân Đức Giê-hô-va trên khắp đất. Những anh này đáng được chúng ta kính trọng và hết lòng ủng hộ dù họ có được xức dầu hay không. Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm họ vào những chức vụ đó bằng thánh linh Ngài. (Hê-bơ-rơ 13:7, 17) Như thế có nghĩa gì?

19. Các trưởng lão được thánh linh bổ nhiệm bằng cách nào?

19 Những trưởng lão này hội đủ điều kiện liệt kê nơi Lời Đức Chúa Trời, vốn là một sản phẩm của thánh linh. (1 Ti-mô-thê 3:1-7; Tít 1:5-9) Bởi thế có thể nói họ được thánh linh bổ nhiệm. (Công-vụ 20:28) Các trưởng lão phải biết rõ Lời Đức Chúa Trời. Giống như Quan Án Tối Cao đã bổ nhiệm họ, các trưởng lão cũng phải ghét bất cứ điều gì có vẻ thiên vị trong việc xét đoán.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17, 18.

20. Bạn quý trọng những gì nơi các trưởng lão chịu khó làm việc?

20 Thay vì thách thức thẩm quyền của họ, chúng ta thực sự quý trọng những trưởng lão làm việc khó nhọc! Quá trình phục vụ trung thành của họ, thường là nhiều thập niên, khiến chúng ta tin cậy họ. Họ trung thành chuẩn bị và hướng dẫn các buổi họp của hội thánh, sát cánh làm việc với chúng ta trong công việc rao giảng ‘tin-lành về Nước Trời’, và cung cấp lời khuyên dựa trên Kinh Thánh mỗi khi chúng ta cần. (Ma-thi-ơ 24:14; Hê-bơ-rơ 10:23, 25; 1 Phi-e-rơ 5:2) Họ thăm viếng khi chúng ta ốm đau, an ủi khi chúng ta buồn rầu. Họ ủng hộ quyền lợi Nước Trời một cách trung thành và bất vị kỷ. Thánh linh Đức Giê-hô-va ở trên họ và họ được Ngài chấp nhận.—Ga-la-ti 5:22, 23.

21. Các trưởng lão phải ý thức điều gì, và tại sao?

21 Dĩ nhiên, các trưởng lão không hoàn toàn. Ý thức được giới hạn của mình, họ không tìm cách cai trị bầy chiên là ‘phần cơ nghiệp của Đức Chúa Trời’. Trái lại, họ xem mình là ‘người đồng lao để anh em họ được vui mừng’. (1 Phi-e-rơ 5:3, Nguyễn Thế Thuấn; 2 Cô-rinh-tô 1:24, Bản Dịch Mới). Những trưởng lão khiêm nhường và chịu khó làm việc yêu mến Đức Giê-hô-va và biết rằng càng bắt chước Ngài bao nhiêu thì họ càng đem lại lợi ích cho hội thánh bấy nhiêu. Ghi nhớ điều này, họ không ngừng nỗ lực vun trồng các đức tính của Đức Chúa Trời như lòng yêu thương, trắc ẩn, và kiên nhẫn.

22. Việc ôn lại sự tường thuật về Cô-rê đã củng cố đức tin của bạn nơi tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va như thế nào?

22 Chúng ta sung sướng biết bao khi có Đức Giê-hô-va làm Đấng Cai Trị vô hình, Chúa Giê-su Christ làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, các thành viên xức dầu của lớp thầy tế lễ kiêm nhà vua làm người dạy dỗ, và các trưởng lão trung thành làm người khuyên bảo! Mặc dù không tổ chức nào do con người hướng dẫn lại có thể hoàn toàn, nhưng chúng ta vui mừng được phụng sự Đức Chúa Trời cùng với các anh em đồng đạo trung thành, sẵn sàng phục tùng uy quyền Đức Chúa Trời thiết lập!

[Chú thích]

^ đ. 8 Ê-lê-a-sa và Y-tha-ma, hai con trai khác của A-rôn, làm gương tốt trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.—Lê-vi Ký 10:6.

^ đ. 11 Đa-than, A-bi-ram, những kẻ đồng mưu với Cô-rê, là người Ru-bên. Vì là người Ru-bên, dường như họ không ham muốn chức tế lễ. Trong trường hợp này, họ bất bình vì sự lãnh đạo của Môi-se và vì tới lúc đó hy vọng vào Đất Hứa của họ vẫn chưa thành.—Dân-số Ký 16:12-14.

^ đ. 13 Vào thời các tộc trưởng, mỗi trưởng gia đình đại diện cho vợ con trước Đức Chúa Trời, ngay cả dâng của-lễ vì họ. (Sáng-thế Ký 8:20; 46:1; Gióp 1:5) Tuy nhiên, khi có Luật Pháp, Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm những người nam thuộc dòng A-rôn làm thầy tế lễ để dâng của-lễ. Hai trăm năm mươi kẻ phản nghịch dường như không sẵn sàng hợp tác với sự điều chỉnh thủ tục này.

Bạn học được gì?

• Đức Giê-hô-va đã lập ra những sắp đặt đầy yêu thương nào để chăm sóc dân Y-sơ-ra-ên?

• Tại sao sự phản nghịch của Cô-rê chống lại Môi-se và A-rôn không thể bào chữa được?

• Chúng ta học được bài học nào từ cách Đức Giê-hô-va xử sự với những kẻ phản nghịch?

• Bằng cách nào chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn về những sắp đặt của Đức Giê-hô-va ngày nay?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 9]

Bạn có xem bất cứ công việc nào trong thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va là một đặc ân không?

[Hình nơi trang 10]

“Vậy sao các ngươi tự cao trên hội-chúng của Đức Giê-hô-va?”

[Hình nơi trang 13]

Các trưởng lão được bổ nhiệm đại diện cho lớp thầy tế lễ kiêm nhà vua